Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 11/2006/TT-BNN

Hà Nội, ngày 14 tháng 02 năm 2006

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DI DÂN, ỔN ĐỊNH DÂN CƯ CÁC XÃ BIÊN GIỚI VIỆT - TRUNG THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 60/2005/QĐ-TTG NGÀY 24 THÁNG 3 NĂM 2005 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Quyết định số 60/2005/QĐ-TTg, ngày 24 tháng 3 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Qui hoạch ổn định dân cư các xã biên giới Việt - Trung đến năm 2010;
Sau khi thống nhất với các Bộ, ngành liên quan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫnthực hiện chính sách hỗ trợ di dân, ổn định dân cư các xã biên giới Việt - Trung như sau:

I- NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG.

1- Phạm vi áp dụng.

Thông tư này áp dụng để hỗ trợ hộ di dân, ổn định dân cư thực hiện Qui hoạch ổn định dân cư các xã biên giới Việt - Trung theo Quyết định số 60/2005/QĐ-TTg, ngày 24 tháng 3 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ tại các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh.

2- Đối tượng được hỗ trợ.

a- Hộ di dân theo kế hoạch Nhà nước chuyển đến sinh sống ổn định lâu dài (định cư) tại các thôn, bản sát biên giới Việt - Trung (là thôn, bản có địa giới hành chính tiếp giáp với đường biên giới), bao gồm:

- Hộ di dân từ các địa bàn trong và ngoài tỉnh (bao gồm cả các thôn, bản trong xã biên giới Việt - Trung nhưng không thuộc các thôn, bản sát biên giới) chuyển đến theo hình thức xen ghép vào các thôn, bản còn ít dân hoặc vào các điểm dân cư tập trung mới thành lập.

- Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, công chức, viên chức, tri thức trẻ tình nguyện, thanh niên xung phong, công nhân, viên chức quốc phòng, bản thân lập gia đình hoặc đưa gia đình (cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con) chuyển đến và tự nguyện cùng định cư ở các thôn, bản sát biên giới Việt - Trung.

b- Hộ di dân theo kế hoạch nhà nước chuyển đến sinh sống ổn định lâu dài tại các thôn, bản không sát biên giới nhưng thuộc các xã biên giới Việt -Trung, bao gồm:

- Hộ di dân từ các địa bàn trong và ngoài tỉnh;

- Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, công chức, viên chức, tri thức trẻ tình nguyện, thanh niên xung phong, công nhân, viên chức quốc phòng, bản thân lập gia đình hoặc đưa gia đình (cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con) chuyển đến và tự nguyện cùng định cư ở các xã biên giới Việt - Trung.

c- Hộ gia đình đang sinh sống tại các xã biên giới Việt - Trung có điều kiện sản xuất và đời sống quá khó khăn cần được bố trí ổn định sản xuất và đời sống tại chỗ theo qui hoạch, kế hoạch bao gồm:

- Hộ bị mất đất ở, đất sản xuất do thiên tai;

- Hộ sống ở nơi đặc biệt khó khăn thiếu đất sản xuất, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt không khắc phục được;

- Hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diên vận động thực hiện định canh định cư;

- Hộ sống ở vùng có nguy cơ cao về thiên tai.

d- Cộng đồng vùng dự án qui hoạch, ổn định dân cư của các xã biên giới Việt - Trung.

3- Nguyên tắc áp dụng mức hỗ trợ:

Hộ gia đình thuộc đối tượng quy định tại Thông tư này được hưởng hỗ trợ một lần theo mức cao nhất đối với từng nội dung hỗ trợ quy định tại một trong các quyết định của Thủ tướng Chính phủ: QĐ186/2001/QĐ-TTg ngày 7/12/2001,QĐ120/2003/QĐ-TTg ngày 11/6/2003,QĐ190/2003/QĐ-TTg ngày 16/9/2003, QĐ134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004, QĐ 60/2005/QĐ-TTg ngày 24/3/2005.

II- NỘI DUNG VÀ MỨC HỖ TRỢ.

1 - Hỗ trợ hộ gia đình:

1.1- Hỗ trợ khai hoang:

Hộ di dân là đối tượng quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, mục 2, phần I của Thông tư này áp dụng chính sách hỗ trợ quy định tại điểm a, mục 1, phần II của Thông tư số 57/2004/TT- BNN ngày 1/11/2004 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ di dân, ổn định dân cư các xã biên giới Việt - Trung theo Quyết định số 120/2003/QĐ-TTg ngày 11/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là TT 57/2004/TT-BNN) theo mức hỗ trợ:

- Khai hoang tạo nuơng cố định: 3 triệu đồng/ha;

- Khai hoang xây dựng đồng ruộng: 7 triệu đồng/ha.

Uỷ ban nhân dân tỉnh căn cứ vào diện tích đất khai hoang giao cho các hộ gia đình để quy định cụ thể mức hỗ trợ. Những hộ di dân khi đã hưởng chính sách hỗ trợ khai hoang theo các mức quy định tại Quyết định số 120/2003/QĐ-TTg, ngày 11 tháng 6 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ thì không được hưởng chính sách hỗ trợ khai hoang tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 186/2001/QĐ-TTg, số 190/2003/QĐ-TTg, số 134/2004/QĐ-TTg.

1.2- Hỗ trợ ổn định đời sống:

a- Hộ di dân là đối tượng quy định tại điểm a, mục 2, phần I của Thông tư này áp dụng chính sách hỗ trợ quy định tại điểm b, mục 1, phần II của TT 57/2004/TT-BNN: mức hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ.

b- Hộ di dân là đối tượng quy định tại điểm b, mục 2, phần I của Thông tư này áp dụng chính sách hỗ trợ quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 2 của Quyết định số 190/2003/QĐ-TTg ngày 16 tháng 9 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách di dân thực hiện qui hoạch, bố trí dân cư giai đoạn 2003-2010 và điểm a, khoản 2, mục I, Phần B của Thông tư liên tịch số 09/2004/TTLT-BNN-BTC, ngày 31/3/2004 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ hỗ trợ di dân theo Quyết định số 190/2003/QĐ-TTg ngày 16 tháng 9 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách di dân thực hiện qui hoạch, bố trí dân cư giai đoạn 2003-2010 (gọi tắt là TT 09/2004/TTLT-BNN-BTC): mức hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ.

1.3- Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở:

Hộ di dân là đối tượng quy định tại điểm c, mục 2, phần I của Thông tư này được hưởng một số chính sách hỗ trợ như sau:

a- Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo,đời sống khó khăn: áp dụng chính sách về đất ở, đất sản xuất, nhà ở theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, Điều 2 của Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20 tháng 4 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn và quy định tại các mục 1, 3, phần II của Thông tư Liên tịch số 819/2004/TTLT/UBDT-KHĐT-BTC-XD-NNPTNT ngày 10/11/2004.

Hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn khi đã hưởng chính sách về đất ở, đất sản xuất, nhà ở theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, Điều 2 của Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20 tháng 4 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ thì không hưởng chính sách đất ở, đất sản xuất, nhà ở quy định tại các quyết định 120/2003/QĐ-TTg, 190/2003/QĐ-TTg.

b- Hỗ trợ nhà ở cho hộ gia đình chính sách thực sự khó khăn (không phải là đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số), đang sinh sống hợp pháp, ổn định tại các xã biên giới, hiện nay không có nhà ở hoặc đã có nhà ở làm bằng tranh, tre, nứa, lá bị dột nát, mất an toàn khi mưa, lũ, bão, nhưng không có khả năng tự xây dựng, nâng cấp, tu sửa nhà ở với mức hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ để xây dựng, nâng cấp, tu sửa nhà ở theo quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 1 của Quyết định số 120/2003/QĐ-TTg, ngày 11 tháng 6 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ. Danh sách các hộ này do nhân dân ở thôn, bản nơi cư trú bình xét, đượcỦy ban nhân dân xã đề nghị và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt.

1.4- Hỗ trợ nước sinh hoạt:

Hộ gia đình là đối tượng quy định tại các điểm a, điểm b, điểm c, mục 2, phần I của Thông tư này được ngân sách Trung ương hỗ trợ như sau: Đối với công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được ngân sách Trung ương hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng theo dự toán thiết kế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ở những nơi không xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung thì hộ gia đình được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/hộ để tự xây dựng bể chứa nước mưa hoặc đào giếng, khoan giếng.

Những hộ khi đã hưởng chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt tại Quyết định số 60/2005/QĐ-TTg ngày 24/3/2005 thì không được hưởng chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt tại các quyết định 120/2003/QĐ-TTg, 190/2003/QĐ-TTg, QĐ134/2004/QĐ-TTg .

1.5- Hỗ trợ sản xuất:

Hộ gia đình là đối tượng quy định tại các điểm a, điểm b, điểm c, mục 2, phần I của Thông tư này được hưởng chính sách hỗ trợ sản xuất như sau:

a- Chính sách hỗ trợ giống cây trồng: những hộ nghèo (theo tiêu chí hộ nghèo quy định tại Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 08/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006 -2010) và vùng qui hoạch được hỗ trợ:

UBND tỉnh căn cứ vào diện tích đất sản xuất giao cho hộ gia đình để quyết định mức hưởng hỗ trợ

- Hỗ trợ 30 % nhu cầu trong 3 năm đầu đối với giống cây ngắn ngày và cây hàng năm;

- Hỗ trợ 1 triệu đồng/ha đối với giống cây lâu năm và cây ăn quả.

b- Chính sách hỗ trợ phát triển vốn rừng:

- Trồng mới rừng phòng hộ, đặc dụng: mức hỗ trợ 4 triệu đồng/ha theo quy định tại Quyết định số 5246/QĐ-BNN-LN ngày 26/11/2003 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Khoán quản lý, bảo vệ rừng: mức hỗ trợ 50.000đồng/ha/năm áp dụng theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 28/1999/TT- LT ngày 03/2/1999 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 661/QĐ-TTg ngày 29/7/1998 của Thủ tướng Chính Phủ;

- Trồng rừng sản xuất: hỗ trợ 1-1,5 triệu đồng/ha và cho vay với mức tối đa 10 triệu đồng/ha theo các dự án được duyệt. Các dự án cho vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước áp dụng theo quy định tại Nghị định số 106/2004/NĐ-CP ngày 1/4/2004 của Chính phủ về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và Nghị định số 20/2005/NĐ-CP ngày 28/2/2005 của Chính phủ về bổ sung danh mục dự án vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước theo Nghị định số 106/2004/NĐ-CP.

2 - Hỗ trợ cộng đồng vùng dự án qui hoạch, ổn định dân cư:

Vùng qui hoạch, ổn định dân cư thuộc các xã biên giới Việt - Trung theo Quyết định số 60/2005/QĐ-TTg, ngày 24 tháng 3 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ được hỗ trợ như sau:

a- Hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân ở các thôn, bản sát biên giới như: đường giao thông, công trình thuỷ lợi, nước sinh hoạt và sản xuất, trường học, trạm y tế, nhà văn hoá thôn (bản), điện, chợ, hệ thống truyền thanh truyền hình. Ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho các thôn, bản cũ không có dân và thôn, bản mới sát biên giới có nhận các hộ từ nơi khác đến lập nghiệp.

b- Hỗ trợ công tác khuyến nông, khuyến lâm, bảo vệ thực vật, thú y cho cộng đồng:

- Mỗi xã được bố trí từ 2-3 cán bộ để làm công tác khuyến nông, khuyến lâm, bảo vệ thực vật và công tác thú y. Số cán bộ này được hưởng trợ cấp trích từ kinh phí thực hiện dự án. Mức và thời gian được hưởng trợ cấp do Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định (tối thiểu 300.000 đồng/tháng/người);

- Hàng năm hỗ trợ mỗi xã 50 triệu đồng để xây dựng các mô hình khuyến nông, khuyến lâm. Uỷ ban nhân dân tỉnh căn cứ vào nhu cầu thực tế của địa phương để quyết định.

c- Chính sách hỗ trợ phòng dịch, bệnh gia súc: Hỗ trợ thuốc tiêm phòng dịch, bệnh cho trâu, bò, lợn của các hộ mỗi năm 1 lần. Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định mức hỗ trợ và loại thuốc tiêm phòng dịch, bệnh cho trâu, bò, lợn của các hộ gia đình theo kế hoạch hàng năm của địa phương

3- Chính sách khác:

Ngoài các chính sách quy định trên, các hộ gia đình định cư tại các xã biên giới Việt - Trung được ưu tiên vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất và hưởng các chính sách ưu đãi khác trên địa bàn.

III- NGUỒN KINH PHÍ.

1- Nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ di dân, ổn định dân cư các xã biên giới Việt - Trung theo Quyết định 60/2005/QĐ-TTg ngày 24/3/2005 của Thủ tướng Chính phủ do ngân sách Nhà nước hỗ trợ có mục tiêu đảm bảo (bao gồm vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp kinh tế). Các địa phương lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình, dự án hiện có trên địa bàn, huy động các nguồn vốn khác theo Luật định để đầu tư cho việc thực hiện các dự án cụ thể về ổn định dân cư biên giới trên địa bàn từng tỉnh.

2- Chi phí quản lý thực hiện di dân được bố trí trong dự toán chi quản lý hành chính của các Bộ, các địa phương trong dự toán ngân sách hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

IV- LẬP DỰ TOÁN, QUẢN LÝ VÀ QUYẾT TOÁN VỐN

Qui trình lập dự toán quản lý và quyết toán nguồn kinh phí thực hiện chế độ hỗ trợ di dân, ổn định dân cư thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2003/TTLT-BKH -BTC ngày 6/1/2003 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư- Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 42/2002/QĐ-TTg ngày 19/3/2002 của Thủ tướng Chính Phủ về quản lý chương trình mục tiêu quốc gia và Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước.

V- TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

1- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:

- Là cơ quan đầu mối thực hiện theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các Bộ, Ngành liên quan và UBND các tỉnh biên giới trong quá trình thực hiện Qui hoạch, ổn định dân cư các xã biên giới Việt - Trung đến năm 2010 (Qui hoạch ổn định dân cư các xã biên giới Việt - Trung đến năm 2010 gọi tắt là Qui hoạch);

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan và UBND các tỉnh biên giới điều chỉnh, bổ sung Qui hoạch khi cần thiết, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định;

- Hướng dẫn UBND các tỉnh biên giới Việt - Trung xây dựng các dự án cụ thể phù hợp với qui hoạch. xem xét, có ý kiến đối với các dự án do cấp tỉnh đề nghị để UBND các tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện;

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn UBND các tỉnh biên giới Việt - Trung xây dựng kế hoạch thực hiện Qui hoạch;

- Chỉ đạo,hướng dẫn và tổ chức đưa tiến bộ khoa học, công nghệ, giống mới vào sản xuất để không ngừng tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp trên một đơn vị diện tích;

- Chỉ đạo, hướng dẫn UBND các tỉnh biên giới Việt - Trung xây dựng các mô hình điểm thực hiện ổn định dân cư các xã biên giới để rút kinh nghiệm triển khai thực hiện Qui hoạch trên toàn vùng.

2- Các Bộ, ngành liên quan và Uỷ ban Dân tộc căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được phân công tại Quyết định 60/2005/QĐ-TTg ngày 24/3/2005 của Thủ tướng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tỉnh biên giới Việt - Trung để triển khai thực hiện những nội dung có liên quan.

3- Uỷ ban nhân dân các tỉnh biên giới Việt - Trung có trách nhiệm:

- Xây dựng kế hoạch thực hiện Qui hoạch đến năm 2010 và hàng năm về di dân, ổn định dân cư của các xã biên giới Việt – Trung, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban Dân tộc để tổng hợp trình Chính phủ phê duyệt.

- Ưu tiên nguồn vốn ngân sách tập trung để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng công cộng cho các xã biên giới; trước hết ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng (kể cả khai hoang) cho các thôn, bản cũ không có dân và các điểm dân cư mới sát biên giới có nhận các hộ từ nơi khác đến lập nghiệp.

- Chỉ đạo việc lập dự án, tổ chức thẩm định, phê duyệt các dự án cụ thể về qui hoạch, ổn định dân cư các xã biên giới Việt - Trung trên cơ sở các dự án tổng thể đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tổ chức rà soát qui hoạch trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung khi cần thiết.

- Thông tin về các dự án qui hoạch, ổn định dân cư biên giới; phổ biến chủ trương, chính sách, chế độ hỗ trợ của Nhà nước, thủ tục về di dân cho nhân dân biết và thực hiện.

- Tổ chức thực hiện công tác di dân, ổn định dân cư; cấp phát chế độ hỗ trợ cho các hộ gia đình đầy đủ, kịp thời, đúng mục đích, đúng đối tượng; thanh, quyết toán kinh phí hỗ trợ theo chế độ tài chính hiện hành.

- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các mô hình điểm thực hiện ổn định dân cư các xã biên giới để tổng kết, rút kinh nghiệm triển khai thực hiện qui hoạch trên toàn vùng.

- Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Qui hoạch, các dự án cụ thể về di dân, ổn định dân cư các xã biên giới của tỉnh, chính sách trên địa bàn, hiệu quả của các dự án. Phát hiện và xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện tại địa phương, kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, Ngành liên quan về biện pháp giải quyết.

- Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo định kỳ (quí, hàng năm) và đột xuất.

VI- KHOẢN THI HÀNH

Thông tư có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các Bộ, Ngành, địa phương kịp thời phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Diệp Kỉnh Tần

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 11/2006/TT-BNN hướng dẫn chính sách hỗ trợ di dân, ổn định dân cư các xã biên giới Việt - Trung theo Quyết định 60/2005/QĐ-TTg do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 11/2006/TT-BNN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 14/02/2006
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Diệp Kỉnh Tần
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1 đến số 2
  • Ngày hiệu lực: 16/03/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản