Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10-NV

Hà Nội, ngày 27 tháng 07 năm 1966

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC ĐĂNG KÝ KẾT HÔN CHO CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, BỘ ĐỘI, HỌC SINH, SINH VIÊN VÀ ĐỒNG BÀO LÀ NGƯỜI MIỀN NAM TẬP KẾT

Kính gửi: Ủy ban hành chính các khu tự trị, tỉnh, thành phố và khu vực Vĩnh Linh

Từ trước đến nay, mỗi khi có cán bộ, công nhân, viên chức, bộ đội, học sinh, sinh viên và đồng bào là người miền Nam tập kết đến xin đăng ký kết hôn, Ủy ban hành chính cơ sở thường yêu cầu xuất trình nhiều giấy tờ chứng nhận chưa có vợ, có chồng. Có nơi yêu cầu đương sự xuất trình giấy chứng nhận của cơ quan, xí nghiệp, đơn vị bộ đội hoặc trường học nơi đương sự đang công tác, học tập. Có nơi lại yêu cầu xuất trình thêm giấy chứng nhận của Ban liên lạc đồng hương các tỉnh miền Nam. Một số nơi khác lại còn yêu cầu xuất trình cả lý lịch hay giấy chứng nhận của chính quyền cơ sở nơi đương sự đã ở trước kia. Tình trạng đó gây khó khăn cho một số cán bộ và đồng bào miền Nam xây dựng gia đình.

Căn cứ vào tình hình thực tế hiện nay, Bộ Nội vụ hướng dẫn một số điểm cụ thể về việc đăng ký kết hôn cho cán bộ và đồng bào miền Nam như sau.

I. TRƯỜNG HỢP CHƯA CÓ VỢ, CÓ CHỒNG

Cán bộ, công nhân, viên chức, bộ đội học sinh sinh viên miền Nam, nam cũng như nữ khi xin đăng ký kết hôn phải xuất trình giấy chứng nhận chưa có vợ, chưa có chồng của cơ quan, xí nghiệp, đơn vị bộ đội, trường học nơi mình đang công tác, học tập với Ủy ban hành chính cơ sở mà mình muốn xin đăng ký.

Cán bộ, công nhân, viên chức, bộ đội miền Nam đã ra ngoài biên chế Nhà nước và đồng bào miền Nam đã về làm ăn ở các địa phương, khi xin đăng ký kết hôn tại Ủy ban hành chính cơ sở nơi mình không cư trú phải xuất trình giấy chứng nhận chưa có vợ, chưa có chồng của Ủy ban hành chính cơ sở nơi mình đang cư trú.

Ủy ban hành chính cơ sở nơi đương sự đang cư trú, sẽ căn cứ vào hồ sơ lý lịch của đương sự, những giấy tờ do các cơ quan cấp và tình hình thực tế mà Ủy ban hành chính nắm được để cấp giấy chứng nhận.

Trường hợp đương sự xin đăng ký kết hôn tại Ủy ban hành chính cơ sở nơi mình đang cư trú thì không phải xuất trình giấy tờ nào cả.

II. TRƯỜNG HỢP ĐÃ CÓ VỢ, CÓ CHỒNG TRONG NAM NHƯNG VỢ HAY CHỒNG ĐÃ MẤT TÍCH, ĐÃ CHẾT HAY ĐÃ CÓ CHỒNG, CÓ VỢ KHÁC

Cán bộ, công nhân, viên chức, bộ đội, học sinh, sinh viên miền Nam, kể cả người đã ra ngoài biên chế và đồng bào miền Nam, nếu đã có vợ, có chồng trong Nam, nhưng vợ hay chồng đã mất tích, đã chết hay đã có chồng, có vợ khác, khi xin đăng ký kết hôn thì phải xuất trình giấy giới thiệu của cơ quan, xí nghiệp, đơn vị bộ đội, trường học mình đang công tác, học tập, hoặc của Ủy ban hành chính cơ sở nơi mình đang cư trú, kèm theo giấy chứng thực của cán bộ đặc biệt do Ban Tổ chức trung ương, Ủy ban Thống nhất hay Bộ Nội vụ quản lý hay thư của gia đình, bản bè trong Nam gửi ra nói rõ tình trạng trên. Thư này phải có sự chứng nhận của bộ phận thư tín của Tổng cục Bưu điện và truyền thanh.

Trường hợp đương sự đã ly hôn với vợ hay chồng đã xuất trình được trích lục án ly hôn của Tòa án nhân dân thì không cần phải xuất trình giấy tờ nào khác.

Các Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh phổ biến thông tư này đến các cơ quan, xí nghiệp, đơn vị bộ đội đóng ở địa phương mình biết để chấp hành đúng.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Ngọc

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 10-NV-1966 về việc đăng ký kết hôn cho cán bộ, công nhân, viên chức, bộ đội, học sinh, sinh viên và đồng bào là người miền Nam tập kết do Bộ Nội vụ ban hành

  • Số hiệu: 10-NV
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 27/07/1966
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
  • Người ký: Nguyễn Văn Ngọc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 14
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản