Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ GIÁO DỤC | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 09-CB | Hà Nội, ngày 25 tháng 02 năm 1963 |
VỀ VIỆC CHUYỂN GIAO CÁC TRƯỜNG SƯ PHẠM CẤP II LIÊN TỈNH (HỆ 7+) CHO ĐỊA PHƯƠNG QUẢN LÝ
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC
Kính gửi: | -Ủy ban hành chính các tỉnh, khu và thành phố |
Đến nay sự nghiệp giáo dục đang phát triển ngày càng mở rộng theo quy mô lớn, nhu cầu giáo viên các loại ở mỗi địa phương ngày càng cao, việc đào tạo giáo viên cấp II đã được mở rộng, nhiều tỉnh đã có trường Sư phạm cấp II của địa phương mình. Trong tình hình như vậy, việc duy trì hai hệ thống trường Sư phạm, một loại trường liên tỉnh do trung ương quản lý, một loại trường do địa phương quản lý là không phù hợp nữa. Mặt khác, tình hình tổ chức và sự hoạt động của các trường sư phạm cấp II liên tỉnh đã đi vào nề nếp.
Do đó, Bộ Giáo dục đã quyết định chuyển giao các trường sư phạm cấp II liên tỉnh (hệ học sinh lớp 7 học hai năm) cho địa phương quản lý và thuộc ngân sách địa phương đài thọ (Quyết định số 07 ngày 04-01-1963). Nay Bộ tôi quy định thêm một số điểm cụ thể sau đây để các địa phương thi hành tốt việc phân cấp.
I. TRÁCH NHIỆM CỦA BỘ GIÁO DỤC
1. Nghiên cứu, xây dựng bổ sung chính sách, quy chế, chế độ, phương hướng kế hoạch đào tạo trước mắt và lâu dài.
2. Theo dõi, hướng dẫn và kiểm tra các địa phương thực hiện các chính sách, chế độ… đã ban hành.
3. Hướng dẫn chỉ đạo kiểm tra về mặt chuyên môn giảng dạy: quy định chương trình, tài liệu giáo khoa, hướng dẫn chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ (hướng dẫn nghiệp vụ năm học, sơ kết, tổng kết, thực tập, thi tốt nghiệp, hướng dẫn chỉ đạo nội dung và phương pháp giảng dạy v.v…).
II. TRÁCH NHIỆM CỦA ỦY BAN HÀNH CHÍNH ĐỊA PHƯƠNG
1. Căn cứ vào chính sách chế độ, tiêu chuẩn, quy chế của Bộ giáo dục đối với trường đào tạo, tổ chức và lãnh đạo toàn diện công tác đào tạo ở địa phương mình nói chung và giáo viên cấp II nói riêng.
2. Thường xuyên báo cáo tình hình (theo chế độ báo cáo) góp ý kiến bổ sung chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, hướng đào tạo để Bộ Giáo dục lãnh đạo và chỉ đạo tốt công tác này.
Để thực hiện hai nhiệm vụ trên, quyền hạn nhiệm vụ cụ thể của Ủy ban hành chính địa phương là:
a) Về tổ chức cán bộ.
- Quản lý và sử dụng toàn bộ cán bộ, giáo viên, công nhân viên ở các trường sư phạm cấp II thi hành các chính sách về cán bộ của Chính phủ trong phạm vi địa phương.
- Đối với cán bộ lãnh đạo (Hiệu trưởng, Hiệu phó) Bộ quản lý một số mặt như quyết định đề bạt, áp dụng hình thức kỷ luật sa thải bắt buộc thôi việc, cách chức v.v… theo đề nghị của Ủy ban hành chính địa phương.
- Đối với giáo viên cấp III, khi áp dụng các hình thức kỷ luật trên thì Ủy ban hành chính địa phương báo cáo Bộ Giáo dục trước khi quyết định.
- Công tác tuyển sinh và phân phối giáo sinh tốt nghiệp do địa phương phụ trách theo sự chỉ đạo kế hoạch của Bộ Giáo dục.
b) Về kế hoạch.
Ủy ban hành chính địa phương căn cứ vào sự hướng dẫn lập kế hoạch và con số kiểm tra của Bộ Giáo dục và Ủy ban kế hoạch Nhà nước, tính toán số lượng giáo viên cấp II cần thiết cho nhu cầu phát triển của phổ thông và bổ túc văn hóa trong những năm sắp đến và thay thế những người được cử đi học, nghỉ dài hạn, về hưu, chuyển sang công tác khác… mà lập dự án kế hoạch tuyển sinh, kế hoạch tốt nghiệp và kế hoạch học sinh đầu năm học (hàng năm hoặc trong năm năm) gửi Bộ Giáo dục xét tham gia ý kiến và trình Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Phủ Thủ tướng quyết định.
c) Về tài vụ:
Mọi kinh phí sự nghiệp từ năm 1963 trở đi đều do Ngân sách địa phương đài thọ (theo tinh thần công văn số 5362 và 1363 ngày 8-12-1962 của Bộ Giáo dục và công văn số 03-TC-TDT ngày 02-01-1963 của Bộ Tài chính). Riêng về kinh phí xây dựng cơ bản, Bộ Giáo dục sẽ đề nghị với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước để:
- Chuyển hẳn cơ sở đã xây dựng về địa phương, coi là tài sản cố định của địa phương. Vốn đã đầu tư vào xây dựng sẽ coi như đã cấp cho địa phương. Bộ Giáo dục sẽ chuyển toàn bộ nhiệm vụ thiết kế, hồ sơ dự toán, quyết toán về địa phương.
Những công trình còn xây dựng dở dang thì Bộ Giáo dục chịu trách nhiệm đề nghị Ủy ban Kế hoạch Nhà nước cấp kinh phí xây dựng trong năm 1963 và cũng sẽ chuyển cả nhiệm vụ thiết kế dự toán quyết toán về cho địa phương sau khi đã duyệt xong kế hoạch xây dựng năm 1963.
d) Về quản lý giáo sinh và chuyên môn:
- Căn cứ vào sự hướng dẫn của Bộ Giáo dục, vào chương trình, tài liệu giáo khoa, thời gian đào tạo v.v…, Ủy ban hành chính địa phương tổ chức và lãnh đạo tốt công tác đào tạo giáo viên cấp II ở địa phương: Tuyển sinh, giảng dạy, thi tốt nghiệp, sơ kết học kỳ tổng kết năm học.
- Tiến hành kiểm tra thường xuyên, đánh giá chất lượng đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, đúc rút kinh nghiệm, kịp thời uốn nắn những lệch lạc về mọi mặt: tư tưởng chính trị, văn hóa, nghiệp vụ, tổ chức đời sống ở ký túc xá.
Ngoài những điểm quy định trên, đề nghị Ủy ban hành chính địa phương đối chiếu thêm Nghị định số 309-TC ngày 19-6-1959 ban hành điều lệ tạm thời phân cấp quản lý ngành giáo dục cho địa phương của Bộ tôi để áp dụng trong địa phương.
Công tác đào tạo giáo viên là một công tác lớn của ngành giáo dục có quan hệ mật thiết đến sự nghiệp phát triển giáo dục về số lượng cũng như chất lượng, cho nên Bộ tôi lưu ý các Ủy ban hành chính địa phương cần quan tâm hơn nữa, tăng cường sự lãnh đạo và chỉ đạo mọi mặt hơn nữa để làm cho công cuộc đào tạo giáo viên cấp II ở địa phương thu được nhiều kết quả tốt đẹp.
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC |
Thông tư 09-CB năm 1963 về việc chuyển giao các trường Sư phạm cấp II liên tỉnh (hệ 7+) cho địa phương quản lý do Bộ Giáo dục ban hành
- Số hiệu: 09-CB
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 25/02/1963
- Nơi ban hành: Bộ Giáo dục
- Người ký: Nguyễn Văn Huyên
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 6
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra