Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 11-LĐ/TT

Hà Nội, ngày 16 tháng 05 năm 1960

THÔNG TƯ

BỔ SUNG THÔNG TƯ SỐ 17-LĐ/CTXH NGÀY 19/08/1959 QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ BỒI DƯỠNG THUỐC MEN KHI ĐAU ỐM CHO CÁN BỘ VÀ ĐỒNG BÀO MIỀN NAM AN DƯỠNG PHÂN TÁN

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG

Kính gửi:

- Các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh
- Ủy ban hành chính khu vực Vĩnh Linh

Ngày 19/08/1959 Bộ đã căn cứ chỉ thị số 1000-TTg ngày 09 tháng 08 năm 1956 của Thủ tướng phủ, ra thông tư số 17-LĐ/CTXH quy định chế độ đau ốm cho cán bộ và đồng bào miền Nam đi an dưỡng phân tán.

Qua quá trình thực hiện Bộ nhận thấy:

- Trong thông tư nói trên chỉ mới quy định chế độ thuốc men và bồi dưỡng, chưa nói đến những chi phí về tàu xe cho bệnh nhân khi phải đi bệnh viện điều trị.

- Trường hợp bệnh viện không có điều kiện thu nhận vào bệnh viện mà phải cho chữa ngoại trú cũng chưa được đề cập đến.

Do đó đã gây ra một số khó khăn cho địa phương:

Những người ở xa bệnh viện không có tiền tàu xe không thể đi chữa bệnh được. Trường hợp phải chữa ngoại trú không biết lấy đâu để thanh toán tiền trọ.

Để giải quyết những khó khăn nói trên, Bộ bổ sung vào thông tư số 17-TT/CTXH ngày 19/08/1956 mấy điểm sau đây:

1. Đối với cán bộ, đồng bào miền Nam an dưỡng phân tán ở các địa phương (Tập đoàn sản xuất hoặc dựa vào dân không phân biệt chế độ 25đ00 hay 22đ00), khi bị đau ốm nặng hoặc phải cấp cứu cần phải đi bệnh viện thì địa phương chú ý giúp đỡ mọi phương tiện để đưa đi.

Các khoản chi phí về thuê mượn người đưa bệnh nhân đi hoặc tiền tàu xe từ chỗ ở bệnh nhân đến bệnh viện tỉnh đều do công quỹ đài thọ.

Khi ra viện, nếu thấy bệnh nhân còn yếu hoặc vì đường xa được trợ cấp tiền tàu xe về.

Trường hợp bệnh viện tỉnh không đủ khả năng điều trị mà phải gửi đi bệnh viện trung ương thì bệnh nhân cũng được đài thọ tiền tàu xe cả đi và về. Lần đi do Ủy ban hành chính cấp tỉnh cấp, còn lần về (xuất viện) thì do các bệnh viện ở trung ương cấp rồi trực tiếp thanh toán với Ủy ban hành chính tỉnh đã giới thiệu bệnh nhân đến.

2. Trường hợp bệnh viện không đủ điều kiện thu nhận bệnh nhân vào điều trị mà cho chữa ngoại trú thì:

- Bệnh nhân ở địa phương nào (tỉnh, thành phố) thì do Ủy ban hành chính địa phương đó sắp xếp chỗ cho bệnh nhân ở để hàng ngày bệnh nhân có điều kiện đến bệnh viện điều trị.

- Những bệnh nhân từ các địa phương về các bệnh viện trung ương để chữa mà phải ở ngoài, hàng ngày đến bệnh viện điều trị, thì được trợ cấp tiền trọ mỗi ngày 0đ30. Tiền trọ chỉ được cấp khi có giấy của bệnh viên chứng nhận không đủ chỗ thu nhận và đề nghị cho bệnh nhân điều trị ngoại trú.

Nhưng để tránh khó khăn cho bệnh nhân và để việc điều trị có kết quả tốt, bệnh viện nên cố gắng thu xếp thu nhận bệnh nhân vào bệnh viện.

3. Trường hợp phải chữa ngoại trú được coi như điều trị tại bệnh viện, các khoản thuốc men, bồi dưỡng nếu có, đều do công quỹ đài thọ.

4. Các khoản trợ cấp nói trên đều do quỹ cứu tế xã hội địa phương đài thọ.

Trên đây là mấy điểm cụ thể bổ sung cho thông tư số 17-TT/CTXH ngày 19-08-1959, đề nghị Ủy ban hành chính các địa phương nghiên cứu và phổ biến cho cán bộ và đồng bào miền Nam an dưỡng ở địa phương biết để chấp hành cho đúng.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Minh Hiển

.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 11-LĐ/TT năm 1960 bổ sung Thông tư 17-LĐ/CTXH quy định chế độ bồi dưỡng thuốc men khi đau ốm cho cán bộ và đồng bào miền Nam an dưỡng phân tán do Bộ Lao động ban hành

  • Số hiệu: 11-LĐ/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 16/05/1960
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động
  • Người ký: Lê Minh Hiển
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 28
  • Ngày hiệu lực: 31/05/1960
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản