Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ TÀI CHÍNH | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 10-TC/NLTL | Hà Nội, ngày 21 tháng 07 năm 1973 |
Hội đồng Chính phủ đã quyết định một số vấn đề về việc bảo đảm khai thông dòng chảy để thoát lũ và quy định tạm thời một số chính sách cụ thể đối với việc di chuyển cơ sở kinh tế, văn hóa, quốc phòng và dân cư để giải phóng lòng sông.
Ngày 29 tháng 05 năm 1973, Phủ Thủ tướng cũng đưa ra thông tư số 129-TTg tiếp tục giải quyết một số vấn đề cụ thể về công tác giải phóng lòng sông.
Thi hành các văn bản trên của Hội đồng Chính phủ và Phủ Thủ tướng, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể như sau:
I. NGUYÊN TẮC XÉT TRỢ GIÚP VÀ CẤP PHÁT CÁC KHOẢN TIỀN CHI PHÍ CHO VIỆC DI CHUYỂN
1. Đối với hộ nhân dân (bao gồm cán bộ, công nhân viên chức có nhà riêng):
a) Về mức tiền trợ cấp bình quân:
Phương hướng chính sách trợ giúp là trên cơ sở tự lực cánh sinh, nhân dân tương trợ lẫn nhau, Nhà nước chỉ giúp đỡ một phần cho nhân dân di chuyển nhà cửa, mau chóng ổn định đời sống và sản xuất…
Mức tiền trợ giúp bình quân được quy định là 400 đồng cho một hộ di chuyển. Đây là mức bình quân để làm căn cứ lập dự toán xin kinh phí của tỉnh, thành phố; còn khi cấp phát ở từng hợp tác xã hoặc từng xã phải căn cứ vào tình hình thực tế của từng ngôi nhà và hoàn cảnh của từng hộ mà xét, có hộ được trợ giúp dưới 400 đồng (thí dụ 150 đồng, 200 đồng, 250 đồng, 300 đồng), có hộ được trợ giúp cao hơn 400 đồng (thí dụ 450 đồng, 500 đồng, v.v…) nhưng tính lại bình quân trong toàn tỉnh, trong thành phố thì không được vượt qua mức 400 đồng.
Ngoài ra mỗi hộ di chuyển còn được trợ cấp 16 đồng để mua 40 kilôgam gạo theo giá cung cấp.
Cán bộ, công nhân, viên chức có nhà riêng phải di chuyển cũng được xét trợ cấp như nhân dân.
b) Về nguồn kinh phí
Kinh phí trợ giúp do ngân sách trung ương trợ cấp cho ngân sách tỉnh và thành phố, căn cứ vào số hộ thực tế phải di chuyển nhân (X) với 416 đồng.
c) Dự toán năm 1973 phải được Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố lập và gửi về Bộ Tài chính càng sớm càng tốt.
2. Đối với các cơ sở vật chất kỹ thuật của hợp tác xã.
a) Về mức trợ giúp cho hợp tác xã có cơ sở vật chất kỹ thuật phải di chuyển thì căn cứ vào giá trị tài sản cố định thực tế còn lại của cơ sở phải di chuyển để tính dự toán xin kinh phí trợ giúp.
Phải kê khai và tổng hợp có bao nhiêu hợp tác xã trong diện phải di chuyển năm 1973, mỗi hợp tác xã phải di chuyển có những cơ sở vật chất kỹ thuật gì phải di chuyển (chuồng trại, nhà kho,sân phơi, cơ sở chế biến…); giá trị sử dụng thực tế của tài sản cố định còn lại của mỗi cơ sở nói trên là như thế nào. Tùy theo mức hư hao vật liệu khi tháo dỡ và di chuyển đối với mỗi cơ sở cụ thể, Nhà nước chỉ xét trợ giúp một phần về hư hao tài liệu, nhằm giúp hợp tác xã mua vật liệu để xây dựng, khôi phục lại giá trị sử dụng còn lại của tài sản cố định gần như trước khi di chuyển. Còn công tháo dỡ, vận chuyển và công xây dựng lại thì hợp tác xã phải tự lo liệu. Nếu nhân dịp này hợp tác xã muốn mở rộng quy mô xây dựng, cải tạo hoặc làm tốt hơn trước thì hợp tác xã cũng tự lo liệu lấy.
Việc ước tính giá trị còn lại về tài sản cố định của từng cơ sở ở mỗi hợp tác xã khá phức tạp và khó khăn, đòi hỏi sự chỉ đạo chặt chẽ của Ủy ban hành chính tỉnh và thành phố: kiểm kê, đánh giá đúng đắn giá trị sử dụng còn lại về tài sản cố định của từng cơ sở phải di chuyển, tính toán chặt chẽ phần chi phí về hư hao vật liệu v. v…
b) Về nguồn kinh phí do ngân sách trung ương trợ cấp cho ngân sách tỉnh, thành phố. Trong khi chưa có đầy đủ căn cứ cụ thể để lập và xét duyệt dự toán; căn cứ vào đề nghị của Ủy ban hành chính tỉnh và thành phố, ngân sách trung ương sẽ tạm ứng cho mỗi địa phương một số kinh phí nhất định. Trong quá trình thực hiện, căn cứ vào thực tế cấp phát và quyết toán mỗi năm, Ủy ban hành chính tỉnh và thành phố sẽ điều chỉnh lại và báo cáo về Bộ Tài chính: nếu thiếu sẽ được ngân sách trung ương cấp phát thêm; nếu thừa sẽ nộp trả lại cho ngân sách trung ương.
c) Đối với những cơ sở kinh tế, văn hóa trước đây hợp tác xã vay vốn của ngân hàng Nhà nước để xây dựng mà chưa trả hết nợ, nay phải di chuyển sẽ do Ngân hàng Nhà nước trung ương hướng dẫn cụ thể.
3. Đối với các cơ sở kinh tế, văn hóa của xã phải di chuyển như trường học, nhà trẻ, bệnh xá.v.v…việc di chuyển và dựng lại các cơ sở này chủ yếu phải dựa vào công sức của nhân dân địa phương. Về vật liệu thì trước hết phải tận dụng vật liệu cũ còn lại, nếu thiếu thì ngân sách xã chi thêm. Ở nơi nào ngân sách xã gặp khó khăn thì ngân sách tỉnh, thành phố xét trợ cấp.
Riêng đối với nhà thờ, đình chùa nằm trong phạm vi dòng chảy được quy định, nói chung chưa đặt vấn đề di chuyển. Trong trường hợp thật cần thiết phải di chuyển thì Ủy ban hành chính tỉnh hoặc thành phố bàn với Bộ Thủy lợi quyết định, nhưng phải có kế hoạch chỉ đạo thật chặt chẽ, không được để xảy ra sự phàn nàn của nhân dân; trường hợp dân có yêu cầu xây dựng lại ở những nơi khác thì căn cứ vào giá trị tài sản cố định còn lại của nhà thờ hoặc đình chùa đó mà trợ giúp một phần chi phí hư hao vật liệu. Nguồn kinh phí do ngân sách trung ương trợ giúp.
4. Đối với các cơ sở kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, nhà ở…thuộc cơ quan Nhà nước ở trung ương và địa phương phải di chuyển.
a) Việc di chuyển và xây dựng lại các cơ sở trung ương do các Bộ, Tổng cục và cơ quan ngang Bộ ở trung ương giải quyết. Các cơ sở địa phương thì do các ngành ở địa phương lo và do ngân sách địa phương đài thọ dưới sự chỉ đạo tập trung thống nhất của Ủy ban hành chính tỉnh hoặc thành phố.
Đối với những di tích lịch sử có giá trị bảo tồn, bảo tàng được xếp hạng thuộc Bộ Văn hóa quản lý hoặc do địa phương phát hiện mà cần phải di chuyển thì Bộ Văn hóa sẽ bàn bạc với Ủy ban hành chính địa phương để có kế hoạch di chuyển và xây dựng lại những phần có giá trị cơ sở đó.
b) Ở trung ương cũng như ở địa phương, ngành nào đã lập dự toán năm 1973 mà chưa ghi hoặc chưa ghi đầy đủ khoản kinh phí này thì phải lập dự toán bổ sung.
Các ngành ở trung ương cũng như ở địa phương đều phải chỉ đạo rất chặt chẽ công việc tháo dỡ thiết bị, máy móc, nhà cửa…di chuyển, xây dựng lại với tinh thần hết sức tiết kiệm (tận dụng lại các vật liệu của các cơ sở cũ) theo đúng phương án, kế hoạch được các cơ quan cấp trên có thẩm quyền xét duyệt.
II. CHẾ ĐỘ LẬP, XÉT DUYỆT DỰ TOÁN, CẤP PHÁT, QUẢN LÝ VÀ QUYẾT TOÁN
A. Lập và xét toán dự toán
1. Phần trợ giúp cho nhân dân và hợp tác xã
Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố có trách nhiệm hướng dẫn giúp đỡ các Ủy ban hành chính huyện lập dự toán gồm các phần:
a) Trợ giúp cho nhân dân di chuyển nhà cửa;
b) Trợ giúp cho hợp tác xã nông nghiệp và xã có những cơ sở vật chất và kỹ thuật, nhà thờ, đình chùa phải di chuyển.
c) Trợ giúp cho ngân sách xã (nếu có) đối với các cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa…phải di chuyển.
Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố xét duyệt dự toán, tổng hợp phần a và phần b trên đây gửi về Bộ Tài chính xin ngân sách trung ương trợ cấp. Phần trợ giúp cho ngân sách (phần c) do ngân sách của Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trợ cấp. Các Sở - Ty tài chính giúp Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố quy định và hướng dẫn.
2. Việc lập và xét duyệt dự toán đối với các cơ sở kinh tế, văn hóa, giáo dục…của các ngành trung ương và địa phương thuộc diện phải di chuyển thực hiện theo đúng chế độ hiện hành về quản lý vốn xây dựng cơ bản.
B. Cấp phát tiền trợ giúp
Yêu cầu của công tác cấp phát tiền trợ giúp là phải đề cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, việc xét và cấp phát phải thật công bằng, hợp lý đối với từng hộ nhân dân, từng hợp tác xã, từng xã; làm cho mọi người, mọi đơn vị đoàn kết, nhất trí để việc di chuyển tiến hành được nhanh gọn. Tìên trợ giúp phải được cấp phát kịp thời, đến tận tay nhân dân, hợp tác xã hoặc xã được trợ giúp.
Dưới sự chỉ đạo của Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố, các Sở, Ty tài chính giao trách nhiệm và hướng dẫn nghiệp vụ cụ thể cho các phòng tài chính huyện phối hợp với các ngành có liên quan ở huyện giúp Ủy ban hành chính huyện thẩm tra đầy đủ danh sách các đơn vị (hợp tác xã) và từng hộ nhân dân đã được Ủy ban hành chính tỉnh hoặc thành phố duyệt, tổ chức công bố trước nhân dân và hợp tác xã về mức được trợ giúp bằng tiền và gạo.
Việc cấp phát cần được tiến hành chu đáo, tại trụ sở Ủy ban hành chính xã do Phòng tài chính huyện chủ trì có các ngành liên quan trọng huyện, đại diện Ủy ban hành chính xã và Ban quản trị hợp tác xã tham gia.
C. Công tác quyết toán
Công tác quyết toán sẽ được tiến hành như sau: các Sở, Ty tài chính giúp Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố xét duyệt quyết toán của các Ủy ban hành chính huyện và tổng hợp báo cáo quyết toán với ngân sách trung ương phần vốn trung ương trợ cấp cho tỉnh, thành phố.
Nội dung báo cáo quyết toán phải nêu được những vấn đề cơ bản như tình hình thực hiện toàn bộ phương án giải phóng lòng sông trong năm của địa phương (số hộ và các cơ sở vật chất kỹ thuật của hợp tác xã đã di chuyển); đánh giá kết quả việc di chuyển so với phương án đã đề ra, số kinh phí chi tiêu cho việc trợ giúp nhân dân và hợp tác xã di chuyển; những nhận xét việc thực hiện và vận dụng các chính sách về trợ giúp của Nhà nước đối với nhân dân và hợp tác xã; xác định kinh phí thừa hoặc thiếu giữa số thực thi quyết toán so với kinh phí do ngân sách trung ương trợ cấp.
Quá trình giúp Ủy ban hành chính địa phương xét duyệt toán chung, các Sở, Ty tài chính có thể yêu cầu Ủy ban hành chính huyện cung cấp thêm tình hình và số liệu cần thiết, hoặc kiểm tra sổ sách kế toán, chứng từ và các tài liệu khác có liên quan…đảm bảo xét duyệt quyết toán và lập báo cáo quyết toán (với ngân sách trung ương) được chặt chẽ, chính xác, đúng chế độ, chính sách.
Việc thi hành chính sách cụ thể về trợ giúp tài chính đối với việc giải phóng lòng sông là một vấn đề lớn và phức tạp. Bộ Tài chính đề nghị Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố chỉ đạo việc dự trù kinh phí, quản lý kinh phí đúng chế độ. Trong quá trình tiến hành nếu thấy có vấn đề gì cần sửa đổi hoặc bổ sung yêu cầu báo cáo kịp thời về Bộ Tài chính.
| K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH |
Thông tư 10-TC/NLTL-1973 hướng dẫn thi hành Nghị quyết 28-CP 1973 về một số chính sách cụ thể đối với việc di chuyển cơ sở kinh tế, quốc phòng và dân cư để giải phóng lòng sông do Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 10-TC/NLTL
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 21/07/1973
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Hoàng Văn Diệm
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 12
- Ngày hiệu lực: 05/08/1973
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra