Chương 2 Thông tư 09/2018/TT-BLĐTBXH hướng dẫn quy trình trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
QUY TRÌNH TRỢ GIÚP TRẺ EM BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI HIV/AIDS
Điều 5. Tiếp nhận, phối hợp xử lý thông tin
1. Người quản lý và trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS lập danh sách trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS sau khi tiếp cận với trẻ em và gia đình trẻ em, thu thập các thông tin tổng quát về trẻ em và các thành viên khác trong gia đình của trẻ em và nhu cầu của trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS theo mẫu quy định (mẫu 01 ban hành kèm theo Thông tư này).
2. Giám đốc cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở trợ giúp xã hội có trách nhiệm chỉ đạo cán bộ, nhân viên được giao nhiệm vụ quản lý trẻ em thu thập đầy đủ các thông tin về trẻ em và nhu cầu của trẻ em theo mẫu quy định (mẫu 02 ban hành kèm theo Thông tư này).
3. Thông tin về trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS
a) Thông tin cơ bản;
b) Tình trạng của trẻ em;
c) Thông tin về gia đình;
d) Tình trạng dinh dưỡng của trẻ em;
đ) Tình trạng sức khỏe và chăm sóc y tế;
e) Thu thập thông tin về giáo dục và đào tạo nghề;
g) Tình trạng nhà ở và chăm sóc trẻ em;
h) Tình trạng tâm lý trẻ em;
i) Bảo vệ và hỗ trợ pháp lý.
Điều 6. Xác định nhu cầu cần trợ giúp của trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS
1. Người quản lý và trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS có trách nhiệm đánh giá, xác định nhu cầu cần trợ giúp của trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS theo các dịch vụ sau:
a) Chăm sóc sức khỏe: Khám, chữa bệnh, xét nghiệm xác định tình trạng nhiễm HIV/AIDS, điều trị thuốc kháng HIV, thẻ bảo hiểm y tế;
b) Hỗ trợ dinh dưỡng: Trẻ em không đủ ăn, suy dinh dưỡng, cha, mẹ và người chăm sóc trẻ em thiếu kiến thức về chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em;
c) Hỗ trợ giáo dục: Hỗ trợ để trẻ em được đi học, sách, vở, đồ dùng học tập, quần áo đồng phục, học phí;
d) Hỗ trợ tâm lý: Tư vấn tại chỗ hoặc chuyển trẻ em đến tư vấn, trị liệu tại các cơ sở chuyên sâu về tâm lý;
đ) Phúc lợi xã hội:
- Hỗ trợ nơi ở: Tìm gia đình chăm sóc thay thế, cho làm con nuôi, chuyển đến cơ sở dịch vụ bảo vệ trẻ em hoặc cơ sở trợ giúp xã hội. Đối với trẻ em sống tại cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở trợ giúp xã hội cần tạo điều kiện cho trẻ em về sống tại cộng đồng cùng cha, mẹ hoặc người thân thích (nếu có) hoặc tìm gia đình chăm sóc thay thế cho trẻ em.
- Chế độ trợ cấp xã hội theo quy định.
- Kết nối các chương trình hỗ trợ sinh kế cho gia đình của trẻ em.
e) Bảo vệ trẻ em và trợ giúp pháp lý:
- Các biện pháp bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại.
- Hỗ trợ trẻ em và gia đình các thủ tục pháp lý.
2. Ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm tổ chức cuộc họp với người chịu trách nhiệm quản lý và trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, các ngành, đoàn thể liên quan để xác định các nhu cầu của trẻ em, xác định ưu tiên và các dịch vụ cần đáp ứng nhu cầu cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, các dịch vụ cần kết nối chuyển tuyến cho trẻ em (mẫu 03 ban hành kèm theo Thông tư này).
3. Giám đốc cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở bảo trợ xã hội có trách nhiệm tổ chức cuộc họp đối với người được giao quản lý trẻ em và những người có liên quan thuộc thẩm quyền quản lý để xác định các nhu cầu của trẻ em và các dịch vụ cần đáp ứng nhu cầu cần kết nối, chuyển tuyến cho trẻ em đối với trường hợp trẻ em đang được chăm sóc tại cơ sở (mẫu 03 ban hành kèm theo Thông tư này).
Điều 7. Lập kế hoạch trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS
1. Căn cứ kết quả xác định nhu cầu của trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, người quản lý và trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS lập kế hoạch trợ giúp trẻ em.
2. Xây dựng kế hoạch trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
Người quản lý và trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS chịu trách nhiệm phối hợp với các ngành, gia đình của trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, người chăm sóc trẻ em, cá nhân có liên quan xây dựng kế hoạch trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS (mẫu 04 ban hành kèm theo Thông tư này). Nội dung kế hoạch trợ giúp bao gồm:
a) Mục tiêu trợ giúp cần đạt được;
b) Các hoạt động cụ thể cần thực hiện để đạt mục tiêu;
c) Khung thời gian thực hiện cho từng hoạt động;
d) Nguồn lực thực hiện;
đ) Trách nhiệm của gia đình, các ngành, tổ chức và cá nhân có liên quan;
e) Các đơn vị cung cấp dịch vụ tham gia vào thực hiện kế hoạch;
g) Giám sát, đánh giá thực hiện kế hoạch.
Điều 8. Thực hiện kế hoạch trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS
1. Người quản lý và trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS có trách nhiệm trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Giám đốc cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở trợ giúp xã hội phê duyệt đối với trường hợp trẻ em đang được chăm sóc tại cơ sở phê duyệt kế hoạch trợ giúp.
2. Người quản lý và trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thực hiện kế hoạch trợ giúp, gồm các nội dung sau:
a) Tư vấn cho gia đình của trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS về chăm sóc trẻ em tại gia đình, giới thiệu trẻ em và gia đình tiếp cận các cơ sở cung cấp dịch vụ phù hợp;
b) Chuyển tuyến, kết nối với các cơ quan, đơn vị chức năng hoặc cơ sở cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục, tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý, cơ sở dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở trợ giúp xã hội, các gia đình chăm sóc thay thế;
c) Trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và gia đình được tiếp cận, thụ hưởng các chính sách và chương trình trợ giúp xã hội;
d) Kịp thời trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan;
đ) Có biện pháp bảo vệ và phòng ngừa trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS khỏi bị xâm hại;
e) Vận động nguồn lực hỗ trợ thực hiện kế hoạch trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và gia đình của trẻ em.
3. Người quản lý và trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở trợ giúp xã hội có trách nhiệm thực hiện kế hoạch trợ giúp, gồm các nội dung sau:
a) Tổ chức cung cấp các dịch vụ theo nhu cầu của trẻ em tại cơ sở khi cơ sở đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cho trẻ em;
b) Chuyển tuyến, kết nối với các cơ quan, đơn vị chức năng hoặc cơ sở cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục, tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS;
c) Hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đoàn tụ với cha, mẹ khi cha, mẹ đủ điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em;
d) Hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS sống tại cơ sở được nhận chăm sóc thay thế theo quy định của các điều 60, 62, 63 Luật trẻ em;
đ ) Có biện pháp bảo vệ và phòng ngừa trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS khỏi bị xâm hại.
4. Người quản lý và trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS có trách nhiệm liên hệ, kết nối với cơ sở cung cấp dịch vụ và thực hiện các thủ tục kết nối, chuyển tuyến cho trẻ em được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
5. Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) có trách nhiệm chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận các dịch vụ chuyển tuyến cho trẻ em từ cấp xã và điều phối, kết nối trợ giúp trẻ em được tiếp cận với các dịch vụ theo kế hoạch trợ giúp trẻ em.
Điều 9. Rà soát, đánh giá sau khi thực hiện kế hoạch trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS
1. Người quản lý và trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS có trách nhiệm theo dõi và đánh giá quá trình thực hiện kế hoạch trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS (mẫu 04 ban hành kèm theo Thông tư này) theo các nội dung sau đây:
a) Kết quả thực hiện trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS;
b) Mức độ đáp ứng nhu cầu của trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS;
c) Mức độ phù hợp của các dịch vụ được cung cấp cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS;
d) Các dịch vụ đã được chuyển tuyến, kết nối;
đ) Xác định các vấn đề còn tồn tại hoặc mới nảy sinh.
2. Căn cứ vào kết quả đánh giá quá trình trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, người quản lý và trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS có trách nhiệm đề xuất kết thúc việc trợ giúp đối với trường hợp quy định tại Khoản 3 của Điều này hoặc lập kế hoạch trợ giúp bổ sung và tiếp tục quy trình trợ giúp, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Giám đốc cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở trợ giúp xã hội quyết định.
3. Kết thúc quá trình trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong các trường hợp sau:
a) Mục tiêu đã đạt được;
b) Trẻ em chuyển khỏi địa bàn cung cấp dịch vụ;
c) Trẻ em và gia đình trẻ em không còn nhu cầu sử dụng dịch vụ trợ giúp;
d) Các nguyên nhân khác.
4. Người quản lý và trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS có trách nhiệm báo cáo cấp có thẩm quyền tổ chức họp với các ngành, đoàn thể, gia đình của trẻ em, người chăm sóc trẻ em để thống nhất việc kết thúc trợ giúp trẻ em, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Giám đốc cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở trợ giúp xã hội ký biên bản kết thúc việc trợ giúp trẻ em.
Điều 10. Ghi chép và lưu trữ hồ sơ
1. Người quản lý và trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS có trách nhiệm ghi chép đầy đủ, chính xác các thông tin về quá trình trợ giúp trẻ em.
2. Hồ sơ quản lý và trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được lưu trữ, bảo mật, sử dụng theo quy định của pháp luật về lưu trữ đối với bí mật đời sống riêng tư của trẻ em.
Thông tư 09/2018/TT-BLĐTBXH hướng dẫn quy trình trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- Số hiệu: 09/2018/TT-BLĐTBXH
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 28/08/2018
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Nguyễn Thị Hà
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 941 đến số 942
- Ngày hiệu lực: 15/10/2018
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
- Điều 2. Giải thích từ ngữ
- Điều 3. Các nguyên tắc trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS
- Điều 4. Các bước thực hiện quy trình trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS
- Điều 5. Tiếp nhận, phối hợp xử lý thông tin
- Điều 6. Xác định nhu cầu cần trợ giúp của trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS
- Điều 7. Lập kế hoạch trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS
- Điều 8. Thực hiện kế hoạch trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS
- Điều 9. Rà soát, đánh giá sau khi thực hiện kế hoạch trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS
- Điều 10. Ghi chép và lưu trữ hồ sơ