Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 11-BYT/TT

Hà Nội, ngày 17 tháng 9 năm 1992

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ SỐ 11-BYT/TT NGÀY 17 THÁNG 9 NĂM 1992 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 299/HĐBT NGÀY 15/8/1992 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG VỀ HỆ THỐNG TỔ CHỨC CỦA BẢO HIỂM Y TẾ VIỆT NAM, TỪ TRUNG ƯƠNG ĐẾN ĐỊA PHƯƠNG VÀ CÁC NGÀNH

Căn cứ Nghị định số 229/HĐBT ngày 15/8/1992 của Hội đồng Bộ trưởng về việc ban hành Điều lệ Bảo hiểm Y tế.
Căn cứ Quyết định số 935/BYT-QĐ ngày 1/9/1992 của ông Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tổ chức triển khai Nghị định số 229/HĐBT ngày 15/8/1992 của Hội đồng Bộ trưởng về việc ban hành Điều lệ Bảo hiểm Y tế.
Để có cơ sở cho các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện, Bộ Y tế hướng dẫn về hệ thống tổ chức các cơ quan Bảo hiểm Y tế Việt nam, từ Trung ương đến địa phương và các ngành như sau:

1. Về mặt quản lý Nhà nước: Vụ quản lý sức khoẻ của Bộ Y tế là đầu mối, chịu trách nhiệm làm tham mưu giúp cho Bộ trưởng Bộ Y tế về lĩnh vực bảo hiểm y tế.

2. Về nghiệp vụ chuyên môn:

2.1. Trung ương:

a) Thành lập Bảo hiểm y tế Việt Nam, trực thuộc Bộ Y tế .

b) Thành lập các chi nhánh Bảo hiểm y tế Việt Nam trực thuộc Bảo hiểm y tế Việt Nam khi cần thiết để tổ chức khai thác, quản lý Bảo hiểm y tế của các cơ quan Trung ương ở xa Bảo hiểm y tế Việt Nam, trước mắt thành lập chi nhánh Bảo hiểm y tế Việt Nam ở thành phố Hồ Chí Minh.

2.2. Địa phương:

a) Mỗi tỉnh thành phố: thành lập Bảo hiểm y tế tỉnh, thành phố, trực thuộc giám đốc Sở Y tế tỉnh hoặc thành phố.

b) Mỗi huyện, quận và thị xã: nếu đủ điều kiện thì thành lập chi nhánh Bảo hiểm y tế huyện, quận, thị xã , trực thuộc giám đốc Bảo hiểm y tế tỉnh, thành phố.

c) Các xã, phường: Có thể thành lập các đại lý Bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế xã phường, trực thuộc chi nhánh Bảo hiểm y tế huyện, quận.

2.3. Các ngành: Ngành nào có đủ điều kiện thì làm mọi thủ tục cần thiết gửi về Bô Y tế , xin thành lập Bảo hiểm y tế ngành. Bảo hiểm y tế ngành nào trực thuộc y tế ngành đó.

2.4. Các tổ chức Bảo hiểm y tế tỉnh, thành phố và và Bảo hiểm y tế ngành nghề trực thuộc Bảo hiểm y tế Việt Nam về chuyên môn nghiệp vụ.

3. Bộ Y tế thành lập Hội đồng quản trị Bảo hiểm y tế để giám sát mọi hoạt động của Bảo hiểm y tế Việt Nam.

3.1. Thành phần Hội đồng quản trị Bảo hiểm y tế Việt Nam.

- Chủ tịch Hội đồng quản trị Bảo hiểm y tế Việt Nam do một thứ trưởng Bộ Y tế phụ trách:

- Vụ trưởng Vụ QLSK Bộ Y tế Phó chủ tịch

- Vụ trưởng Vụ TCLĐ Bộ Y tế Uỷ viên

- Vụ trưởng Vụ TCKT Bộ Y tế Uỷ viên

- Đại diện Tổng Liên đoàn LĐVN Uỷ viên

- Đại diện Bộ Tài chính Uỷ viên

- Đại diện Bộ Lao động và TBXH Uỷ viên

- Giám đốc Bảo hiểm y tế Việt Nam Uỷ viên

- Đại diện các Bệnh viện loại I và đại diện các

Viện có giường bệnh loại I ở Hà Nội Uỷ viên

- Đại diện một số doanh nghiệp lớn do

Bảo hiểm y tế Việt Nam khai thác Uỷ viên

3.2. Nhiệm vụ của Hội đồng quản trị Bảo hiểm y tế Việt Nam.

- Tổ chức kiểm tra và giám sát việc sử dụng quỹ Bảo hiểm y tế theo đúng những quy định hiện hành.

- Xem xét sự phát triển và hiệu quả của sự hoạt động khai thác của Bảo hiểm y tế Việt Nam.

- Kiến nghị để xử lý các tranh chấp về Bảo hiểm y tế.

- Quyết định các tỷ lệ điều hoà việc sử dụng quỹ Bảo hiểm y tế trong cả nước.

- Nghiên cứu đề xuất và trình Bộ trưởng về mức độ đóng Bảo hiểm y tế, mức hưởng trợ cấp Bảo hiểm y tế cho các đối tượng tham gia Bảo hiểm tự nguyện, và các cơ sở mà Bảo hiểm y tế Việt Nam khai thác.

- Tham gia vào việc bỏ phiếu tín nhiệm để bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm giám đốc Bảo hiểm y tế Việt Nam

3.3. Nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị Bảo hiểm y tế Việt Nam.

- Nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị là 3 năm.

- Hội đồng quản trị họp thường kỳ mỗi năm 2 lần.

- Khi có quá 1/2 số thành viên yêu cầu thì họp hội nghị bất thường.

4. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, thành lập Hội đồng quản trị Bảo hiểm y tế tỉnh, thành phố để giám sát các hoạt động của Bảo hiểm y tế địa phương.

4.1. Thành phần của Hội đồng quản trị Bảo hiểm y tế tỉnh thành phố (như Điều lệ của Nghị định số 299/HĐBT ngày 15/08/1992 của Hội đồng Bộ trưởng).

- Chủ tịch Hội đồng quản trị tỉnh, thành phố, do một Phó chủ tịch UBND tỉnh hoặc thành phố phụ trách.

- 1/3 số thành viên do chính quyền cùng cấp cử ra gồm đại diện các ngành Tài chính, lao động và y tế.

- 1/3 số thành viên là đại diện của cơ quan Doanh nghiệp có tỷ trọng đóng Bảo hiểm y tế cao trong địa phương.

- 1/3 số thành viên đại diện cho người lao động đóng Bảo hiểm y tế, do Liên đoàn lao động tỉnh hoặc thành phố đề cử tham gia.

4.2. Nhiệm vụ của Hội đồng quản trị Bảo hiểm y tế tỉnh, thành phố.

- Kiểm tra, giám sát việc sử dụng quỹ Bảo hiểm y tế theo đúng điều lệ Bảo hiểm y tế và sự phát triển sự nghiệp Bảo hiểm y tế ở địa phương.

- Xử lý các tranh chấp về Bảo hiểm y tế thuộc địa phương.

- Quyết định các tỷ lệ điều hoà việc sử dụng quỹ Bảo hiểm y tế trên địa bàn lãnh thổ theo từng thời gian.

- Quyết định mức đóng, mức hưởng trợ cấp Bảo hiểm y tế cho từng đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế tự nguyện ở địa phương từng thời gian cho phù hợp với tình hình kinh tế xã hội và bảo đảm an toàn quỹ.

- Tham gia đề cử Giám đốc Bảo hiểm y tế tỉnh thành phố, cũng như việc miễn nhiệm Giám đốc Bảo hiểm y tế tỉnh thành phố.

4.3. Nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị Bảo hiểm y tế tỉnh, thành phố.

- Nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị là 1 năm.

- Hội đồng quản trị họp thường kỳ mỗi quý một lần.

- Khi có quá 1/2 số thành viên yêu cầu thì họp hội nghị bất thường.

5. Cơ cấu bộ máy và biên chế:

5.1. Cơ cấu bộ máy và biên chế của Bảo hiểm y tế Việt Nam.

a) Lãnh đạo:

- Có 1 Giám đốc và từ 1 đến 2 Phó giám đốc giúp việc cho Giám đốc.

- Có 1 kế toán trưởng.

b) Bộ phận văn phòng:

- Có một số chuyên viên giúp việc, trước mắt chưa nên hình thành các tổ chức phòng ban.

c) Biên chế:

- Do Giám đôc Bảo hiểm y tế Việt Nam nghiên cứu nội dung công việc quản lý mà đề xuất để Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt.

5.2. Cơ cấu bộ máy và biên chế Bảo hiểm y tế tỉnh và thành phố.

a) Lãnh đạo:

- Có 1 Giám đốc và 1 Phó giám đốc giúp việc cho Giám đốc.

- Có 1 kế toán trưởng.

b) Bộ phận văn phòng:

- Có một số chuyên viên giúp việc.

c) Biên chế:

- Do Giám đốc Bảo hiểm y tế tỉnh thành phố nghiên cứu nội dung công việc quản lý mà đề xuất để cấp có thẩm quyền phê duyệt.

5.3. Cơ cấu bộ máy và biên chế của Bảo hiểm y tế ngành do Giám đốc Bảo hiểm y tế ngành, nghiên cứu quy mô khai thác mà đề xuất với lãnh đạo ngành sao cho phù hợp.

6. Ngành nào đủ điều kiện thành lập Bảo hiểm y tế ngành, phải thành lập Hội đồng quản trị Bảo hiểm y tế ngành, thành phần và nhiệm vụ của Hội đồng quản trị này tương tự Hội đồng quản trị Bảo hiểm y tế Việt Nam.

Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các ngành thấy có điều gì khó khăn hoặc có vấn đề gì chưa rõ thì báo cáo về Bộ Y tế (Vụ Quản lý sức khoẻ và Bảo hiểm y tế Việt Nam) để Bộ xem xét và giải quyết

Phạm Song

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 11-BYT/TT năm 1992 hướng dẫn Nghị định 299/HĐBT năm 1992 về hệ thống tổ chức của Bảo hiểm y tế Việt Nam, từ Trung ương đến địa phương và các ngành do Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 11-BYT/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 17/09/1992
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Phạm Song
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/10/1992
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản