Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/2020/TT-BTNMT

Hà Nội, ngày 29 tháng 9 năm 2020

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ BÁO CÁO TIẾP CẬN NGUỒN GEN VÀ CHIA SẺ LỢI ÍCH TỪ VIỆC SỬ DỤNG NGUỒN GEN

Căn cứ Luật Đa dạng sinh học ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Căn cứ Nghị định số 59/2017/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen;

Theo đề nghị của Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định về báo cáo tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết khoản 3 Điều 25 Nghị định số 59/2017/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen (sau đây gọi là Nghị định số 59/2017/NĐ-CP).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen, cụ thể:

1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, gia hạn và thu hồi Giấy phép tiếp cận nguồn gen theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 59/2017/NĐ-CP (sau đây gọi là cơ quan có thẩm quyền).

2. Tổ chức, cá nhân đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 59/2017/NĐ-CP.

3. Học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh, tổ chức khoa học và công nghệ Việt Nam đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định cho phép đưa nguồn gen ra nước ngoài theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 20 Nghị định số 59/2017/NĐ-CP.

Điều 3. Báo cáo kết quả việc thực hiện tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen

1. Mẫu báo cáo kết quả việc thực hiện tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen (sau đây gọi là báo cáo), bao gồm:

a) Báo cáo hoạt động tiếp cận nguồn gen theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Báo cáo tình hình, kết quả sử dụng nguồn gen theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Báo cáo kết quả học tập, nghiên cứu đối với nguồn gen đã được cho phép đưa ra nước ngoài theo Mẫu số 03 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Ngôn ngữ sử dụng trong báo cáo là tiếng Việt và được thực hiện bằng một trong hai hình thức sau:

a) Bản giấy: đối với tổ chức: là bản có chữ ký của người đại diện theo pháp luật của tổ chức, dấu của tổ chức thực hiện báo cáo (nếu có); đối với cá nhân: là bản có chữ ký, ghi rõ họ tên của cá nhân thực hiện báo cáo và xác nhận của tổ chức đã bảo lãnh cho cá nhân (nếu có);

b) Bản điện tử: được thể hiện dưới dạng ảnh (định dạng pdf) của báo cáo giấy theo quy định tại điểm a khoản này hoặc dưới dạng tệp tin điện tử được xác thực bằng chữ ký số của người đại diện theo pháp luật của tổ chức thực hiện báo cáo theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư này có trách nhiệm gửi báo cáo theo thời hạn sau:

a) Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày kết thúc hoạt động thu thập mẫu nguồn gen theo Kế hoạch tiếp cận nguồn gen được ban hành kèm theo Quyết định cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen có trách nhiệm báo cáo hoạt động tiếp cận nguồn gen quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Định kỳ 2 năm một lần (trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày kết thúc năm thứ 2 theo hiệu lực của Quyết định cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen) có trách nhiệm báo cáo tình hình, kết quả sử dụng nguồn gen quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

4. Tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư này, chậm nhất sau 3 tháng, kể từ ngày kết thúc chương trình học tập, nghiên cứu có trách nhiệm báo cáo kết quả học tập, nghiên cứu đối với nguồn gen đã được cho phép đưa ra nước ngoài quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.

5. Báo cáo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều này được gửi trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc gửi qua các phương thức khác theo quy định pháp luật đến cơ quan có thẩm quyền đã cấp phép. Báo cáo phải bảo đảm tính chính xác, khách quan, trung thực của thông tin, số liệu báo cáo và tổ chức, cá nhân lập báo cáo chịu trách nhiệm trước pháp luật về các thông tin đã cung cấp trong báo cáo.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 11 năm 2020.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Tổng cục Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.