Hệ thống pháp luật

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 100-TTg

Hà Nội, ngày 26 tháng 04 năm 1960

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC GIẢI THỂ CÁC BAN KIỂM TRA TÀI SẢN Ứ ĐỌNG VÀ GIAO NHIỆM VỤ CHO CÁC NGÀNH, CÁC ĐỊA PHƯƠNG

Để củng cố và phát huy kết quả của việc kiểm kê tài sản, xét định vốn của các xí nghiệp quốc doanh năm 1957, và tận dụng tài sản rải rác ở địa phương vào sản xuất và xây dựng. Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 198-TTg ngày 18-4-1958 thành lập Ban kiểm tra tài sản Nhà nước ứ đọng từ trung ương đến xí nghiệp, và Ban kiểm tra tài sản rải rác các tỉnh và thành phố để tiến hành kiểm tra và có kế hoạch sử dụng tài sản ứ đọng cũng như tài sản rải rác.

Đến nay, sau khi Ban kiểm tra tài sản ứ đọng trung ương đã làm báo cáo tổng kết. Chính phủ nhận thấy các công tác nói trên đã hoàn thành về căn bản và đã đạt được kết quả tương đối tốt,Chính phủ hoan nghênh toàn thể công nhân, cán bộ đã tận tụy công tác và đã hoàn thành nhiệm vụ.

Căn cứ vào nghị quyết của hội nghị Thường vụ của Hội đồng Chính phủ phiên họp ngày 06-4-1960, Thủ tướng Chính phủ tuyên bố giải tán các Ban kiểm tra tài sản ứ đọng từ trung ương đến xí nghiệp và các Ban kiểm tra tài sản rải rác các tỉnh kể từ ngày ký thông tư này. Ban kiểm tra tài sản ứ đọng trung ương bàn giao tất cả hồ sơ cho Bộ Tài chính và chuyển giao tài liệu cần thiết cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Cục Thống kê trung ương và Ngân hàng quốc gia Việt Nam.

Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, Cục Thống kê trung ương, Ngân hàng quốc gia Việt Nam, các Bộ khác có liên quan cần nghiên cứu, khai thác, sử dụng và bảo vệ các tài liệu đó. Trong phạm vi mỗi Bộ, mỗi tỉnh, các ngành kỹ thuật, kế hoạch, cung tiêu, tài vụ, v.v… đều phải sử dụng tốt các tài liệu đó.

Công tác kiểm tra tài sản đã căn bản hoàn thành còn phải ra sức củng cố vá phát triển kết quả đã đạt được, đồng thời tiếp tục làm tốt những việc còn tồn tại để không ngừng cải tiến việc quản lý tài sản Nhà nước.

Những việc còn tồn tại mà các Bộ cần khẩn trương làm:

1. Triệt để và nghiêm chỉnh thi hành chỉ thị số 042-TTg ngày 10-2-1960 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao nhận các tài sản Nhà nước đã phân phối, việc thanh toán nộp lại vốn lưu động thừa do kiểm kê năm 1957 đã phát hiện, ổn định tài vụ của Bộ, của xí nghiệp, đẩy mạnh hạch toán kinh tế.

2. Đối với tài sản cần dùng trong năm 1960 và sau năm 1960, các Bộ và các xí nghiệp cần có kế hoạch thật cụ thể, kế hoạch sử dụng gắn liền với nhiệm vụ sản xuất và kiến thiết cơ bản trong năm nay và sau này. Ủy ban Kế hoạch Nhà nước cần nghiên cứu số vật tư thừa mà các Bộ xin giữ lại sau năm 1960 để phân phối và sử dụng sớm hơn, đồng thời nghiên cứu và có kế hoạch sử dụng các máy móc các Bộ trả lại Nhà nước, và Nhà nước đã giao cho Cục Quản lý dự trữ vật tư bảo quản.

3. Với tinh thần khẩn trương, các Bộ cần tiếp tục giải quyết vật tư ứ đọng mới của các xí nghiệp đã kiểm kê năm 1957, tài sản và vốn thừa của các xí nghiệp mới kiểm kê năm 1958 và năm 1959, tiến hành việc xét định vốn cho các tổ chức cung tiêu của các Bộ, đưa các tổ chức đó vào hạch toán kinh tế.

4. Đối với Bộ Kiến trúc, cần mau chóng hoàn thành kế hoạch thanh lý tài sản ứ đọng thừa sau kiểm kê năm 1957 đã được Nhà nước xét duyệt, giải thích lý do chênh lệch, thanh toán dứt khoát với Nhà nước.

5. Đối với các tỉnh, các Ủy ban hành chính tỉnh chú ý thúc đẩy tận dụng các tài sản đã kiểm kê được, có kế hoạch sử dụng, sửa chữa, bảo quản chu đáo, đồng thời tiếp tục kiểm kê những tài sản do nhân dân phát hiện. Cục công nghiệp địa phương của Bộ Công nghiệp cần phối hợp với Ban Kế hoạch các tỉnh nghiên cứu, xúc tiến việc tập trung những tài sản đó lại, có kế hoạch bảo quản, sửa chữa và đem ra sử dụng cho công nghiệp địa phương, kể cả số tài sản của Cục Cung tiêu Bộ Công nghiệp đã tập trung lại và còn ở các kho thuộc khu IV và Tuyên quang.

6. Bộ Giao thông và Bưu điện xúc tiến nghiên cứu việc tổ chức lặn mò tài sản địch vứt xuống sông, biển, và tàu bè đắm (thi hành công văn số 3864-KT ngày 21-10-1959 của Thủ tướng Chính phủ).

Những việc còn tồn tại phải làm và nhiệm vụ trước mắt phải hoàn thành kể trên đây đều quan trọng. Đó là những đóng góp thiết thực vào việc quản lý kinh doanh và sản xuất theo nguyên tắc xã hội chủ nghĩa, thi hành hạch toán kinh tế tốt hơn, tăng tốc độ luân chuyển vốn… Vậy Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ và các tỉnh nghiên cứu kỹ thông tư này và thi hành cho có kết quả tốt.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 100-TTg năm 1960 về việc giải thể các Ban kiểm tra tài sản ứ đọng và giao nhiệm vụ cho các ngành, các địa phương do Phủ Thủ Tướng ban hành.

  • Số hiệu: 100-TTg
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 26/04/1960
  • Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 22
  • Ngày hiệu lực: 11/05/1960
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản