Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 11/2006/TT-BTNMT

Hà Nội, ngày 20 tháng 12 năm 2006

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 245/2006/QĐ-TTG NGÀY 27 THÁNG 10 NĂM 2006 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH QUY CHẾ BÁO ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI, BÃO, LŨ

Căn cứ Nghị định số 91/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Căn cứ Quyết định số 245/2006/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ;
Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết thi hành Quy chế báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Thông tư này quy định trách nhiệm theo dõi, dự báo và phát tin về áp thấp nhiệt đới, bão, lũ của Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia và các đơn vị trực thuộc; việc xây dựng cột tín hiệu báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ và cột mốc báo lũ; việc cấp giấy phép hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ.

2. Các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện các quy định trong Quy chế báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ của Thủ tướng Chính phủ và lập báo cáo năm về tình hình thực hiện Quy chế, gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15 tháng 3 hàng năm để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

3. Các cơ quan ở Việt Nam nghiên cứu dự báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ khi truyền kết quả dự báo thử nghiệm lên mạng không phải xin giấy phép, nhưng phía trên bản tin dự báo phải ghi dòng chữ “Bản tin tham khảo”.

II. TRÁCH NHIỆM BÁO ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI, BÃO, LŨ

Theo điểm a khoản 1 Điều 12 Quy chế báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ (sau đây gọi tắt là Quy chế), Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức theo dõi thường xuyên tình hình khí tượng, thuỷ văn, tham khảo các thông tin thời tiết của các cơ quan khí tượng thuỷ văn trong nước và quốc tế có liên quan, phát các tin chính thức về áp thấp nhiệt đới, bão, lũ trên các sông chính trong cả nước theo quy định tại Chương II của Quy chế và cung cấp các tin đó cho các cơ quan quy định tại Phụ lục V của Quy chế và Phụ lục II của Thông tư này và Quyết định số 1195/QĐ – BTNMT ngày 18 tháng 9 năm 2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phối hợp cung cấp thông tin dự báo thời tiết, áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lớn trên phạm vi toàn quốc và lũ hệ thống sông Hồng – Thái Bình giữa Viện Khí tượng Thuỷ văn và Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia, cụ thể như sau:

1. Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương

1.1 Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, thuỷ văn trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt trên khu vực Tây Bắc - Thái Bình Dương và trên cả nước; thu thập và xử lý cập nhật các thông tin có liên quan đến áp thấp nhiệt đới, bão, lũ; phát hiện kịp thời và ra các tin dự báo, thông báo về áp thấp nhiệt đới, bão hoạt động trên biển Đông và các cơn áp thấp nhiệt đới, bão phát sinh từ phía đông kinh tuyến 120o Đông, phía nam vĩ tuyến 05o Bắc và phía bắc vĩ tuyến 22o Bắc nhưng có khả năng di chuyển vào Biển Đông trong khoảng từ 12 giờ đến 24 giờ tới, lũ trên các sông chính quy định tại Phụ lục II của Quy chế; cung cấp kịp thời các bản tin cho các cơ quan quy định tại Phụ lục V của Quy chế;

1.2 Tổ chức truyền phát thông tin, số liệu khí tượng thuỷ văn hàng ngày cho các đơn vị chuyên môn trong ngành bằng các phương thức phù hợp, bảo đảm thông tin thông suốt, liên tục, phục vụ kịp thời cho công tác dự báo khí tượng thuỷ văn ở địa phương;

1.3 Phối hợp chặt chẽ với các Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực, đặc biệt trong vùng có nhiều khả năng chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, bão, lũ để chỉ đạo về kỹ thuật đối với công tác dự báo, thông báo, thông tin về áp thấp nhiệt đới, bão, lũ;

1.4 Thu thập thông tin về tình hình diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão, lũ và kết quả dự báo để báo cáo kịp thời cho các cấp lãnh đạo theo yêu cầu.

2. Viện Khí tượng Thuỷ văn

Tổ chức thực hiện dự báo thời tiết, áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lớn trên phạm vi toàn quốc và lũ hệ thống sông Hồng - Thái Bình bằng mô hình số trị và cung cấp qua mạng, Email hoặc theo phương thức khác cho Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia để tham khảo cho việc ra các bản tin dự báo khí tượng thuỷ văn.

3. Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn biển

Phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương trong việc tính toán nước dâng và sóng biển, phục vụ kịp thời công tác dự báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ.

4. Các Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực

4.1 Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, thuỷ văn trong khu vực Tây Bắc - Thái Bình Dương và trong cả nước; thu thập và xử lý các thông tin liên quan đến áp thấp nhiệt đới, bão, lũ; kịp thời phối hợp, thống nhất ý kiến với Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương để chính thức phát tin dự báo, thông báo về các cơn áp thấp nhiệt đới, bão có khả năng ảnh hưởng đến khu vực được phân công phụ trách, lũ trên các sông trong khu vực quy định tại Phụ lục I của Thông tư này; cung cấp kịp thời các bản tin cho các cơ quan quy định tại Phụ lục II của Thông tư này và các Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn cấp tỉnh trong khu vực; chủ động phối hợp với các cơ quan quy định tại Phụ lục II của Thông tư để thống nhất phương thức và lựa chọn phương tiện chuyển nhận tin áp thấp nhiệt đới, bão, lũ được nhanh chóng, chính xác và thuận tiện, phù hợp với từng địa phương và từng cơ quan;

4.2 Chỉ đạo các Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn cấp tỉnh và các Trạm khí tượng thuỷ văn trong khu vực tổ chức việc thu thập số liệu, truyền tin, phát tin và cung cấp các bản tin dự báo, thông báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ;

4.3 Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Trung Trung Bộ và Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Nam Trung Bộ có trách nhiệm cung cấp các tin áp thấp nhiệt đới, bão, lũ cho Phân ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão miền Trung;

4.4 Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Nam Bộ có trách nhiệm cung cấp các tin áp thấp nhiệt đới, bão, lũ cho Phân ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Nam Bộ.

5. Các Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn cấp tỉnh (thuộc các Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực)

5.1 Thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến thời tiết, thuỷ văn trong phạm vi toàn tỉnh và các tỉnh lân cận; tiếp nhận kịp thời các tin dự báo, thông báo về áp thấp nhiệt đới, bão, lũ của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương và Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực; tiến hành dự báo, trao đổi thống nhất ý kiến với Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực hoặc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương để cụ thể hoá các bản tin dự báo (về cường độ mưa, gió và diễn biến lũ trên các sông trong tỉnh quy định tại Phụ lục I của Thông tư này) theo đặc điểm về điều kiện tự nhiên của địa phương;

5.2 Cung cấp kịp thời các bản tin dự báo cho các cơ quan quy định tại Phụ lục II của Thông tư.

6. Các Trạm khí tượng, khí tượng cao không, thuỷ văn, khí tượng thuỷ văn biển (thuộc các Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực, Đài Khí tượng cao không)

6.1 Tăng cường quan trắc khi có áp thấp nhiệt đới, bão, lũ xảy ra; bảo đảm số lượng và chất lượng các yếu tố đo theo quy định;

6.2 Truyền phát kịp thời các thông tin đã quan trắc về cơ quan xử lý và dự báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ theo quy định.

III. QUY ĐỊNH VIỆC XÂY DỰNG CỘT TÍN HIỆU BÁO ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI, BÃO, LŨ

1. Cột tín hiệu báo áp thấp nhiệt đới, bão

1.1 Căn cứ đặc điểm địa hình, tầm nhìn ở khu vực ven biển, hải đảo, các cột tín hiệu báo áp thấp nhiệt đới, bão được xây dựng với chiều cao tối thiểu mười (10) mét và tối đa sáu mươi (60) mét, bảo đảm mọi người trong khu vực, nhất là phía ven biển, cửa sông nhìn thấy được tín hiệu đèn;

1.2 Khi điều kiện cho phép, có thể kết hợp sử dụng các cột hải đăng để lắp đặt, phát tín hiệu báo áp thấp nhiệt đới, bão.

2. Cột tín hiệu báo lũ

Cột tín hiệu báo lũ được xây dựng ở những nơi cần thiết trên các hệ thống sông trong cả nước. Chiều cao cột tín hiệu báo lũ phải bảo đảm các phương tiện giao thông trên sông và cộng đồng dân cư dễ quan sát. Khi điều kiện địa hình cho phép, có thể kết hợp cột tín hiệu báo lũ với cột tín hiệu giao thông đường thuỷ.

3. Tín hiệu báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ

Tín hiệu báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ theo quy định tại Phụ lục IX của Quy chế.

4. Trách nhiệm xây dựng, quản lý các cột tín hiệu báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ

Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thuỷ sản, Bộ Giao thông vận tải, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai việc lựa chọn địa điểm, xây dựng và quản lý các cột tín hiệu báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ tại địa bàn phụ trách.

IV. QUY ĐỊNH VIỆC XÂY DỰNG CỘT MỐC BÁO LŨ

Địa điểm xây dựng

Cột mốc báo lũ được xây dựng tại các vùng trọng điểm ngập lụt, tập trung dân cư, dễ nhận biết, thuận tiện cho các tổ chức và cá nhân khai thác, sử dụng.

2. Thông tin ghi trên cột mốc báo lũ

2.1 Ký hiệu cột mốc: ghi địa danh và số hiệu cột;

2.2 Hệ thống thước nước và các cấp báo động lũ theo hệ cao độ quốc gia, được dẫn nối theo quy định hiện hành;

2.3 Mực nước lũ lịch sử và thời gian xảy ra.

3. Trách nhiệm xây dựng, quản lý các cột mốc báo lũ

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai việc lựa chọn địa điểm, xây dựng và quản lý các cột mốc báo lũ tại địa bàn phụ trách.

V. QUY ĐỊNH VIỆC CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG BÁO ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI, BÃO, LŨ

Việc cấp giấy phép hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ theo khoản 2 Điều 3 của Quy chế, được thực hiện như sau:

1. Nguyên tắc hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ

1.1 Tổ chức, cá nhân hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ quy định tại khoản 2 Điều 3 của Quy chế phải có giấy phép hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ;

1.2 Tổ chức, cá nhân hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ chỉ được thực hiện các hoạt động theo nội dung đã ghi trong giấy phép;

1.3 Trong quá trình hoạt động nếu tổ chức, cá nhân có nhu cầu mở rộng quy mô, lĩnh vực hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ thì được xem xét bổ sung nội dung giấy phép.

2. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ

2.1 Tổ chức trong nước hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có quyết định thành lập của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Có cán bộ phụ trách kỹ thuật trình độ đại học trở lên chuyên ngành khí tượng thuỷ văn và có thực tế hoạt động dự báo khí tượng thuỷ văn ít nhất ba (03) năm;

c) Có nguồn cung cấp số liệu tin cậy và ổn định cho hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ.

2.2 Tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ tại Việt Nam phải có đủ các điều kiện quy định tại điểm b và c khoản 2.1 Mục V Thông tư này.

2.3 Cá nhân được cấp phép hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ phải có đủ các điều kiện sau:

a) Có trình độ đại học trở lên chuyên ngành khí tượng thuỷ văn và có thực tế hoạt động dự báo khí tượng thuỷ văn ít nhất ba (03) năm;

b) Có đủ điều kiện quy định tại điểm c khoản 2.1 Mục V Thông tư này.

3. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc cấp, bổ sung, gia hạn, cấp lại giấy phép hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ

3.1 Cung cấp mẫu đơn đề nghị cấp, bổ sung, gia hạn, cấp lại giấy phép;

3.2 Tổ chức xem xét cấp, bổ sung, gia hạn, cấp lại giấy phép hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ;

3.3 Lưu hồ sơ cấp giấy phép hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ;

3.4 Gửi giấy phép hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ cho tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép, thông báo bằng văn bản cho Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có trụ sở của các tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép để theo dõi và kiểm tra;

3.5 Kiểm tra định kỳ, đột xuất việc thực hiện hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ của tổ chức, cá nhân; phát hiện các vi phạm, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ

4.1 Chịu trách nhiệm về nội dung hồ sơ đề nghị cấp, bổ sung, gia hạn giấy phép hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ;

4.2 Chịu trách nhiệm về nội dung các bản tin dự báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ đã phát;

4.3 Nộp lệ phí theo quy định của pháp luật.

5. Thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ

5.1 Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan có thẩm quyền cấp, bổ sung nội dung, gia hạn, cấp lại, đình chỉ hiệu lực và thu hồi giấy phép hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ;

5.1 Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xem xét, thẩm tra, cấp (hoặc bổ sung) giấy phép hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ cho tổ chức và cá nhân có đủ điều kiện trong thời hạn hai mươi (20) ngày làm việc; gia hạn giấy phép trong thời hạn mười (10) ngày làm việc; cấp lại giấy phép trong thời hạn năm (05) ngày làm việc; trường hợp không đủ điều kiện cấp, bổ sung, gia hạn, cấp lại giấy phép thì trả lời bằng văn bản cho tổ chức và cá nhân biết lý do.

6. Thủ tục đề nghị cấp, bổ sung, gia hạn, cấp lại giấy phép hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ

Tổ chức, cá nhân phải nộp hai (02) bộ hồ sơ về việc đề nghị cấp, bổ sung, gia hạn giấy phép hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ tại Vụ Khí tượng Thuỷ văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

6.1 Hồ sơ cấp giấy phép bao gồm: Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ theo mẫu số 1 của Thông tư này; giấy chứng nhận các điều kiện cấp giấy phép hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ;

6.2 Hồ sơ bổ sung nội dung giấy phép bao gồm: Đơn đề nghị bổ sung nội dung giấy phép theo mẫu số 2 của Thông tư này; báo cáo tình hình hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ kể từ khi được cấp giấy phép theo mẫu số 7 của Thông tư; giấy phép hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ đã được cấp;

6.3 Hồ sơ gia hạn giấy phép bao gồm: Đơn đề nghị gia hạn giấy phép theo mẫu số 3 của Thông tư; báo cáo tình hình hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ kể từ khi được cấp giấy phép theo mẫu số 7 của Thông tư này; giấy phép hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ đã được cấp.

7. Phạm vi và thời hạn giấy phép hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ

7.1 Giấy phép hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ có giá trị trong phạm vi khu vực được cấp phép;

7.2 Thời hạn hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ là mười (10) năm. Khi hết thời hạn, nếu tổ chức, cá nhân hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ có nhu cầu gia hạn thì đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền gia hạn; mỗi giấy phép chỉ được gia hạn một (01) lần, thời gian gia hạn không quá năm (05) năm;

7.3 Khi giấy phép hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ hết thời hạn, tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiếp tục hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ làm hồ sơ đề nghị cấp giấy phép mới theo quy định tại điểm 6.1 khoản 6 Mục V Thông tư này.

8. Cấp lại giấy phép hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ

8.1 Giấy phép hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ được cấp lại trong các trường hợp sau đây: bị mất; bị rách nát, hư hỏng không thể sử dụng được;

8.2 Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp lại giấy phép hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ nộp đơn đề nghị cấp lại giấy phép theo mẫu số 4 của Thông tư này.

Trường hợp tổ chức, cá nhân bị mất giấy phép hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ tìm lại được giấy phép sau khi được cấp lại thì phải nộp giấy phép tìm lại được cho Bộ Tài nguyên và Môi trường.

9. Đình chỉ hiệu lực của giấy phép

9.1 Giấy phép bị đình chỉ hiệu lực trong các trường hợp sau đây:

a) Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép (gọi chung là chủ giấy phép) vi phạm nội dung quy định của giấy phép;

b) Chủ giấy phép tự ý chuyển nhượng giấy phép;

c) Chủ giấy phép lợi dụng giấy phép để tổ chức hoạt động không đúng quy định trong nội dung giấy phép.

9.2 Thời gian đình chỉ hiệu lực của giấy phép do cơ quan cấp giấy phép quy định. Trong thời gian giấy phép bị đình chỉ hiệu lực, thì chủ giấy phép không có các quyền và nghĩa vụ liên quan đến giấy phép.

10. Thu hồi giấy phép

Việc thu hồi giấy phép được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

10.1 Tổ chức là chủ giấy phép bị giải thể hoặc bị Toà án tuyên bố phá sản; cá nhân là chủ giấy phép bị chết hoặc bị Toà án tuyên bố là chết hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị tuyên bố mất tích;

10.2 Giấy phép được cấp nhưng không sử dụng trong thời gian mười hai (12) tháng liên tục mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;

10.3 Chủ giấy phép vi phạm quyết định đình chỉ hiệu lực của giấy phép;

10.4 Giấy phép được cấp không đúng thẩm quyền.

11. Trả lại giấy phép

11.1 Trường hợp không sử dụng giấy phép, chủ giấy phép có quyền trả lại giấy phép cho cơ quan cấp phép, đồng thời có văn bản giải trình lý do cho cơ quan cấp phép;

11.2 Tổ chức, cá nhân đã trả lại giấy phép chỉ được xem xét cấp giấy phép mới sau hai (02) năm, kể từ ngày trả lại giấy phép.

12. Chấm dứt hiệu lực của giấy phép

12.1 Giấy phép bị chấm dứt hiệu lực trong các trường hợp sau đây:

a) Giấy phép bị thu hồi;

b) Giấy phép đã hết hạn;

c) Giấy phép đã được trả lại.

12.2 Khi giấy phép bị chấm dứt hiệu lực thì các quyền và nghĩa vụ liên quan đến giấy phép cũng chấm dứt.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Thông tư số 02/2006/TT-BTNMT ngày 15 tháng 3 năm 2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện Quyết định số 307/2005/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các Bộ, ngành, địa phương phản ánh về Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, giải quyết./.

Nơi nhận:
- Thủ tướng và các Phó Thủ tướng (để báo cáo);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án Nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão TW;
- Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm- Cứu nạn;
- Cục Kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp;
- Bộ TN & MT: Bộ trưởng, các Thứ trưởng,
các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường,
các Sở Tài nguyên và Môi trường;
- Website Chính phủ, Công báo;
- Lưu: VT, KTTV(5), PC, H300.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Công Thành

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 11/2006/TT-BTNMT hướng dẫn Quyết định 245/2006/QĐ-TTg về Quy chế báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

  • Số hiệu: 11/2006/TT-BTNMT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 20/12/2006
  • Nơi ban hành: Bộ Tài nguyên và Môi trường
  • Người ký: Nguyễn Công Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/01/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 15/10/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản