Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 09-BYT/TT

Hà Nội, ngày 17 tháng 04 năm 1962

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC TUYỂN SINH Y TÁ, DƯỢC TÁ, XÉT NGHIỆM VIÊN, NHA TÁ, NỮ HỘ SINH TRONG BIÊN CHẾ ĐI HỌC TRUNG CẤP

Kính gửi:

- Ủy ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh.
- Các sở, ty y tế.
- Các đơn vị trực thuộc bộ
- Các bộ, các cơ quan ngang bộ.

Để tiếp tục thực hiện chính sách đào tạo và bồi dưỡng cán bộ của ngành theo kế hoạch của Bộ đã được Ủy ban kế hoạch Nhà nước duyệt, năm nay Bộ sẽ tuyển chọn một số cán bộ chuyên môn sơ cấp là cán bộ kháng chiến lâu năm, có nhiều thành tích cần được bồi dưỡng lên y dược sĩ trung cấp.
Bộ quy định một số tiêu chuẩn, nguyên tắc và kế hoạch tuyển sinh dưới đây.

I. TIÊU CHUẨN TUYỂN SINH

1. Chính trị: Lý lịch phải thật rõ ràng, lập trường tư tưởng tốt, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, chấp hành nghiêm chỉnh mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Tư cách đạo đức tốt, liên hệ tốt với quần chúng, tinh thần phục vụ, ý thức tổ chức kỷ luật tốt, hoàn thành mọi nhiệm vụ chỉ tiêu kế hoạch của cơ quan đề ra.

2. Thâm niên:

a. Đối với cán bộ kháng chiến liên tục thoát ly ở trong biên chế Nhà nước, cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ miền Nam, các chiến sĩ thi đua liên tục 2 năm trở lên (1960 - 1961) thì phải có 5 năm liên tục công tác chuyên môn kể từ ngày tốt nghiệp sơ cấp (thâm niên tính đến ngày 01-09-1962).

b) Đối với cán bộ mới tuyển dụng sau ngày 20-07-1954 thì phải là những cán bộ sau đây mới được xét chọn cho đi học: hoặc chiến sĩ thi đua năm 1961 hoặc lao động tiền tiến liên tục 3 năm (1959 - 1961), cán bộ hiện nay đang công tác ở các đội lưu động đã đươc 2 năm trở lên, phụ nữ thì phải có 6 năm liên tục công tác chuyên môn sơ cấp trong biên chế Nhà nước (thâm niên tính đến ngày 01-09-1962).

3. Văn hóa:

a) Đối với cán bộ nói ở mục a) tiêu chuẩn thâm niên phải có trình độ văn hóa hết lớp 5.

b) Đối với cán bộ nói ở mục b tiêu chuẩn thâm niên phải có trình độ văn hóa hết lớp 7.

Riêng đối với cán bộ vào học y sĩ mà là phụ nữ, cán bộ miền Nam, cán bộ người dân tộc, cán bộ hiện đang công tác lưu động thường xuyên ở các đội lưu động được 2 năm trở lên nhưng không có điều kiện học tập văn hóa, nếu thuộc tiêu chuẩn ở mục "a" chưa học hết lớp 5 thì lấy đến hết lớp 4, nếu thụôc tiêu chuẩn ở mục "b" chưa học hết lớp 7 có thể lấy đến hết lớp 6. Đối với cán bộ vào học dược sĩ thì văn hóa vẫn lấy như ở 1 mục "a" và "b" đã nói ở trên.

4. Sức khỏe: Phải có đầy đủ sức khỏe để theo học và công tác sau này, không mắc các bệnh truyền nhiễm, mãn tính đang trong thời kỳ điều trị.

Đối với phụ nữ có mang nhưng có đủ sức khỏe để theo học thì cũng được xét chọn đi học.

5. Tuổi: Tối đa là 35 tuổi.

Riêng đối với cán bộ kháng chiến lâu năm, công tác tốt, có nhiều thành tích nhưng có đầy đủ sức khỏe để học tập và công tác sau này thì có thể châm chước về tuổi, nhưng không quá 45 tuổi.

II. NHỮNG NGUYÊN TẮC, CHÍNH SÁCH PHẢI BẢO ĐẢM CHUNG TRONG CÔNG TÁC TUYỂN SINH

Để công tác tuyển sinh và kế hoạch đào tạo cán bộ của Bộ được thông suốt và thống nhất ở các trường trong khi tuyển chọn cán bộ đi học cần dựa vào mấy nguyên tắc dưới đây:

1. Mỗi Ty Y tế thành lập một Hội đồng tuyển sinh, Hội đồng này do Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh ra quyết định và làm Chủ tịch Hội đồng.

2. Việc xét duyệt chọn tuyển cán bộ đi học thì tập thể Hội đồng xét, Ủy ban hành chính tỉnh duyệt rồi thành lập danh sách gửi về trường khu vực đã quy định theo công văn số 895-BYT/HL1 ngày 16-03-1962 của Bộ sau khi đã thi văn hóa và nghiệp vụ và đồng gửi báo cáo về Bộ một bản.

3. Việc thi kiểm tra văn hóa và nghiệp vụ năm nay sẽ tổ chức thi ở từng trường, nhưng tập trung chấm thi ở trường khu vực. Kế hoạch và nội dung thi Vụ Huấn luyện sẽ quy định và hướng dẫn.

4. Khi lựa chọn cán bộ đủ tiêu chuẩn đi học cần ưu tiên chọn theo nguyên tắc: chủ yếu là cán bộ kháng chiến lâu năm có nhiều thành tích, và sau đó nếu các tiêu chuẩn chung cũng tương đương thì: cán bộ miền Nam được ưu tiên hơn miền Bắc, phụ nữ được ưu tiên hơn nam giới, cán bộ công tác miền núi được ưu tiên hơn cán bộ miền xuôi, cán bộ lưu động được ưu tiên hơn cán bộ tĩnh tại.

5. Những cán bộ bị thi hành kỷ luật từ án cảnh cáo trở lên chưa được 1 năm (tính đến ngày ban hành thông tư này) thì không ở trong diện xét chọn đi học.

6. Anh chị em y tá, dược tá bên Quân y chuyển ngành sang Dân y trước ngày ra thông tư này cũng được nằm trong diện xét chọn đi học.

7. Cán bộ công tác ở các đơn vị trực thuộc trung ương đóng ở nơi nào thì địa phương đó phụ trách việc tuyển sinh, vì kế hoạch đào tạo phân bổ cho từng tỉnh Bộ đã tính cả số cán bộ công tác ở các đơn vị của trung ương đóng ở địa phương ấy rồi.

8. Anh chị em dược tá công tác ở các cơ quan trung ương và địa phương thì học ở trường cán bộ y tế trung ương, các hồ sơ của dược tá sau khi đã được Hội đồng tuyển sinh của địa phương xét và Ủy ban hành chính duyệt, các Ty Y tế sẽ gửi về trường cán bộ y tế trung ương, việc thi kiểm tra văn hóa trường cán bộ y tế phụ trách.

III. PHƯƠNG PHÁP VÀ KẾ HOẠCH TIẾN HÀNH

Để công tác tuyển sinh được nhanh, đảm bảo thực hiện đúng các chính sách và kế hoạch Bộ đã quy định, tránh tình trạng địa phương cục bộ, Bộ quy định kế hoạch tiến hành sau đây:

1. Nhận được thông tư này, đề nghị các Sở, Ty Y tế và các cơ quan nghiên cứu kỹ và có kế hoạch phổ biến sâu rộng, rồi cho tiến hành lựa chọn từ cơ sở có ý kiến tham gia của anh chị em. Đối với anh chị em công tác ở công, nông lâm trường, xí nghiệp của trung ươngđóng ở nơi nào thì các Sở, Ty Y tế ở nơi đó cần chú ý liên hệ với cán bộ lãnh đạo ở các đơn vị đó để phổ biến chính sách và tiêu chuẩn rồi cùng với các đơn vị lựa chọn cán bộ đi học. Bộ Y tế đề nghị các Bộ, các Tổng cục chỉ thị cho các đơn vị trực thuộc do các Bộ, Tổng cục quản lý hiện đóng ở các địa phương có nhiệm vụ liên hệ với các Sở, Ty Y tế để phối hợp tuyển chọn cán bộ đi học được tốt.

2. Anh chị em y tá, nha tá, xét nghiệm viên, nữ hộ sinh công tác ở trung ương và Hà Nội năm nay học ở trường Y sĩ Hà Đông, các cơ quan và đơn vị xét chọn rồi gửi hồ sơ và danh sách về Sở Y tế Hà Nội xét duyệt. Sau khi xét duyệt, Sở Y tế Hà Nội sẽ lập danh sách học sinh gửi cho trường y sĩ Hà Đông đồng gửi 1 bản về Bộ để báo cáo.

3. Thủ tục lập hồ sơ, giấy tờ theo như thông tư tuyển sinh số 06-BYT/TT ngày 05-04-1961 của Bộ đã quy định.

4. Thời gian nạp hồ sơ và kiểm tra văn hóa:

- Thời gian nạp hồ sơ, xét duyệt và tổ chức thi văn hóa xong ở các tỉnh là ngày 10-06-1962.

- Các tỉnh sẽ gửi hồ sơ và danh sách học sinh đã được Hội đồng tuyển sinh xét và Ủy ban hành chính duyệt và bài thi về trường khu vực đến hết ngày 20-06-1962.

IV. QUYỀN LỢI TRONG THỜI GIAN HỌC TẬP

Cán bộ được xét chọn đi học thì được hưởng mọi quyền lợi theo tinh thần Thông tư số 287-TTg ngày 21-11-1960 của Phủ Thủ tướng đã quy định.

Nhận được thông tư này, đề nghị các Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh, các Sở, Ty Y tế cho tiến hành tuyển sinh sớm. Trong khi thi hành nếu gặp những khó khăn trở ngại thì báo cáo về Bộ để nghiên cứu và giải quyết.

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
BÁC SĨ




Phạm Ngọc Thạch

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 09-BYT/TT năm 1962 về việc tuyển sinh y tá, dược tá, xét nghiệm viên, nha tá, nữ hộ sinh trong biên chế đi học trung cấp do Bộ Y Tế ban hành

  • Số hiệu: 09-BYT/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 17/04/1962
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Phạm Ngọc Thạch
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 16
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản