Hệ thống pháp luật

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 09/2010/TT-BVHTTDL

Hà Nội, ngày 24 tháng 8 năm 2010

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ QUY ĐỊNH TẠI NGHỊ ĐỊNH SỐ 75/2010/NĐ-CP NGÀY 12 THÁNG 7 NĂM 2010 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA

Căn cứ Nghị định số 185/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;
Căn cứ Nghị định số 75/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hoá;
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết thi hành một số quy định tại Nghị định số 75/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông t­ư này quy định chi tiết thi hành những nội dung sau đây của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hoá (sau đây gọi tắt là Nghị định số 75/2010/NĐ-CP):

a) Xác định vi phạm khi quyết định xử phạt;

b) Giải thích từ ngữ;

c) Thủ tục tiêu huỷ văn hoá phẩm độc hại;

d) Quy định trong lĩnh vực điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, quảng cáo, viết, đặt biển hiệu.

Điều 2. Xác định vi phạm khi quyết định xử phạt

Khi quyết định xử phạt, cơ quan hoặc người có thẩm quyền xử phạt phải xác định hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa là hành vi cố ý hoặc vô ý của tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong hoạt động văn hóa mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 4 năm 2008 và Nghị định số 75/2010/NĐ-CP thì phải bị xử phạt hành chính. Nếu có hành vi quy định trong Nghị định số 75/2010/NĐ-CP mà không vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước thì không xử phạt đối với hành vi đó.

Ví dụ: Tại điểm a khoản 2 Điều 27 Nghị định số 75/2010/NĐ-CP có quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo bằng thùng hàng có diện tích từ 0,5m2 trở lên gắn trên mỗi xe máy mà không có giấy phép, sau đó cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy định “Quảng cáo bằng thùng hàng có diện tích từ 0,5m2 trở lên gắn trên mỗi xe máy không phải có giấy phép” thì không xử phạt đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 2 Điều 27 vì hành vi đó không vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Một số từ ngữ quy định tại Nghị định số 75/2010/NĐ-CP được hiểu như sau:

1. “Khiêu dâm” quy định tại điểm a khoản 4 Điều 7; điểm c khoản 5, điểm b khoản 6 Điều 8; điểm e khoản 4 Điều 9; khoản 4 Điều 10; điểm b khoản 3 Điều 12; điểm c khoản 3 Điều 15; điểm a khoản 5 Điều 16; điểm a, b khoản 1, điểm c khoản 2 Điều 21; điểm c khoản 2, điểm a khoản 3, điểm a khoản 4, điểm a, b khoản 5, khoản 6 Điều 22; khoản 1, 2 Điều 23, là hành vi dùng hình ảnh, ngôn ngữ, âm thanh, hành động khêu gợi, kích thích dâm ô, ham muốn tình dục trái với truyền thống đạo đức, thuần phong mỹ tục dân tộc Việt Nam bao gồm: mô tả bộ phận sinh dục, khoả thân, mô tả khoả thân hoặc không khoả thân nhưng kích thích tình dục, mô tả nhu cầu tình dục, thủ dâm dưới mọi hình thức.

2. “Đồi truỵ” quy định tại điểm b khoản 5 Điều 7; điểm c khoản 5, điểm b khoản 6 Điều 8; điểm c khoản 6 Điều 9; điểm b khoản 5 Điều 10; điểm b khoản 5 Điều 12; điểm c khoản 4 Điều 15; điểm c khoản 1, điểm a, b, c khoản 2 Điều 21; điểm c khoản 2, điểm a khoản 3, điểm a, b khoản 5, khoản 6, 7 Điều 22; khoản 1 Điều 23; điểm a khoản 5 Điều 26, là hành vi dùng những hình ảnh loã lồ, ngôn ngữ thô tục, quan hệ tình dục giữa người với súc vật, quan hệ tình dục từ ba người trở lên.

3. “Đồ mã” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 18 là vật thể có hình người, hình động vật, nhà ở, tư liệu sản xuất, đồ dùng sinh hoạt của con người, hình khối vàng, bạc, đá quý.

Điều 4. Thủ tục tiêu hủy văn hóa phẩm độc hại

Việc tiêu hủy văn hóa phẩm độc hại thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 61 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002 và Điều 50 Nghị định số 75/2010/NĐ-CP.

Khi tiêu hủy văn hóa phẩm, cơ quan, tổ chức tiêu hủy phải công bố quyết định tiêu hủy. Sau khi tiêu hủy văn hóa phẩm, các thành viên Hội đồng xử lý ký xác nhận trong biên bản. Biên bản tiêu hủy văn hóa phẩm phải ghi rõ loại văn hóa phẩm, số lượng, hình thức tiêu hủy hoặc có bảng kê danh mục kèm theo để lưu tại cơ quan.

Điều 5. Quy định trong lĩnh vực điện ảnh

1. Việc xử phạt đối với các hành vi sau đây không phân biệt số lượng phim vi phạm:

a) “Nhân bản phim đã có quyết định thu hồi, tịch thu, tiêu huỷ hoặc cấm phổ biến” quy định tại điểm a khoản 6 Điều 8 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP;

b) “Nhân bản phim có nội dung đồi truỵ, khiêu dâm, kích động bạo lực” quy định tại điểm b khoản 6 Điều 8 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP;

c) “Bán, cho thuê hoặc lưu hành phim nhựa, băng đĩa phim có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực” quy định tại điểm e khoản 4 Điều 9 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP;

d) “Tàng trữ nhằm phổ biến phim thuộc loại cấm phổ biến hoặc đã có quyết định thu hồi, tịch thu, tiêu huỷ” quy định tại điểm a khoản 6 Điều 9 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP;

đ) “Bán, cho thuê hoặc phát hành phim nhựa, băng đĩa phim đã có quyết định thu hồi, tịch thu, cấm phổ biến hoặc tiêu huỷ” quy định tại điểm b khoản 6 Điều 9 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP;

e) “Bán, cho thuê hoặc phát hành phim nhựa, băng đĩa phim có nội dung đồi truỵ” quy định tại điểm c khoản 6 Điều 9 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP;

g) “Xuất khẩu phim thuộc loại phải có quyết định cho phép phổ biến mà chưa có quyết định hoặc chưa được phát sóng trên đài truyền hình Việt Nam” quy định tại điểm đ khoản 6 Điều 9 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP.

2. Việc xác định tuổi của trẻ em dưới 16 tuổi quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP căn cứ vào ngày sinh ghi trong giấy chứng minh nhân dân hoặc các giấy tờ khác có giá trị pháp lý.

Điều 6. Quy định trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn

1. Việc xử phạt những hành vi sau đây không phân biệt số lượng băng, đĩa vi phạm:

a) “Nhân bản băng, đĩa ca nhạc, sân khấu có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực” quy định tại điểm b khoản 3 Điều 12 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP;

b) “Nhân bản băng, đĩa ca nhạc, sân khấu đã có quyết định cấm lưu hành, hoặc quyết định thu hồi, tịch thu” quy định tại điểm a khoản 5 Điều 12 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP;

c) “Nhân bản băng, đĩa ca nhạc, sân khấu có nội dung đồi trụy” quy định tại điểm b khoản 5 Điều 12 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP;

d) “Phòng thu mà thu băng, đĩa có nội dung vi phạm quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 3 Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009” quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 13 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP;

đ) “Trích ghép, thêm âm thanh, hình ảnh có nội dung cấm vào băng, đĩa ca nhạc, sân khấu đã được phép phát hành” quy định tại điểm a khoản 2 Điều 13 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP;

e) “Phòng thu mà thu băng, đĩa có nội dung vi phạm quy định tại các điểm a khoản 1 Điều 3 Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 13 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP;

g) “Phát hành băng, đĩa ca nhạc, sân khấu có nội dung cấm” quy định tại điểm a khoản 3 Điều 13 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP;

h) “Sản xuất băng, đĩa ca nhạc, sân khấu có nội dung vi phạm quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 3 Quy chế hoạt hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009” quy định tại điểm c khoản 3 Điều 13 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP;

i) “Sản xuất băng, đĩa ca nhạc, sân khấu có nội dung vi phạm quy định tại các điểm a khoản 1 Điều 3 Quy chế hoạt hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009” quy định tại khoản 4 Điều 13 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP;

k) “Tàng trữ, phổ biến băng, đĩa ca nhạc, sân khấu có nội dung phản động, đồi truỵ” quy định tại điểm c khoản 4 Điều 15 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP.

2. Hành vi “Mặc trang phục, hoá trang gây phản cảm, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 16 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP áp dụng đối với diễn viên biểu diễn ca nhạc, trình diễn thời trang, không áp dụng đối với diễn viên mặc trang phục để thể hiện tính cách nhân vật trong kịch bản của các chương trình biểu diễn.

Điều 7. Quy định trong lĩnh vực hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng

1. Hành vi “Không đảm bảo đủ ánh sáng theo quy định tại vũ trường, nơi khiêu vũ công cộng, phòng hát karaoke” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 19 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP là hành vi không đảm bảo ánh sáng theo quy định tại khoản 2 Điều 27 và khoản 1 Điều 32 của Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ.

2. Hành vi “Đặt thiết bị báo động tại nhà hàng karaoke để đối phó với hoạt động kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” quy định tại khoản 4 Điều 19 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP áp dụng đối với nhà hàng karaoke đặt thiết bị báo động bằng âm thanh, ánh sáng, hình ảnh, màu sắc hoặc các tín hiệu khác để báo động cho các phòng hát khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra hoạt động của nhà hàng.

3. Việc xác định tuổi của người dưới 18 tuổi quy định tại khoản 1, điểm d khoản 3 Điều 19 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP căn cứ vào giấy tờ như quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này.

4. Hành vi “Kinh doanh trò chơi điện tử ở địa điểm cách trường học dưới 200m hoặc quá 22 giờ đêm đến 8 giờ sáng” quy định tại điểm a khoản 2 Điều 19 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP áp dụng đối với cả các điểm trò chơi kết nối với Internet (game online).

5. Hành vi “Kinh doanh hoạt động vũ trường, karaoke không đúng nội dung, không đúng phạm vi quy định trong giấy phép, không đúng quy định của pháp luật” quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP được hiểu không đúng nội dung hoặc không đúng phạm vi là hai hành vi khác nhau.

Ví dụ: Một chủ hộ kinh doanh karaoke được cấp giấy phép mở 3 phòng hát nhưng kiểm tra tại cơ sở phát hiện có 5 phòng hát đang hoạt động là không đúng phạm vi; một trung tâm văn hoá được phép mở vũ trường cổ điển, khi kiểm tra phát hiện vũ trường nhảy disco là không đúng nội dung.

6. Hành vi “Bán tranh, ảnh có nội dung đồi trụy, khiêu dâm, kích động bạo lực” tại điểm c khoản 2 Điều 22 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP bị xử phạt không phân biệt số lượng tranh, ảnh vi phạm.

7. Hành vi “phục hồi hủ tục trái với thuần phong, mỹ tục Việt Nam” quy định tại khoản 3 Điều 18 Nghị định số 75/2010/NĐ-CP là hành vi thực hiện các hủ tục trái với quy định về nếp sống văn hoá trong các đám tang, đám cưới, lễ hội. Ví dụ: lăn đường, rải tiền trên đường trong các đám tang.

8. Hành vi “Nhảy múa thoát y tại vũ trường, nhà hàng karaoke, nhà hàng ăn uống, nơi tổ chức hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng khác” quy định tại điểm d khoản 5 Điều 22 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP bị xử phạt không phân biệt đối tượng nhảy múa thoát y là khách hàng hay nhân viên phục vụ.

Điều 8. Quy định trong lĩnh vực quảng cáo, viết, đặt biển hiệu

1. Hành vi “Quảng cáo bằng băng-rôn đã hết thời hạn ghi trong giấy phép mà không tự tháo dỡ” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 27 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP áp dụng đối với tất cả các băng-rôn được ghi trong một giấy phép đã hết thời hạn mà không tự tháo dỡ.

2. Hành vi “Không ghi số giấy phép, thời hạn giấy phép, tên tổ chức, cá nhân xin giấy phép quảng cáo trên bảng, biển quảng cáo hoặc các hình thức tương tự” quy định tại điểm a khoản 4 Điều 27 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP áp dụng đối với từng sản phẩm quảng cáo đã được cấp giấy phép.

3. Hành vi “Treo, đặt, dán, dựng sản phẩm quảng cáo của nhà tài trợ trong các hoạt động văn hoá, thể thao, hội nghị, hội thảo quá số lượng được phép” quy định tại điểm c khoản 5 Điều 28 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP áp dụng khi có số lượng vượt quá quy định của pháp luật đang có hiệu lực tại thời điểm phát hiện vi phạm.

Ví dụ: Vi phạm được phát hiện tháng 6/2010 sẽ áp dụng quy định tại khoản 4 của Thông tư số 79/2005/TT-BVHTT ngày 08/12/2005 của Bộ Văn hoá-Thông tin sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 43/2003/TT-BVHTT ngày 16/7/2003 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 24/2003/NĐ-CP ngày 13/3/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Quảng cáo. Khi có văn bản mới thay thế Thông tư số 79/2005/TT-BVHTT sẽ áp dụng quy định tại văn bản mới.

4. Hành vi “Quảng cáo làm ảnh hưởng đến sự trang nghiêm tại nơi làm việc của cơ quan nhà nước” quy định tại điểm a khoản 3 Điều 29 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP áp dụng đối với quảng cáo tại một cơ quan.

5. Hành vi “Treo, dựng, đặt, gắn bảng, biển quảng cáo không đúng địa điểm, vị trí đã quy định trong giấy phép” quy định tại điểm b khoản 3 Điều 29 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP áp dụng đối với một bảng, biển quảng cáo.

6. Hành vi “quảng cáo tại địa điểm cấm quảng cáo” quy định tại khoản 4 Điều 29 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP áp dụng đối với quảng cáo một loại sản phẩm, dịch vụ tại một địa điểm cấm, không phân biệt số lượng sản phẩm hoặc hình thức quảng cáo.

7. Hành vi “Treo, dựng, đặt, gắn bảng, biển quảng cáo trong hành lang an toàn giao thông, phạm vi bảo vệ công trình giao thông, lưới điện, công trình viễn thông, đê điều gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông, an toàn lưới điện, công trình viễn thông, đê điều” quy định tại điểm a khoản 5 Điều 29 của Nghị định số 75 /2010/NĐ-CP áp dụng đối với một bảng, biển quảng cáo.

8. Hành vi “Quảng cáo số điện thoại, địa chỉ của người làm dịch vụ không đúng nơi quy định, viết, vẽ, dán quảng cáo lên tường, gốc cây, cột điện và các vật thể khác làm mất mỹ quan đô thị, cảnh quan môi trường” quy định tại điểm b khoản 5 Điều 29 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP áp dụng đối với quảng cáo một số điện thoại hoặc địa chỉ của một người làm dịch vụ trong phạm vi một phường, xã, thị trấn.

9. Hành vi quảng cáo hàng hoá, dịch vụ thuộc loại cấm quảng cáo bằng tranh, ảnh, áp phích, tờ rơi, tờ gấp, dù che, xe đẩy, dây cờ và các hình thức tương tự, quy định tại khoản 1 Điều 30 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP áp dụng đối với một loại sản phẩm trên một loại phương tiện, không phân biệt số lượng trong phạm vi một xã, phường, thị trấn.

10. Hành vi “Quảng cáo về kinh doanh hàng hoá, dịch vụ sinh lời mà dùng màu cờ Tổ quốc làm nền hoặc chăng ngang đường giao thông” quy định tại điểm a khoản 2 Điều 30 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP áp dụng đối với một bảng, biển, băng-rôn; áp dụng đối với áp-phích quảng cáo một loại sản phẩm, dịch vụ trong phạm vi một xã, phường, thị trấn.

11. Hành vi “Quảng cáo bằng áp-phích, tờ rơi, tờ gấp và các hình thức tương tự mà có nội dung cấm quảng cáo” quy định tại điểm a khoản 3 Điều 30 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP áp dụng đối với một loại sản phẩm thể hiện trên áp-phích, tờ rơi, tờ gấp hoặc hình thức tương tự trong phạm vi một xã, phường, thị trấn.

12. Hành vi “Kinh doanh loại hàng hoá có quảng cáo cho hàng hoá, dịch vụ cấm quảng cáo” quy định tại điểm b khoản 3 Điều 30 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP áp dụng đối với một loại hàng hoá có quảng cáo cho hàng hoá, dịch vụ cấm quảng cáo.

13. Hành vi “Quảng cáo trên bảng, biển quảng cáo có hình dáng, màu sắc, hình thức thể hiện tương tự các tín hiệu giao thông, biển báo công cộng” quy định tại điểm a khoản 4 Điều 30 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP áp dụng đối với một bảng, biển quảng cáo.

14. Hành vi “Dùng hình ảnh đồng tiền Việt Nam để quảng cáo” quy định tại điểm b khoản 4 Điều 30 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP áp dụng đối với một loại sản phẩm quảng cáo trên một phương tiện quảng cáo.

15. Hành vi “Quảng cáo không dùng tiếng nói, chữ viết Việt Nam trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh Quảng cáo” quy định tại điểm c khoản 4 Điều 30 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP áp dụng đối với một bảng, biển, băng-rôn; áp dụng đối với áp-phích quảng cáo tại một xã, phường, thị trấn hoặc một sản phẩm quảng cáo khác trên một phương tiện quảng cáo khác.

16. Hành vi “Sửa đổi làm sai lệch nội dung quảng cáo đã duyệt trong giấy phép” quy định tại điểm a khoản 5 Điều 30 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP áp dụng đối với một sản phẩm quảng cáo đã được duyệt trong giấy phép.

17. Hành vi “Quảng cáo hàng hoá chưa được phép kinh doanh, dịch vụ chưa được phép thực hiện tại thời điểm quảng cáo” quy định tại điểm b khoản 5 Điều 30 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP áp dụng đối với một loại hàng hoá, một loại dịch vụ.

18. Hành vi “Quảng cáo hàng hoá, dịch vụ thuộc loại cấm quảng cáo trên thùng hàng gắn trên xe máy, phương tiện giao thông, vật thể di động khác, hoặc đặt cố định tại nơi công cộng” quy định tại điểm c khoản 5 Điều 30 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP áp dụng đối với một loại hàng hoá, dịch vụ trên một thùng hàng, một phương tiện giao thông, một vật thể di động hoặc đặt cố định tại một địa điểm.

19. Hành vi “Sử dụng biểu trưng, nhãn hiệu thể hiện dưới bất kỳ hình thức nào để quảng cáo cho hàng hoá, dịch vụ thuộc loại cấm quảng cáo” quy định tại điểm d khoản 5 Điều 30 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP áp dụng đối với một biểu trưng, một nhãn hiệu dưới một hình thức quảng cáo.

20. Hành vi “Quảng cáo rượu có nồng độ cồn từ 30 độ trở lên” quy định tại điểm đ khoản 5 Điều 30 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP áp dụng đối với một loại rượu trên một loại phương tiện quảng cáo.

21. Hành vi “Quảng cáo có tính chất kích thích bạo lực, kinh dị” quy định tại điểm e khoản 5 Điều 30 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP áp dụng đối với một sản phẩm quảng cáo trên một phương tiện quảng cáo.

22. Hành vi “Sản xuất loại hàng hoá có quảng cáo cho hàng hoá, dịch vụ thuộc loại cấm quảng cáo” quy định tại điểm d khoản 6 Điều 30 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP áp dụng đối với việc sản xuất một loại hàng hoá quảng cáo cho hàng hoá, dịch vụ thuộc loại cấm quảng cáo.

Điều 9. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2010.

2. Bãi bỏ Thông tư số 12/2007/TT-BVHTT ngày 29 tháng 5 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin hướng dẫn thực hiện Nghị định số 56/2006/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hoá-thông tin.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch để nghiên cứu bổ sung, sửa đổi./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 09/2010/TT-BVHTTDL hướng dẫn Nghị định 75/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

  • Số hiệu: 09/2010/TT-BVHTTDL
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 24/08/2010
  • Nơi ban hành: Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch
  • Người ký: Hoàng Tuấn Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 566 đến số 567
  • Ngày hiệu lực: 01/09/2010
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản