Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 08-BYT/TT

Hà Nội, ngày 09 tháng 05 năm 1961

THÔNG TƯ

VỀ CHẾ ĐỘ Y BẠ

Kính gửi:

- Các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh
- Các sở, Ty y tế

Để theo dõi được thường xuyên tình hình sức khỏe, thực hiện được kịp thời việc phòng bệnh, chữa bệnh và bố trí công tác thích hợp với thể lực của mỗi người, nhằm giữ gìn tốt sức khỏe của cán bộ, công nhân viên, bảo đảm sản xuất và công tác, Bộ Y tế ra thông tư này quy định việc khám sức khỏe lập y bạ thành một chế độ.

A. ĐỐI TƯỢNG KHÁM SỨC KHỎE LẬP Y BẠ.

Những người sau đây phải được khám sức khỏe lập y bạ:

1. Những cán bộ, công nhân viên trong biên chế Nhà nước, bao gồm tất cả các loại cơ sở sản xuất, kinh doanh, xây dựng, các cơ quan hành chính sự nghiệp, thuộc trung ương cũng như của địa phương.

2. Những cán bộ, công nhân viên trong biên chế các cơ sở công tư hợp doanh.

3. Những người thuộc các cơ sở trên đây, tuy chưa được vào biên chế, nhưng làm việc lâu dài từ 6 tháng trở lên.

B. THỜI GIAN KHÁM SỨC KHỎE, LẬP Y BẠ VÀ ĐỊNH KỲ KIỂM TRA LẠI

Khi tuyển dụng cán bộ, công nhân viên, việc khám sức khỏe phải dựa vào mẫu sổ y bạ và theo tiêu chuẩn quy định cho từng ngành, nghề. Đối với những người đủ tiêu chuẩn tuyển dụng, việc lập sổ y bạ phải làm ngay trước khi đó nhận công tác; và dựa vào việc khám sức khỏe nói trên. Đối với những người ngoài biên chế làm những công việc lâu dài cũng phải làm như vậy, chứ không phải để sáu tháng sau mới làm.

Đối với những cán bộ, công nhân viên cũ, việc lập y bạ ở nhiều nơi còn gặp khó khăn nên chưa hoàn thành. Trong năm 1961 cần phải thực hiện cho xong ít nhất là 70% tổng số cán bộ, công nhân viên để có thể hoàn thành trong năm 1962. Tuy nhiên, những nơi có điều kiện, vẫn cần xúc tiến hoàn thành trong năm 1961.

Sau khi đã được khám sức khỏe lập y bạ rồi, tất cả các cán bộ, công nhân viên đều phải thường kỳ được kiểm tra lại sức khỏe. Đối với khu vực sản xuất, nói chung cứ 1 năm phải khám lại 1 lần. Riêng đối với một số nghề có độc, hại cần phải khám kiểm tra định kỳ sớm hơn (3 tháng 1 lần, 6 tháng 1 lần…) và sẽ có quy định riêng. Do điều kiện về cán bộ và phương tiện lúc đầu còn thiếu thốn, việc khám kiểm tra lại sức khỏe lần đầu đối với cán bộ, công nhân viên thuộc khu vực hành chính, sự nghiệp, quy định là 2 năm sau ngày thành lập y bạ. Sau đó sẽ tiến hành kiểm tra định kỳ mỗi năm 1 lần.

Đối với công nhân trực tiếp sản xuất, mỗi lần chuyển từ nghề này qua nghề khác, phải kiểm tra lại sức khỏe và có đối chiếu với tiêu chuẩn sức khỏe của nghề mới.

Trường hợp không thay đổi nghề mà chỉ là thuyên chuyển từ cơ sở này sang cơ sở khác, nếu người công nhân làm công việc có tính chất có thể gây bệnh nghề nghiệp (bệnh nghề nghiệp được chính thức quy định) cũng cần phải kiểm tra lại sức khỏe trước khi sang cơ sở mới để xác định cơ sở nào có trách nhiệm thi hành chế độ bảo hiểm xã hội, nếu có bệnh nghề nghiệp xảy ra.

Các trường hợp khác sẽ khám sức khỏe kiểm tra lại theo như định kỳ đã được quy định.

C. QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM KHÁM SỨC KHỎE THEO CHẾ ĐỘ Y BẠ

Việc khám sức khỏe theo chế độ y bạ ở những cơ sở có y, bác sĩ, do các cơ sở tự làm lấy. Những phần khám, xét mà cơ sở không có phương tiện làm (như chiếu điện, chụp điện phổi,… xét nghiệm máu, nước tiểu,…) sẽ do cơ quan y tế địa phương (ty, sở) phụ trách và có kế hoạch thực hiện dần dần (tiền phí tổn về những việc khám xét do cơ sở quản lý cán bộ, công nhân viên chịu trách nhiệm thanh toán).

Đối với những cơ sở không có y, bác sĩ, cơ quan y tế địa phương sẽ chịu trách nhiệm thực hiện việc khám sức khỏe theo chế độ y bạ cho cán bộ công nhân viên. Ở những thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, số lượng công nhân đông, Sở Y tế cần có kế hoạch chu đáo, tận dụng hết khả năng các y bác sĩ của các phòng y tế, các bệnh viện,v.v… tiến hành việc khám sức khỏe theo chế độ y bạ một cách thường xuyên, đảm bảo đúng thời gian đã quy định. Những phần mà khả năng của y tá làm được (như hỏi về tiền sử, cân, đo,…) cần hướng dẫn cách làm thống nhất cho y tá cơ sở làm trước.

D. VIỆC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG SỔ Y BẠ

Sổ y bạ của tất cả cán bộ, công nhân viên đều do bộ phận y tế cơ sở giữ và giữ ở tổ chức thấp nhất, ví dụ như ở xí nghiệp lớn do y tá phân xưởng giữ, ở nông trường do y tá khu vực giữ,v.v… ở những cơ sở chưa có tổ chứcy tế, Thủ trưởng có thể tạm thời giao cho bộ phận hành chính quản trị hoặc công đoàn cơ sở giữ.

Mỗi lần người cán bộ, công nhân đau ốm phải giới thiệu lên y tế cấp trên hoặc đi bệnh viện, phải cho mang theo bản chép của sổ y bạ để giúp cho việc chẩn đoán và chữa bệnh được tốt. Và khi đó việc chuẩn đoán, cách điều trị,v.v… phải có ghi vào sổ y bạ để tiện việc theo dõi nghiên cứu.

Tất cả các sổ y bạ cũ và mới đều phải được lưu lại.Khi người cán bộ, công nhân viên được thuyên chuyển công tác sang một đơn vị khác, phải mang theo sổ y bạ tới đơn vị mới.

Sổ y bạ mới phải làm theo mẫu thống nhất của Bộ đã ban hành, theo công văn số 746-BYT/FB ngày 8 tháng 2 năm 1960.

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ




Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 08-BYT/TT năm 1961 về chế độ y bạ do Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 08-BYT/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 09/05/1961
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Phạm Ngọc Thạch
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 21
  • Ngày hiệu lực: 24/05/1961
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản