Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC
TỔNG CỤC THUỶ SẢN
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 010-TT/LB

Hà Nội, ngày 09 tháng 06 năm 1966 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

VỀ VIỆC CỦNG CỐ VÀ PHÁT TRIỂN CÁC TRƯỜNG, LỚP BỔ TÚC VĂN HÓA VÀ KỸ THUẬT Ở MIỀN BIỂN

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC - TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THỦY SẢN

Kính gửi:

Các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố.

 

Các Sở, Ty giáo dục.

 

Các Sở, Ty thủy sản

Hiện nay, yêu cầu của cách mạng kỹ thuật đòi hỏi phải nhanh chóng nâng cao trình độ văn hóa, khoa học và kỹ thuật cho cán bộ và nhân dân lao động để góp phần phát triển sản xuất, nâng cao năng suất lao động trong các ngành kinh tế và tạo cơ sở cho công tác đào tạo cán bộ theo quy mô lớn, yêu cầu ấy lại càng đặt ra cấp bách hơn đối với vùng biển, nhưng trong khi đó trình độ văn hóa của nhân dân miền biển lại rấp thấp, công tác bổ túc văn hóa ở vùng biển lại có nhiều khó khăn hơn ở các vùng khác.

Liên bộ Giáo dục - Tổng cục Thủy sản thấy rằng:

1. Nhiệm vụ nâng cao trình độ văn hóa, khoa học và kỹ thuật cho cán bộ và nhân dân lao động vùng biển là nhiệm vụ rất cấp thiết hiện nay, đòi hỏi các cấp bộ lãnh đạo từ trung ương đến địa phương, các ty, sở, phòng của hai ngành phải đặc biệt quan tâm chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ để giải quyết kịp thời những yêu cầu đặt ra.

Đối với chính quyền ở xã và các hợp tác xã cần đặt rõ trách nhiệm lãnh đạo công tác bổ túc văn hóa, hợp tác xã là đơn vị cơ sở trực tiếp quản lý sản xuất và quản lý lao động, đồng thời phải quản lý cả việc bồi dưỡng văn hóa và kỹ thuật cho cán bộ và xã viên. Do đó mỗi hợp tác xã nghề cá cần cử một cán bộ trong ban quản trị phụ trách công tác bổ túc văn hóa, cử những người có trình độ văn hóa ra làm giáo viên, đồng thời trả thù lao thích đáng cho các giáo viên đó, hợp tác xã cần tạo các cơ sở vật chất cần thiết như trường sở, đồ dùng giảng dạy, tư liệu giáo khoa cho giáo viên.

Hợp tác xã cần quy định thời gian học tập của từng lớp cho cán bộ, xã viên cho thích hợp với điều kiện sản xuất và công tác, và đôn đốc động viên cán bộ, xã viên học tập đông đủ và đều đặn. Mỗi hợp tác xã tổ chức một trường bổ túc văn hóa cấp I và có tổ giáo viên riêng do hợp tác xã quản lý.

Các sở, ty, thủy sản, các hợp tác xã, các cơ sở quốc doanh nghề cá cần động viên cán bộ kỹ thuật trung học và đại học thủy sản tham gia công tác giảng dạy kỹ thuật trong các trường lớp bổ túc văn hóa ở xã, hợp tác xã. Các sở, ty giáo dục có trách nhiệm bồi dưỡng về sư phạm cho số cán bộ kỹ thuật này.

2. Nhà nước sẽ đào tạo giáo viên cấp II cho các xã, các hợp tác xã, mỗi xã, mỗi hợp tác xã cử người có đủ tiêu chuẩn quy định đi học trong các trường sư phạm bổ túc văn hóa, sau khi học xong học sinh sẽ trở về phục vụ ở xã, ở hợp tác xã. Ủy ban hành chính và ban quản trị hợp tác xã có nhiệm vụ quản lý số giáo viên này về mọi mặt (tinh thần và vật chất, cụ thể: trả thù lao cho giáo viên theo chế độ đối với cán bộ trung học kỹ thuật khác về công tác ở xã, ở hợp tác xã).

Trong các trường sư phạm của các tỉnh vùng biển, cần mở lớp riêng để giáo sinh học phần kỹ thuật thủy sản cho thích hợp với yêu cầu và nội dung giảng ở vùng biển.

3. Tổng cục Thủy sản sẽ cùng Bộ giáo dục nghiên cứu soạn chương trình và tài liệu dạy kỹ thuật thủy sản cho các trường lớp bổ túc văn hóa cấp I, II, III dạy ở vùng biển. Trong khi chờ đợi có chương trình hướng dẫn chính thức, các ty giáo dục và ty thủy sản ở các tỉnh vùng biển cần phối hợp để xác định nội dung giảng dạy kỹ thuật và giải quyết tài liệu cho các xã vùng biển.

Các ty giáo dục và ty thủy sản cần phối hợp chỉ đạo từng bước thực hiện Chỉ thị số 97 ngày 18-5-1965 của Ban bí thư Trung ương Đảng về công tác bổ túc văn hóa, trước mắt là cùng nhau xác định yêu cầu nâng cao trình độ văn hóa, kỹ thuật và chính trị cho cán bộ, xã viên ở vùng biển trong kế hoạch hai năm 1966 – 1967. Trên cơ sở đó mà chỉ đạo xuống cơ sở, có những tính toán cụ thể, xác định những hình thức học tập thích hợp cho từng loại đối tượng để năm 1968 hoàn thành phổ cập cấp I cho đối tượng loại I (bao gồm cán bộ và thanh niên đến 30 tuổi), và đưa 70% lên trình độ lớp 5 và 6 bổ túc văn hóa, còn xã viên từ 30 tuổi đến 40 tuổi thì phải có 70% học xong lớp 3, số còn lại học xong lớp 2 bổ túc văn hóa.

Muốn đạt được chỉ tiêu đó, các cấp, các ngành phải đặc biệt quan tâm, tạo những điều kiện thuận lợi và tìm những biện pháp tích cực động viên toàn thể cán bộ, xã viên hăng hái học tập, tạo cơ sở vững chắc về thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ hai theo phương hướng của Chỉ thị số 97 đã đề ra.

Bộ Giáo dục và Tổng cục Thủy sản yêu cầu các Ủy ban hành chính các cấp, các sở, ty giáo dục và thủy sản nghiên cứu thông tư này và hướng dẫn ngay các cơ sở thực hiện để đưa công tác bổ túc văn hóa và kỹ thuật cho cán bộ, nhân dân vùng biển lên một bước mới góp phần tích cực vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội đi đến thắng lợi.

 

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG

TỔNG CỤC THỦY SẢN

TỔNG CỤC PHÓ

 

 

 

Nguyễn Cao Đàm

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC

THỨ TRƯỞNG

 

 

 

 

Võ Thuần Nho

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 10-TT/LB năm 1966 củng cố và phát triển các trường, lớp bổ túc văn hóa và kỹ thuật ở miền biển do Liên bộ Bộ Giáo dục và Tổng cục Thuỷ sản ban hành.

  • Số hiệu: 010-TT/LB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 09/06/1966
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục, Tổng cục Thuỷ sản
  • Người ký: Võ Thuần Nho, Nguyễn Cao Đàm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 7
  • Ngày hiệu lực: 24/06/1966
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản