Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 08-TT/NH

Hà Nội, ngày 10 tháng 09 năm 1973

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC ÁP DỤNG SÉC ĐỊNH MỨC TRONG QUAN HỆ THANH TOÁN TIỀN BÁN HÀNG XUẤT KHẨU GIỮA CÁC TỔNG CÔNG TY XUẤT NHẬP KHẨU (LÀ BÊN MUA) VÀ CÁC ĐƠN VỊ CUNG CẤP HÀNG XUẤT KHẨU (LÀ BÊN BÁN).

Ngày 2 tháng 7 năm 1964 Ngân hàng Nhà nước Việt-Nam và Bộ Ngoại thương đã ra thông tư liên bộ số 02-LB hướng dẫn cách sử dụng các thể thức thanh toán chấp nhận, ủy nhiệm chi, có phạt chậm trả, thư tín dụng, trong quan hệ mua bán hàng xuất khẩu giữa các Tổng công ty xuất nhập khẩu và các đơn vị cung cấp hàng hóa xuất khẩu.

Các thể thức thanh toán trên, áp dụng trong quan hệ thanh toán tiền mua bán hàng xuất khẩu giữa các Tổng công ty xuất nhập khẩu và các đơn vị bán hàng xuất khẩu, có những điểm không thích hợp với điều kiện và đặc điểm giao nhận hàng hóa hiện nay như:

1. Bên bán đưa hàng đến giao tại kho bên mua, nhưng việc thanh toán tiền bán hàng lại tiến hành không đồng thời.

2. Hàng hóa xuất khẩu khi tập trung về Hải-phòng và các ga cửa khẩu mới được tiến hành kiểm nghiệm. Vì vậy đối với những mặt hàng sai quy cách, phẩm chất xuất khẩu, các đơn vị giao hàng phải đưa người từ các tỉnh ra tái chế, chọn lọc, đóng gói lại, gây lãng phí lớn tiền của và những khó khăn khác.

3. Trong một thời gian ngắn, kể từ lúc nhận hàng, các Tổng công ty xuất nhập khẩu có thể xuất đi nước ngoài và nộp chứng từ xuất khẩu vào Ngân hàng là được Ngân hàng ngoại thương trả tiền ngay, trong khi đó chưa trả tiền cho bên bán.

Do các đặc điểm trên và việc vận dụng một số thể thức thanh toán đã quy định trước đây chưa thích hợp nên dẫn đến tình trạng:

- Các đơn vị mua hàng chiếm dụng vốn của các đơn vị bán hàng xuất khẩu, tài khoản vay vốn của các đơn vị này ở Ngân hàng ngoại thương thường dư CÓ.

- Các đơn vị bán hàng xuất bị chiếm dụng vốn không có đủ tiền để sản xuất, kinh doanh, nợ vay Ngân hàng quá hạn và phải chịu lãi.

Để đáp ứng với đặc điểm giao nhận vật tư hàng hóa góp phần khắc phục những nhược điểm nói trên, Ngân hàng ngoại thương Việt-nam, các chi nhánh, chi điếm Ngân hàng Nhà nước cần hướng dẫn bên mua và bán hàng hóa xuất khẩu vận dụng thể thức séc định mức.

Việc sử dụng séc định mức để trả tiền mua hàng xuất phải tuân theo các điều kiện chung của thể lệ thanh toán không dùng tiền mặt.

Vận dụng thể thức này trong việc thanh toán hàng xuất, bên bán hàng xuất phải giao hàng tại kho bên mua (kho Tổng công ty, kho các chi nhánh hoặc các trạm trung chuyển của Tổng công ty) và các hàng hóa đó phải được cơ quan kiểm nghiệm có đầy đủ thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đúng quy cách, phẩm chất tại địa điểm giao nhận.

Ngoài các điều kiện nêu trên, khi sử dụng séc định mức, các bên mua bán hàng xuất khẩu và các đơn vị Ngân hàng phải thi hành một số thủ tục ngoại lệ nói ở thông tư này.

I. THỦ TỤC BÁN SÉC ĐỊNH MỨC

a) Hàng quý sau khi nhận được chi tiêu và danh mục hàng hóa xuất khẩu. Ngân hàng ngoại thương Việt-nam và các chi nhánh chi điếm Ngân hàng Nhà nước được ủy nhiệm cho vay trả tiền mua hàng xuất tại địa phương nhượng cho các Tổng công ty xuất nhập khẩu hoặc các chi nhánh, các trạm trung chuyển của Tổng công ty (dưới đây gọi tắt là bên mua hàng xuất khẩu) các sổ séc định mức để thực hiện thanh toán.

Tùy theo khối lượng hàng hóa giao nhận và thanh toán, bên mua có thể mua một hoặc nhiều quyển séc theo như thể lệ thanh toán quy định nhưng không phải lưu ký tiền (vì nguồn vốn mua hàng xuất khẩu được Ngân hàng cho vay toàn bộ và các tờ séc định mức chỉ được phát hành từ tài khoản Cho vay đặc biệt luân chuyển và dự trữ hàng xuất khẩu, Ngân hàng sẽ xem chi tiêu cho vay hàng quý là số tiền định mức đó vào bìa quyển séc, như thể lệ đã quy định. Nếu bên mua hàng xuất chỉ mua một quyển séc thì Ngân hàng ghi chỉ tiêu cho vay trong quý vào quyển séc đó. Khi bên mua sử dụng hết séc mà chỉ tiêu cho vay của quý chưa hết thì được chuyển số dư sang quyển séc mới. Nếu bên mua hàng xuất khẩu cần mua nhiều quyển séc một lúc thì Ngân hàng chia chỉ tiêu cho vay trong quý và ghi lên một quyển séc, nhưng tổng số định mức trên các quyển séc đã đánh các số 1, 2, 3 không được vượt quá chỉ tiêu cho vay. Trường hợp bên mua dùng hết một quyển séc và chỉ tiêu cho vay ở quyển đó chưa sử dụng hết thì chuyển số dư vào quyển séc khác (việc bổ sung do Ngân hàng làm).

b) Khi nhượng các sổ séc định mức cho bên mua hàng xuất, Ngân hàng phải đóng sẵn lên mỗi tờ séc, phía dưới dòng chữ séc định mức về bên phải một dấu ghi:

Séc mua hàng xuất chi được trả tiền tại Ngân hàng bên mua

c) Ngân hàng ngoại thương Việt-nam chỉ nhượng các sổ séc định mức cho các Tổng công ty xuất nhập khẩu khi nhận được kế hoạch vay vốn trong quý của các Tổng công ty (sau khi tính toán và nhất trí với Ngân hàng về kế hoạch đó).

Các chi nhánh, chi điếm Ngân hàng Nhà nước chỉ được nhượng séc định mức cho các chi nhánh và các trạm trung chuyển của Tổng công ty khi:

- Có văn bản của Ngân hàng ngoại thương ủy nhiệm cho các chi nhánh, chi điếm Ngân hàng Nhà nước cho vay trả tiền mua hàng xuất tại các địa phương (nếu là lần đầu tiên cho vay);

- Có đầy đủ các thủ tục hợp lệ xin mở tài khoản phụ về cho vay của các Tổng công ty xuất nhập khẩu và giấy ủy nhiệm của giám đốc Tổng công ty cho các ủy nhiệm chi nhánh hay các trạm trưởng trạm trung chuyển ký tên các tờ séc và các giấy tờ giao dịch do Ngân hàng ngoại thương Việt-nam chuyển về;

- Nhận được chỉ tiêu danh mục hàng hóa cho vay hàng xuất khẩu hàng quý của Ngân hàng ngoại thương gửi về.

II. THỦ TỤC PHÁT HÀNH SÉC ĐỊNH MỨC

a) Hiện nay các đơn vị bán hàng xuất giao hàng tại kho bên mua ở nhiều địa điểm khác nhau. Vì vậy việc phát hành séc định mức ở Ngân hàng nào để trả tiền cho người bán phụ thuộc vào địa điểm giao nhận hàng hóa.

Nếu bên bán giao hàng xuất tại các kho ở Hà-nội thì các Tổng công ty xuất nhập khẩu phát hành, séc định mức trả cho bên bán và được trả tiền tại Ngân hàng ngoại thương Việt-nam.

Nếu bên bán giao hàng cho bên mua tại kho của các chi nhánh ngoại thương ở Hải-phòng hoặc các trạm trung chuyển của Tổng công ty thì các chi nhánh, các trạm trung chuyển của Tổng công ty được phát hành séc trả cho bên bán và thanh toán tại Ngân hàng phục vụ các chi nhánh và các trạm trung chuyển đó.

b) Các đơn vị mua hàng xuất chỉ được phát hành séc trong phạm vi chỉ tiêu được vay trong quý đã ghi trên bìa quyển séc để trả tiền mua hàng xuất khẩu.

Bên mua có thể dùng một sổ séc định mức để trả tiền cho các đơn vị bán hàng xuất thuộc một số ngành được Ngân hàng xác định trước, chữ ký, mẫu dấu của đơn vị phát hành séc phải được giới thiệu với các đơn vị bán hàng xuất và đăng ký tại Ngân hàng phục vụ mình. Những tờ séc này chỉ được trả tiền tại Ngân hàng phục vụ bên mua (tức là Ngân hàng ngoại thương Việt-nam và các Ngân hàng địa phương được Ngân hàng ngoại thương trung ương ủy nhiệm cho vay hộ).

Bên mua hàng xuất khẩu phải thực hiện đúng các nguyên tắc phát hành séc định mức như thể lệ thanh toán không dùng tiền mặt đã quy định. Mặt khác bên bán hàng mỗi khi nhận tờ séc của bên mua cũng phải kiểm soát xem số tiền định mức ghi trên sổ séc có còn đủ để trả và mẫu dấu, chữ ký của bên mua có đúng không.

Cuối quý nếu bên mua hàng xuất không sử dụng hết chỉ tiêu được vay ghi trên các quyển séc thì coi như hủy bỏ, không được chuyển sang quý sau. Ngược lại, nếu chưa hết quý mà chi tiêu được vay đã hết, các Tổng công ty cần phải thương lượng với Ngân hàng ngoại thương để xin bổ sung (nếu cần thiết). Riêng đối với các chi nhánh và các trạm trung chuyển của Tổng công ty nếu hết chỉ tiêu được vay nhưng vẫn còn vốn để trả tiền hàng nhận trong quý thì phải báo cáo lên đơn vị chủ quản của mình để xin Ngân hàng bổ sung chỉ tiêu cho vay.

c) Bên mua hàng xuất chỉ được phát hành séc trả cho bên bán theo số lượng thực tế hàng hóa đã giao nhận và các hàng hóa đó đã được kiểm nghiệm hợp pháp, đảm bảo quy cách phẩm chất xuất khẩu trong hợp đồng quy định. Cụ thể là bên mua phải căn cứ vào giấy giao nhận (có chữ ký của bên mua và bán có ghi số lượng hàng hóa và giá trị bằng tiền) và giấy kiểm nghiệm để phát hành séc trả cho bên bán.

Các tờ séc của bên mua hàng xuất phát hành phải có đầy đủ chữ ký của chủ tài khoản hay người được chủ tài khoản ủy nhiệm và chữ ký của kế toán.

Đơn vị bán hàng nhận séc phải nộp vào ngân hàng phục vụ bên mua trong thời hạn tối đa là 3 ngày, kể từ ngày phát hành ghi trên séc. Quá thời hạn trên, tờ séc không có hiệu lực thanh toán.

III. THỦ TỤC CHO BÊN MUA VAY TRẢ TIỀN CHO BÊN BÁN VÀ CHUYỂN SỐ NỢ LÊN NGÂN HÀNG NGOẠI THƯƠNG VIỆT-NAM

a) Bên bán hàng xuất khẩu lập bản kê nộp séc (theo mẫu 19/NK) kèm theo tờ séc định mức, giấy giao nhận và giấy chứng nhận quy cách phẩm chất hàng hóa nộp vào Ngân hàng phục vụ bên mua.

Ngân hàng bên mua nhận được bản kê nộp séc, giấy giao nhận hàng hóa ghi rõ trị giá hàng, giấy chứng nhận phẩm chất hoặc giấy kiểm nghiệm đảm bảo hàng hóa đó đúng như hợp đồng mà hai bên đã ký, thì tiến hành kiểm soát xem có đúng không, nếu đầy đủ các điều khoản đã quy định, Ngân hàng phục vụ bên mua ký và đóng dấu lên bản kê nộp séc, sau đó giao cho bên bán 1 liên, làm biên lai nhận séc, và tiến hành cho bên mua vay tiền trả cho bên bán ngay trong ngày, nếu không đủ điều kiện trên thì Ngân hàng trả lại toàn bộ chứng từ cho bên bán, để bên mua và bên bán cùng nhau giải quyết.

Trường hợp bên mua phát hành séc quá chỉ tiêu được vay đã ghi trên bìa quyển séc, nên gây chậm trễ thanh toán cho bên bán thì phải chịu phạt chậm trả 2% trên số tiền phát hành séc của số dư và Ngân hàng sẽ chuyển toàn bộ số tiền bị phạt cho bên bán hưởng. Nếu đơn vị phát hành séc bị phạt nhiều lần, Ngân hàng sẽ tạm đình chỉ việc dùng séc và đình chỉ cho vay.

Trường hợp bên bán giao hàng nguyên đai, nguyên kiện, sau khi bên mua đã trả tiền, phát hiện nội dung bên trong không đúng hợp đồng đã quy định mà có biên bản hợp pháp, bên mua có quyền thông qua Ngân hàng đòi lại số tiền trả thừa bằng thể thức nhờ thu không cần chấp nhận. Ngân hàng bên bán kiểm soát đầy đủ thủ tục và xem số tiền bên mua trả trước đây ghi CÓ vào tài khoản nào thì điều chỉnh lại bằng cách ghi NỢ tài khoản đó và tính thêm tiền phạt giao hàng không đúng đồng thời chuyển toàn bộ số tiền đó cho bên mua (tỷ lệ phạt do hai bên mua bán quy định trong hợp đồng kinh tế)

b) Đơn vị Ngân hàng nào nhượng séc định mức cho bên mua và sau đó nhận các tờ séc của bên mua phát hành kèm theo các giấy giao nhận và kiểm nghiệm hàng hóa do bên bán nộp thì xét cho vay để trả bên bán.

Nếu bên bán giao hàng tại Hà-nội thì nộp séc và các chứng từ kèm theo vào Ngân hàng ngoại thương Việt-nam, Ngân hàng ngoại thương Việt-nam sẽ xét cho vay và ghi NỢ vào tài khoản của Tổng công ty xuất nhập khẩu, ghi CÓ qua liên hàng đi để chuyển trả cho bên bán.

Nếu bên bán giao hàng cho bên mua ở cảng Hải-phòng và các trạm trung chuyển của Tổng công ty thì nộp séc và các chứng từ vào Ngân hàng phục vụ các cơ sở đó. Các Ngân hàng đó mở cho các chi nhánh, các trạm trung chuyển của Tổng công ty một tài khoản phụ về cho vay mang tên Tổng công ty chủ quản. Khi nhận tờ séc và các chứng từ của bên bán nộp sẽ xét cho vay ghi NỢ vào tài khoản phụ, ghi CÓ cho người bán hàng, nếu bên bán có tài khoản ở Ngân hàng khác ghi ghi CÓ liên hàng đi.

Tờ séc định mức là chứng từ gốc ghi NỢ tài khoản phụ cho vay, bảng kê nộp séc là chứng từ ghi CÓ tài khoản người bán hoặc CÓ liên hàng đi. Còn chứng từ giao nhận và kiểm nghiệm chuyển giao cho bộ phận tín dụng để gửi lên Ngân hàng ngoại thương.

Cuối mỗi ngày các chi nhánh, chi điếm phải tất toán tài khoản phụ về cho vay và chuyển số dư NỢ theo từng Tổng công ty về Ngân hàng ngoại thương bằng điện.

Nhận được giấy báo NỢ bằng điện, Ngân hàng ngoại thương Việt-nam phải tổ chức ghi chép tại bộ phận tín dụng để theo dõi việc thực hiện kế hoạch cho vay, sau đó chuyển cho bộ phận kế toán để ghi NỢ vào tài khoản cho vay luân chuyển và dự trữ hàng xuất khẩu và tính lãi từ ngày cho vay ở các tỉnh.

c) Vào ngày mồng 1, 11 và 21 hàng tháng bộ phận kế toán của các chi nhánh, chi điếm Ngân hàng tách bản sổ phụ viết lồng và chuyển cho bộ phận tín dụng, bộ phận tín dụng tập hợp các chứng từ đã được bộ phận kế toán chuyển đến hàng ngày (gồm giấy giao nhận và kiểm nghiệm hàng hóa), đối chiếu với sổ phụ và đính kèm các chứng từ đó rồi gửi tất cả cho Ngân hàng ngoại thương Việt-nam.

Ngân hàng ngoại thương Việt-nam, bộ phận tín dụng, có trách nhiệm kiểm soát lại, nếu có những sai sót thì báo ngay cho các chi nhánh, chi điếm Ngân hàng biết để điều chỉnh và rút kinh nghiệm.

Ngoài việc bên bán đưa hàng xuất giao tại kho bên mua, các Tổng công ty xuất nhập khẩu và các đơn vị bán hàng xuất hiện nay còn áp dụng một số phương thức giao nhận khác nhau: Tổng công ty xuất nhập khẩu đến nhận hàng xuất tại kho bên bán; bên bán ủy nhiệm cho cơ quan vận tải chở hàng xuất giao cho các Tổng công ty xuất nhập khẩu; trong các trường hợp này bên bán và bên mua không thể sử dụng séc định mức theo tinh thần trên đây được, mà nên sử dụng thể thức nhờ thu chấp nhận trước hoặc chấp nhận sau theo như thể lệ thanh toán không dùng tiền mặt đã quy định.

Các chi phí vận chuyển về hàng xuất và hàng nhập cũng được áp dụng thanh toán theo chế độ séc định mức quy định trong thông tư này. Nhưng được Ngân hàng nhượng riêng quyển séc và đóng dấu thanh toán phí vận chuyển.

Thông tư này được thi hành kể từ ngày 1 tháng 10 năm 1973

K.T. TỔNG GIÁM ĐỐC
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT-NAM
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC




Đinh Văn Bảy

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 08-TT/NH-1973 về việc áp dụng Séc định mức trong quan hệ thanh toán tiền bán hàng xuất khẩu giữa các Tổng Công ty xuất nhập khẩu (là bên mua) và các đơn vị cung cấp hàng xuất khẩu (là bên bán) do Ngân hàng Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 08-TT/NH
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 10/09/1973
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Đinh Văn Bảy
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 18
  • Ngày hiệu lực: 01/10/1973
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản