BỘ CÔNG NGHIỆP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 9-TT/KHDT | Hà Nội, ngày 30 tháng 8 năm 1997 |
CỦA BỘ CÔNG NGHIỆP SỐ9-TT/KHDT NGÀY 30 THÁNG 8 NĂM 1997 HƯỚNG DẪN THI HÀNH ĐIỀU LỆ MẪU HỢP TÁC XÃ CÔNG NGHIỆP VÀ XÂY DỰNG
(Ban hành theo Nghị định của Chính phủ số 44/CP ngày 29/4/1997)
Căn cứ vào Luật Hợp tác xã ngày 20/3/1996 và các Nghị định của Chính phủ về chính sách khuyến khích và phát triển Hợp tác xã; Nghị định về chuyển đổi, đăng ký Hợp tác xã và tổ chức hoạt động của Liên hiệp Hợp tác xã; Nghị định về nhiệm vụ, quyền hạn trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp đối với Hợp tác xã;
Thực hiện quy định tại Điều 2 Nghị định của Chính phủ ban hành Điều lệ mẫu Hợp tác xã Công nghiệp và Xây dựng số 44/CP ngày 29/4/1997, Bộ Công nghiệp hướng dẫn một số điều cụ thể sau:
A. VỀ TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO Ở TỈNH, THÀNH PHỐ, HUYỆN, QUẬN
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban chỉ đạo thực hiện việc chuyển đổi và đăng ký lại Hợp tác xã. ở cấp tỉnh và thành phố trực thuộc thì Giám đốc Sở Công nghiệp là thành viên của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và thành phố đồng thời là Trưởng tiểu ban chỉ đạo đối với các Hợp tác xã công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp (sau đây viết là HTXCN, TTCN).
Ở cấp quận, huyện Trưởng phòng công nghiệp quận, huyện là thành viên của Ban chỉ đạo của quận, huyện và phụ trách khối các HTXCN, TTCN trong huyện. Các Ban chỉ đạo thực hiện chuyển đổi và đăng ký lại HTX phải do Chủ tịch ra quyết định bằng văn bản, quy định cụ thể cho từng thành viên và được thông báo đến các cơ quan, đơn vị có liên quan để thi hành.
- Giám đốc Sở Công nghiệp lập kế hoạch và điều hành đối với khối HTXCN, TTCN để đảm bảo phù hợp với tiến độ chung với các ngành trong tỉnh và với ngành dọc ở các quận, huyện.
- Ban chỉ đạo thực hiện việc chuyển đổi, đăng ký lại HTXCN, TTCN ở cấp quận, huyện phải hướng dẫn các Hợp tác xã thành lập Ban trù bị chuyển đổi cho từng HTXCN, TTCN để trình Uỷ ban nhân dân quận, huyện phê duyệt.
Ban trù bị gồm Ban quản trị, Ban kiểm soát của HTXCN, TTCN, đại diện của xã viên và đại diện Uỷ ban nhân dân quận, huyện sở tại.
Khi đã có quyết định phê duyệt của Uỷ ban nhân dân quận, huyện đối với từng Ban trù bị cho từng Hợp tác xã thì Ban trù bị nghiên cứu Luật Hợp tác xã, nghiên cứu các Nghị định có liên quan và nhất là đối với Nghị định 16/CP ngày 21/7/1997; Nghị định 44/CP ngày 29/4/1997 và những Thông tư hướng dẫn thi hành để áp dụng vào cho HTXCN, TTCN để thực hiện.
B. VỀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN Ở HỢP TÁC XÃ
1. Đối với các Hợp tác xã Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp đã có trước ngày ban hành Nghị định.
- Tổ chức tuyên truyền, giải thích cho xã viên về mục đích ý nghĩa của việc chuyển đổi để Hợp tác xã hoạt động theo đúng Luật Hợp tác xã và vận động mọi người tham gia Hợp tác xã kiểu mới.
- Tổ chức kiểm kê, đánh giá toàn bộ tài sản, vốn, quỹ, công nợ của Hợp tác xã theo Thông tư hướng dẫn chuyển đổi và đăng ký Hợp tác xã, Luật Hợp tác xã theo Nghị định số 16/CP ngày 21/2/1997. Ban trù bị phải tập trung sức làm cho được việc kiểm kê, đánh giá toàn bộ tài sản của Hợp tác xã theo mặt bằng giá trị thị trường hiện tại ở địa phương.
- Sau khi đã kiểm kê, đánh giá lại toàn bộ tài sản của Hợp tác xã thì việc phân chia quyền lợi được thực hiện qua cuộc họp của xã viên và các cơ quan ở địa phương có liên quan để thống nhất một nguyên tắc phân chia quyền lợi và tiến hành phân chia cho từng xã viên cụ thể trong Hợp tác xã.
Khi đã làm xong thủ tục phân chia quyền lợi cho từng xã viên, Ban trù bị phải phân tích cho xã viên biết quyền lợi của mình trong đó nhưng không phải là chia ngay lấy tiền ra mang về được mà để làm rõ quyền và trách nhiệm của từng người, đồng thời số tiền đó nằm chung trong nhà xưởng, máy móc, vật kiến trúc của Hợp tác xã. Ban trù bị phải xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, dịch vụ cho phù hợp và dự thảo Điều lệ mới của Hợp tác xã.
Việc xây dựng Điều lệ hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp hiện hành phải đưa vào Luật Hợp tác xã và Điều lệ mẫu hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp do Chính phủ ban hành theo Nghị định 44/CP ngày 29/4/1997 và hướng dẫn này.
2. Đối với Hợp tác xã mới được thành lập sau khi có Nghị định
Những cá nhân, những tổ sản xuất nay muốn góp vốn để thành lập nên hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo Luật Hợp tác xã, thì những người sáng lập viên thực hiện nhiệm vụ của Ban trù bị thành lập hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và phải nghiên cứu kỹ Luật Hợp tác xã và các Nghị định có liên quan nhất là Nghị định 44/CP ngày 29/4/1997 về ban hành Điều lệ mẫu Hợp tác xã công nghiệp và xây dựng.
Bản thân từng sáng lập viên phải nghiên cứu, hiểu rõ được những điểm mới trong Điều lệ như tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, cùng góp vốn, góp sức vì lợi ích chung.
Mỗi người muốn gia nhập hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp để trở thành xã viên đều phải nghiên cứu, hiểu rõ về Luật Hợp tác xã và Điều lệ mẫu Hợp tác xã công nghiệp và xây dựng để thấy rõ được các ưu điểm của Luật và Điều lệ mẫu mới trong đó đặc biệt là nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, lợi nhuận thuộc về xã viên, quan tâm đến lợi ích chung của Hợp tác xã.
Cho nên ở Điều 1 đã thể hiện rõ Hợp tác xã công nghiệp là tổ chức kinh tế tự chủ, do những người lao động có nhu cầu lợi ích chung, tự nguyện cùng góp vốn, góp sức lập ra theo quy định của pháp luật để sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ công nghiệp.
Trong điều này có ý kiến lấy tuyên truyền giải thích cho người lao động biết rõ lợi ích để tự nguyện đối với toàn bộ Hợp tác xã là tự chủ, không được dùng mọi hình thác gò ép, cưỡng bức người không tự nguyên phải vào Hợp tác xã.
Điều 2.- Quy định hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là một tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân, có tên gọi riêng, có địa chỉ cụ thể, có điều lệ riêng cho mình, có mức vốn điều lệ, có tài khoản tại Ngân hàng, có con dấu riêng, hoạt động theo đúng pháp luật, điều này chứng minh cho tổ chức Hợp tác xã được pháp luật công nhận, không thể có những tổ chức "ma" đội lốt Hợp tác xã công nghiệp để hoạt động trên thị trường.
Điều 3.- Hiện nay có ba loại hình cơ bản để Hợp tác xã công nghiệp chọn áp dụng cho phù hợp, khi chọn mỗi loại hình đều có sự phân tích điểm mạnh, điểm yếu, đưa ra Đại hội xã viên bàn và biểu quyết. Khi đã chọn loại hình nào thì bố trí sản xuất theo như loại hình đã chọn.
Điều 4.- Các tổ chức chính trị xã hội hoạt động trong các hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nhằm phát triển tự do của các thành viên nhưng phải tuân theo luật pháp, phải được đăng ký hoạt động nhằm phát triển và bảo vệ sản xuất kinh doanh cho Hợp tác xã mà không được đi ngược lại quyền lợi của Hợp tác xã.
Điều 5.- Có một số điểm cần lưu ý là xã viên phải 18 tuổi, có đủ tư cách và hành vi dân sự, số xã viên phải có ít nhất là 9 người, và 2/3 xã viên có nghề chuyên môn phù hợp. Điều này với mục đích làm cho chất lượng của Hợp tác xã tốt ngay khi thành lập, đủ 18 tuổi mới đủ tư cách, người nào dưới 18 tuổi vẫn có thể vào làm lao động sản xuất cho đến khi đủ 18 tuổi sẽ thành xã viên chính thức. Quy định 2/3 số xã viên có nghề tức là khi thành lập hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phải có 6/9 người có nghề với mục đích làm cho kết quả sản xuất kinh doanh có chất lượng, làm cho Hợp tác xã được bền vững lâu dài. Do vậy khi vận động để thành lập Hợp tác xã phải chọn cho được những người vừa có tay nghề cao vừa có nhiệt tình tham gia thành lập Hợp tác xã, làm cho Hợp tác xã thực sự là chỗ dựa của người lao động để góp vốn, góp sức làm ăn lâu dài.
Điều 6.- Trong Điều lệ mẫu quy định có 12 quyền. Tuỳ theo cụ thể cho từng hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có thể ghi chi tiết cho 12 quyền, cũng có thể ghi gộp lại thành một số quyền nhưng phải đủ ý ở 12 quyền như Điều lệ mẫu và phải được Đại hội thảo luận và biểu quyết nhất trí.
Điều 7.- Về nghĩa vụ cũng phải được ghi rõ, phân tích đưa ra thảo luận và biểu quyết từng nghĩa vụ để thể hiện rõ tính dân chủ và tập trung. Khi đã ghi vào Điều lệ của Hợp tác xã thì mọi xã viên có nghĩa vụ ngang nhau đều phải thi hành.
Điều 8.- Chấm dứt tư cách xã viên: Trong Điều lệ mẫu có sáu trường hợp nhưng khi thảo luận để biểu quyết cần đi sâu vào trường hợp xã viên không đi làm, không có quan hệ kinh tế với Hợp tác xã, không có đủ vốn góp... để bảo đảm tính công bằng ngay trong điều lệ.
Điều 9.- Đại hội xã viên, Điều lệ mẫu nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Đại hội xã viên vì có quyền quyết định cao nhất của hợp tác xã, nó đề cao trách nhiệm cộng đồng, tính dân chủ và tính tập trung, do vậy phải chuẩn bị cho kỹ và có thời gian báo trước.
Điều 10.- Đại hội xã viên thảo luận và quyết định những vấn đề lớn, điều lệ mẫu có nêu 10 vấn đề tiêu biểu, từng hợp tác xã căn cứ vào điều kiện cụ thể mà nêu cho sát và khi thảo luận đều có biểu quyết.
Điều 11.- Quy định số lượng đại biểu và biểu quyết trong Đại hội xã viên Quy định phải có ít nhất 2/3 (hai phần ba) tổng số xã viên hoặc đại biểu xã viên tham dự, nếu không đủ thì phải hoãn Đại hội và phải triệu tập lại, đây là thể hiện tính cộng đồng phải được một tập thể lớn, tránh tình trạng hình thức, có đại hội nhưng không đại diện cho tập thể của hợp tác xã. Mặt khác những quyết định có ý nghĩa lớn như sửa đổi điều lệ, hợp nhất chia tách, giải thể hợp tác xã được thông qua khi có ít nhất 3/4 (ba phần tư) tổng số xã viên hoặc đại biểu xã viên có mặt tại Đại hội biểu quyết tán thành. Đó là để Đại hội phải bàn kỹ và thận trọng khi làm các việc lớn. Còn các vấn đề khác chỉ cần quá bán là đủ (trên 1/2).
Chú ý ở điểm "việc biểu quyết tại đại hội xã viên và các cuộc họp xã viên không phụ thuộc vào số vốn góp hay chức vụ của xã viên trong hợp tác xã. Mỗi xã viên hoặc đại biểu xã viên chỉ có một phiếu biểu quyết. Điều này thể hiện rõ quyền bình đẳng của xã viên.
Điều 12.- Xác định rõ vai trò của Ban quản trị là cơ quan quản lý và điều hành mọi công việc của hợp tác xã, nên có quy định Ban quản trị ít nhất mỗi tháng họp một lần và có ít nhất 2/3 thành viên Ban quản trị tham dự, quy định này đảm bảo tính thường xuyên của tập thể lãnh đạo.
Điều 13.- Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban quản trị trong điều lệ mẫu có ghi 8 nhiệm vụ, tuỳ theo tình hình cụ thể của hợp tác xã để ghi cho phù hợp, nhưng chú ý phân biệt thành viên Ban quản trị không được đồng thời là thành viên Ban kiểm soát, kế toán trưởng, Thủ quỹ của hợp tác xã và không phải là cha, mẹ, vợ chồng, con hoặc anh chị em ruột của họ; quy định này tạo môi trường khách quan trong việc đảm bảo tính công bằng, công khai, dân chủ, tránh sự bè phái trong hợp tác xã sau này.
Điều 14.- Điều này quy định rõ vai trò cá nhân, phân biệt nhiệm vụ, quyền hạn giữa cá nhân của chủ nhiệm và tập thể lãnh đạo của Ban quản trị.
Điều 15+16.- Điều này quy định rõ trách nhiệm Ban kiểm soát là cơ quan giám sát và kiểm tra mọi hoạt động của hợp tác xã do Đại hội xã viên bầu ra, có trách nhiệm kiểm tra kiểm soát từ chủ nhiệm đến xã viên, bảo đảm cho hợp tác xã làm ăn đúng pháp luật, đúng điều lệ nhằm hoạt động của hợp tác xã đúng mục đích và hiệu quả cao, phòng ngừa, ngăn chặn những sai phạm có thể xẩy ra.
Điều 17.- Điều này thể hiện rõ tính chất của Hợp tác xã công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp là vừa góp vốn vừa góp sức, nên mọi xã viên đều phải góp vốn, tuy nhiên hình thức góp vốn có linh hoạt hơn, có thể góp ngay một lần cho đủ, cũng có thể góp thành nhiều lần do điều lệ cụ thể của hợp tác xã được Đại hội xã viên quyết định.
Một nguyên tắc được quy định từ luật hợp tác xã phải tôn trọng là vốn góp của mỗi xã viên ở mọi thời điểm không vượt quá 30% (ba mươi phần trăm) tổng số vốn điều lệ của HTX - quy định này nhằm đảm bảo cho HTX có vốn cho sản xuất kinh doanh bình thường, không bị một vài xã viên có số vốn lớn góp chi phối sản xuất kinh doanh của HTX.
Nếu xã viên nào đó có nhiều vốn có thể cho HTX vay theo phương thức huy động vốn vay của xã viên theo quyết định của Đại hội xã viên.
Các Điều 18, 19, 20, 21:- là các hoạt động của vốn tài sản; Hợp tác xã phải đưa ra đại hội xã viên bàn bạc và biểu quyết để ghi vào điều lệ cụ thể của HTX nhưng không trái với những quy định của pháp luật.
Việc trích lập các quỹ và chia lãi theo vốn góp của xã viên là do Đại hội xã viên quyết đinh. Hàng năm cần có sự chuẩn bị để đưa ra Đại hội bàn bạc và biểu quyết. Do mỗi năm có những nhu cầu khác nhau về đầu tư, phát triển của Hợp tác xã như có năm cần mua thiết bị, có năm cần đào tạo nên ban quản trị phải chuẩn bị kỹ và thuyết minh sự cần thiết cho từng loại quỹ rồi đưa ra Đại hội xã viên để bàn bạc và biểu quyết.
Điều 23.- Việc xử lý các khoản lỗ phải được làm rõ nguyên nhân trách nhiệm cá nhân xã viên gây ra thì xã viên phải bồi thường cho HTX theo quyết định của Đại hội xã viên. Còn những khoản lỗ do khách quan phải được phân tích rõ và trừ vào quỹ dự phòng của HTX do địa hội xã viên quyết định.
Điều 24, 25, 26:- Việc hợp nhất, chia tách, giải thể, phá sản HTX thực hiện theo Luật HTX và Luật phá sản doanh nghiệp.
Xã viên HTX, người ngoài HTX có thành tích đóng góp cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ, có công bảo vệ, xây dựng và phát triển HTX sẽ được HTX khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng, hình thức và mức độ khen thưởng phải được soạn thảo thành văn bản về khen thưởng để báo cáo Đại hội xã viên thảo luận và biểu quyết để làm căn cứ áp dụng khen thưởng.
Việc xử lý vi phạm cùng được quy định bằng văn bản đối với những xã viên không chấp hành điều lệ, nội quy của HTX, không chấp hành Nghị quyết của Đại hội xã viên, làm tổn hại đến lợi ích của HTX. Tuỳ theo mức độ nặng nhẹ mà đề ra hình thức cho thích hợp như bồi thường bằng vật chất, xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Đề thực hiện Nghị định 44-CP ngày 29-4-1997 của Chính phủ, Bộ Công nghiệp đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các Sở Công nghiệp chỉ đạo việc thực hiện điều lệ mẫu hợp tác xã công nghiệp và xây dựng đối với các HTX mới thành lập sau này, quá trình thực hiện nếu có điều gì chưa rõ xin tập hợp lại phản ảnh về Sở Công nghiệp để Sở Công nghiệp làm việc với Bộ Công nghiệp và sẽ có hướng dẫn bổ sung. Những vấn đề lớn vượt qua phạm vi xử lý của Bộ, Bộ sẽ tổng hợp chung trong phạm vi cả nước để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Nguyễn Minh Thông (Đã ký) |
Thông tư 09/1997/TT-KHDT hướng dẫn thi hành Điều lệ mẫu Hợp tác xã công nghiệp và xây dựng theo Nghị định 44/CP năm 1997 do Bộ Công nghiệp ban hành
- Số hiệu: 9-TT/KHDT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 30/08/1997
- Nơi ban hành: Bộ Công nghiệp
- Người ký: Nguyễn Minh Thông
- Ngày công báo: 31/10/1997
- Số công báo: Số 20
- Ngày hiệu lực: 14/09/1997
- Ngày hết hiệu lực: 04/01/2007
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực