Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 08-TBXH

Hà Nội, ngày 20 tháng 7 năm 1982

THÔNG TƯ

CỦA BỘ THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 8-TBXH NGÀY 20 THÁNG 7 NĂM 1982 HƯỚNG DẪN VIỆC QUY ĐỊNH LẠI MỘT SỐ KHOẢN CHI CHO THƯƠNG BINH, BỆNH BINH, GIA ĐÌNH LIỆT SĨ VÀ VIỆC BÙ GIÁ MỘT SỐ MẶT HÀNG BÁN THÊM CHO THƯƠNG BINH, BỆNH BINH

Để đáp ứng một phần những nhu cầu thiết yếu cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ phù hợp với tình hình giá cả hiện nay, sau khi trao đổi thống nhất với Bộ Nội thương và Bộ Tài chính, Bộ Thương binh và xã hội hướng dẫn việc định lại một số khoản chi cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và việc bù giá một số mặt hàng bán thêm cho thương binh, bệnh binh như sau:

I. TẠM THỜI ĐỊNH LẠI MỘT SỐ KHOẢN CHO THƯƠNG BINH, BỆNH BINH, GIA ĐÌNH LIỆT SĨ

1. Mức chi cho lễ báo tử liệt sĩ là một trăm năm mươi đồng (150 đồng).

2. Mức tiền ăn trong các ngày lễ, tết cho thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, bố, mẹ, con liệt sĩ đang ở các khu điều dưỡng thương binh, các nhà nuôi dưỡng bố mẹ, con liệt sĩ là bảy đồng (7 đồng) một ngày một người (thương binh, bệnh binh được 7 ngày một năm; người có công với cách mạng, bố, mẹ, con liệt sĩ được 5 ngày một năm).

3. Mức tiền ăn đối với thương binh hưởng trợ cấp thương tật về gia đình trong thời gian lắp chân tay giả, dụng cụ chỉnh hình ở các Trung tâm phục hồi chức năng là năm đồng (5 đồng) một ngày một người.

Tiền bồi dưỡng cho mọi thương binh trong lần đầu tập sử dụng chân tay giả, dụng cụ chỉnh hình ở các Trung tâm phục hồi chức năng là năm đồng (5 đồng) một ngày một người.

4. Trợ cấp đối với thương binh gái ở trại điều dưỡng thương binh khi sinh đẻ, mất sữa, sẩy thai, nạo thai áp dụng như chế độ đối với nữ công nhân, viên chức Nhà nước quy định tại thông tư số 16 TT/TCĐ ngày 27-6-1981 của Tổng công đoàn, cụ thể là:

- Tiền trợ cấp bồi dưỡng khi đẻ là tám mươi đồng (80 mười đồng).

- Tiền trợ cấp sắm tã lót là bảy mươi đồng (70 đồng). Nếu đẻ sinh đôi, sinh ba thì được hưởng trợ cấp bồi dưỡng và sắm tã lót gấp đôi, gấp ba.

- Tiền trợ cấp mất sữa sáu mươi đồng (60 đồng) một tháng cho đến khi con đủ 10 tháng (Căn cứ vào giấy khai sinh và giấy chứng nhận mất sữa của cơ quan y tế để tính thời gian trợ cấp cho đến khi con đủ 10 tháng; không căn cứ vào thời gian cấp bán và định lượng sữa bán của mậu dịch quốc doanh).

- Tiền trợ cấp bồi dưỡng khi sẩy thai, nạo thai là hai mươi đồng (20 đồng).

5. Thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, bố, mẹ, con liệt sĩ ở các khu điều dưỡng thương binh, các nhà nuôi dưỡng bố, mẹ, con liệt sĩ được cấp tiền tàu xe khi đi nghỉ phép, đi về thăm quê; thương binh, bệnh binh đi khám bệnh, chữa bệnh, đi làm chân tay giả, dụng cụ chỉnh hình được cấp tiền tàu xe và tiền trợ cấp đi đường theo quy định hiện hành của Nhà nước.

II. BÙ GIÁ MỘT SỐ MẶT HÀNG BÁN THÊM CHO THƯƠNG BINH, BỆNH BINH

Do điều kiện và khả năng kinh tế hiện nay, Bộ tạm thời quy định lại việc bán thêm một số mặt hàng cho thương binh, bệnh binh như sau:

1. Thương binh bị cụt chân, tay, bị thương sọ não được mua len hoặc sợi tổng hợp thay len để đan bọc mỏn cụt, đan mũ bịt đầu theo định lượng: 75 gam cho thương binh sọ não hoặc cụt chân trên gối; 50 gam cho thương binh cụt chân dưới gối; 25 gam cho thương binh cụt tay hoặc cụt chân sát mắt cá. Thời hạn dùng là năm năm (5 năm); giá mua là giá lẻ thương nghiệp, thương binh được Nhà nước bù phần chênh lệch giữa giá cung cấp cũ và giá lẻ phải mua.

2. Thương binh, bệnh binh nặng ở khu điều dưỡng thương binh được mua theo niên hạn:

a) Mỗi năm một quần lót và một áo lót.

b) Năm năm (5 năm) một áo ấm (áo bông, áo trấn thủ hoặc áo sợi).

c) Bảy năm (7 năm) một chăn (chăn bông hoặc chăn chiên nội).

Thương binh, bệnh binh mua theo giá lẻ thương nghiệp và được Nhà nước bù phần chênh lệch giữa giá cung cấp cũ và giá lẻ phải mua.

3. Thương binh, bệnh binh nặng ở khu điều dưỡng thương binh được cấp theo niên hạn:

a) Thương binh sọ não hoặc cụt chân, tay được cấp mũ bịt đầu hoặc bọc mỏm cụt dùng trong năm năm (5 năm).

b) Thương binh bị liệt chân hoặc tay được cấp một đôi bít tất chân hoặc tay dùng trong 3 năm (3 năm).

c) Thương binh bị thương ở ngực, bệnh binh bị lao phổi, hen xuyễn, mổ dạ dày, gan, tim, thận mãn tính hoặc già yếu được cấp áo ấm (áo bông, áo trấn thủ, hoặc áo sợi) dùng trong năm năm (5 năm).

d) Thương binh hỏng mắt được cấp kính râm loại trung bình, thời hạn dùng từ ba năm (3 năm) trở lên. Nếu kính hư hỏng thì được sửa chữa hoặc cấp kính khác. Nếu mất kính không có có lý do xác đáng thì sau khi hết thời hạn ba năm (3 năm) mới được cấp kính khác.

Những thương binh, bệnh binh đã được cấp mũ bịt đầu, bọc mỏm cụt và áo ấm thì không mua các mặt hàng này nữa.

Những mặt hàng nói ở điểm 3 do khu điều dưỡng thương binh dự trù và mua theo giá lẻ thương nghiệp.

III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Các khoản chi nói ở phần I được áp dụng từ ngày ban hành thông tư này.

2. Niên hạn các mặt hàng nói ở phần II được bắt đầu tính từ lần bán hoặc cấp cuối cùng trước đây; riêng quần áo lót thì năm 1982 được mua cả bộ.

Những mặt hàng vải sợi miễn phiếu (áo bông, áo trấn thủ, chăn bông) có quy định thời gian sử dụng nhưng cũng căn cứ thực tế khi nào rách mới bán hoặc cấp.

Hàng năm, Ty, Sở thương binh và xã hội căn cứ số thương binh, bệnh binh có tiêu chuẩn và đến niên hạn được mua hoặc được cấp các mặt hàng nói trên, lập dự trù gửi về Bộ (Vụ kế hoạch - tài vụ) đồng thời lập dự trù các mặt hàng gửi Ty, Sở thương nghiệp để thương nghiệp có kế hoạch chuẩn bị hàng bán cho thương binh, bệnh binh.

Về khoản tiền bù giá và phương thức bù giá, Bộ sẽ hướng dẫn sau khi có biểu giá thống nhất của Uỷ ban Vật giá Nhà nước.

Nguyễn Kiện

(Đã ký)