Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 102/2004/TT-BTC

Hà Nội, ngày 03 tháng 11 năm 2004

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 102/2004/TT-BTC NGÀY 3 THÁNG 11 NĂM 2004 HƯỚNG DẪN VIỆC QUẢN LÝ TIỀN THUÊ VÀ THANH TOÁN KINH PHÍ SỬA CHỮA KẾT CẤU HẠ TẦNG CẦU CẢNG CÁI LÂN

Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 228/2003/QĐ-TTg ngày 06/11/2003 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm cho thuê quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng cầu cảng Cái Lân;
Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý tiền thuê và thanh toán kinh phí sửa chữa kết cấu hạ tầng cầu cảng Cái Lân như sau:

I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG:

1. Đối tượng áp dụng Thông tư này là Bên cho thuê (Cục Hàng hải Việt Nam), Bên thuê (cảng Quảng Ninh) và các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng cầu cảng Cái Lân.

2. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này quy định việc quản lý tiền thuê cơ sở kết cấu hạ tầng cầu cảng Cái Lân và việc thanh toán kinh phí sửa chữa kết cấu hạ tầng cầu cảng Cái Lân (sau đây gọi tắt là tài sản thuê) do Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện theo quy định tại Điều 6 Quyết định số 228/2003/QĐ-TTg; quy định việc xác định tổn thất tài sản cho thuê.

3. Kết cấu hạ tầng cầu cảng Cái Lân cho thuê là toàn bộ tài sản quy định tại Điều 3 Quyết định số 228/2003/QĐ-TTg, bao gồm: cầu cảng số 5, cầu cảng số 6, cầu cảng số 7, vùng nước trước cảng, văn phòng, kho bãi, nhà xưởng, hệ thống điện nước và đường giao thông trong cảng.

4. Cục Hàng hải Việt Nam làm đại diện chủ sở hữu đối với tài sản cho thuê. Kinh phí hoạt động của Cục Hàng hải Việt Nam do Ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán Ngân sách nhà nước hàng năm của Bộ Giao thông vận tải bao gồm cả kinh phí hoạt động quản lý kết cấu hạ tầng cầu cảng Cái Lân của Bên cho thuê.

5. Nguồn kinh phí sửa chữa tài sản thuê:

Nguồn kinh phí để thực hiện sửa chữa tài sản thuê đối với phần thuộc trách nhiệm của Bên cho thuê do Ngân sách nhà nước đảm bảo.

II - NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ:

1. Quản lý tiền thuê kết cấu hạ tầng cầu cảng Cái Lân:

Tiền thu về cho thuê kết cấu hạ tầng cầu cảng Cái Lân là nguồn thu của Ngân sách Nhà nước. Cục Hàng hải Việt Nam mở Tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để theo dõi, quản lý tiền thuê do Bên thuê trả để nộp Ngân sách Nhà nước.

Định kỳ, Bên cho thuê có trách nhiệm đôn đốc Bên thuê nộp đầy đủ tiền thuê kết cấu hạ tầng cầu cảng Cái Lân theo thời gian và Giá thuê của Hợp đồng thuê quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng cầu cảng Cái Lân.

2. Quy định về sửa chữa tài sản thuê theo trách nhiệm của Bên cho thuê:

2.1. Bên cho thuê chỉ thực hiện việc sửa chữa tài sản thuê trong các trường hợp sau:

- Thực hiện sửa chữa đột xuất những hư hỏng tài sản thuê do sự cố bất khả kháng hoặc những lỗi ẩn tì gây ra như: do thiên tai, những hư hỏng tài sản do sự cố kỹ thuật của quá trình đầu tư xây dựng.

- Thực hiện các công việc khác nhằm sửa chữa, khắc phục hư hỏng của tài sản thuê mà nguyên nhân không do lỗi của Bên thuê gây ra, trừ các trường hợp quy định tại điểm d, điểm d khoản 2 Điều 7 Quyết định số 228/2003/QĐ-TTg.

Trường hợp tài sản hư hỏng do lỗi của bên thứ ba trong Hợp đồng thuê gây ra thì Bên thuê phải chịu trách nhiệm sửa chữa tài sản.

2.2. Tổn thất tài sản thuê:

Khi xảy ra sự cố gây hỏng hóc đối với tài sản thuê, Bên thuê và Bên cho thuê phải lập biên bản như sau:

- Xác định nguyên nhân, mức độ tổn thất của tài sản.

- Xác định trách nhiệm của tập thể và cá nhân có liên quan, mức độ phải bồi thường (nếu có).

Nếu tổn thất thuộc trách nhiệm Bên cho thuê đảm nhiệm việc sửa chữa, căn cứ mức độ tổn thất của tài sản, Cục Hàng hải Việt Nam lập phương án và dự toán khắc phục, sửa chữa và quyết định hoặc trình cơ quan có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng.

2.3. Khi thực hiện sửa chữa tài sản thuê, Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm thuê các đơn vị có đủ điều kiện đáp ứng việc thi công, sửa chữa tài sản.

Quy trình lập dự toán và sửa chữa tài sản phải thực hiện đúng quy định về đầu tư xây dựng cơ bản.

Sau khi kết thúc việc sửa chữa, Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện quyết toán công trình theo quy định hiện hành.

3. Thanh toán kinh phí sửa chữa:

Bộ Tài chính thực hiện thanh toán kinh phí sửa chữa kết cấu hạ tầng cầu cảng Cái Lân theo số thực tế đã được quyết toán.

Trường hợp công trình sửa chữa kéo dài cần ứng vốn trước cho đơn vị thi công, theo đề nghị của Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Tài chính sẽ ứng vốn bằng 50% theo số dự toán; sau khi công trình được quyết toán sẽ thực hiện thanh toán theo số chi thực tế.

Hồ sơ cấp kinh phí sửa chữa tài sản gồm:

- Công văn đề nghị cấp kinh phí của Cục Hàng hải Việt Nam.

- Dự toán kinh phí sửa chữa tài sản đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

- Hồ sơ quyết toán công trình (đối với công trình đã được quyết toán).

Căn cứ Hồ sơ đề nghị cấp kinh phí sửa chữa của Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Tài chính (Cục Tài chính doanh nghiệp) chuyển "lệnh chi tiền" sang Kho bạc Nhà nước chi ứng trước dự toán ngân sách năm sau về kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản của Bộ Giao thông vận tải để thanh toán cho Cục Hàng hải Việt Nam đồng thời thông báo cho Bộ Giao thông vận tải để tổng hợp dự toán Ngân sách Nhà nước năm sau.

Khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về dự toán Ngân sách năm sau của Bộ GTVT, Bộ Tài chính thực hiện việc thu hồi vốn ứng trước theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

4. Lập, chấp hành và quyết toán kinh phí:

Việc lập, chấp hành và quyết toán kinh phí quản lý, sửa chữa kết cấu hạ tầng cầu cảng Cái Lân thực hiện theo quy định tại Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước. Cụ thể:

- Hàng năm, Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm lập báo cáo quyết toán sử dụng kinh phí ngân sách sửa chữa kết cấu hạ tầng cầu cảng Cái Lân theo quy định.

- Bộ Giao thông vận tải chủ trì cùng Bộ Tài chính (Cục Tài chính doanh nghiệp) tổ chức kiểm tra phê duyệt quyết toán kinh phí sửa chữa kết cấu hạ tầng cầu cảng Cái Lân.

III - TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo.

Trong quá trình thực hiện, có vướng mắc, đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam và các đơn vị có liên quan phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Huỳnh Thị Nhân

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 102/2004/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý tiền thuê và thanh toán kinh phí sửa chữa kết cấu hạ tầng cầu cảng Cái Lân do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 102/2004/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 03/11/2004
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Huỳnh Thị Nhân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 9
  • Ngày hiệu lực: 29/11/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản