Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10-TT/BNV(C13)

Hà Nội, ngày 03 tháng 9 năm 1989

THÔNG TƯ

SỐ 10-TT/BNV (C13) NGÀY 3 THÁNG 9 NĂM 1989 HƯỚNG DẪN VIỆC CẤP VÀ SỬ DỤNG GIẤY CHỨNG NHẬN LÀM NGHỀ TRÊN BIỂN

Ngày 25 tháng 5 năm 1979, Bộ Nội vụ đã có Thông tư số 20-CAVT về việc cấp giấy chứng nhận làm nghề trên biển. Nhiều địa phương có người làm nghề trên biển đã tích cực tổ chức thực hiện và đã đạt kết quả nhất định. Tuy nhiên đã có một số quy định không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và còn có những thủ tục phiền hà.

Để khắc phục những tồn tại trên đây, góp phần bảo vệ chủ quyền, giữ vững an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội trên tuyến biển của nước ta đồng thời đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân làm nghề trên biển. Bộ Nội vụ ra Thông tư này thay thế Thông tư số 20-CAVT ngày 25-5-1979 hướng dẫn việc cấp và sử dụng giấy chứng nhận làm nghề trên biển.

I. TIÊU CHUẨN, THỦ TỤC XÉT CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN LÀM NGHỀ TRÊN BIỂN

A. TIÊU CHUẨN.

1. Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ 15 tuổi trở lên là nhân khẩu thường trú ở địa phương, lý lịch rõ ràng, có nghề chuyên môn thích hợp đều được xét cấp giấy chứng nhận làm nghề trên biển.

2. Những người chưa được cấp giấy chứng nhận làm nghề trên biển:

a) Những người đang bị quản chế, bị cấm cư trú ở bờ biển, hải đảo ghi trong bản án của Toà án Nhân dân hoặc quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương.

b) Những người vi phạm Luật Hình sự đang trong diện điều tra, đang chờ xét sử, đang chờ hoặc đang thi hành án.

c) Những người bị tập trung cải tạo, bị tù được tha về nay còn có hành vi vi phạm pháp luật, hoặc những hành động khác có hại cho an ninh trật tự mà nhân dân đã nhận xét đề nghị chưa được cấp giấy làm nghề trên biển.

Những người phạm một trong các điểm trên đây, chưa được cấp giấy chứng nhận làm nghề trên biển, cơ quan công an có quyền được cấp giấy trước khi quyết định phải xác minh, kiểm tra thận trọng, chính xác, phải căn cứ vào ý kiến nhân dân nơi người đó cư trú, và phải chịu trách nhiệm về những kết luận ấy.

B. THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN LÀM NGHỀ TRÊN BIỂN

1. Những người là nhân khẩu thường trú ở địa phương nào thì đến làm thủ tục xin giấy chứng nhận làm nghề trên biển tại cơ quan công an, quận huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh ở nơi đó.

2. Thủ tục xin cấp giấy chứng nhận làm nghề trên biển có:

- Nộp một đơn xin cấp giấy chứng nhận làm nghề trên biển có xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường nơi đăng ký nhân khẩu thường trú.

- Nộp 2 ảnh cỡ 3 x 4 (kiểu ảnh dán giấy chứng minh nhân dân).

- Nộp tiền lệ phí theo quy định chung.

3. Thời hạn xét đơn.

Sau 10 ngày kể từ ngày nộp đơn cơ quan công an có thẩm quyền cấp giấy phải xét cấp hay không cấp để trả lời cho người xin cấp giấy.

4. Trưởng công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh xét duyệt và ký giấy chứng nhận làm nghề trên biển. Mẫu giấy do Bộ Nội vụ ban hành.

II. SỬ DỤNG GIẤY CHỨNG NHẬN LÀM NGHỀ TRÊN BIỂN

Người được cấp giấy chứng nhận làm nghề trên biển phải thực hiện các quy dịnh sau đây:

1. Phải mang theo giấy khi đi làm nghề trên biển kèm theo giấy chứng minh nhân dân và chỉ được đi trong phạm vi giấy phép quy định. Phải xuất trình các loại giấy tờ kể trên khi có sự kiểm soát của Bộ đội biên phòng hoặc Cảnh sát nhân dân hoặc Hải quân tuần tra trên biển.

2. Người được cấp giấy chứng nhận làm nghề trên biển khi không tiếp tục làm nghề trên biển nữa; hoặc bị cấm hành nghề, cấm cư trú ở vùng biển, hải đảo; bị tập trung cải tạo, bị quản chế hoặc có liên quan đến các vụ án đang điều tra, xét sử, thi hành án thì phải nộp giấy chứng nhận làm nghề trên biển cho Uỷ ban nhân dân xã, phường nơi cư trú hoặc do Uỷ ban nhân dân xã, phường sở tại thu lại giấy đó để giao cho Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi cấp giấy.

3. Nếu giấy hư hỏng phải nộp cho cơ quan Công an nơi cấp để đổi giấy khác. Mất giấy phải báo và xin giấy chứng nhận của cơ quan Công an hoặc chính quyền nơi để mất giấy và báo cho cơ quan Công an cấp giấy xin cấp lại giấy khác.

4. Nghiêm cấm việc giả mạo hồ sơ, tài liệu, mạo tên người khác để lấy giấy chứng nhận làm nghề trên biển hoặc cho thuê, cho mượn, buôn bán, làm giả, tẩy soá, sửa chữa giấy chứng nhận làm nghề trên biển.

5. Người nào vi phạm các quy định trong Thông tư này sẽ tuỳ trường hợp và mức độ vi phạm mà bị xử lý như cảnh cáo, phạt tiền theo điều lệ phạt vi cảnh; thu hồi giấy phép từ 6 tháng đến 1 năm hoặc thu vĩnh viễn, nếu nghiêm trọng sẽ sử lý theo Bộ luật Hình sự.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương nơi có người làm nghề trên biển, các đồng chí Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Tổng Cục trưởng các Tổng cục, Cục trưởng, Vụ trưởng thuộc Bộ Nội vụ căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn của mình để tổ chức thực hiện Thông tư này.

2. Các đồng chí Giám đốc công an các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương nơi có người làm nghề trên biển phải tranh thủ sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân cấp mình và chỉ đạo các cấp công an thuộc quyền nghiêm chỉnh thực hiện Thông tư này.

3. Tổng cục Cảnh sát nhân dân có kế hoạch hướng dẫn và theo dõi kiểm tra đôn đốc Công an các địa phương thực hiện.

4. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau một tháng kể từ ngày ký. Những văn bản trước đây của Bộ Nội vụ trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Phạm Tâm Long

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 10-TT/BNV(C13) năm 1989 hướng dẫn việc cấp và sử dụng giấy chứng nhận làm nghề trên biển do Bộ nội vụ ban hành

  • Số hiệu: 10-TT/BNV(C13)
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 03/09/1989
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
  • Người ký: Phạm Tâm Long
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 20
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản