Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 08-BYT/TT

Hà Nội, ngày 03 tháng 6 năm 1993

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ SỐ 08-BYT/TT NGÀY 03 THÁNG 6 NĂM 1993 HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ KIỂM TOÁN ÁP DỤNG CHO CÁC ĐƠN VỊ BẢO HIỂM Y TẾ

Thi hành Nghị định số 299/HĐBT ngày 15/8/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Điều lệ Bảo hiểm y tế, tại Thông tư số 01 TT/LB ngày 20/2/1993 của Liên Bộ Y tế - Tài chính hướng dẫn chế độ thu, chi quỹ bảo hiểm y tế quy định: "Bảo hiểm y tế tỉnh, thành phố, Bảo hiểm y tế Việt Nam thực hiện hạch toán kế toán vận dụng chế độ kế toán hành chính sự nghiệp ban hành theo Quyết định 257-TC/CĐKT của Bộ trưởng Bộ Tài chính". Theo đề nghị của Bảo hiểm y tế Việt Nam, sau khi được sự đồng ý của Bộ Tài chính tại công văn số 25-TC/CĐKT ngày 29/5/1993, Bộ Y tế ban hành Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho Bảo hiểm y tế Việt Nam, Bảo hiểm y tế tỉnh, thành phố, ngành và các chi nhánh Bảo hiểm y tế ở các tỉnh, thành phố như sau:

I. HỆ THỐNG TÀI KHOẢN KẾ TOÁN:

A. KHÔNG SỬ DỤNG CÁC TÀI KHOẢN, TIỂU KHOẢN, TIẾT KHOẢN TRONG QUYẾT ĐỊNH 257-TC/CĐKT:

- Tiểu khoản 101 "Tài sản cố định dùng trong sản xuất kinh doanh", tiểu khoản 102 "Tài sản cố định dùng trong hành chính sự nghiệp", tiểu khoản 103 "Tài sản cố định dùng trong phúc lợi tập thể", tiểu khoản 104 "Tài sản cố định cờ xử lý" của tài khoản 10 "Tài sản cố định". Việc hạch toán chi tiết tài sản cố định thực hiện phân loại theo công dụng của tài sản cố định.

- Tài khoản 66 "Vốn tham gia liên doanh".

- Tiểu khoản 693 "Thanh toán các đối tượng khác" của tài khoản 69 thanh toán với công nhân viên và các đối tượng khác.

- Tiểu khoản 803 "Nguồn vốn liên doanh" của tài khoản 80 "Nguồn vốn cố định".

- Tài khoản 81 "Nguồn vốn lưu động".

- Các tiết khoản 8411 "kinh phí cấp năm trước", 8412 "kinh phí cấp năm sau" của tài khoản 84 "nguồn kinh phí".

- Tài khoản 92 "vay đối tượng khác".

B. SỬA LẠI TÊN, NỘI DUNG HẠCH TOÁN VÀ BỔ SUNG SỬA ĐỔI MỘT SỐ TÀI KHOẢN, TIỂU KHOẢN, TIẾT KHOẢN TRONG QĐ 257-TC/CĐKT NGÀY 01/6/1990 CỦA BỘ TÀI CHÍNH CHO PHÙ HỢP VỚI BẢO HIỂM Y TẾ

1. Tài khoản 38 "Chi hành chính sự nghiệp" đổi tên thành tài khoản 38 "Chi Bảo hiểm y tế".

- Tiểu khoản 381 "Năm trứơc" thêm ba tiết khoản 3811 "chi khám, chữa bệnh", 3812 "chi quản lý sự nghiệp Bảo hiểm y tế", 3813 "chi phí 2% nộp lên".

- Tiểu khoản 382 "Năm nay" thêm ba tiết khoản: tiết khoản 3821 "Chi khám chữa bệnh", 3822 "Chi quản lý sự nghiệp Bảo hiểm y tế", 3823 "Chi phí 2% nộp lên".

- Nội dung hạch toán vào tài khoản, tiểu khoản, tiết khoản của tài khoản 38 "Chi Bảo hiểm y tế" theo mục lục ngân sách Nhà nước đồng thời phải hạch toán chi phí theo nguồn kinh phí của từng nguồn quỹ chuyên dùng của từng tiết khoản. Cuối kỳ khoản chi thuộc nguồn nào sẽ quyết toán với nguồn đó.

2. Tài khoản 51 "Tiền gửi Kho Bạc Nhà nước".

- Đổi tên tiểu khoản 514 "Tiền gửi ngân hàng khác" thành "Tiền gửi ký quỹ của các tỉnh, thành phố".

Tiểu khoản này dùng cho Bảo hiểm y tế Việt Nam để phản ánh khoản tiền ký quỹ của Bảo hiểm y tế các tỉnh, thành phố ký quỹ tại Bảo hiểm y tế Việt Nam.

+ Tiểu khoản 515 "Tiền gửi quỹ dự phòng rủi ro".

Tiểu khoản này sử dụng cho Bảo hiểm y tế Việt Nam để phản ánh số tiền gửi về quỹ dự phòng rủi ro của ngành Bảo hiểm y tế tại ngân hàng.

+ Tiểu khoản 516 "Tiền gửi ngân hàng khác".

3. Tài khoản 60 "Thanh toán với người bán". Tài khoản này mở 2 tiểu khoản.

- Tiểu khoản 601 "Thanh toán với người bán". Tiểu khoản này dùng cho các đơn vị Bảo hiểm y tế để phản ánh quan hệ thanh toán giữa đơn vị với người bán, người cung cấp vật tư điện nước, bưu phí... và người nhận thầu xây dựng cơ bản.

- Tiểu khoản 602 "Thanh toán với cơ sở khám, chữa bệnh":

Tiểu khoản này dùng để theo dõi việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh giữa đơn vị Bảo hiểm y tế với các cơ sở khám, chữa bệnh theo hợp đồng ký kết cho những bệnh nhân có thẻ Bảo hiểm y tế.

4. Tài khoản 62 "Các khoản phải thu, phải trả".

- Đổi tên tiểu khoản 622 "Các khoản phải thu, phải trả" thành "Các khoản phải thu".

- Mở thêm tiểu khoản 623 "Các khoản phải trả":

- Nội dung hạch toán vào tài khoản này là các khoản nợ phải thu phải trả của cá nhân trong và ngoài đơn vị và với các đơn vị khác. Ngoài ra còn hạch toán vào tài khoản 62 "Các khoản phải thu, phải trả" các khoản về thanh toán chi trả hộ tiền khám, chữa bệnh giữa các đơn vị Bảo hiểm y tế với nhau.

5. Tài khoản 63 "Thanh toán nội bộ ngành".

- Đổi tên tiểu khoản 631 "Vốn kinh phí" thành "Thanh toán với chi nhánh".

Tiểu khoản này dùng cho các đơn vị Bảo hiểm y tế để phản ánh số kinh phí đã ứng cho chi nhánh và việc thanh toán kinh phí đó cho hoạt động của chi nhánh.

- Mở thêm 3 tiểu khoản:

+ Tiểu khoản 633 "Thanh toán kinh phí 2%". Tiểu khoản này dùng cho Bảo hiểm y tế các tỉnh, thành phố phản ánh số tiền phải trích 2% về thu đóng Bảo hiểm y tế và số đã nộp về Bảo hiểm y tế Việt Nam.

+ Tiểu khoản 634 "Tiền ký qũy".

Tiểu khoản này dùng cho Bảo hiểm y tế các tỉnh, thành phố, ngành để phản ánh số tiền đã gửi ký quỹ tại Bảo hiểm y tế Việt Nam để nhờ Bảo hiểm y tế Việt Nam đứng ra thanh toán chi trả hộ tiền khám, chữa bệnh cho các bệnh nhân đi khám, chữa bệnh ngoài tuyến hoặc chuyển lên tuyến trên.

+ Tiểu khoản 635 "Tiền nhận ký quỹ".

Tiểu khoản này sử dụng cho Bảo hiểm y tế Việt Nam phản ánh số tiền đã nhận ký quỹ của Bảo hiểm y tế các tỉnh, thành phố.

6. Tài khoản 68 "Thanh toán Bảo hiểm".

Tài khoản này mở thêm tiểu khoản 683 "Bảo hiểm y tế" để phản ánh số trích Bảo hiểm y tế của cán bộ công nhân viên trong đơn vị Bảo hiểm y tế và việc dùng số tiền trích được mua Bảo hiểm y tế cho cán bộ công nhân viên.

7. Đổi tên tài khoản 69 "Thanh toán với công nhân viên và các đối tượng khác" thành: "thanh toán với công nhân viên".

8. Tài khoản 83 "Quỹ cơ quan".

- Đổi tên tiểu khoản 831 "Quỹ phát triển sản xuất" thành "Quỹ phát triển từ thiện Bảo hiểm y tế".

- Đổi tên và gộp 2 tiểu khoản 833 "Quỹ khen thưởng" và 834 "Quỹ phúc lợi" thành tiểu khoản 832 "Quỹ khen thưởng, phúc lợi".

- Mở thêm một tiểu khoản 833 "Quỹ dự phòng rủi ro". Tiểu khoản này dùng cho Bảo hiểm y tế Việt Nam để phản ánh việc trích lập quỹ dự phòng rủi ro của ngành Bảo hiểm y tế.

9. Đổi tên tài khoản 84 "Nguồn kinh phí" thành "Nguồn thu quỹ Bảo hiểm y tế".

- Tiểu khoản 841 "Ngân sách cấp". Tiểu khoản này hạch toán với các khoản viện trợ và quà biếu của các tổ chức cá nhân ở nước ngoài được cơ quan tài chính ghi thu, ghi chi qua ngân sách và các khoản kinh phí được Nhà nước hoặc cấp trên cấp kinh phí bằng tiền mặt, hiện vật (nếu có).

- Đổi tên tiểu khoản 842 "Nguồn kinh phí khác" thành "Nguồn thu đóng Bảo hiểm y tế". Tiểu khoản này dùng cho các đơn vị Bảo hiểm y tế để hạch toán toàn bộ nguồn thu về đóng Bảo hiểm y tế cho tất cả các đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế bắt buộc và Bảo hiểm y tế tự nguyện. Số thu về Bảo hiểm y tế tự nguyện ghi vào tiểu khoản này là số tiền do các đại lý nộp bằng 80% số thực thu về Bảo hiểm y tế tự nguyện.

Để quản lý kinh phí chi tiêu theo từng nguồn thu được trích, tiểu khoản này mở thêm các tiết khoản như sau:

8421 "Quỹ khám, chữa bệnh".

8422 "Quỹ quản lý sự nghiệp Bảo hiểm y tế".

8423 "Quỹ kinh phí nộp lên": Tiết khoản này dùng cho Bảo hiểm y tế các tỉnh, thành phố, ngành phản ánh nguồn kinh phí trích nộp 2% lên Bảo hiểm y tế Việt Nam.

8424 "Quỹ 1,5%": Tiết khoản này dùng cho Bảo hiểm y tế Việt Nam phản ánh số tiền phải chuyển sang lập quỹ dự phòng rủi ro.

- Mở thêm tiểu khoản 843: "Thu khác": Tiểu khoản này phản ánh các khoản thu khác của Bảo hiểm y tế không phản ánh ở các tiểu khoản trên, gồm các khoản thu do các cơ quan, xí nghiệp, đoàn thể, cá nhân trong nước hỗ trợ cho sự nghiệp Bảo hiểm y tế, các khoản thu về lãi tiền gửi của kinh phí hoạt động thường xuyên, lãi của kinh doanh dịch vụ chuyển sang bổ sung cho kinh phí hoạt động của đơn vị (nếu có).

10. Đổi tên tài khoản 90 "Vay ngân hàng" thành "Nguồn vốn vay" và chia thành 2 tiểu khoản:

- Tiểu khoản 901 "Vay ngân hàng".

- Tiểu khoản 902 "Vay đối tượng khác".

Tiểu khoản này hạch toán các khoản tiền vay khác ngoài hệ thống ngân hàng.

- Không hạch toán vào tài khoản 90 "Nguồn vốn vay" khoản tiền vay từ quỹ dự phòng rủi ro.

11. Các tài khoản ngoài Bảng cân đối tài khoản, sử dụng các tài khoản sau:

- Tài khoản 01 "Tài sản cố định thuê ngoài".

- Tài khoản 03 "Vật tư hàng hoá nhận giữ hộ, bán hộ".

- Tài khoản 07 "Ngoại tệ các loại".

Nội dung, phương pháp ghi chép các tài khoản xem Phụ lục số 1 kèm theo Thông tư này.

II. SỔ KẾ TOÁN

1. Không sử dụng 3 mẫu sổ trong hệ thống kế toán hành chính sự nghiệp ban hành theo Quyết định số 275-TC/QĐKT ngày 01/06/1990 của Bộ Tài chính.

- Sổ theo dõi kinh phí cấp trong hạn mức (Mẫu số 16-SKT/HCSN).

- Sổ theo dõi kinh phí ngoài hạn mức (mẫu số 17-SKT/HCSN).

- Sổ phân phối hạn mức kinh phí (mẫu số 18-SKT/HCSN).

2. Bổ sung thêm các mẫu sổ sau và thống nhất ghi ký hiệu là SKT/BHYT.

- Sổ nhật ký thu đóng Bảo hiểm y tế (Mẫu số 16-SKT/BHYT).

- Sổ tổng hợp thu đóng Bảo hiểm y tế (Mẫu số 17-SKT/BHYT).

- Sổ theo dõi thu đóng Bảo hiểm y tế các đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế tự nguyện (Mẫu số 18-SKT/BHYT).

- Sổ thanh toán với các đại lý về tiền thu đóng Bảo hiểm y tế các đối tượng tự nguyện (Mẫu số 19-SKT/BHYT).

Hệ thống sổ kế toán, hình thức sổ kế toán, các mẫu sổ và phương pháp ghi chép từng sổ xem phụ lục 2 kèm theo Thông tư này.

III. BÁO CÁO KẾ TOÁN:

Để cho phù hợp với thu chi của Bảo hiểm y tế không sử dụng 2 mẫu báo cáo 01/BCKT và 02/BCKT trong hệ thống báo cáo cho các đơn vị hành chính sự nghiệp ban hành theo Quyết định số 257-TC/CĐKT ngày 01/6/1990 của Bộ Tài chính và thay bằng 2 mẫu báo cáo sau:

- Bảng cân đối tài khoản (Mẫu số 01-BCKT/BHYT).

- Báo cáo cân đối thu chi nguồn thu của quỹ Bảo hiểm y tế (Mẫu số 02-BCKT/BHYT).

- Ở những đơn vị có kinh doanh dịch vụ lập thêm biểu"kết quả kinh doanh" (mẫu số 04-BCKT/BHYT).

Mẫu báo cáo và cách lập báo cáo xem phụ lục số 3 kèm theo Thông tư này.

IV. KHOẢN THI HÀNH:

Trên đây là một số nội dung hướng dẫn có bổ sung sửa đổi vận dụng chế độ kế toán hành chính sự nghiệp cho các đơn vị Bảo hiểm y tế. Các nội dung khác không sửa đổi ở Thông tư này vẫn thực hiện theo hướng dẫn trong Quyết định số 257-TC/CĐKT ngày 01/6/1990 của Bộ Tài chính. Các cơ quan BHYT các tỉnh, thành phố và BHYT ngành cần nghiêm chỉnh chấp hành và chịu trách nhiệm về chế độ gửi báo cáo với cơ quan chủ quản, tài chính và BHYT Việt Nam.

Thông tư này thực hiện từ ngày 01/7/1993.

Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc đề nghị BHYT Việt Nam, các Sở Y tế, Bảo hiểm y tế tỉnh, thành phố phản ánh về Bộ Y tế để kịp thời nghiên cứu bổ sung sửa đổi.

Lê Ngọc Trọng

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 08-BYT/TT năm 1993 hướng dẫn chế độ kiểm toán áp dụng cho các đơn vị Bảo hiểm y tế do Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 08-BYT/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 03/06/1993
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Lê Ngọc Trọng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/07/1993
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản