Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH

VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 11-TBXH

Hà Nội, ngày 25 tháng 9 năm 1982

THÔNG TƯ

BỘ THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 11-TBXH NGÀY 25 THÁNG 9 NĂM 1982 HƯỚNG DẪN TÍNH TRỢ CẤP THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 134-HĐBT VÀ QUYẾT ĐỊNH SỐ 135-HĐBT NGÀY 17-8-1982 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Ngày 17 tháng 8 năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 134-HĐBT và Quyết định số 135-HĐBT đưa phụ cấp lương tạm thời theo Quyết định số 219-CP ngày 29-5-1981 của Hội đồng Chính phủ vào lương chính hiện nay thành lương chính mới và phụ cấp thêm 10 đồng một người một tháng vào sinh hoạt phí hiện nay của hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội.

Bộ Thương binh và xã hội hướng dẫn việc tính trợ cấp theo lương chính mới và sinh hoạt phí mới cho những người hưởng trợ cấp do ngành thương binh xã hội quản lý như sau.

I. TÍNH TRỢ CẤP CHO NHỮNG NGƯỜI HƯỞNG TRỢ CẤP TỪ NGÀY 1 THÁNG 8 NĂM 1982 TRỞ VỀ SAU

1. Những người bắt đầu hưởng từ ngày 1 tháng 8 năm 1982 về sau các loại trợ cấp sau đây, thì trợ cấp được tính trên lương chính mới hoặc sinh hoạt phí mới và không hưởng phụ cấp tạm thời theo Quyết định số 219-CP, Thông tư hướng dẫn số 18-TBXH ngày 6-6-1981 và Quyết định số 105-HĐBT ngày 25-6-1982, Thông tư hướng dẫn số 7-TBXH ngày 16-7-1982.

- Trợ cấp hưu trí, trợ cấp mất sức lao động (kể cả trợ cấp của người thôi việc vì tai nạn lao động, vì bệnh nghề nghiệp).

- Trợ cấp thương tật một lần của người hưởng lương hoặc sinh hoạt phí, trợ cấp thương tật hàng tháng của người hưởng lương sau khi chữa lành vết thương ra viện từ ngày 1 tháng 8 năm 1982 về sau.

- Trợ cấp bệnh binh hàng tháng, trợ cấp phục viên hàng tháng của quân nhân hưởng lương.

- Trợ cấp tuất của liệt sĩ là người hưởng lương hoặc sinh hoạt phí hi sinh từ ngày 1 tháng 8 năm 1982 về sau; trợ cấp tuất của công nhân, viến chức, quân nhân chết từ ngày 1 tháng 8 năm 1982 về sau.

Còn những người hưởng một loại trợ cấp hàng tháng bằng một khoản tiền ấn định sau đây thì không thuộc diện tính tợ cấp trên lương chính mới hoặc sinh hoạt phí mới mà vẫn hưởng như hiện nay:

- Trợ cấp hưu trí bằng một khoản tiền ấn định theo Thông tư số 11-NV ngày 20-9-1966 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Thương binh và xã hội).

- Trợ cấp tuất từ trần bằng một khoản tiền ấn định theo Nghị định số 10-CP ngày 18-6-1976 của Hội đồng Chính phủ.

- Trợ cấp tuất của liệt sĩ là người không hưởng lương hoặc sinh hoạt phí.

- Trợ cấp thương tật, trợ cấp bệnh binh, trợ cấp phục viên theo Điều 6 của Quyết định số 21-HĐBT ngày 8-8-1981.

- Trợ cấp theo Quyết định số 206-CP ngày 30-5-1979 và Quyết định số 174-CP ngày 4-6-1980 của Hội đồng Chính phủ.

2. Để tương ứng với trợ cấp được tính trên lương chính mới hoặc sinh hoạt phí mới, nay tăng gấp đôi các khoản sau đây:

a) Đối với trợ cấp tuất các khoản 9 đồng, 12 đồng, 15 đồng của định suất tuất từ trần hàng tháng và 10 đồng, 15 đồng, 18 đồng của định suất tuất liệt sĩ hàng tháng .

- Khoản 35 đồng chi tiêu cần thiết dành cho bản thân của những người trong gia đình đang công tác hoặc về hưu, về nghỉ việc vì mất sức lao động có trợ cấp hàng tháng.

- Các khoản 18 đồng, 20 đồng, 22 đồng mức bình quân thu nhập thấp theo đầu người để xét trợ cấp tuất hàng tháng.

b) Đối với trợ cấp hưu trí, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thương tật:

- Khoản 35 đồng, mức tối thiểu của trợ cấp hưu trí hàng tháng.

- Khoản 25 đồng, mức tối thiểu của trợ cấp mất sức lao động hàng tháng và trợ cấp thương tật hàng tháng của thương binh hạng 5/8 trở lên về gia đình.

- 10 đồng/tháng và 12 đồng/tháng, mức tối thiểu của trợ cấp vì cần người phục vụ của thương binh hạng 6, hạng 7 và hạng 8.

3. Một số điểm chú ý:

a) Đối với người về hưu hoặc nghỉ việc vì mất sức lao động (kể cả người thôi việc vì tai nạn lao động, vì bệnh nghề nghiệp) nếu có phụ cấp khu vực và các khoản ưu đãi thì trợ cấp hàng tháng được tính như sau:

- Trợ cấp chính, trợ cấp ưu đãi, trợ cấp thêm 5%, trợ cấp vì tàn phế cần người phục vụ được tính trên lương chính mới cộng với phụ cấp khu vực theo lương chính mới.

- Trợ cấp vì thương binh có hành động dũng cảm, trợ cấp theo Điều 6 của Quyết định số 21-HĐBT (ký hiệu 21/178) và theo điều 1, điểm 2 của Quyết định số 106-HĐBT ngày 28-6-1982 chỉ tính trên lương chính mới.

Các mức khống chế của trợ cấp tính trên lương chính mới (92,25 đồng/tháng; 172,5 đồng/tháng; 242,25 đồng/tháng) vẫn theo đúng quy định tại Thông tư số 18-TBXH ngày 6-6-1981 và Công văn số 712-TBXH ngày 20-6-1981 của Bộ Thương binh và xã hội.

b) Trợ cấp thương tật hàng tháng tính trên lương chính mới gồm cả trợ cấp vì cần người phục vụ và trợ cấp vì có hành động dũng cảm, nếu có.

c) Những người bắt đầu hưởng trợ cấp từ ngày 1 tháng 8 năm 1982 thuộc diện tính trợ cấp trên lương chính mới hoặc sinh hoạt phí mới nhưng đến nay chưa được hưởng đúng thì được tính lại từ ngày 1 tháng 8 năm 1982.

d) Đối với người hy sinh trước ngày 1-8-1982 hoặc người bị thương rồi ra viện trước ngày 1-8-1982 nay mới được xác nhận là liệt sĩ hoặc thương binh thì tuỳ theo ngày hy sinh và ngày ra viện mà áp dụng chế độ trợ cấp đã quy định cho từng thời kỳ trước đây, không áp dụng theo Quyết định số 134-HĐBT và 135 -HĐBT ngày 17-8-1982. Riêng trường hợp người được xác nhận là thương binh được hưởng lương từ hạng 5/8 trở lên thì từ ngày 1 tháng 8 năm 1982 được tính trợ cấp hàng tháng trên lương chính mới như những người sẽ nói ở điểm 2, phần II dưới đây.

II. CHỈNH LẠI TRỢ CẤP CHO NGƯỜI VỀ HƯU, VỀ NGHỈ VỀ MẤT SỨC LAO ĐỘNG VÀ THƯƠNG BINH HƯỞNG LƯƠNG TỪ HẠNG 5/8 TRỞ LÊN, HƯỞNG TRỢ CẤP HÀNG THÁNG TỪ NGÀY 31-7-1982 VỀ TRƯỚC

1. Người về hưu, về nghỉ việc vì mất sức lao động (kể cả người hưởng trợ cấp thôi việc vì tai nạn lao động từ hạng 6/8 trở lên hoặc vì bệnh nghề nghiệp từ hạng 5/7 trở lên), nếu có phụ cấp khu vực thì phụ cấp khu vực được tính lại trên cơ sở lương chính cũ cộng với phụ cấp lương tạm thời theo Quyết định số 219-CP ngày 29-5-1981.

Các loại trợ cấp chính, trợ cấp ưu đãi, trợ cấp thêm 5%, trợ cấp vì tàn phế cần người phục vụ được tính lại trên cơ sở lương chính cũ cộng với phụ cấp lương tạm thời theo Quyết định số 219-CP và phụ cấp khu vực mới được tính lại.

2. Thương binh và người hưởng chính sách như thương binh từ hạng 5/8 trở lên, có mức lương chính cũ dưới 115 đồng, được chỉnh trợ cấp thương tật hàng tháng (gồm cả trợ cấp vì cần người phục vụ và trợ cấp vì có hành động dũng cảm nếu có) trên cơ sở lương chính cũ cộng với phụ cấp lương tạm thời theo Quyết định số 219-CP.

3. Việc điều chỉnh trợ cấp cho những người nói ở điểm 1 và 2 trên đây được thực hiện từ ngày 1 tháng 8 năm 1982 về sau.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN VIỆC TÍNH TRỢ CẤP THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 134-HĐBT VÀ QUYẾT ĐỊNH SỐ 135-HĐBT

1. Danh sách những người được điều chỉnh trợ cấp theo Quyết định số 134-HĐBT và Quyết định số 135-HĐBT nói tại phần II của Thông tư này phải được lập tại phòng thương binh và xã hội quận, huyện, được đối chiếu khớp đúng với hồ sơ lưu tại Sở, Ty và phải do thủ trưởng Sở, Ty thương binh và xã hội duyệt và ký (thay quyết định điều chỉnh trợ cấp) rồi mới được dùng các bản đó làm căn cứ để lập giấy báo điều chỉnh trợ cấp và ghi tăng vào phiếu lĩnh trợ cấp của mỗi người. Việc điều chỉnh trợ cấp cho thương binh đủ điều kiện được điều chỉnh trong các cơ sở điều dưỡng của Bộ và của tỉnh sẽ có hướng dẫn riêng.

Khoản tăng tiền trợ cấp thuộc các tháng 9, 10, 11, 12 năm 1982 thực hiện theo thể thức trả trợ cấp một lần để chi trả cho người hưởng, chậm nhất vào tháng 12 năm 1982; từ quý I năm 1983 trở đi khoản tăng tiền trợ cấp được chi trả theo thể thức trả trợ cấp hàng tháng.

2. Trường hợp những người được điều chỉnh trợ cấp theo Quyết định số 134-HĐBT và Quyết định số 135-HĐBT được cấp giấy di chuyển từ ngày 31 tháng 10 năm 1982 trở về trước nếu chưa được hưởng trợ cấp theo Quyết định số 134-HĐBT và Quyết định số 135-HĐBT thì Ty, Sở nơi đối tượng đến có trách nhiệm giải quyết.

Những người được cấp giấy di chuyển từ ngày 1 tháng 11 năm 1982 trở về sau thì Ty, Sở nơi đối tượng đi phải giải quyết trả xong khoản tăng tiền trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 134-HĐBT và số 135-HĐBT thuộc các tháng trợ cấp mà người đó đã lĩnh tại nơi đi (bao gồm cả các tháng trợ cấp lần đầu).

3. Đối với những người mới nghỉ việc và hưởng trợ cấp hưu trí hoặc trợ cấp mất sức lao động hàng tháng từ tháng 8 năm 1982, được Bộ cấp sổ trợ cấp, ký từ ngày 31-10-1982 trở về trước thì Ty, Sở nơi đối tượng đến cư trú, ngoài việc cấp phiếu lĩnh tiền trợ cấp hàng tháng tính theo lương chính mới, còn phải trả thêm khoản tăng trợ cấp theo lương chính mới của các tháng trợ cấp lần đầu và quý đầu mà chế độ quy định cho người đó được hưởng.

Còn những người được Bộ cấp sổ trợ cấp, ký từ ngày 1-11-1982 trở về sau thì khoản tăng thêm tiền trợ cấp theo lương chính mới thuộc các tháng trợ cấp lần đầu và quý đầu đều do Bộ trả.

Việc tính trả trợ cấp theo Quyết định số 134-HĐBT và Quyết định số 135-HĐBT là một công tác phải có nhiều thời gian và đòi hỏi phải làm tỷ mỷ, cẩn thận. Để triển khai thực hiện tốt, các Sở, Ty cần rút kinh nghiệm việc tính trả trợ cấp theo Quyết định số 219-CP, cần kết hợp tốt với việc tính trả trợ cấp theo Quyết định số 105-HĐBT và số 106-HĐBT. Cố gắng làm chính xác, đúng thời gian quy định và không gây phiền hà cho đối tượng; không ảnh hưởng đến nền nếp trả trợ cấp "tận tay, đủ số, đúng kỳ". Phải có kế hoạch phổ biến đến những người hưởng chính sách và phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan ngân hàng các cấp.

Căn cứ Thông tư này, Vụ kế hoạch và tài vụ của Bộ Thương binh và xã hội hướng dẫn cụ thể các thủ tục tính trả trợ cấp.

Nguyễn Kiện

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 11-TBXH-1982 hướng dẫn tính trợ cấp theo QĐ 134-HĐBT và QĐ 135-HĐBT năm 1982 đưa phụ cấp lương tạm thời theo QĐ 219-CP-1981 vào lương chính hiện nay thành lương chính mới và phụ cấp thêm 10 đồng một người một tháng vào sinh hoạt phí hiện nay của hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội do Bộ Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 11-TBXH
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 25/09/1982
  • Nơi ban hành: Bộ Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Nguyễn Kiện
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 21
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản