Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ CÔNG AN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/2006/TT-BCA-C11 | Hà Nội, ngày 22 tháng 8 năm 2006 |
Ngày 19/5/2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2005/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh giám định tư pháp (sau đây viết gọn là Nghị định số 67). Để thực hiện thống nhất những quy định trong Nghị định này, Bộ Công an hướng dẫn như sau:
I. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, CÁC CHUYÊN NGÀNH GIÁM ĐỊNH KỸ THUẬT HÌNH SỰ VÀ PHÁP Y CÔNG AN NHÂN DÂN
1. Chức năng, nhiệm vụ của tổ chức giám định kỹ thuật hình sự và pháp y Công an nhân dân
Giám định tư pháp trong lực lượng Công an nhân dân bao gồm giám định kỹ thuật hình sự và pháp y.
Giám định kỹ thuật hình sự và pháp y trong lực lượng Công an nhân dân là những lĩnh vực giám định tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng thời là biện pháp khoa học - kỹ thuật, nghiệp vụ của ngành Công an. Căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành và trên cơ sở ứng dụng những thành tựu của khoa học, kỹ thuật và công nghệ, giám định kỹ thuật hình sự và pháp y có nhiệm vụ phát hiện, thu thập và giám định dấu vết, mẫu vật, tài liệu, đưa ra kết luận chuyên môn về những vấn đề có liên quan đến các vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng nhằm phục vụ giải quyết các vụ án và vụ việc dân sự.
Chức năng, nhiệm vụ của tổ chức giám định kỹ thuật hình sự và pháp y trong lực lượng Công an nhân dân được thực hiện theo các điều 10, 13 và 14 của Nghị định số 67.
2. Giám định kỹ thuật hình sự Công an nhân dân
Giám định kỹ thuật hình Công an nhân dân gồm các chuyên ngành sau đây:
- Giám định dấu vết đường vân.
- Giám định dấu vết cơ học.
- Giám định súng, đạn.
- Giám định tài liệu.
- Giám định ảnh.
- Giám định cháy, nổ.
- Giám định kỹ thuật.
- Giám định âm thanh.
- Giám định sinh học.
- Giám định hóa học.
3. Giám định pháp y Công an nhân dân
Giám định pháp y Công an nhân dân không phân theo chuyên ngành.
II. GIÁM ĐỊNH VIÊN KỸ THUẬT HÌNH SỰ VÀ PHÁP Y CÔNG AN NHÂN DÂN
1. Tiêu chuẩn giám định viên kỹ thuật hình sự và pháp y
Giám định viên kỹ thuật hình sự và pháp y trong lực lượng Công an nhân dân là sĩ quan nghiệp vụ có đủ điều kiện và tiêu chuẩn theo quy định của Pháp lệnh giám định tư pháp, Nghị định số 67 và hướng dẫn tại Thông tư này, được bổ nhiệm theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an hoặc quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
a) Tiêu chuẩn chung
Người được bổ nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự và pháp y trong lực lượng Công an nhân dân, ngoài tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 1 của Nghị định số 67 còn phải có đủ những tiêu chuẩn chung sau đây:
- Có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên phù hợp với chuyên ngành giám định.
- Tốt nghiệp các trường Công an. Nếu học các trường ngoài ngành Công an thì phải được bồi dưỡng nghiệp vụ tại các trường Công an theo quy định của Bộ Công an.
- Được bồi dưỡng nghiệp vụ giám định theo đúng chuyên ngành tại Viện Khoa học hình sự hoặc các cơ quan Khoa học hình sự ở nước ngoài.
- Có thời gian giúp việc giám định viên từ 5 năm trở lên.
- Có cấp bậc hàm sĩ quan nghiệp vụ từ thượng úy trở lên.
- Có khả năng tổ chức và thực hiện công tác giám định độc lập.
b) Tiêu chuẩn cụ thể
Người được bổ nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự và pháp y trong lực lượng Công an nhân dân, ngoài tiêu chuẩn chung được quy định tại điểm a của mục này còn phải có các tiêu chuẩn cụ thể sau đây:
- Giám định viên dấu vết đường vân: có bằng tốt nghiệp đại học các trường Công an chuyên ngành kỹ thuật hình sự hoặc điều tra tội phạm hoặc có bằng tốt nghiệp đại học một trong các ngành: luật, tin học.
- Giám định viên dấu vết cơ học: có bằng tốt nghiệp đại học các trường Công an chuyên ngành kỹ thuật hình sự hoặc điều tra tội phạm hoặc có bằng tốt nghiệp đại học một trong những ngành: cơ khí, chế tạo máy, động lực, cơ điện.
- Giám định viên súng, đạn: có bằng tốt nghiệp đại học các trường Công an chuyên ngành kỹ thuật hình sự hoặc điều tra tội phạm hoặc có bằng tốt nghiệp đại học một trong những ngành: quân khí, cơ khí, chế tạo máy.
- Giám định viên tài liệu: có bằng tốt nghiệp đại học các trường Công an chuyên ngành kỹ thuật hình sự hoặc điều tra tội phạm hoặc có bằng tốt nghiệp đại học một trong những ngành: luật, ngoại ngữ, tin học, hóa phân tích, công nghệ in.
- Giám định viên ảnh: có bằng tốt nghiệp đại học các trường Công an chuyên ngành kỹ thuật hình sự hoặc điều tra tội phạm hoặc có bằng tốt nghiệp đại học một trong những ngành: mỹ thuật, mỹ thuật công nghiệp, tin học, nhiếp ảnh, điện ảnh.
- Giám định viên cháy, nổ: có bằng tốt nghiệp đại học một trong những ngành: hóa, điện, phòng cháy chữa cháy, sĩ quan công binh.
- Giám định viên kỹ thuật: có bằng tốt nghiệp đại học một trong những ngành: cơ khí, điện, tự động hóa, động lực, thủy lực, xây dựng, kiến trúc, hàng hải, tin học.
- Giám định viên âm thanh: có bằng tốt nghiệp đại học một trong những ngành: ngôn ngữ, tin học, vật lý, điện tử, ngoại ngữ.
- Giám định viên sinh học: có bằng tốt nghiệp đại học về sinh học hoặc y khoa.
- Giám định viên hóa học: có bằng tốt nghiệp đại học một trong những ngành: hóa học, dược học, địa chất, địa lý.
- Giám định viên pháp y: có bằng tốt nghiệp đại học y khoa.
2. Trình tự, thủ tục, hồ sơ bổ nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự và pháp y
a) Trình tự, thủ tục bổ nhiệm
- Đối với người đang công tác tại Viện Khoa học hình sự: Viện Khoa học hình sự chủ trì phối hợp với Cục Chính trị Cảnh sát và Cục Tham mưu Cảnh sát lập hồ báo cáo Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát xét, đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an bổ nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự và pháp y Công an nhân dân.
- Đối với người đang công tác tại Công an cấp tỉnh: Giám đốc Công an cấp tỉnh phối hợp với Giám đốc Sở Tư pháp lựa chọn những cán bộ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, lập hồ sơ đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự và pháp y Công an nhân dân.
b) Hồ sơ bổ nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự và pháp y gồm:
- Văn bản đề nghị của Viện trưởng Viện Khoa học hình sự (ở Bộ) hoặc của Giám đốc Công an cấp tỉnh nơi quản lý người được đề nghị bổ nhiệm, có nhận xét về thời gian giúp việc cho giám định viên của người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên; kèm theo 3 ảnh màu chân dung kích thước 4cm x 6cm.
- Lý lịch trích ngang của người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên.
- Bản sao bằng tốt nghiệp chuyên môn được đào tạo.
- Bản sao chứng chỉ đã được bồi dưỡng nghiệp vụ giám định kỹ thuật hình sự, giám định pháp y tại Viện Khoa học hình sự hoặc tại các cơ quan Khoa học hình sự ở nước ngoài.
- Bản sao chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ Công an nhân dân đối với cán bộ tuyển dụng từ các trường đại học ngoài ngành Công an.
- Bản sao quyết định phong cấp bậc hàm sĩ quan nghiệp vụ Cảnh sát nhân dân hoặc An ninh nhân dân.
- Văn bản của Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an ra quyết định bổ nhiệm giám định viên hoặc văn bản của Giám đốc Sở Tư pháp đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định bổ nhiệm giám định viên cho người có đủ điều kiện.
3. Miễn nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự và pháp y
Việc miễn nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự và pháp y trong lực lượng Công an nhân dân thực hiện theo quy định tại Điều 4 của Nghị định số 67. Cụ thể như sau:
a) Miễn nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự và pháp y trong lực lượng Công an nhân dân khi giám định viên thuộc một trong những trường hợp sau:
- Không đủ tiêu chuẩn quy định tại mục 1 phần II của Thông tư này.
- Theo các điểm b, c, d khoản 2 Điều 9 của Pháp lệnh giám định tư pháp.
- Không thể đảm nhiệm công việc giám định vì lý do chính đáng khác.
b) Hồ sơ miễn nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự và pháp y gồm:
- Văn bản của Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an ra quyết định miễn nhiệm giám định viên hoặc văn bản của Giám đốc Sở Tư pháp đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định miễn nhiệm giám định viên.
- Các văn bản, giấy tờ chứng minh giám định viên thuộc một trong những trường hợp quy định tại điểm a của mục này.
- Giám định viên kỹ thuật hình sự, giám định viên pháp y trong lực lượng Công an nhân dân hoặc cá nhân khác vi phạm quy định của Thông tư này thì tùy theo tính chất, mức độ và đối tượng vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Tổ chức vi phạm quy định của Thông tư này thì bị xử phạt hành chính.
1. Tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu và đối tượng giám định
- Các cơ quan giám định kỹ thuật hình sự và pháp y trong lực lượng Công an nhân dân phải tiếp nhận các trưng cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, yêu cầu giám định của các đơn vị nghiệp vụ trong lực lượng Công an nhân dân, các yêu cầu giám định của các cơ quan, tổ chức và cá nhân theo quy định của pháp luật để thực hiện giám định. Đối với các trưng cầu và yêu cầu vượt quá khả năng hoặc không được thực hiện giám định theo quy định tại Điều 37 của Pháp lệnh giám định tư pháp thì phải từ chối giám định.
- Trưng cầu, yêu cầu và đối tượng giám định có thể được gửi qua đường giao liên của Bộ Công an, qua đường bưu điện hoặc giao, nhận trực tiếp. Trường hợp gửi qua giao liên hoặc qua bưu điện, khi giao, nhận phải có đại diện lãnh đạo chuyên môn và 01 giám định viên mở niêm phong. Việc giao, nhận trực tiếp được tiến hành tại cơ quan giám định; nghiêm cấm việc giao, nhận ngoài trụ sở cơ quan giám định.
Việc giao, nhận trưng cầu, yêu cầu giám định và đối tượng giám định phải lập biên bản theo mẫu quy định. Chỉ nhận văn bản trưng cầu, yêu cầu giám định hợp lệ (đúng đối tượng trưng cầu, yêu cầu và đúng đối tượng được trưng cầu, yêu cầu). Biên bản giao, nhận đối tượng giám định được lập theo quy định tại khoản 1 Điều 29 của Pháp lệnh giám định tư pháp.
- Đối với những đối tượng cần giám định và mẫu so sánh có niêm phong thì trước khi mở phải kiểm tra kỹ niêm phong. Nếu phát hiện niêm phong bị rách hoặc có dấu hiệu bị thay đổi thì phải báo cáo lãnh đạo trực tiếp để xin ý kiến chỉ đạo; ý kiến chỉ đạo phải được ghi vào biên bản mở niêm phong. Từng bước sử dụng túi niêm phong công nghệ cao để bảo quản đối tượng giám định.
- Đối với trưng cầu, yêu cầu giám định không hợp lệ, cơ quan giám định phải có văn bản trả lại cơ quan hoặc người trưng cầu, yêu cầu và nêu rõ lý do.
a) Viện Khoa học hình sự là cơ quan giám định cao nhất của ngành Công an tiến hành giám định tất cả các chuyên ngành giám định kỹ thuật hình sự và giám định pháp y quy định tại mục 2 phần I của Thông tư này.
Phòng Kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh tiến hành giám định các chuyên ngành giám định kỹ thuật hình sự và giám định pháp y do Viện trưởng Viện Khoa học hình sự quy định trên cơ sở giám định viên hiện có và phương tiện kỹ thuật, cơ sở vật chất được trang bị.
b) Đối với các trưng cầu, yêu cầu vượt quá khả năng chuyên môn thì giám định viên phải từ chối giám định và có trách nhiệm hướng dẫn cơ quan hoặc người trưng cầu, yêu cầu làm thủ tục trưng cầu hoặc yêu cầu cơ quan giám định phù hợp.
- Đối với Viện Khoa học hình sự, sau khi nhận trưng cầu, yêu cầu giám định, văn thư của Viện giao cho văn thư của Phòng hoặc Trung tâm thuộc lĩnh vực cần giám định. Văn thư của Phòng, Trung tâm báo cáo lãnh đạo trực tiếp để phân công giám định viên thực hiện giám định. Đối với Phòng Kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh, sau khi nhận trưng cầu, yêu cầu giám định, văn thư của Phòng báo cáo lãnh đạo Phòng để phân công giám định viên thực hiện giám định.
- Các cơ quan giám định chỉ thực hiện giám định khi được trưng cầu hoặc yêu cầu giám định từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
- Giám định viên chỉ thực hiện giám định khi được lãnh đạo trực tiếp phân công, trừ trường hợp trưng cầu đích danh giám định viên. Trong trường hợp trưng cầu đích danh, giám định viên được trưng cầu phải báo cáo lãnh đạo trực tiếp quản lý mình trước khi thực hiện giám định.
- Việc tiến hành giám định phải thực hiện theo đúng quy trình giám định và tuân theo quy chuẩn chuyên môn đã được ban hành.
Kết luận giám định phải được lập thành văn bản theo mẫu thống nhất của Bộ Công an quy định. Kết luận giám định được lập thành hai bản: một bản trả lời cơ quan, tổ chức, cá nhân đã trưng cầu hoặc yêu cầu giám định và một bản lưu hồ sơ theo quy định.
5. Giám định lại và Hội đồng giám định
Giám định lại phải do người khác thực hiện. Trường hợp giám định lại lần thứ hai thì do Hội đồng giám định bao gồm các giám định viên công tác tại Viện Khoa học hình sự thực hiện. Viện trưởng Viện Khoa học hình sự đề xuất danh sách Hội đồng giám định trình lãnh đạo Bộ ký quyết định. Việc thành lập Hội đồng và hoạt động của Hội đồng giám định thực hiện theo Điều 19 của Nghị định số 67.
Việc bảo quản, lưu trữ hồ sơ giám định phải được thực hiện theo đúng chế độ bảo quản, lưu trữ hồ sơ nghiệp vụ do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành. Các phân viện, phòng, trung tâm thuộc Viện Khoa học hình sự lưu trữ và quản lý hồ sơ giám định trong thời hạn 5 năm, sau đó chuyển giao cho Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát quản lý theo quy định. Các phòng Kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh lưu trữ và bảo quản hồ sơ giám định trong thời hạn 5 năm, sau đó chuyển giao cho Phòng hồ sơ nghiệp vụ Công an cấp tỉnh lưu trữ và bảo quản theo quy định.
Việc sao lại hồ sơ giám định phải được sử đồng ý của lãnh đạo cơ quan trực tiếp giám định.
- Phí giám định thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.
- Lệ phí dịch vụ giám định theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức được thực hiện theo quy định tại Điều 23 của Nghị định số 67.
- Tổng cục Cảnh sát có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này.
- Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế cho Điều lệ giám định kỹ thuật hình sự ban hành kèm theo Quyết định số 19/QĐ-BNV ngày 11/3/1987 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc nảy sinh, đề nghị Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ Công an (qua Tổng cục Cảnh sát) để có hướng dẫn kịp thời./.
| BỘ TRƯỞNG |
Thông tư 09/2006/TT-BCA-C11 hướng dẫn thực hiện Nghị định 67/2005/NĐ-CP thi hành một số điều của Pháp lệnh giám định tư pháp trong lực lượng Công an nhân dân do Bộ Công an ban hành
- Số hiệu: 09/2006/TT-BCA-C11
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 22/08/2006
- Nơi ban hành: Bộ Công An
- Người ký: Lê Hồng Anh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 33 đến số 34
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra