Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10/2001/TT-NHNN

Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 2001

THÔNG TƯ

CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM SỐ 10/2001/TT-NHNN NGÀY 19 THÁNG 10 NĂM 2001 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1127/QĐ-TTG NGÀY 27/08/2001 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC XỬ LÝ NỢ VAY NGÂN HÀNG ĐỐI VỚI NGƯỜI TRỒNG, CHĂM SÓC, THU MUA VÀ CHẾ BIẾN CÀ PHÊ TẠI CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

Để triển khai thực hiện Quyết định số 1127/QĐ-TTg ngày 27/08/2001 của Thủ tướng Chính phủ "về việc xử lý nợ vay ngân hàng đối với người trồng, chăm sóc, thu mua và chế biến cà phê"; Sau khi thống nhất với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện việc xử lý tạm thời khoanh nợ vay của cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp trồng, chăm sóc, thu mua và chế biến cà phê tại các tổ chức tín dụng như sau:

1. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC XỬ LÝ KHOANH NỢ VÀ THỜI GIAN KHOANH NỢ:

- Các cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp có các khoản vay nợ tại các tổ chức tín dụng để trồng, chăm sóc, thu mua và chế biến cà phê (trừ việc cho vay tạm trữ cà phê) đã đến hạn trả, đã được gia hạn, giãn nợ và nợ quá hạn đến ngày 31 tháng 07 năm 2001.

Riêng nguồn vốn uỷ thác đầu tư thực hiện theo Hiệp định đã ký kết với các tổ chức tài chính tín dụng quốc tế, không thuộc phạm vi và đối tượng xử lý khoanh nợ.

- Đối với các hộ nghèo, dân tộc thiểu số có nợ vay các tổ chức tín dụng đã được miễn lãi vay đến ngày 31/12/2000 theo Quyết định số 103/2001/QĐ-TTg ngày 10/07/2001 của Thủ tướng Chính phủ, số nợ gốc còn lại cũng được thực hiện khoanh nợ.

- Thời gian khoanh nợ 3 năm kể từ ngày 1/8/2001 đến 31/7/2004. Riêng đối với các khoản vay của hộ gia đình nghèo và người dân tộc thiểu số được khoanh nợ 3 năm kể từ ngày 1/1/2001 đến 31/12/2003.

Trong thời gian khoanh nợ, các tổ chức tín dụng chưa thu nợ gốc và không thu lãi.

2. HỒ SƠ PHÁP LÝ:

2.1. Đối với khách hàng vay vốn tổ chức tín dụng xin khoanh nợ:

- Đơn đề nghị khoanh nợ của các cá nhân, hộ vay vốn có xác nhận của Uỷ ban Nhân dân cấp xã.

- Đơn đề nghị khoanh nợ của doanh nghiệp có xác nhận của Bộ quản lý ngành đối với doanh nghiệp trung ương; Đối với doanh nghiệp trực thuộc Tổng công ty 91 phải có xác nhận của Tổng công ty 91; Đối với doanh nghiệp địa phương bao gồm cả doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp ngoài quốc doanh phải có xác nhận của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2.2. Đối với các tổ chức tín dụng: Khi nhận được đơn đề nghị khoanh nợ của khách hàng vay vốn tiến hành lập hồ sơ xử lý khoanh nợ bao gồm:

- Đơn đề nghị khoanh nợ của khách hàng vay vốn được quy định tại điểm 2.1 trên.

- Bản sao khế ước do tổ chức tín dụng và các đơn vị phụ thuộc tổ chức tín dụng cho vay sao y, ký tên và đóng dấu.

- Bản sao hồ sơ đề nghị miễn lãi lập theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước tại công văn số 1074/NHNN-TD ngày 31/08/2001 do tổ chức tín dụng sao y, ký tên và đóng dấu để làm căn cứ khoanh nợ gốc đối với các hộ nghèo và hộ người dân tộc thiểu số đã được miễn lãi theo Quyết định số 103/2001/QĐ-TTg ngày 10/07/2001 của Thủ tướng Chính phủ.

- Biểu tổng hợp đề nghị xử lý khoanh nợ của từng tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do tổ chức tín dụng lập và phải có xác nhận của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở tài chính, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố.

3. THỦ TỤC XỬ LÝ TẠM THỜI KHOANH NỢ:

3.1. Đối với các tổ chức tín dụng Nhà nước:

Trên cơ sở hồ sơ pháp lý tại điểm 2 của Thông tư này, các tổ chức tín dụng Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn các cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp, làm đơn đề nghị gửi tổ chức tín dụng; Tổ chức tín dụng lập hồ sơ đảm bảo đúng quy định; Trên cơ sở hồ sơ, Tổng giám đốc tổ chức tín dụng tổ chức kiểm tra đảm bảo tính hợp pháp, hợp lý hồ sơ của các khoản nợ và xem xét, quyết định việc khoanh nợ cho các cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp thuộc các đối tượng được khoanh theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời tổng hợp theo mẫu biểu (Biểu 1, Biểu 2, biểu 3 đính kèm) của hệ thống gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính trước ngày 31/12/2001; Tổ chức tín dụng chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc xử lý khoanh nợ này.

Căn cứ báo cáo khoanh nợ của các tổ chức tín dụng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ xem xét quyết định cụ thể nguồn tái cấp vốn đã xử lý tạm thời cho các tổ chức tín dụng Nhà nước theo Quyết định số 1127/QĐ-TTg ngày 27/08/2001 của Thủ tướng Chính phủ. Liên Bộ Tài chính - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiến hành kiểm tra việc thực hiện khoanh nợ đối với từng tổ chức tín dụng.

3.2. Đối với các Ngân hàng thương mại cổ phần và Quỹ Tín dụng nhân dân:

Ngân hàng thương mại cổ phần và Quỹ Tín dụng Nhân dân trên cơ sở hồ sơ pháp lý tại điểm 2 của Thông tư này lập biểu tổng hợp đề nghị chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trên địa bàn xin khoanh nợ (Biểu 4).

Các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trên cơ sở tiếp nhận hồ sơ, tổ chức kiểm tra đảm bảo tính hợp pháp, hợp lý hồ sơ của các khoản nợ đề nghị xử lý do các Ngân hàng thương mại cổ phần, Quỹ Tín dụng Nhân dân, lập tổng hợp theo mẫu biểu (Biểu 5, biểu 6 đính kèm) gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính trước ngày 15/11/2001.

Sau khi nhận được đầy đủ báo cáo tổng hợp do các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố gửi tới Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính, Liên Bộ Tài chính - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ có Đoàn kiểm tra cụ thể hồ sơ đề nghị khoanh nợ của các Ngân hàng thương mại cổ phần và Quỹ Tín dụng Nhân dân. Căn cứ kết quả kiểm tra, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định khoanh nợ và thông báo cho các Ngân hàng thương mại cổ phần và Quỹ Tín dụng Nhân dân để thực hiện khoanh nợ cho cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp; Đồng thời, xử lý nguồn tái cấp vốn cho các Ngân hàng thương mại cổ phần và Quỹ Tín dụng Nhân dân tương ứng số nợ gốc được khoanh trên.

3.3. Trong quá trình triển khai thực hiện khoanh nợ, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiểm tra giám sát chặt chẽ việc khoanh nợ của các tổ chức tín dụng để đảm bảo đúng đối tượng, nhất là các đối tượng doanh nghiệp được khoanh nợ.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký. Quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc, các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố và các tổ chức tín dụng phản ánh báo cáo về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để xem xét, giải quyết.

Nguyễn Văn Giàu

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 10/2001/TT-NHNN hướng dẫn Quyết định 1127/QĐ-TTg về việc xử lý nợ vay ngắn hạn đối với người trồng, chăm sóc, thu mua và chế biến cà phê tại các tổ chức tín dụng do Ngân hàng nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 10/2001/TT-NHNN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 19/10/2001
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Nguyễn Văn Giàu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/10/2001
  • Ngày hết hiệu lực: 20/10/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản