Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ LAO ĐỘNG - BỘ NỘI VỤ -
BỘ TÀI CHÍNH – BỘ Y TẾ

*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

*******

Số: 08-LB/TT

Hà Nội, ngày 08 tháng 03 năm 1960

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC THÔI VIỆC VÌ GIÀ, YẾU, MẤT SỨC LAO ĐỘNG

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Kính gửi:

Các Bộ, các cơ quan, đoàn thể trung ương,
Các Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố,
Các Sở, Ty, Phòng Lao động.

Ngày 07/01/1960, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành thông tư số 13-TTg quy định chế độ trợ cấp đối với cán bộ, nhân viên, viên chức thôi việc vì già, yếu, mất sức lao động. Nay Liên bộ giải thích một số điểm cụ thể và hướng dẫn việc thi hành như sau:

I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA

Hiện nay ở các cơ quan, doanh, xí nghiệp có một số cán bộ, công nhân, viên chức già yếu, ốm đau, kinh niên, mất sức lao động, không còn khả năng công tác; nếu cứ để họ tiếp tục ở trong biên chế thì không bảo đảm công tác, không bảo đảm sản xuất. Thủ tướng phủ quy định chế độ trợ cấp nói trên nhằm giúp đỡ những anh chị em đó khi thôi việc, có điều kiện duy trì sinh hoạt. Quy định này xuất phát từ tình hình thực tế, phù hợp với yêu cầu của công tác, của sản xuất, phù hợp với nguyện vọng của anh chị em cũng như khả năng tài chính của Nhà nước, đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm của Đảng và Chính phủ đối với đời sống của cán bộ, công nhân, viên chức.

II. HƯỚNG GIẢI QUYẾT

Theo tinh thần của thông tư của Thủ tướng Chính phủ, vấn đề này có quan hệ rất lớn đến tư tưởng và đời sống của cán bộ, công nhân, viên chức. Nếu giải quyết không tốt, sẽ gây những ảnh hưởng xấu về mặt xã hội và chính trị. Vì vậy, trước khi thi hành, các cơ quan, xí nghiệp cần nắm vững chính sách, cân nhắc nhiều mặt để bảo đảm thực hiện đúng chính sách cán bộ của Đảng và Chính phủ.

- Trước hết, cần cố gắng sắp xếp và sử dụng anh chị em vào những công việc nhẹ, hợp với khả năng còn lại của họ, và được hưởng lương theo công việc mới kể từ khi chuyển công tác. Nếu không còn sức lao động không thể tiếp tục công tác và không sắp xếp vào việc gì được nữa, thì cho thôi việc.

Đối với cán bộ, công nhân, viên chức đã tham gia kháng chiến hay hoạt động cách mạng lâu, do hoàn cảnh công tác gian khổ trước đây mà bị ốm đau, mất sức lao động, càng phải thận trọng hơn, chủ yếu là sắp xếp anh chị em vào những công tác thích hợp; trường hợp đặc biệt không thể làm việc được nữa, mới cho thôi việc. Khi cho thôi việc, ở các cơ quan trung ương, cần có ý kiến quyết định của các vị Bộ, Thứ trưởng, ở các địa phương, cần có ý kiến của Ủy ban hành chính từ cấp tỉnh trở lên, và nếu là cán bộ phụ trách (từ Trưởng, Phó Ty trở lên) thì cần có ý kiến của Bộ sở quan.

Cần tránh khuynh hướng muốn giải quyết cho gọn tay, để nhẹ biên chế, mà cho thôi việc hàng loạt; nhưng cũng đề phòng tư tưởng ngại đả thông giải thích, sợ anh em về, đời sống sẽ khó khăn, mà quá dè dặt, không dám cho ai về, ảnh hưởng đến sản xuất và công tác.

Trước khi cho anh em về, cơ quan, xí nghiệp cần giải quyết tư tưởng cho thực thông suốt, điều tra, nắm vững hoàn cảnh gia đình từng người, để có biện pháp phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương giúp đỡ, làm cho họ thực yên tâm khi ra về.

III. ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC HƯỞNG CHẾ ĐỘ

Được hưởng chế độ này là những cán bộ, công nhân, viên chức ở các cơ quan, doanh, xí nghiệp, công, nông, lâm trường (cả hai khu vực hành chính sự nghiệp và sản xuất) kể cả các cơ quan Dân, Đảng, đã ở trong biên chế được 3 năm liền trở lên, nay bị mất sức lao động vì tuổi già, vì ốm đau lâu ngày thành kinh niên, hoặc vì thương tật, thành tàn phế, được Hội đồng giám định y khoa chứng nhận không còn khả năng để tiếp tục làm việc.

Riêng đối với những cán bộ, công nhân, viên chức vì bị tai nạn lao động trước đây (đã được xếp hạng thương tật theo Nghị định số 111-LB ngày 11/11/1955) nay thành tàn phế, mất sức lao động, được Hội đồng giám định y khoa chứng nhận, thì dù thời gian làm việc chưa đủ 3 năm cũng được hưởng chế độ này.

Những người ốm đau còn đương Điều trị tại các bệnh viện, bệnh xá hoặc tại cơ quan theo chế độ ngoại trú, thì cần để tiếp tục điều trị; khi hết hạn điều trị cũng sẽ giải quyết theo hướng nói trên.

Còn đối với những người ở trong biên chế chưa đủ 3 năm, nếu thôi việc vì mất sức lao động (không phải do tai nạn lao động) vẫn áp dụng theo Nghị định số 594-TTg. Những người vì khả năng công tác kém, không làm được việc, hoặc thái độ công tác không đúng mức đều không thuộc phạm vi thi hành của chế độ này.

IV. CÁC KHOẢN TRỢ CẤP

1. Trợ cấp bản thân:

a) Những cán bộ, công nhân, viên chức (kể cả công nhân, viên chức lưu dụng) đã được sắp xếp vào các thang lương chung, được trợ cấp 30% lương cấp bậc (không kể các khoản phụ cấp); từ năm công tác thứ tư trở lên, cứ thêm một năm, được thêm 1% lương cấp bậc.

b) Những công nhân, viên chức lưu dụng chưa sắp xếp vào các thang lương chung, vẫn còn hưởng nguyên lương thì được trợ cấp bằng 30% lương chính (không kể các khoản phụ cấp) và từ năm thứ tư trở lên, cứ thêm một năm làm việc cho Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa được thêm 1% lương chính, nhưng mức trợ cấp tối đa không qúa 85 đồng.

Khoản trợ cấp hàng tháng của hai loại (a và b) nói trên, nếu thấp hơn mức quy định dưới đây thì được nâng lên cho đủ:

- 12 đồng đối với người về ở nông thôn.

- 15 đồng đối với người về ở thành phố.

Danh từ thành phố đây là chỉ các thành phố Hà nội và Hải phòng (kể cả ngoại thành), còn các thị xã, thị trấn, thì coi là nông thôn.

Những người hưởng trợ cấp theo mức tối thiểu trên đây, nếu thay đổi nơi cư trú (đương ở nông thôn ra thành phố, hoặc đương ở thành phố về nông thôn) sẽ hưởng trợ cấp theo mức quy định cho nơi đó, kể từ tháng chuyển trú quán.

Thí dụ:

1. Một công nhân cơ khí bậc 5 thang lương 8 bậc, làm việc từ 2/9/1945 đến 2/9/1960 (thâm niên 15 năm), vì mất sức lao động, được thôi việc, sẽ được hưởng trợ cấp hàng tháng:

- 3 năm đầu, khởi điểm là :

30%

- 12 năm sau mỗi năm thêm 1%:

12%

Cộng:

42%

- 42 % lương cấp bậc 5/8 là:

59đ20 x 42

100

=

24đ86

2. Một cán bộ hành chính cấp bậc 4 thang lương 21 bậc, công tác từ 1/1/1955 đến 1/1/1960 vì mất sức lao động, được thôi việc (thâm niên 5 năm) sẽ được hưởng trợ cấp hàng tháng:

- 3 năm đầu, khởi điểm là :

30%

- 2 năm sau mỗi năm thêm 1%:

2%

Cộng:

32%

- 32 % lương cấp bậc 4/21 là:

36đ x 32

100

=

11đ52

Số tiền 11đ52 thấp dưới mức tối thiểu nên được nâng lên 15đ nếu sau khi thôi việc, người đó về ở thành phố, hoặc 12đ nếu người đó về ở nông thôn.

3. Một viên chức lưu dụng chưa sắp xếp vào thang lương chung, còn hưởng nguyên lương, cộng tất cả các khoản phụ cấp gia đình, chức vụ, đắt đỏ, khu vực, nhà ở, điện nước, v.v… do chính quyền cũ quy định trước đây, tính thành tiền Ngân hàng của ta là 450đ, trong đó lương chính (theo cấp bậc cũ của Pháp) thì thành tiền Ngân hàng của ta là 150đ, từ khi được lưu dụng đến khi thôi việc vì mất sức lao động, thâm niên là 5 năm, sẽ được hưởng trợ cấp hàng tháng:

- 3 năm đầu, khởi điểm là :

30%

- 2 năm sau mỗi năm thêm 1%:

2%

Cộng:

32%

- 32 % của lương chính là:

150đ x 32

100

=

48đ

4. Một viên chức lưu dụng nguyên lương khác, lương chính và các khoản phụ cấp như đã nói trên, tính thành tiền Ngân hàng của ta là 750 đồng trong đó lương chính (theo cấp bậc cũ của Pháp) là 300 đồng, từ khi được lưu dụng đến khi thôi việc vì mất sức lao động, thâm niên là 5 năm, sẽ được hưởng trợ cấp hàng tháng:

- 3 năm đầu, khởi điểm là :

30%

- 2 năm sau mỗi năm thêm 1%:

2%

Cộng:

32%

- 32 % của lương chính là:

300đ x 32

100

=

96đ

- Số tiền 96 đồng cao hơn mức tối đa 85 đồng nên cũng chỉ được lĩnh 85 đồng.

c. Những cán bộ công nhân, viên chức do tai nạn lao động trước đây (đã được xếp hạng thương tật theo Nghị định Liên bộ số 111-LB ngày 11/11/1955) mà nay thành tàn phế, mất sức lao động, thì ngoài mức trợ cấp trên, tùy theo mức độ thương tật, còn được hưởng thêm từ 5% đến 10% lương cấp bậc (hay lương chính đối với công nhân, viên chức lưu dụng còn hưởng nguyên lương) cụ thể như sau:

- Thương tật loại đặc biệt và loại 1 được thêm 10% lương cấp bậc (hay lương chính).

- Thương tật loại 2 được thêm 9% lương cấp bậc (hay lương chính).

- Thương tật loại 3 được thêm 7% lương cấp bậc (hay lương chính).

- Thương tật loại 4 được thêm 6% lương cấp bậc (hay lương chính).

- Thương tật loại 5 được thêm 5% lương cấp bậc (hay lương chính).

Những công nhân, viên chức bị tai nạn lao động dưới chế độ cũ và những công nhân, viên chức bị tai nạn chiến tranh (không thuộc diện thi hành của Nghị định Liên bộ số 111-LB) mà nay thành tàn phế, mất sức lao động, thì không được hưởng thêm tỷ lệ ưu đãi từ 5% đến 10% nói trên.

d. Những cán bộ, công nhân, viên chức là thương binh, khi đang công tác vẫn được lĩnh phụ cấp thương tật của thương binh, nếu nay thôi việc vì mất sức lao động, thì ngoài trợ cấp nói ở thông tư này, vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thương tật của thương binh.

2. Trợ cấp con:

- Những cán bộ, công nhân, viên chức đương được hưởng trợ cấp con, sau khi thôi việc, vẫn được tiếp tục hưởng trợ cấp theo chế độ hiện hành (khi thôi việc) và cũng lĩnh hàng 3 tháng cùng với trợ cấp bản thân. Khoản trợ cấp này nhằm giúp đỡ anh chị em giải quyết một phần khó khăn cho gia đình, nên sẽ cố định trong suốt thời gian được hưởng trợ cấp.

Thí dụ: Một cán bộ được hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng 25 đồng, khi đương công tác có hai con được hưởng trợ cấp mỗi tháng 5 đồng: 5đ x 2 = 10 đồng. Như vậy, kể từ ngày thôi việc và suốt trong 2 năm, hàng 3 tháng người đó sẽ được lĩnh: 25đ + 10đ = 35đ x 3 tháng = 105 đồng.

- Trường hợp cả hai vợ chồng cùng công tác ở trong biên chế (đều ở trong diện được hưởng trợ cấp con), một người được thôi việc, vì mất sức lao động, nếu người đó trước vẫn lĩnh trợ cấp con, thì sau khi thôi việc, không lĩnh trợ cấp con nữa, mà để cho người còn làm việc ở trong biên chế lĩnh. Người này sẽ khai với cơ quan, xí nghiệp của mình để được hưởng trợ cấp con ở đơn vị mình.

- Trường hợp hai vợ chồng cùng công tác, nhưng một người chưa vào biên chế (chưa ở trong diện được hưởng trợ cấp con) nay người ở trong biên chế được thôi việc vì mất sức lao động, nếu khi còn công tác, vẫn hưởng trợ cấp con, thì khi về vẫn tiếp tục được hưởng như thí dụ trên; nhưng sau đó, nếu người còn ở lại công tác được vào biên chế, thì người này sẽ khai với đơn vị mình để được lĩnh trợ cấp con. Sau khi cấp trợ cấp con cho người mới được vào biên chế, đơn vị sẽ báo cho Ủy ban hành chính địa phương nơi cấp phát trợ cấp cho người thôi việc để đình chỉ cấp phát khoản trợ cấp con này.

Những công nhân, viên chức lưu dụng còn hưởng nguyên lương khi còn công tác không có khoản trợ cấp riêng cho các con nên sau khi thôi việc vì mất sức lao động, cũng không hưởng khoản trợ cấp này.

3. Trợ cấp khi mới thôi việc.

Ngoài các khoản trợ cấp nói trên lĩnh hàng 3 tháng một lần, khi mới thôi việc, mỗi cán bộ, công nhân, viên chức còn được hưởng một khoản trợ cấp (lĩnh làm một lần) tùy theo thâm niên công tác nhiều hay ít, cụ thể như sau:

- Cán bộ, công nhân, viên chức đã có từ 3 đến 5 năm công tác, được trợ cấp 100đ.

- Cán bộ, công nhân, viên chức đã có từ trên 5 năm đến dưới 10 năm được trợ cấp 150đ.

- Cán bộ, công nhân, viên chức đã có từ 10 năm công tác trở lên được trợ cấp 200đ.

Nếu vào trại an dưỡng, thì mỗi người chỉ được trợ cấp một mức thống nhất là 50đ.

Số tiền này để giúp anh chị em khi mới về, sắm sửa các thứ cần thiết cho bản thân, hoặc giúp đỡ thêm cho gia đình.

Ngoài ra, cũng được hưởng tiền tàu xe, tiền ăn đường về nơi trú quán cho bản thân và gia đình, và mọi quyền lợi khác đã quy định ở mục II Nghị định 594-TTg.

4. Điều kiện vào Trại an dưỡng:

- Sau khi được thôi việc, người có gia đình thì về an dưỡng ở gia đình, người không có gia đình, không có nơi nương tựa, thì cơ quan, xí nghiệp, phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương thu xếp bằng cách vận động bà con thôn xóm nơi người cán bộ, công nhân, viên chức sẽ về cư trú, để giúp đỡ chỗ ăn ở.

- Trường hợp địa phương không thể giải quyết được, và người cán bộ, công nhân, viên chức có đủ điều kiện vào Trại an dưỡng, thì tạm thời được thu nhận vào Trại an dưỡng miền Nam.

- Điều kiện vào Trại an dưỡng theo quy định hiện hành của Trại tóm tắt như sau:

a) Các cán bộ, công nhân, viên chức trong biên chế, nam giới từ 60 tuổi trở lên, nữ giới từ 55 tuổi trở lên, già yếu, không còn khả năng công tác và không nơi nương tựa; nếu dưới mức tuổi nói trên thì phải có bệnh kinh niên hoặc tàn tật, mất sức lao động từ 60% trở lên.

b) Không còn các bệnh cấp tính và các di chứng truyền nhiễm.

c) Được Hội đồng giám định y khoa chứng nhận.

- Khi vào trại sẽ được hưởng theo các chế độ của trại, do kinh phí của trại cấp. Riêng tiền trợ cấp bản thân được lĩnh hàng tháng, nếu thấp hơn mức trợ cấp của trại thì người cán bộ, công nhân, viên chức được hưởng theo tiêu chuẩn trợ cấp của trại; ngược lại, nếu tiền trợ cấp được lĩnh hàng tháng cao hơn, thì người đó vẫn được lĩnh theo mức trợ cấp hàng tháng như đã quy định ở thông tư này.

5. Quyền lợi khi ốm đau hoặc chết.

- Sau khi về gia đình và trong suốt thời gian được hưởng trợ cấp.

a) Nếu ốm đau, người cán bộ, công nhân, viên chức đã thôi việc được đến khám bệnh và chữa bệnh ở bệnh ở bệnh viện thuộc địa phương đó cư trú, được trợ cấp thuốc men, bồi dưỡng tuỳ theo bệnh tật, do bệnh viện quyết định. Nếu khả năng bệnh viện địa phương không thể chữa được, thì bệnh nhân sẽ được giới thiệu đến các bệnh viện khác do sự quy định của cơ quan Y tế.

- Tiền ăn trong khi nằm bệnh viện do người cán bộ, công nhân, viên chức phải nộp; nhưng nếu mức ăn cao hơn mức trợ cấp hàng tháng (đối với người hưởng trợ cấp theo mức tối thiểu) thì chỉ phải trả theo mức trợ cấp hàng tháng. Trường hợp khó khăn, túng thiếu do Ủy ban hành chính xã hay khu phố chứng nhận, có thể được bệnh viện xét giảm hoặc miễn trả tiền ăn.

- Các khoản thuốc men, bồi dưỡng và tiền ăn (phần bệnh viện phải cấp thêm) nói trên, bệnh viện sẽ thanh toán với quỹ cứu tế xã hội địa phương nơi người cán bộ, công nhân, viên chức cư trú.

- Những người mắc bệnh lao, phong được tiêu chuẩn cấp phát thuốc theo thông tư số 750 ngày 28/7/1958 của Bộ Y tế thì vẫn được cấp phát.

b) Nếu người cán bộ, công nhân, viên chức chết cũng được trợ cấp mai táng phí theo chế độ hiện hành đối với cán bộ, công nhân, viên chức. Ngoài ra không có khoản gì khác nữa.

V. THỜI HẠN ĐƯỢC HƯỞNG TRỢ CẤP

Thời gian được hưởng trợ cấp trên đây là hai năm, tính từ ngày thôi việc. Sau thời gian đó:

- Nếu người cán bộ, công nhân, viên chức, sức khỏe phục hồi, sẽ tùy theo tình hình sức khỏe và nhu cầu tuyển dụng của Nhà nước, có thể được tuyển trở lại làm việc, và bố trí công tác hợp với khả năng, hoặc được giải quyết công việc làm khác, được hưởng lương theo công việc mới, và không lĩnh khoản trợ cấp này nữa. Nếu chưa hết 2 năm mà sức khỏe đã hồi phục, thì cũng giải quyết như vậy.

- Nếu sức khỏe chưa bảo đảm công tác, và nếu có đủ điều kiện, sẽ được hưởng các chế dộ bảo hiểm xã hội ban hành sau này đối với người già, yếu, mất sức lao động.

VI. HIỆU LỰC THI HÀNH

Chế độ này thi hành kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1960; những cán bộ, công nhân, viên chức mất sức lao động đã thôi việc từ trước ngày đó và đã được hưởng trợ cấp theo các chế độ ban hành trước đây, không thuộc phạm vi thi hành của thông tư này. Nếu những anh chị em đó có gặp khó khăn, thì tùy theo tình hình cụ thể và khả năng của địa phương các Ủy ban hành chính sẽ có kế hoạch giúp đỡ.

- Những cán bộ, công nhân, viên chức thôi việc sau ngày 01 tháng 01 năm 1960 mà cơ quan, xí nghiệp đã trợ cấp theo Nghị định số 594-TTg nếu có đủ điều kiện được hưởng theo thông tư này, thì đơn vị cần tính toán lại, để cho hưởng.

Thí dụ:

Một công nhân vì mất sức lao động đã được xí nghiệp cho thôi việc ngày 2/1/1960, được trợ cấp theo Nghị định số 594-TTg tổng số tiền đã được lĩnh là 500 đồng. Nay xí nghiệp xét người đó có đủ điều kiện được hưởng chế độ này, tính trợ cấp mỗi tháng được 25 đồng, và khi mới về được 100 đồng. Như vậy, coi như xí nghiệp đã phát trước cho người đó khoản trợ cấp khi mới về (100đ) và 16 tháng trợ cấp hàng tháng (đến hết tháng 4 năm 1961). Xí nghiệp sẽ làm đầy đủ mọi thủ tục, giấy tờ báo cho Ủy ban hành chính tỉnh (thành, khu) nơi người đó về cư trú, để đến tháng 5 năm 1961 sẽ tiếp tục trợ cấp cho người đó cho đến hết hạn 2 năm.

VII. CÁCH TÍNH THÂM NIÊN

Cách tính thâm niên để được hưởng trợ cấp vẫn áp dụng theo các thông tư Liên Bộ Nội vụ - Lao động, Tài chính số 3 ngày 14/1/1958 và số 63 ngày 9/9/1958 hướng dẫn thi hành Nghị định số 594-TTg; nhưng để phù hợp với thông tư này Liên bộ cần nói rõ thêm một số điểm như sau:

a) Được hưởng chế độ này là những cán bộ, công nhân, viên chức đã ở trong biên chế đủ 3 năm liền trở lên. Ngoài 3 năm liền đó, nếu trước đây có thời gian công tác đứt quãng, cũng được cộng lại để tính thâm niên. Những tháng lẻ, nếu dưới 6 tháng thì không tính, từ 6 tháng trở lên thì tính bằng 1 năm để được hưởng thâm niên mỗi năm thêm 1%.

Thí dụ:

Một cán bộ vào biên chế từ 15/1/1957 đến 15/1/1960 được thôi việc vì mất sức lao động. Trước đây đã có thời gian công tác trong biên chế từ 1/9/1946 đến 1/6/1953 rồi thôi việc, khi đó chưa được hưởng trợ cấp thôi việc. Như vậy, thâm niên của người này cộng cả hai thời gian được là 9 năm 9 tháng, tính tròn 10 năm:

- 3 năm liền ở trong biên chế (1957-1960) được trợ cấp khởi điểm là:

30%

- 7 năm sau mỗi năm thêm 1%:

7%

Cộng:

37%

- Hàng tháng, người đó sẽ lĩnh trợ cấp bằng 37% lương cấp bậc và khi mới về được lĩnh 20đ.

Nhưng nếu khi thôi việc lần trước (tháng 6/1953) đã được trợ cấp thôi việc rồi, thì không tính thời gian về trước để hưởng thâm niên nữa (1946-1953) mà chỉ tính từ năm 1957 đến khi thôi việc (1960) ngoài ra vẫn được hưởng khoản trợ cấp khi mới thôi việc (200 đồng).

b) Những người trước đây là phù động, tạm tuyển, mới vào biên chế chưa đủ 3 năm không được hưởng chế độ này.

c) Những người đã vào biên chế được 3 năm liền trở lên vì ốm đau, phải đi điều trị tại các bệnh viện, bệnh xá, thì dù thời gian công tác thực tế chưa đủ 3 năm, cũng được hưởng chế độ này.

VIII. THỦ TỤC CẤP PHÁT

- Trước khi người cán bộ, công nhân, viên chức rời khỏi cơ quan, xí nghiệp, đơn vị có trách nhiệm cấp đầy đủ giấy tờ, thanh toán mọi quyền lợi đã nói trên, cấp ngay tiền trợ cấp cho cả quý đó và giới thiệu với Ủy ban hành chính tỉnh (thành hay khu) nơi người cán bộ, công nhân, viên chức về cư trú, để Ủy ban hành chính tiếp tục trợ cấp 3 tháng một lần vào tháng đầu của từng quý. Nếu thôi việc vào tháng cuối quý, thì đơn vị thanh tóan ngay tiền trợ cấp cho cả quý sau.

Thí dụ:

Một cán bộ công tác ở Ủy ban hành chính Hà nội, vì mất sức lao động được thôi việc ngày 15/1/1960 thì tiền lương trả đến ngày thôi việc. Khi thôi việc sẽ về cư trú ở Hà nam, thì Ủy ban hành chính Hà nội cấp ngay tiền trợ cấp từ ngày 16/1/1960 cho đến hết 31/3/1960, và cấp giấy giới thiệu với Ủy ban hành chính tỉnh Hà nam để đến đầu tháng 4/1960, Ủy ban hành chính tỉnh Hà Nam sẽ tiếp tục trợ cấp từ quý 2, cho đủ 24 tháng, những ngày lẻ còn lại sẽ thanh toán hết vào quý cuối cùng.

Nhưng nếu người đó thôi việc vào tháng 3/1960, thì Ủy ban hành chính Hà nội cấp luôn tiền trợ cấp cho hết cả quý 2 (tháng 4, 5, 6, tức 4 tháng) và giới thiệu với Ủy ban hành chính tỉnh Hà Nam để đến đầu quý 3 Ủy ban hành chính tỉnh Hà nam sẽ tiếp tục trợ cấp.

- Sau khi nhận được giấy giới thiệu của cơ quan, xí nghiệp cho người cán bộ, công nhân, viên chức thôi việc về cư trú ở địa phương mình, Ủy ban hành chính tỉnh (thành, khu) sẽ ghi tên người đó vào danh sách những người được hưởng trợ cấp ở địa phương mình để tiếp tục cấp phát cho những quý sau, và sẽ cấp cho người cán bộ, công nhân, viên chức được hưởng cấp một sổ lĩnh trợ cấp (mẫu thống nhất kèm theo) do Bộ Lao động in và gửi về cho địa phương.

- Khi đi lĩnh tiền, người được hưởng trợ cấp phải mang theo các giấy tờ cần thiết như quyết định cho thôi việc của cơ quan, xí nghiệp cũ, giấy chứng minh hay giấy thông hành, và quyển sổ lĩnh trợ cấp nói trên. Trường hợp bị đau yếu, không đi lĩnh được, có thể viết giấy ủy quyền người nhà đi lĩnh thay, có chứng thực của Ủy ban hành chính xã hay khu phố. Để người được hưởng trợ cấp đỡ phải đi lại khó khăn, tốn kém, tùy tình hình địa phương, Ủy ban hành chính tỉnh hay khu có thể chuyển tiến về các Ủy ban hành chính huyện hay châu để cấp phát.

- Người được hưởng trợ cấp về cư trú ở địa phương nào thì thuộc quyền quản lý của Ủy ban hành chính địa phương ấy và do Ủy ban hành chính cấp phát trợ cấp. Mỗi khi thay đổi trú quán, người được hưởng trợ cấp phải báo cáo với Ủy ban hành chính tỉnh (thành hay khu) nơi trú quán cũ để được giới thiệu với Ủy ban hành chính tỉnh (thành hay khu) nơi mới đến tiếp tục cấp phát trợ cấp.

- Trong thời gian được hưởng trợ cấp, nếu người được hưởng trợ cấp bị chết, thì Ủy ban hành chính tỉnh (thành hay khu) đang cấp trợ cấp sẽ cấp tiền mai táng phí.

- Các khoản trợ cấp này do quỹ cứu tế xã hội địa phương đài thọ (mục ưu đãi cán bộ). Các Ủy ban hành chính tỉnh (thành hay khu) sẽ làm dự trù và phụ trách cấp phát. Bộ Lao động có trách nhiệm theo dõi chung. Các Ủy ban hành chính tỉnh, thành, khu sẽ báo cáo cho Bộ Lao động biết số người thôi việc vì mất sức lao động về cư trú ở địa phương mình, tình hình chung của những người được hưởng trợ cấp cũng như những mắc mứu khó khăn trong khi thi hành chính sách để góp ý kiến giải quyết.

Như trên đã nói, vấn đề này có quan hệ rất lớn đến tư tưởng và đời sống cán bộ, công nhân, viên chức, Liên bộ xin lưu ý các Bộ, các cơ quan, đoàn thể trung ương và các Ủy ban hành chính địa phương cần có kế hoạch lãnh đạo thực chặt chẽ, nhắc nhở các cơ sở nắm vững tinh thần chính sách để thực hiện cho chu đáo.

Trong khi thi hành, nếu các Bộ, các ngành, các địa phương có gì mắc mứu sẽ phản ảnh cho Liên bộ biết để bổ sung chính sách hoặc giải thích thêm.

K. T. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG



Tô Quang Đẩu

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG




Nguyễn Văn Tạo

K. T. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG



Nguyễn Thanh Sơn

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ




Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch

Mẫu 3

CHỨNG THỰC CỦA CÁC ỦY BAN HÀNH CHÍNH THÀNH, TỈNH, MỖI KHI THAY ĐỔI TRÚ QUÁN

PHẦN GIỚI THIỆU

Nhận thực của Ủy ban hành chính tỉnh, thành

- Xin giới thiệu với Ủy ban hành chính tỉnh (hoặc thành) …… kể từ ngày ….. tháng …. năm 19….

Ông ……………… đã chuyển chỗ đến xã ……. huyện …….. tỉnh ……….. và sẽ tiếp tục được lĩnh trợ cấp tại ………... từ tháng …. năm 19….

Ngày …… tháng …… năm 19……

Ủy ban hành chính tỉnh, thành

- Xin giới thiệu vởi Ủy ban hành chính tỉnh (hoặc thành) ………. kể từ ngày ….. tháng …. năm 19…

Ông ……………… đã chuyển chỗ ở đến xã ……. huyện …….. tỉnh ……….. và sẽ tiếp tục được lĩnh trợ cấp tại ………... từ tháng …. năm 19….

Ngày …… tháng …… năm 19……

Ủy ban hành chính tỉnh, thành

- Xin giới thiệu vởi Ủy ban hành chính tỉnh (hoặc thành) ………. kể từ ngày ….. tháng …. năm 19…

Ông ……………… đã chuyển chỗ ở đến xã ……. huyện …….. tỉnh ……….. và sẽ tiếp tục được lĩnh trợ cấp tại ………... từ tháng …. năm 19….

Ngày …… tháng …… năm 19……

Ủy ban hành chính tỉnh, thành


Mẫu 4

PHẦN CUỐNG

Quý ..... năm 19…..

TRỢ CẤP THÔI VIỆC VÌ MẤT SỨC LAO ĐỘNG

Họ tên: ……………………………..

Ngày sinh và nơi sinh: …………………

…………………………………..................

Trú quán hiện nay: ………………………...

…………………………………..................

Trợ cấp được lĩnh trong quý: ……………

…………………………………..................

…………………………………..................

Ngày …. Tháng ….. năm 19…..

Cơ quan thanh toán

ỦY BAN HÀNH
CHÍNH TỈNH, THÀNH

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

PHẦN CẤP PHÁT

Quý … năm 19…..

PHIẾU LĨNH TRỢ CẤP THÔI VIỆC VÌ MẤT SỨC LAO ĐỘNG

Họ và tên: ………………………………..

Ngày sinh và nơi sinh: ……………………

…………………………………..................

Chức vụ cũ: ………………………..............

…………………………………...................

Trú quán hiện nay: ………………………….

…………………………………....................

Trợ cấp được lĩnh trong quý: ……………

…………………………………..................

Ngày …. Tháng ….. năm 19…..

Người nhận

(Ký và viết rõ họ tên)

Ủy ban hành chính tỉnh, thành

(Cơ quan thanh toán)

Nửa phiếu này lưu lại trong sổ

Nửa phiếu này, cơ quan thanh toán trợ cấp dùng làm chứng từ quyết toán