Hệ thống pháp luật

UỶ BAN HÀNH CHÍNH BẮC BỘ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 105-PI

Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 1945

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC ĐÊ ĐIỀU

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Bắc bộ gửi các Ủy ban nhân dân các tỉnh.

Nạn lụt vừa qua đã có ảnh hưởng tai hại đến đồng điền Bắc bộ. Chính phủ cần phải trù tính cho thi hành cấp tốc những phương pháp thích hợp để đến mùa nước sang năm, toàn thể đê điều lại có thể chống giữ được với sức nước như xưa. Đối với tình thế hiện thời, công cuộc vĩ đại này cần phải quốc dân giúp sức thì Chính phủ mới đi tới kết quả được.

Dưới đây là tổng kê các đê bị vỡ, những sự thiệt hại gây nên bởi nạn lụt và những phương sách đã thi hành cùng trù liệu thi hành.

I. TÌNH HÌNH ĐÊ ĐIỀU SAU NẠN LỤT

Những đê sau đây bị vỡ:

1) Đê Quảng cư, ở tả ngạn sông Hồng hà, phủ Vĩnh tường, tỉnh Vĩnh yên;

2) Đê Diêm xuân, ở tả ngạn sông Pho day, phủ Vĩnh tường, tỉnh Vĩnh yên;

3) Đê ở hữu ngạn Sông Cầu, bị vỡ thuộc làng Lương phúc, huyện Đa phúc, tỉnh Phúc yên;

4) Đê ở hữu ngạn Sông Cầu, thuộc tỉnh Bắc ninh;

5) Đê Đông lao, ở tả ngạn sông Đáy, tỉnh Hà đông;

6) Đê Bất bạt, ở hữu ngạn sông Bo, tỉnh Sơn tây;

7) Đê Hưng nhân, ở tả ngạn sông Hồng hà, huyện Hưng nhân, tỉnh Thái bình;

8) Đê Mỹ lộc, ở tả ngạn sông Hồng hà, phủ Thư trì, tỉnh Thái bình;

9) Đê Hồng hà từ Phú thọ đến Việt trì, bị vỡ nhiều đoạn thuộc phủ Lâm thao và huyện Hạc trì tỉnh Phú thọ;

10) Đê Vĩnh bảo thuộc tỉnh Hải dương bị vỡ Nghĩa ập và Thanh trù;

11) Đê ở tả ngạn sông Kinh thày thuôc huyện Chí linh, tỉnh Hải dương.

Những đê ấy đã tràn ngập ước chừng bẩy vạn mẫu (700.000) nghĩa là non một phần ba diện tích cấy được.

II. CÔNG VIỆC ĐÃ LÀM: Việc hạp long

a) Công việc làm tân đê:

Hiện nay Chính phủ trù tính đến cuối tháng 11 dương lịch này bắt đầu khởi công đắp lại những chỗ đê vỡ hoặc đắp những tân đê vòng quanh những chỗ đê vỡ, tu bổ những chỗ đê sung yếu. Công việc ấy phải hoàn thành trước mùa nước sang năm.

Sở Công chính đề nghị cần phải đắp những tân đê sau đây:

Diêm xuân (Vĩnh yên) Vĩnh bảo (Hải dương)

Quảng cư (Vĩnh yên) Hạc trì (Phú thọ)

Hưng nhân (Thái bình) Bất bạt (Sơn tây)

Mỹ lộc (Thái bình) Đồng lao (Hà đông)

Chí linh (Hải dương) Hữu ngạn (Phúc yên và Sông cầu: Bắc ninh).

Còn các công việc nhỏ thuộc đê hang tỉnh, Ủy ban các tỉnh sẽ phải trù liệu lấy.

b) Phí tổn: Công tác ấy cần phải vận động đến một triệu rưởi thước khối đất (1.500.000 m3), chi phí hết chừng sáu triệu đồng (6.000.000) tính theo giá gạo 300đ một tạ.

c) Kêu gọi sự giúp sức của quốc dân: Công cuộc này có quan hệ đến đời sống của cả đồng bào ở Bắc bộ, cần phải trông cậy ở sự đoàn kết cố gắng giúp sức của cả quốc dân thì mới thực hiện được. Mà Chính phủ và tất thẩy các cơ quan hành chính ở các cấp phải nhận trách nhiệm thực hiện cho được không thì sẽ đắc tội với quốc dân và đối với lịch sử.

Công tác cần đến tiền và thóc.

Tiền thì Chính phủ sẽ xuất.

Còn về thóc thì cần phải nhân dân đóng góp, nên Bắc bộ, sau khi hỏi ý kiến nhiều tỉnh, đã đệ trình Chính phủ một cách bổ vào điền như sau này:

Điền chủ dưới ba (3)mẫu góp mỗi mẫu một (1) cân thóc.

Điền chủ từ ba (3) mẫu tới mười (10) mẫu góp mỗi mẫu hai (2) cân thóc.

Điền chủ từ mười (10) mẫu trở lên góp mỗi mẫu ba (3) cân thóc.

Đề nghị ấy đã được chuẩn y, vậy nay ban bố để các tỉnh thi hành.

Việc góp thóc này, các Ủy ban nhân dân tỉnh lưu ý thông tư cho các cấp dưới rõ mục đích và tìm hết cách để tránh khỏi sự hà lạm của các người thừa hành chức vụ.

Không những riêng các tỉnh có đắp tân đê mới phải đóng góp, các tỉnh khác không có đê lại càng nên giúp hơn nữa vì công cuộc là công cuộc ích chung cho toàn cả Bắc bộ không riêng gì cho một địa phương nào cả. Và tham gia vào công cuộc này, anh em ở các tỉnh không có đê lại càng tỏ ra có nhiều tinh thần hy sinh và đoàn kết.

Mỗi người hy sinh một chút thì công cuộc lớn lao kia chắc chắn sẽ thành công.

Hơn nữa, trong lúc nạn đói đang sắp tái diễn, việc này là phương pháp hưng công đãi chấn để giúp đỡ dân nghèo có công việc làm để có gạo ăn.

d) Chỉ thị

1. LÀM SỔ

Các Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp được thông tư này, một mặt phải báo cho Bắc bộ là đã nhận được, một mặt triệu tập ngay hội nghị các Ủy ban phủ, huyện, châu, để hội đồng với Chủ sự sở Địa chính làm sổ tính số thóc mà các địa phương phải đóng góp.

Các Ủy ban phủ, huyện, châu sẽ họp các Ủy ban xã để tính số thóc bố vào các xã theo số điền của từng xã và theo những cấp số đã định trên kia.

Xin nhắc lại rằng chỉ những nơi nào bị lụt vừa rồi hoặc không thu hoạch được thóc lúa hoa màu gì cả mới được miễn. Số thóc góp tính rất ít để ai ai cũng có thể hy sinh được mà không phải thiệt thòi quá chỉ mấy bữa nhịn ăn là đủ, vậy có thể đòi hỏi một sự cố gắng đầy đủ.

2. VẬN TẢI

Thóc của các xã sẽ đem nộp Ủy ban phủ, huyện, châu. Sẽ có chỉ thị nói rõ thóc ấy phải tải đi đâu. Phần nhiều sẽ tải đến chỗ làm đê gần nhất.

3. KỲ HẠN

Thóc phải bắt đầu thu ngay để công việc làm đê không chậm trễ.

4. CÁCH TỔ CHỨC

Ở mỗi làng, mỗi phủ, huyện, châu, tỉnh, phải lập một tiểu ban “góp thóc làm đê”. Trong ban ấy phải có một uỷ viên hoặc đại biểu của Ủy ban nhân dân phụ trách về địa bạ, một đại biểu của tiểu ban cứu tế và cố mời cho được nhiều đại biểu điền chủ.

Tiểu ban ấy sẽ tổ chức việc nhận thóc, việc đài tải thóc để giao cho cấp trên.

Những chi tiết khác chưa nói trong tờ thông tư này sẽ định trong kỳ hội nghị chủ tịch sắp tới.

Nguyễn Xiến

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 105-PI năm 1945 về Đê điều do Uỷ ban nhân dân Bắc bộ ban hành

  • Số hiệu: 105-PI
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 26/11/1945
  • Nơi ban hành: Uỷ ban hành chính Bắc Bộ
  • Người ký: Nguyễn Xiển
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 14
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản