Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
*******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do – Hạnh phúc
*******

Số : 08-TC/QLNS

Hà Nội, ngày 31 tháng 5 năm 1979

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ QUYẾT SỐ 108-CP VỀ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH VÀ QUẢN LÝ NGÂN SÁCH ĐỐI VỚI CẤP HUYỆN(1)

Chỉ thị số 33-CT/TƯ của Bộ Chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng và nghị quyết số 33-CP của Hội đồng Chính phủ đã xác định vị trí, nhiệm vụ và chức năng của chính quyền Nhà nước cấp huyện.

Nghị quyết số 108-CP của Hội đồng Chính phủ đã quy định trách nhiệm và quyền hạn của chính quyền Nhà nước cấp tỉnh và cấp huyện về quản lý tài chính và quản lý ngân sách.

Như báo cáo của Ban chấp hành trung ương trước Đại hội lần thứ tư của Đảng đã nói rõ: nhiệm vụ cơ bản của tài chính là phải làm chủ các nguồn vốn, các nguồn tài sản, bảo đảm đường lối phát triển kinh tế và trên cơ sở phát triển kinh tế, xây dựng một cách hợp lý quỹ tiêu dùng và quỹ tích lũy nhằm thỏa mãn nhu cầu về đời sống của nhân dân, bảo đảm các chỉ tiêu về giữ gìn an ninh và củng cố quốc phòng, bảo đảm tái sản xuất mở rộng không ngừng…

Việc thực hiện tốt những quy định của Chính phủ về trách nhiệm và quyền hạn của chính quyền cấp huyện về quản lý tài chính, quản lý ngân sách sẽ có tác dụng tích cực phục vụ việc xây dựng cấp huyện từ một cấp hành chính trung gian thành một cấp quản lý toàn diện, có kế hoạch, có ngân sách và góp phần phát huy vai trò của chính quyền cấp huyện là người quản lý và kiểm tra của Nhà nước đối với các mặt hoạt động trên địa bàn của huyện.

Đây là một vấn đề rất mới và khó, liên quan đến nhiều ngành, phải có quyết tâm cao và có biện pháp và kế hoạch tiến hành tích cực để thực hiện; sau đó sẽ rút kinh nghiệm để bổ sung và nâng cao lên; ngập ngừng không dám phân cấp cho cấp huyện hay đòi hỏi ngay một lúc mọi việc đều làm cho đầy đủ, chính xác đều không đúng.

Dưới đây, Bộ Tài chính hướng dẫn những vấn đề cần thiết để thi hành nghị quyết số 108-CP của Hội đồng Chính phủ.

I. VỀ NHIỆM VỤ VÀ NỘI DUNG CÔNG TÁC TÀI CHÍNH HUYỆN

Trong một huyện có nhiều đơn vị kinh tế quốc doanh, tập thể, nhiều đơn vị hành chính, sự nghiệp, văn hóa xã hội… các cơ sở này hoạt động một cách có kế hoạch, đạt năng suất lao động và hiệu quả kinh tế cao là nhiệm vụ của các đơn vị này. Thông qua biểu hiện bằng tiền, có thể nắm được khả năng và tiềm năng diễn biến và kết quả, thấy được mặt mạnh và mặt yếu của các đơn vị, các vùng, từ đó mà chính quyền Nhà nước cấp huyện thực hiện tổ chức lại sản xuất, mở rộng lưu thông hàng hóa bảo đảm những nhu cầu về đời sống của dân, cung cấp sản phẩm cho cấp trên, bảo đảm những nhu cầu chung ở địa phương và không ngừng mở rộng sản xuất; trên cơ sở phát triển sản xuất, mở rộng lưu thông hàng hóa mà tăng nguồn thu để bảo đảm yêu cầu chi trong huyện.

Thông qua hoạt động về tài chính, chính quyền cấp huyện cần phải thực hiện tốt sự quản lý và kiểm tra của Nhà nước trên các mặt chủ yếu sau đây:

- Nắm được khả năng về lao động ngành nghề, đất đai, tài sản và tình hình quản lý và sử dụng những khả năng ấy ở các cơ sở sản xuất kinh doanh, phục vụ trong huyện;

- Nắm được diễn biến tình hình sản xuất, kinh doanh, phát hiện những vấn đề cần phải giải quyết để phát huy mọi khả năng lao động, đất đai, tài sản để phát triển sản xuất, mở rộng lưu thông hàng hóa;

- Giúp đỡ và kiểm tra việc quản lý lao động, vốn, tài sản và sản phẩm ở các đơn vị, các cơ sở trên địa bàn huyện, bảo đảm những nhiệm vụ kế hoạch của huyện theo đúng những nguyên tắc và chế độ quản lý của Nhà nước;

- Thực hiện việc giám sát, kiểm tra đối với hoạt động và quản lý của các xí nghiệp, các hợp tác xã, các cơ quan và các đơn vị trên địa bàn huyện.

Làm tốt những công tác nói trên, chính quyền Nhà nước cấp huyện sẽ sử dụng công tác tài chính làm một công cụ để làm chủ các nguồn vốn, nguồn tài sản đảm bảo thực hiện đường lối phát triển kinh tế như nghị quyết Đại hội lần thứ tư của Đảng đã đề ra. Sau dây là những công tác mà tài chính huyện phải làm tốt:

1. Đối với các xí nghiệp quốc doanh:

Các xí nghiệp quốc doanh là những cơ sở kinh tế thuộc sở hữu toàn dân, là nơi sử dụng lao động, vật tư và tiền vốn của Nhà nước để làm ra của cải. Do đó nhiệm vụ của các xí nghiệp quốc doanh là phải phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất, tăng năng xuất lao động, tiết kiệm vật tư, thiết bị, phấn đấu hạ giá thành sản phẩm, tăng tích lũy cho Nhà nước và cải thiện đời sống của cán bộ, công nhân.

Yêu cầu quản lý của cấp huyện đối với các xí nghiệp quốc doanh là giúp cho các xí nghiệp nắm được và quản lý tốt tài sản cố định và tài sản lưu động, quản lý lao động, thực hành chế độ hạch toán kinh tế, thực hành tiết kiệm trong sản xuất và lưu thông, giúp cho các xí nghiệp khai thác khả năng tiềm tàng, tận dụng năng lực hiện có để làm ra sản phẩm ngày càng nhiều với chi phí ít nhất, trên cơ sở đó mà tăng nguồn thu cho ngân sách, cải thiện đời sống cho công nhân và mở rộng sản xuất của xí nghiệp.

Để đạt được yêu cầu nêu trên, tài chính huyện phải hướng dẫn và giúp đỡ xí nghiệp tổ chức tốt công tác kế toán tài vụ của xí nghiệp, qua đó mà giúp xí nghiệp quản lý và sử dụng hợp lý mọi khả năng để phát triển sản xuất, mở rộng kinh doanh, phát hiện và giải quyết kịp thời những khó khăn và thiếu sót trong sản xuất kinh doanh nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Đối với các xí nghiệp quốc doanh do huyện trực tiếp quản lý, ngoài nhiệm vụ nêu trên, tài chính huyện còn có nhiệm vụ tổng hợp tình hình sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính của các xí nghiệp, và thông qua việc tổng hợp và phân tích tình hình hoạt động tài chính của xí nghiệp mà giúp chính quyền huyện có kế hoạch động viên và khai thác những khả năng của mỗi loại xí nghiệp để mở mang sản xuất, giải quyết kịp thời những vướng mắc và khó khăn mà từng xí nghiệp không giải quyết được; trên cơ sở đó mà tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho công nhân, viên chức và tăng tích lũy cho Nhà nước.

Hoạt động của các xí nghiệp sản xuất, kinh doanh do các ngành trung ương và cấp tỉnh quản lý đóng trên địa bàn huyện, nói chung đều có quan hệ đến tình hình sản xuất và đời sống trong huyện. Chính quyền Nhà nước thông qua hoạt động tài chính mà tham gia vào việc xây dựng và xét duyệt kế hoạch của xí nghiệp về những mặt có quan hệ đến địa phương như đã quy định trong nghị quyết số 33-CP của Chính phủ; kiểm tra việc chấp hành chính sách và chế độ kỷ luật tài chính của các xí nghiệp, kịp thời phản ảnh với cấp trên của xí nghiệp và cấp tỉnh những vấn đề cần giúp đỡ giải quyết để phát triển sản xuất, kinh doanh và bảo đảm chấp hành những nguyên tắc và chế độ quản lý của Nhà nước. Các xí nghiệp trung ương và xí nghiệp của tỉnh đều có các loại quỹ của xí nghiệp, tài chính huyện phải kiểm tra các xí nghiệp trong việc sử dụng các loại quỹ ấy.

2. Đối với các hợp tác xã nông nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp, hợp tác xã mua bán và các tổ chức kinh tế tập thể khác.

Các hợp tác xã là những đơn vị kinh tế tập thể. Tài sản, vốn đều do các hợp tác xã quản lý. Song tài chính của hợp tác xã là một khâu quan trọng trong hệ thống tài chính xã hội chủ nghĩa. Sự phát triển một cách có kế hoạch, nhịp nhàng và mạnh mẽ về sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã có một vị trí rất quan trọng đối với nền kinh kế và tài chính trong cả nước, cũng như trong từng địa phương. Yêu cầu đối với các hợp tác xã là phải quản lý và sử dụng mọi khả năng lao động, đất đai, tài sản và tiền vốn để phát triển sản xuất kinh doanh đúng hướng, có hiệu quả kinh tế cao, thực hiện việc ăn chia một cách công bằng, hợp lý, làm đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước và không ngừng mở rộng sản xuất. Tài chính huyện phải hướng dẫn, giúp đỡ và kiểm tra các hợp tác xã trong việc quản lý tài vụ và kế toán, qua đó mà giúp các hợp tác xã nắm được khả năng và nhu cầu, tính toán kế hoạch và hiệu quả kinh tế của sản xuất kinh doanh, nắm được diễn biến tình hình sản xuất và kinh doanh, giải quyết những khó khăn và sơ hở trong sản xuất kinh doanh, bảo vệ tài sản hợp tác xã, thực hiện sự kiểm tra và giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh, ăn chia phân phối và làm nhiệm vụ đối với Nhà nước trong hợp tác xã.

3. Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể.

Những cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể có diện rộng, nhiều ngành nghề khác nhau, nhất là ở miền Nam đang trong quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa, các thành phần kinh kế cá thể còn nhiều. Lợi ích chính đáng và lâu dài của cá nhân người sản xuất kinh doanh cá thể và lợi ích chung đòi hỏi các cơ sở sản xuất và kinh doanh cá thể phải sử dụng hợp lý tài sản, vốn liếng để phát triển sản xuất và kinh doanh đúng hướng, có kế hoạch và tôn trọng những nguyên tắc, chế độ quản lý và chính sách của Nhà nước.

Chính quyền cấp huyện thông qua hướng dẫn và đăng ký kinh doanh, hướng dẫn và kiểm tra việc thi hành chính sách và thông qua các công tác cung ứng vật tư, thu mua sản phẩm theo hợp đồng hai chiều để thực hiện sự chỉ đạo và quản lý của Nhà nước. Công tác thuế là một khâu công tác, qua nó, có thể nắm được tình hình hoạt động của các cơ sở kinh tế cá thể, kinh tế gia đình trên cơ sở đó mà hướng dẫn, khuyến khích những hoạt động có lợi cho nền kinh tế, ngăn chặn những hoạt động có hại, thực hiện chính sách thuế của Nhà nước.

Phải kết hợp công tác thuế với quản lý thị trường, quản lý giá cả, gia công đặt hàng, cung cấp nguyên, nhiên, vật liệu, thu mua… mà xác định cho họ một mức thu nhập hợp lý, đồng thời hướng họ đi vào làm ăn đúng hướng, phục vụ cho nền kinh tế quốc dân, tận dụng được sức lao động, tay nghề và tài sản, vốn liếng để phục vụ cho nền kinh tế quốc dân, và dần dần đưa họ vào con đường làm ăn tập thể.

4. Các đơn vị sự nghiệp, các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể là những đơn vị sử dụng kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp để hoạt động. Yêu cầu quản lý đối với loại kinh phí này là phải đảm bảo yêu cầu cần thiết cho các hoạt động, tiết kiệm tiền vốn, sử dụng vốn đúng mục đích, chống tham ô, lãng phí. Thông qua việc xây dựng kế hoạch chi, cấp phát vốn và quyết toán chi tiêu, tài chính huyện phải đi sâu nắm vững yêu cầu nghiệp vụ và nhiệm vụ chính trị của mỗi ngành mà tạo điều kiện cho từng ngành làm chủ được nguồn vốn, bảo đảm đủ vốn cho các ngành hoạt động, đồng thời phải thường xuyên kiểm tra bảo đảm chấp hành đúng chính sách và chế độ quản lý tài chính của Nhà nước.

Báo cáo chính trị của Ban chấp hành trung ương Đảng trước Đại hội 4 đã nói rõ: “ Sự tăng lên của nguồn tài chính chỉ có thể là kết quả của việc mở rộng sản xuất, tăng năng suất lao động xã hội, sử dụng đầy đủ và triệt để mọi nguồn lao động và tài nguyên của đất nước trên cơ sở kỹ thuật ngày càng cao”. Phân cấp tài chính và ngân sách không phải là để chia phần tài chính và ngân sách, mà chính là để phát huy mạnh mẽ vị trí, vai trò của mỗi cấp để khai thác tốt mọi khả năng và tiềm năng của đất nước để làm ra sản phẩm ngày càng nhiều cho những nhu cầu ngày càng lớn của nhân dân ta, của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa.

II. VỀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CẤP HUYỆN:

Nhà nước xã hội chủ nghĩa sử dụng ngân sách để huy động và tập trung một phần thu nhập quốc dân để cung cấp cho những nhu cầu chi của các ngành và thông qua quản lý ngân sách mà thực hiện sự giám sát và kiểm tra hoạt động của các ngành. Nó có một vị trí rất quan trọng để bảo đảm sự phát triển nền kinh tế quốc dân và bảo đảm những nhu cầu chung của xã hội.

Nghị quyết số 108-CP ngày 13-5-1978 của Hội đồng Chính phủ đã nói rõ: “Ngân sách huyện là kế hoạch tài chính cơ bản của chính quyền Nhà nước cấp huyện, là công cụ để xây dựng huyện vững mạnh, thực sự trở thành đơn vị kinh tế nông công nghiệp, tạo điều kiện cho chính quyền Nhà nước cấp huyện thành một cấp quản lý kế hoạch toàn diện, quản lý sản xuất, quản lý lưu thông, phân phối và quản lý đời sống”.

Để thực hiện tốt vị trí, nhiệm vụ và nội dung công tác ngân sách như nghị quyết số 108-CP của Hội đồng Chính phủ, cần phải làm tốt những công tác chính sau đây:

A. VỀ NHIỆM VỤ CHI CỦA NGÂN SÁCH HUYỆN

Chi của ngân sách huyện bao gồm các loại chi về xây dựng cơ bản và phát triển kinh tế, chi về sự nghiệp văn hóa xã hội, chi bộ máy hành chính và các khoản chi khác. Mỗi loại việc nêu ra ở trên, có phần do nhân dân, các hợp tác xã, các xí nghiệp và cơ quan tự mình huy động mọi khả năng tại chổ để làm, có phần ngân sách Nhà nước phải chi. Phần chi của ngân sách Nhà nước phải nhằm động viên và phát huy mọi khả năng sẵn có trong dân, của hợp tác xã, của cơ quan, xí nghiệp…, phải nhằm vào những việc mà nhân dân, các hợp tác xã, cơ quan không làm được. Trong quản lý chi của ngân sách phải hết sức đề phòng phát sinh ỷ lại vào Nhà nước, trông chờ vào cấp trên.. hoặc làm ngơ trước những yêu cầu cấp thiết về sản xuất và đời sống của dân. Sau đây là những nội dung chính.

1. Chi về xây dựng cơ bản

Chi về xây dựng cơ bản là những khoản chi để xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật để tăng thêm năng lực sản xuất, năng lực phục vụ của các ngành, các cơ sở như mở rộng diện tích canh tác, làm thủy lợi, mua sắm máy móc, xây dựng xí nghiệp, cửa hàng, trường học, bệnh viện, cơ quan…

Nguồn vốn để xây dựng cơ bản trong một huyện bao gồm:

- Nguồn vốn tự có trong dân, trong hợp tác xã, trong xí nghiệp, cơ quan bao gồm vốn bằng tiền và công lao động, vật liệu xây dựng có thể huy động được. Nguồn vốn này rất lớn, cấp huyện phải có kế hoạch kiểm tra việc sử dụng và huy động để xây dựng xóm làng, xây dựng hợp tác xã, xây dựng nền kinh tế và cuộc sống trên địa bàn huyện.

- Với nguồn vốn nói trên, tuy đã cố gắng huy động nhưng không đủ, có những yêu cầu về vốn không thể giải quyết bằng lao động và vật tư tại chỗ… thì đơn vị sản xuất kinh doanh (kể cả kinh tế tập thể và quốc doanh) vay vốn ở ngân hàng để làm. Sau đó phải làm sản xuất kinh doanh tốt để tăng thu nhập cho đơn vị và trả nợ ngân hàng.

- Đối với những loại việc không có chính sách và không có khả năng thu hồi vốn nhưng rất cần thiết cho sản xuất, cho các hoạt động và đời sống của dân như làm đường, xây dựng trường học, bệnh viện… thì ngân sách Nhà nước cấp phát.

Trong công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản cần phải quản lý và kiểm tra một số khâu quan trọng như sau:

a) Chủ trương xây dựng có đúng không? đã phải là cần thiết cấp bách và có hiệu quả kinh tế cao hay không? Trong điều kiện yêu cầu xây dựng thì nhiều, nhưng khả năng có hạn, phải biết tập trung sức làm những loại việc có hiệu quả cao hoặc cấp bách; làm xong sẽ chuyển sang việc khác; dù là hợp tác xã, quốc doanh hay cơ quan… cũng không được phân tán lực lượng trong xây dựng cơ bản;

b) Tính toán vốn đầu tư phải chặt chẽ, xác định nguồn vốn trên tinh thần tự lực, tự cường, không ỷ lại vào cấp trên, không ỷ lại vào Nhà nước. Có kế hoạch huy động vốn và bảo đảm vốn (chủ yếu là lao động và vật tư) đúng lúc;

c) Quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn, chú trọng quản lý lao động, quản lý vật tư… bảo đảm tiến độ của xây dựng, bảo đảm chất lượng xây dựng và tiết kiệm chi phí;

d) Làm xong đến đâu phải quản lý sử dụng tốt, phát huy hiệu quả của cơ sở đã xây dựng đến đó. Phải bảo vệ và quản lý sử dụng một cách hợp lý, sử dụng hết công suất, giữ gìn phẩm chất, kéo dài tuổi thọ của tài sản.

Để phát huy tính chủ động, sáng tạo và đề cao trách nhiệm của cấp huyện trong quản lý xây dựng cơ bản, các tỉnh và thành phố chỉ trực tiếp phụ trách các loại công trình quy mô vượt quá phạm vi huyện, kỹ thuật phức tạp; các loại công trình quy mô gọn trong huyện, kỹ thuật không phức tạp nên giao và giúp cho huyện làm. Cấp tỉnh hướng dẫn, kiểm tra và tập trung sức vào những loại lớn phức tạp hơn.

2. Về vốn lưu động. Một đơn vị kinh tế dù quốc doanh hay tập thể, ngoài vốn cố định là biểu hiện bằng tiền của cơ sở vật chất và kỹ thuật, phải có vốn lưu động để bảo đảm những chi phí cần thiết cho sản xuất kinh doanh của đơn vị… như chi về nguyên liệu, nhiên liệu, tiền công… Yêu cầu về vốn và quản lý vốn lưu động là phải bảo đảm đủ vốn cho sản xuất, kinh doanh của đơn vị với số vốn tiết kiệm nhất, vòng quay của đồng vốn tăng lên… Để thiếu vốn ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, hay để thừa vốn, lãng phí vốn đều có hại.

Nguồn vốn lưu động của các đơn vị kinh tế tập thể bao gồm nguồn vốn tự có của đơn vị và vốn vay của ngân hàng. Nguồn vốn tự có của các cơ sở quốc doanh là nguồn vốn do ngân sách cấp và hàng năm được xác định lại; vốn vay của ngân hàng được xác định từng thời kỳ theo yêu cầu sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm.

Để giúp các cơ sở quốc doanh và kinh tế tập thể quản lý và sử dụng tốt vốn lưu động, tài chính huyện phải chú trọng các khâu công tác sau đây:

a) Dựa vào những định mức về tiêu phí vật chất, tiêu hao lao động và chính sách trả công và chu kỳ sản xuất kinh doanh mà định mức dự trữ vật tư, nguyên liệu, phụ tùng… cần thiết, nguồn vốn để trả lương hoặc trả công… không thiếu và không thừa, gây ứ đọng.

b) Quản lý việc cung ứng vật tư, việc sử dụng vật tư, nguyên liệu phụ tùng trong sản xuất kinh doanh, kiểm tra việc quản lý và sử dụng lao động, tính công lao động (trong kinh tế tập thể), trả lương (trong quốc doanh), bảo đảm quản lý chặt chẽ.

c) Quản lý sản phẩm làm ra, tổ chức kịp thời việc tiêu thụ sản phẩm và thanh toán, kiểm tra việc thực hiện chính sách giá cả, giao nộp sản phẩm, kỷ luật tiền mặt… kiên quyết chống tham ô, lãng phí, xâm phạm tài sản của tập thể, của Nhà nước.

Làm tốt những công tác trên đây, giúp cho cơ sở phấn đấu không ngừng tiết kiệm để giảm chi phí vật chất, tăng năng suất lao động để làm ra sản phẩm nhiều với chi phí ít nhất, không những sẽ phát huy được hiệu quả của vốn lưu động mà làm cho hiệu quả của tài sản cố định, của đất đai tăng lên.

Hiện nay, các tỉnh đang tiến hành chuyển giao một số cơ sở kinh tế quốc doanh về cho huyện quản lý bao gồm nhiều loại xí nghiệp công nghiệp, thương nghiệp, cung ứng vật tư, nông trường, lâm trường, các trạm máy kéo, v.v… Do tình hình buông lỏng quản lý từ lâu, nhiều xí nghiệp chưa thi hành đúng chế độ quản lý vốn của Nhà nước như chiếm dụng vốn ngân sách để làm vốn lưu động, công nợ khê đọng, tài sản mất mát, định mức vốn lỏng lẻo, một số xí nghiệp không vay vốn ngân hàng… Vì vậy khi bàn giao cần phải kiểm tra lại tình hình vốn liếng, công nợ, xác định các khoản phải thu, các khoản phải trả để tạo điều kiện cho huyện quản lý tốt ngay từ đầu. Sau khi nhận bàn giao, huyện phải xác định lại mức vốn cho mỗi cơ sở xí nghiệp theo chế độ của Nhà nước và phải quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn của từng xí nghiệp.

3. Đối với các khoản chi về sự nghiệp kinh tế.

Các khoản chi này là một bộ phận của chi kiến thiết kinh tế nhằm phục vụ sản xuất, xây dựng và đời sống của nhân dân như bảo vệ đê điều, phòng chống lụt bão, chống úng, sửa chữa cầu đường, xây dựng cống rãnh, phòng trừ sâu bệnh, phòng chống dịch bệnh, nhân giống và cải tạo giống… Những loại chi như vậy cần thiết cho sản xuất; xây dựng và đời sống trong một huyện, trong một tỉnh cũng như trong cả nước.

Nội dung chi về sự nghiệp kinh tế có thể chia làm hai phần: chi về cán bộ, nhân viên trực tiếp làm những công việc sự nghiệp và chi về những tiêu phí vật chất cho những sự nghiệp đó, bao gồm cả mua sắm vật tư thiết bị và các chi phí khác.

Yêu cầu về quản lý tài chính đối với chi phí sự nghiệp kinh tế là phải nắm đặc điểm của từng loại sự nghiệp; căn cứ vào định mức lao động và chi phí vật chất được quy định và căn cứ vào nhiệm vụ kế hoạch được giao của mỗi loại mà cấp phát vốn và tiến hành kiểm tra tình hình sử dụng vốn. Trong nhiều loại sự nghiệp kinh tế, bên cạnh yêu cầu chi còn có những khả năng thu. Cần phải kiểm tra chặt chẽ, phát huy mạnh mẽ khả năng thu, tổ chức tốt công tác thu để tăng khả năng phát triển sự nghiệp kinh tế và giảm chi cho ngân sách.

Trong bước đầu xây dựng huyện, tỉnh cần căn cứ vào tính chất và tác dụng của từng loại sự nghiệp để giao cho huyện hay tỉnh trực tiếp quản lý. Nói chung, đối với loại sự nghiệp chi phục vụ sản xuất và đời sống trong huyện, kỹ thuật không phức tạp, thì giao cho huyện quản lý theo hướng dẫn và kiểm tra của tỉnh. Đối với những sự nghiệp phục vụ lợi ích cho nhiều huyện hoặc kỹ thuật phức tạp thì tỉnh phải lo. Nhưng vì nó ở trong địa bàn huyện, cần phải kết hợp với tài chính huyện để thực hiện việc theo dõi, kiểm tra tại chỗ.

4. Các khoản chi về sự nghiệp văn hóa xã hội là những khoản chi cho những nhu cầu về đời sống văn hóa xã hội, về phúc lợi của nhân dân, bảo vệ sức khỏe, bảo đảm đời sống của dân. Các khoản chi về sự nghiệp văn hóa xã hội bao gồm hai loại chính:

Một là chi về phúc lợi xã hội như chi về y tế, giáo dục, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, thể dục thể thao, truyền thanh…

Hai là chi về phúc lợi cá nhân như trả tiền hưu, tiền tuất, thương binh, liệt sĩ, cứu tế…

Nói chung, những khoản chi về văn hóa xã hội do ngân sách Nhà nước đài thọ, tuy nhiên nhiều đơn vị sự nghiệp văn hóa xã hội có thu nhập. Vì vậy, khi xây dựng và xét duyệt kế hoạch, cũng như trong quá trình chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện, phải phân biệt các đơn vị có nhiều khả năng thu cần phải thực hiện hạch toán kinh tế, những đơn vị có thu nhập nhưng không đủ bù chi, những đơn vị không có thu nhập và chỉ có chi… để áp dụng những biện pháp cấp phát và quản lý thích hợp.

Yêu cầu quản lý tài chính đối với sự nghiệp văn hóa xã hội là phải đảm bảo những yêu cầu chi cần thiết, đúng chính sách, đúng chế độ quản lý của Nhà nước. Mặt khác, phải phát huy mạnh mẽ các khả năng thu trong các đơn vị để tăng thêm khả năng chi cho ngân sách. Căn cứ để quản lý chi văn hóa xã hội là những định mức về nhân viên, định mức chi công tác nghiệp vụ. Phải phấn đấu chi ít hơn định mức nhưng đạt khối lượng và chất lượng công tác cao là hưởng tiết tiệm chi về văn hóa xã hội. Cán bộ quản lý phải đi sâu nắm tình hình hoạt động của các đơn vị, theo dõi việc thực hiện các định mức về nhân viên, định mức về nghiệp vụ, phân tích, rút kinh nghiệm làm cho các định mức ngày càng sát thực tế.

5. Chi về quản lý hành chính

Là khoản chi của ngân sách để đảm bảo hoạt động của bộ máy Nhà nước từ trung ương đến cơ sở.

Toàn bộ chi cho bộ máy Nhà nước đều do ngân sách cấp phát.

Chi tiêu hành chính là những khoản chi không thể thiếu được, nhưng bộ máy hành chính và các khoản chi về hành chính phình ra chỉ làm tăng nạn giấy tờ, hội họp, không mang lại lợi ích gì. Yêu cầu đối với quản lý chi về hành chính là phải đảm bảo những yêu cầu chi cần thiết, nhưng phải hết sức tiết kiệm. Cần phải hết sức chặt chẽ trong các khâu biên chế hành chính, hội họp và lễ nghi, mua sắm cho cơ quan.

6. Các khoản chi khác được ghi trong ngân sách huyện gồm:

- Chi về công tác dân quân, nghĩa vụ quân sự.

- Chi trợ cấp cho ngân sách các xã trong huyện (bao gồm trợ cấp sinh hoạt phí cho cán bộ xã, trợ cấp thường xuyên cho các xã thu không đủ chi và trợ cấp bất thường cho các xã để xây dựng các công trình phúc lợi như xây dựng trường học, làm trạm xá ở xã…).

Cần phân biệt chi tiêu cho các đơn vị dân quân thường trực chiến đấu và chi tiêu cho các đơn vị quân đội địa phương được thành lập tại các huyện do Bộ Quốc phòng quản lý. Những khoản chi cho các đơn vị dân quân thường trực chiến đấu do ngân sách huyện chi, còn những đơn vị quân đội địa phương do kinh phí quốc phòng đài thọ thì không tính vào ngân sách huyện.

B. VỀ NHIỆM VỤ THU CỦA NGÂN SÁCH.

Để bảo đảm yêu cầu chi, chính quyền Nhà nước cấp huyện phải đề cao trách nhiệm, phát huy tính chủ động và sáng tạo, ra sức khai thác khả năng và tiềm năng về kinh tế ở địa phương, đẩy mạnh sản xuất phát triển, không ngừng mở rộng lưu thông hàng hóa, trên cơ sở đó mà tăng nguồn thu, chăm lo hoàn thành nhiệm vụ thu để bảo đảm yêu cầu chi không ngừng tăng lên của cấp huyện. Mặt khác để tăng cường mối quan hệ chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với các cơ quan, xí nghiệp của cấp trên hoạt động trên địa bàn cấp huyện, kết hợp giữa quản lý theo ngành chuyên môn và quản lý theo địa phương và vùng lãnh thổ, theo nghị quyết số 108-CP của Hội đồng Chính phủ… Nguồn thu của ngân sách bao gồm những loại thu chính như sau:

1. Thu của ngân sách Nhà nước được phân phối cho ngân sách huyện theo một tỷ lệ nhất định (thu điều tiết)

Những nguồn thu này gồm có:

- Thu nhập thuần túy từ các xí nghiệp của trung ương và của tỉnh đóng trên địa bàn huyện, hoặc phân cấp cho huyện quản lý;

- Thu thuế nông nghiệp;

- Thu thuế công thương nghiệp…

Việc phân phối cho ngân sách huyện một tỷ lệ nhất định về các nguồn thu của ngân sách Nhà nước là sự phân phối có kế hoạch quỹ tiền tệ tập trung của Nhà nước giữa các cấp ngân sách để hình thành nguồn thu cho mỗi cấp ngân sách. Nó tạo điều kiện để mỗi cấp chính quyền Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ được giao. Nó có tác dụng khuyến khích và đề cao trách nhiệm của chính quyền địa phương tham gia quản lý tài chính chung của Nhà nước.

Trong tình hình kinh tế nước ta phát triển chưa đều, nguồn thu của Nhà nước còn hình thành ở một số khu vực kinh tế tập trung nhất định, khi xác định tỷ lệ điều tiết cho các huyện phải chú ý bảo đảm cho các huyện có nguồn thu để phát triển sản xuất và bảo đảm các hoạt động văn hóa xã hội hợp lý và tương đối đều trong địa phương.

Ủy ban nhân dân các tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương phải căn cứ vào vị trí, tính chất của từng khoản thu ngân sách Nhà nước thực hiện trên địa bàn huyện và tỷ lệ điều tiết từng khoản thu ngân sách Nhà nước điều tiết cho ngân sách tỉnh hoặc thành phố, căn cứ vào khả năng thu và yêu cầu chi của ngân sách huyện để xác định mức điều tiết cho ngân sách từng huyện. Mức điều tiết tối đa đối với từng khoản thu là 90% mức điều tiết mà trung ương đã quy định cho ngân sách tỉnh và thành phố.

Trong tình hình nguồn thu của các huyện phát triển không đều, để khuyến khích tính tích cực của huyện, đồng thời để cho việc tính toán đỡ phức tạp, gây khó khăn cho việc chấp hành, tỉnh nên xếp các huyện thành hai hoặc ba loại để xác định tỷ lệ điều tiết.

Thuế nông nghiệp và thuế công thương nghiệp là những khoản thu gắn bó chặt chẽ với tình hình quản lý của huyện, vì vậy nên dành phần lớn cho ngân sách huyện.

Đối với các khoản thu nhập thuần túy từ các xí nghiệp quốc doanh do trung ương quản lý và các xí nghiệp quốc doanh do tỉnh trực tiếp quản lý… trước mắt các huyện chưa có điều kiện đi sâu tác động vào việc quản lý các cơ sở kinh tế quốc doanh đó, tuy vậy, nếu không có gì trở ngại, nên điều tiết cho ngân sách huyện một tỷ lệ nhất định, để các huyện từng bước quan tâm đến các xí nghiệp ấy. Đối với các xí nghiệp đã phân cấp cho huyện phần có thể dành cho huyện nguồn thu lớn hơn.

Nhằm khuyến khích huyện tăng cường trách nhiệm hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu cho ngân sách Nhà nước, cuối năm khi kết toán các nguồn thu điều tiết trên đây, nếu huyện thực hiện vượt mức thu so với mức thu được giao theo kế hoạch được duyệt thì phần thu trội thêm do cố gắng và thành tích của huyện được ghi toàn bộ vào ngân sách huyện, huyện đuợc sử dụng để mở rộng sản xuất và xây dựng các công trình lợi ích công cộng trong huyện.

2. Các khoản thu được dành toàn bộ cho ngân sách huyện.

Để phát huy sáng tạo và chủ động của cấp huyện tổ chức tốt việc phân công lao động, khai thác mọi khả năng đất đai, mặt nước và tài nguyên phát triển sản xuất để làm ra sản phẩm với chi phí ít nhất… đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh do huyện trực tiếp tổ chức và quản lý, vay vốn ngân hàng để hoạt động… Tất cả những khoản thu đều dành cho ngân sách huyện.

Theo quy định hiện nay thì những khoản thu được dành toàn bộ cho ngân sách huyện bao gồm:

1. Thu quốc doanh và trích nộp lợi nhuận, thu khấu hao, tiền bán tài sản thải loại, thu vốn lao động thừa…từ các cơ sở sản xuất kinh doanh nói trên.

2. Thu về sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp văn hóa do các cơ sở của huyện nộp,

3. Thu về phần thưởng khuyến khích xuất khẩu mà cấp huyện được hưởng,

4. Các khoản thu khác ở trong huyện theo chế độ và chính sách thu của Nhà nước.

Các khoản thu này trong những năm trước mắt còn ít, nhưng nó có một ý nghĩa và triển vọng rất lớn. Trên địa bàn của mỗi huyện có nhiều khả năng về lao động, đất đai, nguyên liệu, đồng thời có nhiều nhu cầu về đời sống và sản xuất của dân chưa giải quyết. Cấp tỉnh cần gợi ý, giúp đỡ và phát huy sáng kiến của cấp huyện đứng ra tổ chức khai thác những khả năng to lớn ấy… lúc đầu thì làm nhỏ, làm ít sau sẽ làm lớn hơn và làm nhiều. Vừa có sản phẩm cho nhu cầu của dân và đóng góp với cấp trên hoặc xuất khẩu, vừa tăng thu nhập cho lao động, vừa tạo nguồn thu cho ngân sách. Khâu quan trọng là phải giúp cấp huyện trong việc tính toán và quản lý kinh doanh.

3. Thu do ngân sách tỉnh trợ cấp

Với các loại thu đã nói ở trên tuy đã cố gắng tăng thu và tiết kiệm chi và đã nâng tỷ lệ điều tiết lên nhiều rồi, nhưng ngân sách huyện vẫn chưa đủ để bảo đảm các yêu cầu chi để thực hiện nhiệm vụ của huyện, thì Ủy ban nhân dân tỉnh xét để trợ cấp cho ngân sách huyện.

Như vậy, trợ cấp của ngân sách tỉnh cho ngân sách huyện chỉ đặt ra khi các biện pháp bảo đảm nguồn thu cho ngân sách huyện đều đã được phát huy một cách tích cực, nhưng ngân sách huyện vẫn không đủ bảo đảm theo yêu cầu chi.

Trợ cấp của ngân sách của tỉnh cho ngân sách huyện có hai loại chính:

a) Trợ cấp cho ngân sách huyện để đảm bảo những nhu cầu chi tiêu bình thường (chi sự nghiệp và chi hành chính) là khoản trợ cấp để cân đối ngân sách cho những huyện kinh tế chưa phát triển, nguồn thu thực hiện trên địa bàn đã được dành cho ngân sách huyện với mức tối đa, nhưng vẫn không đủ đảm bảo những nhu cầu chi bình thường của huyện, cấp huyện phải phấn đấu tăng thu tiết kiệm chi để bảo đảm yêu cầu chi, để tỉnh khỏi phải trợ cấp về các khoản chi này.

b) Trợ cấp cho ngân sách huyện để xây dựng những cơ sở vật chất và kỹ thuật cho sản xuất, kinh doanh, phục vụ được giao cho huyện quản lý, nhưng ngân sách huyện không có khả năng chi và không thuộc loại vay của ngân hàng. Mục đích của trợ cấp này nhằm tạo cho các huyện có điều kiện sản xuất và hoạt động gần ngang với nhau, và phải nằm vào những yêu cầu thiết yếu nhất. Do đó hàng năm tỉnh phải cân nhắc kỹ tập trung vào một số công trình ở một số huyện nhất định, năm sau sẽ làm cho nơi khác. Các loại công trình đầu tư xây dựng cơ bản do tỉnh phụ trách, làm trên địa bàn huyện không thuộc ngân sách huyện.

c) Trợ cấp bất thường cho ngân sách huyện vì những thiên tai hoặc thiệt hại khác ngân sách huyện không thực hiện được kế hoạch thu và phải tăng chi, ngân sách cấp trên phải trợ cấp.

Trong điều kiện hiện nay, việc điều hòa nguồn thu của ngân sách cấp huyện, tỉnh phải cân nhắc tính toán để vận dụng các loại trợ cấp nói trên nhất là loại a và loại b một cách hợp lý. Có thể có huyện phải được trợ cấp hai loại trợ cấp, có huyện chỉ được một loại và có huyện không có trợ cấp. Trợ cấp loại gì thì chi cho loại ấy. Ủy ban nhân dân huyện không được tự ý lấy trợ cấp loại này chi cho loại khác, lấy trợ cấp vốn đầu tư xây dựng cơ bản để tăng chi về sự nghiệp và chi hành chính.

Sau khi mức trợ cấp đã được xét duyệt, Ủy ban nhân dân tỉnh cần bảo đảm cấp vốn đúng lúc cho ngân sách huyện để tạo điều kiện cho huyện chủ động.

Vì mục đích từng loại trợ cấp khác nhau, nên cuối năm khi quyết toán ngân sách, giữa ngân sách tỉnh và ngân sách huyện phải đối chiếu và xử lý cho rõ ràng:

- Đối với các khoản trợ cấp về vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nếu chi tiêu còn thừa thì phải nộp trả lại cho ngân sách tỉnh.

- Những khoản trợ cấp để cân đối ngân sách chi bình thường về hành chính, sự nghiệp… của huyện, nếu do quản lý chặt chẽ và tiết kiệm mà không chi tiêu hết thì được để lại cho ngân sách huyện làm kết dư.

C. MỘT SỐ CÔNG VIỆC PHẢI LÀM ĐỂ XÂY DỰNG NGÂN SÁCH HUYỆN NĂM 1979.

Thực hiện chế độ quản lý tài chính theo nghị quyết số 108-CP của Chính phủ là một vấn đề mới và phức tạp liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nên cần phải làm từng bước một cách tích cực và có kế hoạch. Trước mắt cần tập trung sức giúp cho huyện xây dựng và quản lý ngân sách để chính quyền cấp huyện để đảm bảo những nhiệm vụ sản xuất và đời sống ở địa phương, tập dượt cho huyện làm quen dần với công tác quản lý tài chính và qua đó tiến lên quản lý toàn diện về kinh tế và tài chính trong huyện.

Nhiệm vụ của huyện về quản lý tài chính rất nặng nề và phức tạp, phạm vi rất rộng, bao gồm toàn bộ hoạt động về tài chính và thu chi Nhà nước thực hiện trên địa bàn huyện chứ không phải chỉ thu gọn trong phạm vi thu thuế và chi tiêu hành chính như từ trước đến nay. Huyện phải nhận thức đúng vị trí và nhiệm vụ quản lý tài chính của mình, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, tăng cường quản lý của các cơ sở sản xuất kinh doanh; trên cơ sở đó mà tăng nguồn thu, bảo đảm nguồn thu cho ngân sách, bảo đảm vốn cho các ngành hoạt động được nhịp nhàng, tiết kiệm.

Trước mắt cần làm tốt một số công việc sau đây:

1. Lập cho được ngân sách huyện năm 1979.

Căn cứ nghị quyết số 108-CP và các văn bản hướng dẫn, Ủy ban nhân dân tỉnh cần bàn bạc với huyện để quy định cụ thể nhiệm vụ chi giao cho từng huyện để huyện làm căn cứ xây dựng ngân sách.

Dựa trên nguyên tắc huyện là một đơn vị kinh tế nông công nghiệp, những nhiệm vụ về xây dựng kinh tế, tổ chức lại sản xuất, tổ chức lưu thông phân phối và đời sống và những chi tiêu về an ninh, về bộ máy hành chính của huyện cần phân định cụ thể trách nhịêm, quyền hạn để giao cho huyện.

Đối với các khoản chi về xây dựng cơ bản đang tiến hành ở các huyện, tỉnh cần nghiên cứu để quy định nhiệm vụ chi của ngân sách huyện thật cụ thể, rõ ràng, theo hướng: nếu quy mô không lớn, kỹ thuật không phức tạp lắm thì chuyển cho huyện quản lý với sự giúp đỡ và kiểm tra của tỉnh.

Ủy ban nhân dân tỉnh cần phải chỉ đạo các ngành chung quanh tỉnh hướng dẫn và giúp huyện soát xét lại những tiêu chuẩn, định mức và kế hoạch, để xác định quyền hạn, trách nhiệm của huyện, tăng cường và giúp các huyện quản lý.

Trên cơ sở nhiệm vụ chi của ngân sách huyện đã được xác định, tỉnh cần phân chia nguồn thu cho ngân sách huyện. Trong việc phân định nguồn thu cho ngân sách huyện, phải khuyến khích huyện tích cực khai thác khả năng địa phương, tạo điều kiện cho huyện nắm được và theo dõi được tình hình sản xuất và kinh doanh cũng như hoạt động của những đơn vị thuộc các ngành trung ương, của tỉnh đóng ở huyện, cũng như những cơ sở mới phân cấp cho huyện quản lý.

Hiện nay các ngành đang xây dựng lại kế hoạch từ cơ sở, do đó việc xây dựng ngân sách huyện phải kết hợp đồng bộ với việc xây dựng kế hoạch sản xuất.

2. Tích cực hướng dẫn giúp đỡ và kiểm tra huyện quản lý ngân sách.

Tỉnh cần cử cán bộ xuống tăng cường cho huyện, cùng với cán bộ huyện đi sát các trọng điểm kinh tế: xí nghiệp quốc doanh, các hợp tác xã và một số cơ quan, đơn vị sự nghiệp, tìm hiểu, nắm tình hình và số liệu, kiểm tra tình hình sản xuất, tình hình tiêu thụ sản phẩm, thu mua, giao nộp, giá thành, giá cả, việc chấp hành chính sách và kỷ luật tài chính, tình hình tổ chức quản lý… qua đó mà giúp một số cơ sở trọng điểm tăng cường và cải tiến quản lý, đôn đốc thu nộp cho ngân sách và tập cho huyện quen dần công tác quản lý kinh tế tài chính, nhất là từ cơ sở.

Phải thường xuyên rút kinh nghiệm sau mỗi đợt công tác để nâng cao dần kiến thức và trình độ quản lý tài chính của cán bộ huyện, giúp huyện hiểu và làm đúng nhiệm vụ của cấp chính quyền Nhà nước về mặt tài chính và ngân sách.

3. Xây dựng ngân sách 1980, đề cao trách nhiệm tài chính tham gia tích cực vào việc xây dựng kế hoạch Nhà nước cấp huyện.

Kế hoạch tài chính là một mặt không thể tách rời của kế hoạch kinh tế quốc dân, nó là biểu hiện bằng tiền của kế hoạch kinh tế. Thông qua biểu hiện bằng tiền, cấp huyện có khả năng lao động, trang bị kỹ thuật, đất đai, đánh giá được kết quả sản xuất kinh doanh, những tiêu hao lao động, tiêu phí vật chất và hiệu quả hoạt động của các ngành, các cơ sở, thấy được những khả năng và khó khăn, những mặt mạnh và mặt yếu của các cơ sở sản xuất kinh doanh. Nhờ vậy, có thêm căn cứ khách quan để tính toán và xây dựng kế hoạch một cách tích cực, từ đó mà tăng nguồn thu cho ngân sách.

Yêu cầu của việc xây dựng ngân sách 1980 là phải cố gắng xây dựng từ cơ sở lên, gắn với kế hoạch sản xuất và kinh doanh của từng đơn vị.

- Với sự hướng dẫn và chỉ đạo của tỉnh, huyện phải đi sâu, nắm vững tình hình năng lực của từng cơ sở bao gồm cả kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, nắm vững tình hình tài sản, lao động, vốn liếng, tình hình sản xuất, kinh doanh,,, có biện pháp giúp cơ sở giải quyết những khó khăn và sơ hở nhằm khai thác được khả năng sẵn có về tài nguyên và lao động để phát triển sản xuất, mở rộng lưu thông, hạ giá thành sản phẩm, hạ phí lưu thông, từ đó mà tăng thu nhập cho cơ sở và cho ngân sách.

- Hướng dẫn các xí nghiệp, các đơn vị xây dựng kế hoạch tài vụ, kế hoạch vốn, kết hợp chặt với việc xây dựng kế hoạch kinh tế ngay từ đầu. Dự án tài vụ của xí nghiệp phải được đưa ra bàn bạc và thảo luận một cách rộng rãi và dân chủ trong công nhân, trong cán bộ. Dự án ngân sách của xã, của huyện phải được tổng hợp và xây dựng từ cơ sở lên, phải được đưa ra cấp ủy thảo luận tập thể, đưa ra chính quyền và Hội đồng nhân dân huyện thảo luận cả về nội dung, biện pháp và trách nhiệm thi hành một cách nghiêm chỉnh, xét và thông qua theo trình tự đã quy định; dự án ngân sách được nghiên cứu xây dựng một cách chặt chẽ, dựa trên những căn cứ vững chắc thì nó mới thực sự là công cụ để xây dựng huyện, chính quyền và cấp ủy có thể thông qua tính toán ngân sách mà kiểm tra cân đối và tính tích cực của kế hoạch kinh tế quốc dân, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ của kế hoạch.

D. KIỆN TOÀN BỘ MÁY TÀI CHÍNH TĂNG CƯỜNG BỘ MÁY CHO CẤP HUYỆN.

Bộ máy và cán bộ tài chính ở huyện nói chung còn yếu so với yêu cầu của nhiệm vụ. Trong bước đầu xây dựng cấp huyện, nhiệm vụ quản lý tài chính lại hết sức mới mẻ và phức tạp, từ trước đến nay nhiều việc huyện chưa biết làm, việc thì rất mới, cán bộ cũng chưa biết làm, do đó vừa làm vừa phải rút kinh nghiệm. Vì vậy trước mắt chưa thể xác định ngay số biên chế cứng nhắc cho mỗi huyện được.

Để tạo điều kiện cho huyện làm được trách nhiệm trước tình hình mới, tỉnh cần cử cán bộ về tăng cường cho huyện. Bộ tài chính cũng sẽ cử một số cán bộ về các huyện để cùng với lực lượng của tỉnh giúp đỡ huyện triển khai công việc. Huyện cần chọn những cán bộ có năng lực, có phẩm chất tốt, có hiểu biết về tình hình kinh tế, chính trị trong huyện và có triển vọng để làm công tác tài chính và ngân sách. Một mặt khác, phải có kế hoạch bồi dưỡng và bổ sung cán bộ trẻ kết hợp với cán bộ già có kinh nghiệm tạo thành một đội ngũ làm việc đồng bộ lâu dài.

Trong biên chế cán bộ tài chính ở huyện cần phân biệt hai loại khác nhau như sau:

1. Bộ phận chuyên trách về công tác theo dõi kiểm tra và tổng hợp tài chính và ngân sách ở huyện. Biên chế của bộ phận này thuộc biên chế hành chính, chịu sự khống chế về biên chế hành chính ở cấp huyện.

2. Những bộ phận chuyên trách quản lý từng mặt công tác như chuyên quản về vốn xây dựng cơ bản, chuyên quản tài vụ các xí nghiệp quốc doanh, chuyên trách về thu thuế công thương nghiệp ở các nơi, chuyên trách về thuế nông nghiệp và tài vụ hợp tác xã nông nghiệp. Biên chế của các bộ phận này tùy thuộc đối tượng quản lý và khối lượng việc phải làm… nhiều hay ít. Có việc thì phải có người làm, không để bộ máy phình ra một cách giả tạo, nhưng nhất thiết không vì thiếu người mà buông lỏng quản lý để xảy ra những việc làm trái nguyên tắc, trái với chế độ Nhà nước ở các cơ sở, buông lỏng hoặc không làm nhiệm vụ quản lý và kiểm soát của Nhà nước, để thất thu cho ngân sách hoặc lãng phí của công. Biên chế của các bộ phận này không thuộc biên chế hành chính, không chịu khống chế của biên chế hành chính, nhưng phải chịu sự khống chế của nhiệm vụ thu hoặc khối lượng vốn phải quản lý chi. Cái khó nhất trong công tác cán bộ tài chính là phải trong sạch, nhạy cảm với yêu cầu của sản xuất và kinh doanh, có khả năng tiếp thu chuyên môn nghiệp vụ, có tính tổ chức và nguyên tắc cao. Vì vậy, không nên tuyển bất kỳ ai cho đủ người, mà phải tuyển chọn, thử thách để xây dựng từng bước.

Trên đây là một số vấn đề cần thiết, yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố tăng cường chỉ đạo và hướng dẫn cho các ngành, các huyện làm. Trong quá trình thực hiện, có kinh nghiệm hay khó khăn, xin phản ảnh về Bộ Tài chính.

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH




Hoàng Anh





(1) In trong Công báo 1978 - số 9 (934) – trang 129.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 08-TC/QLNS-1979 hướng dẫn thi hành Nghị quyết 108-CP về quản lý tài chính và quản lý ngân sách đối với cấp huyện do Bô Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 08-TC/QLNS
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 31/05/1979
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Hoàng Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 20
  • Ngày hiệu lực: 15/06/1979
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản