Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10-NV

Hà Nội, ngày 23 tháng 02 năm 1962

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC HOÀN THÀNH GIẢI QUYẾT QUYỀN LỢI THƯƠNG TẬT ĐỐI VỚI NHỮNG TRƯỜNG HỢP CÒN SÓT CỦA QUÂN NHÂN, DÂN QUÂNDU KÍCH THANH NIÊN XUNG PHONG BỊ THƯƠNG TRONG KHÁNG CHIẾN

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

Kính gửi: Ủy ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh và khu vực Vĩnh Linh

Trong Thông tư số 35-NV ngày 25/7/1960, Bộ đã quy định thời hạn hoàn thành giải quyết quyền lợi thương tật đối với quân nhân, dân quân du kích, thanh niên xung phong bị thương trong kháng chiến.

Qua quá trình thực hiện, tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng nhìn chung các địa phương đã phổ biến và hướng dẫn anh em khai báo, lập hồ sơ, nên đã giải quyết được nhiều trường hợp bị thương trong kháng chiến còn sót lại.

Tuy nhiên, ở một số nơi, việc phổ biến thông tư trên đây chưa làm được rộng rãi đến tận các cơ sở, việc hướng dẫn anh em kê khai còn còn sơ sài, hơn nữa một số quy định về thủ tục, quyền hạn xét lập hồ sơ chưa thật thích hợp, do đó việc giải quyết còn bị kéo dài. Cho tới nay, Bộ vẫn còn nhận được những hồ sơ lập sau thời hạn quy định của Thông tư số 35-NV (tháng 11 năm 1960) do các nơi chuyển đến và nhiều đơn từ của anh em quân nhân, dân quân du kích, thanh niên xung phong đề nghị giải quyết quyền lợi thương tật.

Xét tình hình thực tế như trên, Bộ thấy cần phải tiếp tục giải quyết nốt việc xác nhận những quân nhân, dân quân du kích, thanh niên xung phong bị thương trong kháng chiến đủ tiêu chuẩn được hưởng quyền lợi thương tật và có kết luận dứt khoát đối với những trường hợp không thuộc tiêu chuẩn hưởng quyền lợi thương tật, để có thể kết thúc sớm việc này, chậm nhất là vào cuối năm 1963.

Những trường hợp còn sót lại đến nay, phần lớn đều khó xét, như: anh em bị thương từ lâu, đã thuyên chuyển qua nhiều đơn vị, không còn giấy tờ cũ để xác minh, đơn vị cũ không còn hoặc anh em không liên hệ được, thương tật không rõ ràng v.v…, có những trường hợp trước đây đã xét không đủ tiêu chuẩn là thương binh, như đào ngũ, tự thương, vết thương nhẹ không được xếp vào hạng… nay cũng khai báo lại.

Vì vậy, muốn hoàn thành giải quyết được tốt, cần có biện pháp tích cực và thích hợp, mới đảm được chính xác, nhanh gọn, đồng thời tránh gây phiền phức cho anh em.

Sau khi đã trao đổi ý kiến với Bộ Quốc phòng, Bộ hướng dẫn cách tiến hành như sau:

- Việc cấp giấy chứng thương cho những quân nhân bị thương trong kháng chiến còn sót lại, sẽ do các khu, thành, tỉnh đội và các đơn vị quân đội, nơi anh em đang cư trú hay công tác, phụ trách giải quyết, căn cứ vào quyền hạn và nhiệm vụ do Bộ Quốc phòng quy định (khác với trước đây là giấy báo thương nhất thiết phải do đơn vị quản lý anh em khi bị thương hay Cục Quân lực xét cấp).

Để việc cấp giấy chứng thương được chính xác, cần dựa vào tổ chức cơ sở (xã, khu phố, cơ quan, công trường, xí nghiệp, đơn vị quân đội…) để phát hiện, bình xét, có lập biên bản cụ thể đối với từng trường hợp. Qua bình xét của cơ sở, cần có kết luận dứt khoát đối với những trường hợp rõ ràng không đủ tiêu chuẩn hưởng quyền lợi thương tật và giải thích cho những anh em này không phải đi khám thương tật và xin cấp giấy chứng thương nữa.

- Tổ chức khám thương tật cho anh em trước khi xét, cấp giấy chứng thương (trước đây phải có giấy báo bị thương hợp lệ, anh em mới được khám thương tật). Qua khám xét về thương tật, đối với những anh em có vết thương nhẹ, không xếp vào hạng được hoặc có những vết thương mà nguyên nhân không phải là trường hợp bị thương như anh em đã khai, thì không cấp giấy chứng thương.

Các khu, thành, tỉnh đội và các đơn vị quân đội chỉ xét cấp giấy chứng thương cho những anh em đã có hồ sơ đầy đủ, rõ ràng (giấy khai danh dự có nhân chứng hoặc có giấy tờ cũ đính kèm, có biên bản bình xét của tổ chức cơ sở) và được xếp vào hạng thương tật.

- Để đề phòng sau này anh em sẽ khai báo lại, tất cả những hồ sơ của những trường hợp được kết luận là không đủ tiêu chuẩn và những trường hợp không được xếp vào hạng thương tật, đều gửi về Bộ, đồng thời các Ủy ban cần có tài liệu lưu lại.

Việc tiến hành xác nhận những quân nhân, dân quân du kích, thanh niên xung phong bị thương trong kháng chiến còn sót là một công việc có khó khăn, phức tạp và cần hoàn thành sớm, chính xác, Bộ đề nghị các Ủy ban phối hợp, chặt chẽ với các khu, thành, tỉnh đội và các Hội đồng xếp hạng thương tật, nghiên cứu kỹ thông tư này, có kế hoạch thực hiện tốt.

Trong khi thực hiện, có gì khó khăn trở ngại đề nghị các Ủy ban kịp thời phản ảnh về Bộ để nghiên cứu giải quyết.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Ngọc

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 10-NV năm 1962 hoàn thành giải quyết quyền lợi thương tật đối với những trường hợp còn sót của quân nhân, dân quân do Bộ Nội Vụ ban hành

  • Số hiệu: 10-NV
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 23/02/1962
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
  • Người ký: Nguyễn Văn Ngọc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 12
  • Ngày hiệu lực: 10/03/1962
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản