BỘ TÀI CHÍNH ******* | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ******* |
Số: 11-TC/TT | Hà Nội, ngày 06 tháng 9 năm 1979 |
Căn cứ vào chỉ thị số 200-TTg ngày 30-5-1979 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức huấn luyện, đào tạo sĩ quan dự bị là học sinh tốt nghiệp năm 1979 trong các trường đại học;
Căn cứ vào quyết định số 228-TTg ngày 26-6-1979 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức một số đơn vị dự bị động viên và tập trung huấn luyện từ hai đến ba tháng;
Sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Quốc phòng và các Bộ, ngành có liên quan, Bộ Tài chính hướng dẫn việc cấp phát kinh phí chi tiêu trong thời gian tập trung huấn luyện như sau.
A. HUẤN LUYỆN TẬP TRUNG DO BỘ QUỐC PHÒNG TRỰC TIẾP TỔ CHỨC
I. VỀ LƯƠNG, SINH HOẠT PHÍ, HỌC BỔNG, PHỤ CẤP, TIÊU VẶT
1. Đối với cán bộ, công nhân, nhân viên Nhà nước:
a) Trong thời gian tập trung huấn luyện, cán bộ, công nhân, nhân viên Nhà nước được giữ nguyên lương và các khoản phụ cấp (nếu có), không hưởng chênh lệch phụ cấp khu vực và phụ cấp lưu trú.
Cán bộ, nhân viên thuộc các cơ quan hành chính sự nghiệp thuộc các ngành ở trung ương hoặc địa phương trực tiếp cử đi dự lớp huấn luyện tập trung thì các đơn vị đó có trách nhiệm trả lương và các khoản phụ cấp nói trên trong thời gian huấn luyện, tính vào quỹ lương hành chính sự nghiệp thuộc nguồn kinh phí do ngân sách trung ương hoặc ngân sách địa phương cấp phát.
Cán bộ, công nhân ở các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc các ngành trung ương hoặc địa phương quản lí đi dự lớp huấn luyện tập trung thì các cơ sở, xí nghiệp có trách nhiệm trả lương và các khoản phụ cấp nói trên trong thời gian học, khoản chi tiêu này được tính vào khoản chi về phục vụ chiến đấu và được coi như khoản chi hộ ngân sách Nhà nước (chi ngoài giá thành và phí lưu thông)
b) Trong thời gian tập trung huấn luyện, cán bộ, công nhân, nhân viên Nhà nước được hưởng mức ăn 0,70đồng/người/ngày. Nếu huấn luyện ở các quân chủng, binh chủng có mức ăn cao hơn 0,70đồng ngày thì được ăn theo mức ăn của quân chủng, binh chủng đó. Trong thời gian huấn luyện, học viên phải trả 0,60đồng/người/ngày, phần chênh lệch do ngân sách quốc phòng đài thọ. Các khoản chi tiêu vặt do học viên tự túc.
2. Đối với quân dự bị động viên thuộc khu vực nông thôn, đường phố (không thuộc biên chế Nhà nước).
a) Căn cứ theo nghị định số 62-CP ngày 07-4-1972 của Hội đồng Chính phủ và thông tư số 20-TT/LB ngày 13-12-1972 của liên Bộ Tài chính – Quốc phòng, quân dự bị động viên thuộc khu vực nông thôn, đường phố trong thời gian tập trung huấn luyện được bảo đảm ăn 0,70đồng/người/ngày, tiêu vặt 0,20đồng/người/ngày, và được ăn thêm trong những ngày lễ, ngày tết như đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ ở các đơn vị thường trực.
b) Đối với học viên là quân nhân dự bị I thuộc khu vực nông thôn, đường phố trong thời gian huấn luyện, ngoài sinh hoạt phí được hưởng như nói ở tiết A trên còn được một khoản tiền phụ cấp tiêu vặt hàng tháng theo cấp quân hàm cũ:
- Binh nhì, binh nhất 6 đồng/tháng
- Hạ sĩ quan 10 đồng/tháng
- Sĩ quan sơ cấp 15 đồng/tháng
- Sĩ quan trung cấp 20 đồng/tháng
c) Kinh phí bảo đảm các khoản chi tiêu nói trên cho quân dự bị động viên thuộc khu vực nông thôn, đường phố đi dự lớp huấn luyện tập trung này do ngân sách quốc phòng đài thọ.
3. Đối với quân dân dự bị động viên là học sinh trường đại học và trung học chuyên nghiệp (không thuộc diện đào tạo sĩ quan dự bị).
a) Học sinh các trường đại học và trung học chuyên nghiệp được cử đi dự lợp huấn luyện tập trung từ hai tháng đến ba tháng trong các đơn vị dự bị động viên theo quyết định số 228-TTg ngày 26-6-1979 của Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian học tập quân sự học sinh vẫn giữ được nguyên chế độ học bổng hoặc sinh hoạt phí hiện đang hưởng do các trường tiếp tục cấp phát.
b) Trong thời gian huấn luyện, học sinh hưởng học bổng được bảo đảm ăn 0,70đồng/người/ngày và được cấp phụ cấp tiêu vặt 0,20đồng/ngày. Học sinh nộp tiền ăn:
- Đối với loại có học bổng từ 18 đồng/tháng trở lên nộp 0,60đồng/ngày;
- Đối với loại có học bổng 16 đồng/tháng nộp 0,50đồng/ngày;
Phần chênh lệch do ngân sách quốc phòng đài thọ.
c) Đối với học sinh hưởng chế độ sinh hoạt phí, nếu mức sinh hoạt phí thấp hơn 27 đồng (21 đồng tiền ăn + 6 đồng tiêu vặt) thì cũng được bù cho bằng 27 đồng; nếu mức sinh hoạt phí từ 27 đồng trở lên thì học sinh cũng chỉ nộp tiền ăn 0,60 đồng/ngày và không được cấp phụ cấp tiêu vặt 0,20 đồng/ngày.
4. Đối với học sinh tốt nghiệp đại học.
a) Học sinh tốt nghiệp đại học năm 1979 tiếp tục ở lại trường tập quân sự ba tháng để đào tạo thành sĩ quan dự bị, được giữ nguyên chế độ học bổng hiện đang hưởng và các trường đại học tiếp tục trả, tính vào kinh phí đào tạo của trường do ngân sách Nhà nước cấp phát.
b) Trong thời gian huấn luyện, học sinh được hưởng sinh hoạt phí tương đương như học sinh các trường sĩ quan sơ cấp trong quân đội do Bộ Quốc phòng hướng dẫn cụ thể. Học sinh nộp tiền ăn thống nhất 0,60 đồng/người/ngày, phần chênh lệch do ngân sách quốc phòng đài thọ. Ngoài ra học sinh còn được cấp tiền tiêu vặt 12 đồng/tháng.
II. VỀ CÁC KHOẢN CHI TIÊU KHÁC
1. Cán bộ, công nhân, nhân viên Nhà nước, quân dự bị động viên thuộc khu vực nông thôn, đường phố đi dự lớp huấn luyện tập trung được thanh toán tiền tàu xe, tiền phụ cấp đi đường theo chế độ hiện hành (kể cả lượt đi và lượt về từ nơi xuất phát đến địa điểm tập trung và ngược lại), kinh phí cấp phát để thanh toán các khoản này do ngân sách quốc phòng bảo đảm.
2. Cán bộ, công nhân, nhân viên Nhà nước, quân dự bị động viên thuộc khu vực nông thôn, đường phố trong thời gian huấn luyện tập trung dài ngày từ hai tháng trở lên được mượn một số quân trang, quân dụng tùy theo khả năng của Bộ Quốc phòng và do Bộ Quốc phòng hướng dẫn cụ thể.
3. Chế độ điều trị khi ốm đau hoặc bị thương trong luyện tập:
a) Quân dự bị động viên trong thời gian tập trung huấn luyện bị ốm đau hoặc bị thương nếu phải đi điều trị thì đưa vào các bệnh viện dân y, tiền ăn 0,70 đồng/ngày và phụ cấp tiêu vặt do đơn vị huấn luyện cấp phát, tiền bồi dưỡng thuốc men do bệnh viện dân y đài thọ. Trường hợp hết thời gian huấn luyện mà bệnh nhân vẫn chưa ra viện, thì đơn vị huấn luyện bàn giao hẳn cho bệnh viện để bệnh viện bảo đảm theo đúng chính sách của Nhà nước đối với cán bộ, công nhân viên Nhà nước hay nhân dân đi điều trị.
b) Trường hợp cấp cứu thì đưa vào bệnh viện gần nhất (có thể là bệnh viện dân y hay bệnh viện quân y). Trong thời gian điều trị ở bệnh viện quân y, quân dự bị động viên được ăn theo bệnh lý và nộp tiền ăn 0,60 đồng/ngày, tiền phụ cấp tiêu vặt do đơn vị huấn luyện cấp phát. Trường hơp phải điều trị lâu dài quá thời gian huấn luyện thì chuyển sang bệnh viện dân y và cũng được bảo đảm như tiết a nói trên.
4. Mọi khoản chi tiêu cần thiết khác trong thời gian huấn luyện đều do ngân sách quốc phòng đảm bảo theo đúng chế độ quy định của Nhà nước.
B. HUẤN LUYỆN TẬP TRUNG DO CÁC ĐỊA PHƯƠNG TRỰC TIẾP TỔ CHỨC
Ngoài việc tập trung huấn luyện do Bộ Quốc phòng trực tiếp tổ chức theo quyết định số 228-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh, thành phố còn phải tiến hành huấn luyện quân dự bị động viên rộng rãi theo thời gian nghĩa vụ quy định dưới sự chỉ đạo thống nhất của Bộ Quốc phòng. Việc chỉ tiêu và bảo đảm kinh phí cho các lớp huấn luyện này áp dụng theo nguyên tắc như đã nói ở phần A:
- Đối với dân quân tự vệ, quân nhân dự bị là cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước thì vận dụng theo điểm 1, mục I, phần A; nhưng khoản chênh lệch về tiền ăn do ngân sách địa phương đài thọ;
- Đối với dân quân tự vệ, quân nhân dự bị thuộc khu vực nông thôn, đường phố thì vận dụng theo tiết a, điểm 2, mục I, phần A. Kinh phí bảo đảm do ngân sách địa phương đài thọ;
- Đối với quân nhân dự bị thuộc khu vực nông thôn, đường phố thì vận dụng theo tiết b, điểm 2, mục I, phần A;
- Đối với dân quân tự vệ, quân nhân dự bị là học sinh đại học và trung học chuyên nghiệp thì vận dụng theo điểm 3, mục I, phần A. Phần chênh lệch nói ở tiết B, C do ngân sách địa phương đài thọ.
Mọi khoản chi tiêu cần thiết cho việc mở lớp huấn luyện quân dự bị ở các địa phương do ngân sách địa phương đài thọ. Phần lương và phụ cấp lương của các cán bộ, công nhân, nhân viên Nhà nước trong thời gian huấn luyện đã được ngân sách Nhà nước gánh chịu (cơ quan hành chính sự nghiệp và các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc trung ương thì ngân sách trung ương gánh chịu, thuộc địa phương thì ngân sách địa phương gánh chịu).
Trong khi thực hiện thông tư này có gì khó khăn trở ngại cần kịp thời phản ánh cho Bộ Tài chính và Bộ Quốc phòng biết để giải quyết.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH |
- 1Quyết định 228-TTg năm 1979 về việc tổ chức đơn vị dự bị động viên tập trung huấn luyện do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Thông tư liên bộ 20-TT-LB năm 1972 hướng dẫn về chế độ đãi ngộ dân quân tự vệ, quân nhân dự bị trong huấn luyện quân sự, chiến đấu và phục vụ chiến đấu do Bộ Tài chính - Bộ Quốc phòng ban hành
- 3Chỉ thị 200-TTg về tổ chức huấn luyện, đào tạo sĩ quan dự bị trong học sinh các trường đại học tốt nghiệp năm 1979 do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Thông tư 11-TC/TT-1979 hướng dẫn quản lý và cấp phát kinh phí huấn luyện, đào tạo sĩ quan dự bị và tổ chức đơn vị dự bị động viên do Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 11-TC/TT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 06/09/1979
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Đào Thiện Thi
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 18
- Ngày hiệu lực: 21/09/1979
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định