Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/2021/TT-BCA

Hà Nội, ngày 20 tháng 01 năm 2021

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ KIỂM TRA ĐIỀU LỆNH, QUÂN SỰ, VÕ THUẬT CÔNG AN NHÂN DÂN

Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Công tác đảng và công tác chính trị;

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định về kiểm tra điều lệnh, quân sự, võ thuật Công an nhân dân.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về kiểm tra điều lệnh, quân sự, võ thuật Công an nhân dân (sau đây viết chung là kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân) gồm: Tiêu chuẩn, số lượng cán bộ làm công tác kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân; nhiệm vụ, quyền hạn, trang phục, trang bị, bố trí lực lượng, phân công nhiệm vụ kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân; giấy kiểm tra, thẩm quyền, đối tượng cấp, hồ sơ, thủ tục và thời gian cấp, cấp đổi, cấp lại giấy kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân; thời hạn sử dụng và quản lý, sử dụng, thu hồi giấy kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân; kế hoạch, quy trình kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

1. Đơn vị trực thuộc Bộ Công an, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Công an đơn vị, địa phương).

2. Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân Công an, học viên các học viện, trường Công an nhân dân (sau đây gọi chung là cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân).

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến kiểm tra điều lệnh, quân sự, võ thuật Công an nhân dân.

Điều 3. Tiêu chuẩn, số lượng cán bộ làm công tác kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân

1. Tiêu chuẩn

a) Tiêu chuẩn chung

Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, chấp hành nghiêm điều lệnh Công an nhân dân; có trình độ, năng lực nghiệp vụ, pháp luật; nắm vững và thực hiện đúng các quy định về điều lệnh, quân sự, võ thuật và các quy định khác có liên quan đến công tác điều lệnh, quân sự, võ thuật.

b) Tiêu chuẩn cụ thể

Cán bộ chuyên trách làm công tác kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân phải đảm bảo các điều kiện sau: Là sĩ quan nghiệp vụ, có trình độ trung cấp Công an trở lên, có thời gian công tác thực tế trong Công an từ 05 năm trở lên; đã được tập huấn điều lệnh, huấn luyện quân sự, võ thuật theo quy định về tập huấn điều lệnh, huấn luyện quân sự, võ thuật trong Công an nhân dân; được cấp Giấy kiểm tra điều lệnh;

Cán bộ bán chuyên trách làm công tác kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân phải đảm bảo các điều kiện sau: Có trình độ trung cấp Công an trở lên, nếu tốt nghiệp đại học ngành ngoài phải được bồi dưỡng nghiệp vụ Công an; có thời gian công tác thực tế trong Công an ít nhất 03 năm; có khả năng về công tác điều lệnh, quân sự, võ thuật đáp ứng được yêu cầu công tác điều lệnh đề ra;

c) Không phân công cán bộ chuyên trách làm công tác kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân đối với các đồng chí: Là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật; bị kỷ luật đảng, chính quyền, đoàn thể trong thời gian 05 năm liền kề với thời điểm phân công; có kết quả phân loại cán bộ đạt mức hoàn thành nhiệm vụ trong 02 năm liền và không hoàn thành nhiệm vụ trong 01 năm gần nhất.

2. Số lượng.

a) Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Công an cấp tỉnh), học viện, trường Công an nhân dân (trừ trường Văn hóa) bố trí từ 03 đến 05 cán bộ chuyên trách và một số cán bộ kiêm nhiệm. Đối với Công an thành phố Hà Nội và Công an thành phố Hồ Chí Minh bố trí từ 05 cán bộ chuyên trách trở lên; số lượng cụ thể do Thủ trưởng đơn vị quyết định;

b) Các đơn vị trực thuộc Bộ Công an bố trí từ 01 đến 03 cán bộ chuyên trách và một số cán bộ kiêm nhiệm. Đối với Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Cục quản lý xuất nhập cảnh bố trí từ 03 đến 05 cán bộ chuyên trách và một số cán bộ kiêm nhiệm; số lượng cụ thể do Thủ trưởng đơn vị quyết định;

c) Công an quận, huyện, thị xã, thành phố, đồn và tương đương thuộc Công an cấp tỉnh; trung đoàn, thủy đoàn, tiểu đoàn, thủy đội, đại đội độc lập thuộc Trung đoàn bố trí tổ điều lệnh bán chuyên trách gồm một số cán bộ kiêm nhiệm; số lượng do Thủ trưởng đơn vị quyết định;

d) Đơn vị cấp đội, xã, phường, thị trấn, trạm, căn cứ tình hình thực tế, Thủ trưởng đơn vị phân công cán bộ kiêm nhiệm thực hiện công tác kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân.

Chương II

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, TRANG PHỤC, TRANG BỊ, BỐ TRÍ LỰC LƯỢNG, PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ KIỂM TRA ĐIỀU LỆNH CÔNG AN NHÂN DÂN

Điều 4. Nhiệm vụ của cán bộ kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân

1. Thực hiện kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân theo quy định tại thông tư này.

2. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Cục Công tác đảng và công tác chính trị và Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương về công tác kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân.

3. Tham mưu, hướng dẫn Công an đơn vị, địa phương và cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân thực hiện đúng quy định về điều lệnh, quân sự, võ thuật.

4. Đề xuất biểu dương, khen thưởng đơn vị, cá nhân thực hiện tốt quy định về điều lệnh, quân sự, võ thuật.

5. Nhắc nhở, chấn chỉnh hoặc đề nghị xử lý kịp thời đơn vị, cán bộ, chiến sĩ vi phạm điều lệnh Công an nhân dân.

6. Đề xuất cấp có thẩm quyền biện pháp khắc phục vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy định về công tác điều lệnh Công an nhân dân.

Điều 5. Quyền hạn của cán bộ kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân

1. Nhắc nhở, chấn chỉnh, lập biên bản vi phạm điều lệnh Công an nhân dân

a) Lãnh đạo, cán bộ Phòng Điều lệnh, quân sự, võ thuật thuộc Cục Công tác đảng và công tác chính trị được nhắc nhở, chấn chỉnh, lập biên bản và yêu cầu xử lý đối với đơn vị, cán bộ, chiến sĩ vi phạm điều lệnh Công an nhân dân trong toàn lực lượng Công an;

b) Lãnh đạo, cán bộ kiểm tra điều lệnh Công an đơn vị, địa phương được:

Nhắc nhở, chấn chỉnh, lập biên bản và đề nghị xử lý đối với đơn vị, cán bộ, chiến sĩ vi phạm điều lệnh Công an nhân dân thuộc đơn vị, địa phương mình.

Nhắc nhở, chấn chỉnh, lập biên bản đối với cán bộ, chiến sĩ, học viên của đơn vị, địa phương khác, học viện, trường Công an nhân dân đến công tác, học tập, sinh hoạt tại đơn vị, địa phương mình nếu có vi phạm điều lệnh Công an nhân dân; đối với cán bộ, chiến sĩ, học viên của các cơ quan, đơn vị, học viện, trường Công an nhân dân đóng quân trên địa phương mình khi những cán bộ, chiến sĩ, học viên đó vi phạm điều lệnh Công an nhân dân ngoài cơ quan, doanh trại đóng quân. Sau khi kiểm tra, lập biên bản, phải gửi thông báo bằng văn bản cho đơn vị, địa phương quản lý cán bộ vi phạm biết để xử lý theo quy định, đồng thời gửi thông báo về Cục Công tác đảng và công tác chính trị để theo dõi chung.

2. Tạm giữ tài liệu, phương tiện, đồ vật có liên quan đến lỗi vi phạm điều lệnh Công an nhân dân để phục vụ công tác xử lý. Việc tạm giữ phải lập biên bản theo Mẫu số 06 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Được sử dụng các phương tiện, kỹ thuật như: Ô tô, mô tô, máy ghi hình (camera), máy chụp ảnh, máy ghi âm, máy đo nồng độ cồn khi thực hiện nhiệm vụ.

4. Được hóa trang (không mặc trang phục Công an nhân dân) khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra bí mật và kiểm tra bí mật kết hợp với công khai.

5. Yêu cầu cán bộ, chiến sĩ vi phạm điều lệnh Công an nhân dân về trụ sở cơ quan hoặc đơn vị Công an nơi gần nhất để giải quyết.

Điều 6. Trang phục, trang bị kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân

1. Trang phục

Cán bộ thực hiện kiểm tra điều lệnh mặc trang phục Công an nhân dân, đeo băng kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân theo quy định (trừ trường hợp kiểm tra bí mật).

2. Trang bị

a) Phương tiện giao thông: Tùy tình hình cụ thể, Công an đơn vị, địa phương trang bị xe ô tô, xe mô tô và các loại phương tiện khác để thực hiện công tác kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân. Quá trình thực hiện kiểm tra được thay đổi các loại phương tiện giao thông khác nhau để phục vụ yêu cầu công tác khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra;

b) Các phương tiện, thiết bị kỹ thuật, gồm: Máy ghi hình (camera), máy chụp ảnh, máy ghi âm, máy đo nồng độ cồn và các phương tiện cần thiết khác. Phương tiện, thiết bị kỹ thuật phải được kiểm định, hiệu chuẩn, có giấy chứng nhận theo quy định.

c) Biên bản kiểm tra.

Điều 7. Bố trí lực lượng, phân công nhiệm vụ kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân

1. Bố trí lực lượng

Việc kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân phải thành lập tổ kiểm tra. Mỗi tổ kiểm tra có từ 02 đến 04 đồng chí, do 01 đồng chí làm Tổ trưởng. Trường hợp cần nhiều cán bộ hơn do Thủ trưởng đơn vị quyết định.

2. Phân công nhiệm vụ

a) Tổ trưởng chịu trách nhiệm chỉ huy, điều hành mọi hoạt động của tổ kiểm tra; phổ biến, quán triệt cho cán bộ trong tổ kiểm tra về nội dung kế hoạch kiểm tra và các nội dung khác có liên quan; trực tiếp điều hành việc kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân.

b) Các tổ viên phải nắm chắc các nội dung và thực hiện nhiệm vụ do Tổ trưởng phân công như: Ghi hình (quay camera), chụp ảnh, ghi âm, đo nồng độ cồn, ghi chép đầy đủ tình hình có liên quan đến hoạt động kiểm tra; ghi biên bản, dự thảo báo cáo, thông báo kết quả kiểm tra và thực hiện nhiệm vụ khác theo sự phân công của Tổ trưởng.

Chương III

GIẤY KIỂM TRA ĐIỀU LỆNH CÔNG AN NHÂN DÂN

Điều 8. Giấy kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân

1. Giấy kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân được sử dụng theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này do Cục Công tác đảng và công tác chính trị quản lý, in, cấp phôi theo đề xuất của Phòng điều lệnh, quân sự, võ thuật Cục Công tác đảng và công tác chính trị.

2. Giấy kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân có thời hạn sử dụng 05 năm. Trường hợp từ thời điểm được cấp Giấy kiểm tra điều lệnh đến thời điểm đủ tuổi nghỉ chờ hưu theo chế độ nhưng không đủ 05 năm thì Giấy kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân được cấp có thời hạn sử dụng tới ngày nghỉ chờ hưu theo chế độ.

Điều 9. Thẩm quyền, đối tượng, hồ sơ cấp Giấy kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân

1. Thẩm quyền, đối tượng cấp mới, cấp đổi, cấp lại Giấy kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân

a) Lãnh đạo Bộ Công an phụ trách công tác đảng và công tác chính trị ký cấp mới, cấp đổi, cấp lại Giấy kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân cho Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Công tác đảng và công tác chính trị phụ trách công tác điều lệnh, quân sự, võ thuật;

b) Cục trưởng Cục Công tác đảng và công tác chính trị ký cấp mới, cấp đổi, cấp lại Giấy kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân cho lãnh đạo, cán bộ Phòng điều lệnh, quân sự, võ thuật Cục Công tác đảng và công tác chính trị;

c) Thủ trưởng Công an đơn vị, địa phương ký cấp mới, cấp đổi, cấp lại Giấy kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân cho cán bộ chuyên trách làm công tác kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân của đơn vị, địa phương mình.

2. Hồ sơ cấp mới, cấp đổi, cấp lại Giấy kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân

a) Hồ sơ cấp mới, gồm:

Công văn đề nghị của đơn vị quản lý cán bộ kèm theo tờ khai trích ngang của cán bộ theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư này;

Quyết định điều động hoặc văn bản phân công nhiệm vụ kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân chuyên trách của Thủ trưởng đơn vị cấp có thẩm quyền;

03 (ba) ảnh cỡ 2cm x 3cm, chụp kiểu chân dung nền ảnh màu xanh, mặc trang phục thu đông, đội mũ kêpi.

b) Hồ sơ cấp đổi, cấp lại

Giấy kiểm tra điều lệnh được cấp đổi, cấp lại khi hết hạn sử dụng, bị mất, bị hỏng, được bổ nhiệm lãnh đạo, chỉ huy, thăng cấp bậc hàm;

Hồ sơ cấp đổi, cấp lại thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này. Trường hợp Giấy kiểm tra điều lệnh bị mất, bị hỏng thì kèm theo báo cáo nêu rõ lý do mất, bị hỏng có xác nhận của Thủ trưởng đơn vị.

3. Thời gian cấp Giấy kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân là 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp mới, cấp đổi, cấp lại.

Điều 10. Sử dụng, quản lý, thu hồi Giấy kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân

1. Giấy kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân chỉ sử dụng khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân.

2. Giấy kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích; không được sản xuất, tàng trữ, mua, bán, làm giả, cho, cho mượn, cầm cố, thế chấp Giấy kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân.

3. Định kỳ hằng năm hoặc đột xuất, Công an các đơn vị, địa phương tổ chức kiểm tra việc quản lý, sử dụng Giấy kiểm tra điều lệnh ở đơn vị, địa phương mình và báo cáo Bộ (qua Cục Công tác đảng và công tác chính trị). Cục Công tác đảng và công tác chính trị định kỳ hằng năm hoặc đột xuất kiểm tra việc quản lý, sử dụng Giấy kiểm tra điều lệnh của Công an các đơn vị, địa phương.

4. Khi cán bộ làm nhiệm vụ kiểm tra điều lệnh nghỉ hưu, thôi việc, chuyển ngành, chuyển sang lĩnh vực công tác khác hoặc không được giao nhiệm vụ kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân thì nộp lại Giấy kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân đã được cấp cho đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ để thu hồi cắt 1/3 góc phía trên, bên trái Giấy kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân và lưu hồ sơ theo quy định.

Chương IV

KẾ HOẠCH, QUY TRÌNH KIỂM TRA ĐIỀU LỆNH CÔNG AN NHÂN DÂN

Điều 11. Kế hoạch kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân

1. Trước khi tiến hành kiểm tra, đơn vị được giao nhiệm vụ kiểm tra phải xây dựng một trong các kế hoạch kiểm tra sau:

a) Kế hoạch kiểm tra công tác điều lệnh Công an nhân dân theo định kỳ hằng quý hoặc thực hiện chuyên đề công tác lớn trong toàn lực lượng;

b) Kế hoạch kiểm tra thường xuyên, kiểm tra đột xuất, kiểm tra bí mật, kiểm tra bí mật kết hợp với công khai;

c) Kế hoạch tổ chức kiểm tra đột xuất khi nắm được nội dung phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc của nhân dân về cán bộ, chiến sĩ vi phạm điều lệnh Công an nhân dân để báo cáo cấp trên.

2. Kế hoạch kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân gồm một số nội dung sau:

a) Mục đích, yêu cầu

b) Nội dung kiểm tra;

c) Biện pháp kiểm tra;

d) Thời gian, địa điểm kiểm tra;

đ) Đơn vị thực hiện kiểm tra.

3. Trường hợp nhận được chỉ đạo của cấp trên hoặc tin báo có đơn vị hoặc cán bộ, chiến sĩ vi phạm điều lệnh Công an nhân dân, cán bộ được phân công làm công tác kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân phải báo cáo ngay lãnh đạo đơn vị và tổ chức kiểm tra (không phải xây dựng kế hoạch kiểm tra).

Điều 12. Thẩm quyền ký kế hoạch kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân

1. Đối với cấp Bộ

Cục trưởng Cục Công tác đảng và công tác chính trị duyệt, ký kế hoạch kiểm tra định kỳ hằng quý, kế hoạch kiểm tra bí mật, kế hoạch kiểm tra bí mật kết hợp với công khai hoặc thực hiện chuyên đề công tác lớn trong toàn lực lượng Công an nhân dân; giao lãnh đạo Cục Công tác đảng và công tác chính trị phụ trách công tác điều lệnh, quân sự, võ thuật duyệt, ký kế hoạch kiểm tra thường xuyên, kế hoạch kiểm tra đột xuất.

2. Đối với Công an các đơn vị, địa phương

a) Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương duyệt, ký kế hoạch thực hiện kế hoạch kiểm tra của Bộ; duyệt, ký kế hoạch kiểm tra việc chấp hành điều lệnh Công an nhân dân trong đơn vị, địa phương mình;

b) Lãnh đạo phòng phụ trách công tác điều lệnh, quân sự, võ thuật thuộc Công an các đơn vị, địa phương duyệt ký phân công cán bộ thực hiện công tác kiểm tra theo kế hoạch kiểm tra của Thủ trưởng đơn vị;

c) Trưởng phòng Công an đơn vị, địa phương, Trưởng Công an cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc thành phố thuộc Trung ương và tương đương duyệt, ký kế hoạch kiểm tra, phân công cán bộ thường xuyên kiểm tra việc chấp hành điều lệnh của đơn vị và cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền quản lý.

Điều 13. Nội dung các bước kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân

1. Kiểm tra công tác điều lệnh Công an nhân dân.

a) Thông báo kế hoạch kiểm tra: Tổ kiểm tra thông báo nội dung, kế hoạch kiểm tra cho đơn vị, địa phương ít nhất trước 03 (ba) ngày trước khi kiểm tra. Đơn vị, địa phương được kiểm tra phải xây dựng báo cáo về công tác điều lệnh Công an nhân dân của đơn vị, địa phương mình;

b) Tiến hành kiểm tra

Tổ trưởng trực tiếp thông báo mục đích, yêu cầu, nội dung, chương trình kiểm tra với Công an đơn vị, địa phương được kiểm tra;

Đại diện lãnh đạo đơn vị, địa phương báo cáo kết quả công tác điều lệnh, quân sự, võ thuật theo nội dung được thông báo; các thành viên trong tổ kiểm tra hỏi thêm những nội dung liên quan đến hoạt động kiểm tra;

Kiểm tra hồ sơ, tài liệu liên quan đến công tác điều lệnh, quân sự, võ thuật gồm: Các văn bản chỉ đạo, kế hoạch và các báo cáo kết quả thực hiện quy định, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ và đơn vị nghiệp vụ cấp trên về công tác điều lệnh, quân sự, võ thuật; kế hoạch tập huấn, tổ chức thi điều lệnh, huấn luyện quân sự, võ thuật và báo cáo kết quả tập huấn, thi điều lệnh, quân sự, võ thuật Công an nhân dân; kế hoạch kiểm tra và báo cáo kết quả kiểm tra việc chấp hành điều lệnh, quân sự, võ thuật của các đơn vị và cán bộ, chiến sĩ; kết quả xử lý vi phạm điều lệnh, quân sự, võ thuật Công an nhân dân (nếu có); hồ sơ, tài liệu về công tác điều lệnh, quân sự, võ thuật Công an nhân dân;

Kiểm tra lý thuyết và thực hành về điều lệnh, quân sự, võ thuật để đánh giá kết quả tập huấn điều lệnh, quân sự, võ thuật của đơn vị, địa phương.

c) Lập biên bản, thông qua nội dung và ký biên bản kiểm tra.

Biên bản kiểm tra được lập thành 02 bản theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này; Tổ kiểm tra giữ 01 bản, Công an đơn vị, địa phương được kiểm tra giữ một bản. Trong biên bản phải ghi rõ ưu điểm, khuyết điểm về công tác điều lệnh, quân sự, võ thuật; kiến nghị để khắc phục những vấn đề tồn tại; rút kinh nghiệm (nếu có).

2. Kiểm tra việc chấp hành điều lệnh Công an nhân dân

a) Tổ trưởng trực tiếp thông báo mục đích, yêu cầu, nội dung, chương trình kiểm tra với Công an đơn vị, địa phương được kiểm tra. Trường hợp kiểm tra đột xuất, kiểm tra bí mật, kiểm tra bí mật kết hợp công khai thì không phải thông báo mục đích, yêu cầu, nội dung, chương trình kiểm tra với Công an đơn vị, địa phương được kiểm tra;

b) Tiến hành kiểm tra

Kiểm tra theo nội dung kế hoạch đề ra, các thành viên trong tổ kiểm tra hỏi thêm những nội dung liên quan đến công tác điều lệnh Công an nhân dân;

Kiểm tra giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc giấy tờ khác để xác định nhân thân của người được kiểm tra (nếu thấy cần thiết); chụp ảnh, ghi âm, ghi hình, đo nồng độ cồn về lỗi vi phạm điều lệnh Công an nhân dân;

Thông báo cho cán bộ, chiến sĩ được kiểm tra biết về lỗi vi phạm;

Lập biên bản vi phạm điều lệnh Công an nhân dân đối với cá nhân theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp sau khi lập biên bản, cán bộ, chiến sĩ vi phạm không ký biên bản thì Tổ trưởng kiểm tra mời người làm chứng ký vào biên bản xác nhận sự việc, nếu không có người làm chứng thì chụp ảnh, ghi âm, ghi hình vi phạm để làm cơ sở xử lý;

Tổ kiểm tra thông báo kết quả kiểm tra cho đơn vị được kiểm tra.

c) Lập biên bản, thông qua nội dung và ký biên bản kiểm tra

Biên bản kiểm tra được lập thành 02 bản theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này; ghi rõ ưu điểm, khuyết điểm việc chấp hành điều lệnh, quân sự, võ thuật; Tổ kiểm tra giữ một bản và Công an đơn vị, địa phương hoặc cá nhân được kiểm tra giữ một bản (photo). Trong biên bản phải ghi rõ kiến nghị để khắc phục những vấn đề tồn tại; rút kinh nghiệm (nếu có).

Điều 14. Hình thức, biện pháp kiểm tra

1. Kiểm tra thường xuyên

Kiểm tra thường xuyên là việc các đơn vị làm công tác kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân định kỳ hằng tháng tổ chức kiểm tra việc chấp hành điều lệnh Công an nhân dân của các đơn vị và cán bộ, chiến sĩ.

Căn cứ vào kế hoạch hoặc lịch kiểm tra, Tổ kiểm tra trực tiếp làm việc hoặc thông báo với đơn vị, địa phương được kiểm tra về nội dung, chương trình, thời gian kiểm tra, đề nghị đơn vị, địa phương phối hợp kiểm tra theo kế hoạch.

2. Kiểm tra đột xuất

Kiểm tra đột xuất là hình thức kiểm tra công khai, không thông báo trước cho đơn vị, địa phương và cá nhân được kiểm tra biết. Tổ kiểm tra căn cứ ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên hoặc kế hoạch kiểm tra để tổ chức kiểm tra độc lập. Sau khi kiểm tra xong thông báo kết quả kiểm tra cho đơn vị, địa phương biết.

3. Kiểm tra bí mật kết hợp với công khai

Kiểm tra bí mật kết hợp với công khai là hình thức cán bộ làm công tác kiểm tra điều lệnh mặc thường phục, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật ghi lại hình ảnh, âm thanh về lỗi vi phạm điều lệnh Công an nhân dân của đơn vị, cán bộ, chiến sĩ. Ngay sau đó thông báo cho lực lượng kiểm tra công khai trong tổ kiểm tra biết để tiến hành kiểm tra theo kế hoạch và xử lý vi phạm (nếu có). Việc kiểm tra bí mật kết hợp với công khai phải thực hiện đúng theo quy định của Đảng, quy định của pháp luật và ngành Công an.

4. Kiểm tra bí mật

Kiểm tra bí mật là hình thức hóa trang, mặc thường phục, bí mật sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật ghi lại hình ảnh, âm thanh về lỗi vi phạm điều lệnh Công an nhân dân của đơn vị, tổ công tác hoặc của cán bộ, chiến sĩ; trên cơ sở tài liệu, hình ảnh, âm thanh thu được, Tổ kiểm tra xác định các lỗi vi phạm để báo cáo cấp trên làm cơ sở xử lý. Trường hợp cần thiết, Tổ kiểm tra xuất trình Giấy kiểm tra điều lệnh hoặc kế hoạch kiểm tra cho người được kiểm tra biết; lập biên bản về lỗi vi phạm, đồng thời thông báo bằng văn bản cho đơn vị quản lý tập thể, cá nhân vi phạm biết để xử lý theo quy định. Chỉ kiểm tra bí mật khi cần đánh giá đúng thực trạng tình hình chấp hành điều lệnh của đơn vị và cán bộ, chiến sĩ. Việc kiểm tra bí mật phải thực hiện đúng theo quy định của Đảng, quy định của pháp luật và ngành Công an.

Điều 15. Báo cáo, thông báo

1. Báo cáo kết quả kiểm tra

Kết thúc đợt kiểm tra trong 03 ngày làm việc, Tổ kiểm tra dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra, xin ý kiến các thành viên, báo cáo lãnh đạo đã ký kế hoạch kiểm tra điều lệnh, quân sự, võ thuật. Nội dung báo cáo phải nêu rõ kết quả kiểm tra, những ưu điểm, tồn tại; những kiến nghị, đề xuất của Tổ kiểm tra và của đơn vị, địa phương, cá nhân được kiểm tra (nếu có); đồng thời bàn giao các giấy tờ, tài liệu, phương tiện có liên quan đến công tác kiểm tra cho cán bộ có trách nhiệm của đơn vị quản lý, bảo dưỡng. Trường hợp cấp trên yêu cầu báo cáo vượt cấp thì Tổ trưởng báo cáo theo quy định.

2. Thông báo kết quả kiểm tra

Kết thúc đợt kiểm tra, trong 05 ngày làm việc, Tổ kiểm tra dự thảo thông báo nội dung kết quả kiểm tra trình lãnh đạo đã ký kế hoạch kiểm tra điều lệnh, quân sự, võ thuật duyệt, ký thông báo gửi Công an các đơn vị, địa phương được biết; biểu dương những đơn vị, cán bộ, chiến sĩ chấp hành tốt, xử lý nghiêm những đơn vị, cán bộ, chiến sĩ vi phạm theo quy định. Trường hợp cần thiết có nội dung phát sinh trong quá trình kiểm tra, Tổ kiểm tra họp rút kinh nghiệm, đánh giá những ưu điểm, tồn tại và nguyên nhân việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra.

Điều 16. Thống kê, theo dõi kết quả kiểm tra và xử lý vi phạm

1. Số liệu kiểm tra và xử lý vi phạm điều lệnh Công an nhân dân phải được tập hợp thống kê theo Mẫu số 04 kèm theo Thông tư này.

2. Công an các đơn vị, địa phương có tập thể, cá nhân vi phạm điều lệnh Công an nhân dân phải xử lý theo quy định và báo cáo kết quả xử lý đúng thời gian quy định về cơ quan ra thông báo để theo dõi, tổng hợp.

Trường hợp đến thời hạn báo cáo, các đơn vị nhận được thông báo vi phạm điều lệnh Công an nhân dân mà không báo cáo kết quả xử lý vi phạm thì xử lý trách nhiệm theo quy định.

3. Kết quả kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân trong toàn lực lượng được thông báo định kỳ hằng quý, sáu tháng, một năm (kết quả kiểm tra điều lệnh Quý II gắn với báo cáo công tác điều lệnh, quân sự, võ thuật 6 tháng đầu năm; kết quả kiểm tra Quý IV gắn với báo cáo công tác điều lệnh, quân sự, võ thuật năm).

Điều 17. Quản lý hồ sơ kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân

1. Sau khi hoàn thành việc thông báo kết quả kiểm tra, hồ sơ, tài liệu kiểm tra phải được bàn giao cho cán bộ có trách nhiệm của đơn vị quản lý, theo dõi.

2. Việc giao nhận, lưu giữ hồ sơ kiểm tra và xử lý vi phạm điều lệnh Công an nhân dân được thực hiện theo quy định về công tác hồ sơ.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 06 tháng 3 năm 2021, thay thế Thông tư số 28/2013/TT-BCA ngày 08 tháng 5 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công an Quy định về kiểm tra Điều lệnh Công an nhân dân.

Điều 19. Trách nhiệm thi hành

1. Cục Công tác đảng và công tác chính trị có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tổ chức thi hành Thông tư này.

2. Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thi hành thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ Công an (qua Cục Công tác đảng và công tác chính trị) để kịp thời hướng dẫn./.

Nơi nhận:
- Các Thứ trưởng Bộ Công an;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ;
- Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Lưu: VT, X03(P8).

BỘ TRƯỞNG




Đại tướng Tô Lâm

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 09/2021/TT-BCA quy định về kiểm tra điều lệnh, quân sự, võ thuật Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

  • Số hiệu: 09/2021/TT-BCA
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 20/01/2021
  • Nơi ban hành: Bộ Công An
  • Người ký: Tô Lâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/03/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản