Hệ thống pháp luật

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2022/TT-BTTTT

Hà Nội, ngày 30 tháng 6 năm 2022

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH MÃ SỐ, TIÊU CHUẨN CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP VÀ XẾP LƯƠNG ĐỐI VỚI VIÊN CHỨC CHUYÊN NGÀNH CÔNG NGHỆ THÔNG TIN, AN TOÀN THÔNG TIN

Căn cứ Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày 25 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;

Căn cứ Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;

Căn cứ Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Nghị định số 17/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;

Căn cứ Nghị định số 17/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ;

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin, an toàn thông tin,

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin, an toàn thông tin (trong trường hợp đơn vị sự nghiệp bố trí vị trí chuyên trách an toàn thông tin theo đề án vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt).

2. Thông tư này áp dụng đối với các chức danh viên chức đang làm công nghệ thông tin, an toàn thông tin tại các đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Các từ ngữ trong Thông tư này được hiểu như sau:

1. Các ngành đào tạo về công nghệ thông tin, bao gồm: Sư phạm tin học, toán ứng dụng, toán tin, đảm bảo toán học cho máy tính và hệ thống tính toán, điện tử và tin học, công nghệ truyền thông và các ngành thuộc nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin trong Danh mục giáo dục đào tạo cấp IV trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định và Danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.

2. Các ngành gần đào tạo về công nghệ thông tin bao gồm: Điện tử - Viễn thông; Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông; Kỹ thuật điện tử; Kỹ thuật viễn thông; Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; Công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông; Hệ thống thông tin quản lý; Kỹ thuật điện tử - viễn thông; Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa; Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa; Cơ sở toán học cho tin học.

Điều 3. Mã số các chức danh nghề nghiệp

1. Chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành an toàn thông tin, bao gồm:

a) An toàn thông tin hạng I - Mã số V.11.05.09

b) An toàn thông tin hạng II - Mã số V.11.05.10

c) An toàn thông tin hạng III- Mã số V.11.05.11

d) An toàn thông tin hạng IV- Mã số V.11.05.12

2. Chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin, bao gồm:

a) Công nghệ thông tin hạng I - Mã số V. 11.06.12

b) Công nghệ thông tin hạng II - Mã số V. 11.06.13

c) Công nghệ thông tin hạng III- Mã số V. 11.06.14

d) Công nghệ thông tin hạng IV- Mã số V. 11.06.15

Điều 4. Tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp

1. Chấp hành các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của ngành và địa phương về thông tin và truyền thông.

2. Trung thực, khách quan, có tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc được giao; thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ của người viên chức trong hoạt động nghề nghiệp.

3. Có ý thức trau dồi đạo đức, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín nghề nghiệp; không lạm dụng vị trí công tác, nhiệm vụ được phân công để trục lợi; đoàn kết, sáng tạo, sẵn sàng tiếp thu, học hỏi cái mới, tự nâng cao trình độ; có ý thức phối hợp, giúp đỡ đồng nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác; tích cực tham gia nghiên cứu đề tài khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật để phát triển nghề nghiệp và nâng cao trình độ.

4. Tuân thủ pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước; đảm bảo an toàn, bí mật thông tin và an ninh, quốc phòng.

Chương II

TIÊU CHUẨN CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP

Mục 1. CHỨC DANH AN TOÀN THÔNG TIN

Điều 5. An toàn thông tin hạng I - Mã số V.11.05.09

1. Nhiệm vụ:

a) Chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, dự án về an toàn thông tin quy mô cấp bộ, ngành hoặc tương đương trở lên;

b) Chỉ đạo tổ chức thiết kế, xây dựng và triển khai phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ cho các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu tích hợp quy mô quốc gia, toàn ngành, liên ngành, cấp bộ hoặc cho vùng kinh tế hoặc liên tỉnh, tỉnh;

c) Chỉ đạo xây dựng kế hoạch bảo vệ hệ thống thông tin; xây dựng chính sách an toàn thông tin mạng; thực hiện kiểm tra, đánh giá mức độ chấp hành phương án đảm bảo an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ đã được phê duyệt;

d) Thẩm định các đề án, dự án về an toàn thông tin cho hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu tích hợp;

đ) Giải quyết các vấn đề phức tạp về an toàn thông tin; trực tiếp tham gia duy trì, bảo hành, bảo dưỡng các hệ thống đảm bảo an toàn cho các hệ thống thông tin của đơn vị, ngành theo nhiệm vụ được giao; ứng cứu, khắc phục sự cố về an toàn thông tin mạng, gián đoạn hoạt động hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khi có yêu cầu;

e) Chủ trì biên soạn các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, quy chế, quy trình an toàn thông tin; xây dựng chương trình, tài liệu và tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho viên chức an toàn thông tin hạng thấp hơn.

g) Chủ trì hoặc tham gia đề tài nghiên cứu khoa học chuyên ngành an toàn thông tin; tổng kết rút kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý kỹ thuật và triển khai an toàn thông tin trong thực tiễn;

h) Tham gia thực hiện các nhiệm vụ phối hợp về an ninh mạng theo quy định hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

2. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

a) Am hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật và định hướng phát triển, chiến lược, chính sách của ngành an toàn thông tin;

b) Thành thạo nghiệp vụ chuyên ngành; am hiểu tình hình và xu thế phát triển của ngành an toàn thông tin trong nước và thế giới; có khả năng tổ chức nghiên cứu, cập nhật, ứng dụng công nghệ, nền tảng và tiêu chuẩn mới trong hoạt động nghề nghiệp;

c) Thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về an toàn thông tin và các quy định của pháp luật khác có liên quan;

d) Có năng lực tổ chức chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, có kỹ năng soạn thảo văn bản nghiệp vụ và thuyết trình các vấn đề được giao tham mưu, đề xuất;

đ) Sử dụng được ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số (đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số) theo yêu cầu của vị trí việc làm.

3. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

a) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên các ngành đào tạo về công nghệ thông tin hoặc các ngành gần đào tạo về công nghệ thông tin;

b) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp an toàn thông tin.

4. Yêu cầu đối với viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp an toàn thông tin hạng I

a) Có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp an toàn thông tin hạng II hoặc tương đương tối thiểu là 06 năm (đủ 72 tháng). Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) giữ chức danh nghề nghiệp an toàn thông tin hạng II tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng;

b) Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp an toàn thông tin hạng II hoặc tương đương đã chủ trì nghiên cứu, xây dựng ít nhất 02 (hai) đề tài, đề án, dự án, chương trình về lĩnh vực an toàn thông tin cấp nhà nước, cấp bộ, cấp ban, ngành hoặc cấp tỉnh mà đơn vị sử dụng viên chức được giao chủ trì nghiên cứu, xây dựng đã được cấp có thẩm quyền nghiệm thu, ban hành; hoặc chủ trì xây dựng phương án đảm bảo an toàn hệ thống thông tin đối với ít nhất 02 (hai) hệ thống thông tin cấp độ 4,5 được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hoặc chủ trì nghiên cứu, phát triển ít nhất 01 (một) sản phẩm, giải pháp an toàn thông tin đạt giải thưởng cấp bộ hoặc tương đương trở lên.

Điều 6. An toàn thông tin hạng II - Mã số V.11.05.10

1. Nhiệm vụ:

a) Chủ trì hoặc tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, dự án về an toàn thông tin của cơ quan, đơn vị;

b) Chủ trì hoặc tham gia tổ chức thiết kế, xây dựng và triển khai phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ cho các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu tích hợp quy mô quốc gia, toàn ngành, liên ngành, cấp bộ hoặc cho vùng kinh tế hoặc liên tỉnh, tỉnh;

c) Chủ trì hoặc tham gia xây dựng kế hoạch bảo vệ hệ thống thông tin; thực hiện kiểm tra, đánh giá mức độ chấp hành phương án đảm bảo an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ đã được phê duyệt;

d) Thẩm định các đề án, dự án về an toàn thông tin cho hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu tích hợp;

đ) Giải quyết các vấn đề phức tạp về an toàn thông tin; trực tiếp tham gia duy trì, bảo hành, bảo dưỡng các hệ thống đảm bảo an toàn cho các hệ thống thông tin của đơn vị, ngành theo nhiệm vụ được giao; ứng cứu, khắc phục sự cố về an toàn thông tin mạng, gián đoạn hoạt động hạ tầng kỹ thuật, hệ thống phần mềm, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khi có yêu cầu;

e) Chủ trì hoặc tham gia biên soạn các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, quy chế, quy trình, quy phạm về an toàn thông tin; xây dựng chính sách an toàn thông tin; xây dựng chương trình, tài liệu và tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho viên chức an toàn thông tin hạng thấp hơn;

g) Chủ trì hoặc tham gia đề tài nghiên cứu khoa học chuyên ngành an toàn thông tin; tổng kết rút kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý kỹ thuật và triển khai an toàn thông tin trong thực tiễn;

h) Tham gia xây dựng các định mức kinh tế - kỹ thuật trong phân tích, thiết kế và triển khai các hệ thống an toàn thông tin;

i) Tham gia thực hiện các nhiệm vụ phối hợp về an ninh mạng theo quy định hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

2. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:

a) Nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật và định hướng phát triển, chiến lược, chính sách của ngành an toàn thông tin;

b) Thành thạo nghiệp vụ chuyên ngành; nắm vững tình hình và xu thế phát triển của ngành an toàn thông tin trong nước và thế giới; có khả năng tổ chức nghiên cứu, cập nhật, ứng dụng công nghệ, nền tảng và tiêu chuẩn mới trong hoạt động nghề nghiệp;

c) Thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về an toàn thông tin và các quy định của pháp luật khác có liên quan;

d) Có khả năng làm việc độc lập hoặc làm việc nhóm, có kỹ năng soạn thảo văn bản nghiệp vụ và thuyết trình các vấn đề được giao tham mưu, đề xuất;

đ) Sử dụng được ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số (đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số) theo yêu cầu của vị trí việc làm.

3. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:

a) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên các ngành đào tạo về công nghệ thông tin hoặc các ngành gần đào tạo về công nghệ thông tin;

b) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp an toàn thông tin.

4. Yêu cầu đối với viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp an toàn thông tin hạng II

a) Có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp an toàn thông tin hạng III hoặc tương đương tối thiểu là 09 năm (đủ 108 tháng, không kể thời gian tập sự, thử việc). Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) giữ chức danh nghề nghiệp an toàn thông tin hạng III tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng;

b) Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp an toàn thông tin hạng III hoặc tương đương đã chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu, xây dựng ít nhất 02 (hai) đề tài, đề án, dự án, chương trình về lĩnh vực an toàn thông tin từ cấp cơ sở trở lên mà đơn vị sử dụng viên chức được giao chủ trì nghiên cứu đã được cấp có thẩm quyền nghiệm thu, ban hành; hoặc chủ trì hoặc tham gia xây dựng phương án đảm bảo an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ đối với ít nhất 02 (hai) hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên được cấp có thẩm quyền nghiệm thu; hoặc chủ trì xây dựng ít nhất 02 (hai) quy chế, quy định, quy trình kỹ thuật về an toàn thông tin được cấp có thẩm quyền ban hành; hoặc tham gia nghiên cứu, phát triển ít nhất 01 (một) sản phẩm, giải pháp an toàn thông tin đạt giải thưởng cấp bộ, cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên.

Điều 7. An toàn thông tin hạng III - Mã số V.11.05.11

1. Nhiệm vụ:

a) Duy trì, bảo hành, bảo dưỡng các hệ thống đảm bảo an toàn cho các hệ thống thông tin của đơn vị, ngành theo nhiệm vụ được giao; giải quyết các sự cố về an toàn thông tin hệ thống phần mềm, hệ thống thông tin, CSDL khi có yêu cầu;

b) Xây dựng và triển khai phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ cho các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu;

c) Thẩm định các đề án, dự án về an toàn thông tin cho hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu tích hợp; thực hiện kiểm tra, đánh giá mức độ chấp hành phương án đảm bảo an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ đã được phê duyệt;

d) Xây dựng quy trình thao tác chuẩn phản ứng, xử lý sự cố máy tính;

đ) Tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, dự án về an toàn thông tin của cơ quan, đơn vị.

đ) Tham gia biên soạn các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, quy trình, quy phạm về an toàn thông tin; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho viên chức an toàn thông tin hạng thấp hơn; xây dựng các định mức kinh tế - kỹ thuật trong phân tích, thiết kế và triển khai các hệ thống an toàn thông tin.

e) Tham gia đề tài nghiên cứu khoa học chuyên ngành an toàn thông tin; tổng kết rút kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý kỹ thuật và triển khai an toàn thông tin trong thực tiễn;

g) Tham gia thực hiện các nhiệm vụ phối hợp về an ninh mạng theo quy định hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

2. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

a) Nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật và định hướng phát triển, chiến lược, chính sách của ngành an toàn thông tin;

b) Nắm được tình hình và xu thế phát triển của ngành an toàn thông tin trong nước và thế giới; có khả năng tổ chức nghiên cứu, cập nhật, ứng dụng công nghệ, nền tảng và tiêu chuẩn mới trong hoạt động nghề nghiệp;

c) Thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về an toàn thông tin và các quy định của pháp luật khác có liên quan;

d) Có khả năng làm việc độc lập hoặc làm việc nhóm, có kỹ năng soạn thảo văn bản nghiệp vụ và thuyết trình các vấn đề được giao tham mưu, đề xuất;

đ) Sử dụng được ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số (đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số) theo yêu cầu của vị trí việc làm.

3. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

a) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên các ngành đào tạo về công nghệ thông tin hoặc các ngành gần đào tạo về công nghệ thông tin;

b) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp an toàn thông tin.

4. Yêu cầu đối với viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp an toàn thông tin hạng III

Có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp an toàn thông tin hạng IV hoặc tương đương tối thiểu là 02 năm (đủ 24 tháng, không kể thời gian tập sự, thử việc). Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) giữ chức danh nghề nghiệp an toàn thông tin hạng IV tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Điều 8. An toàn thông tin hạng IV - Mã số V.11.05.12

1. Nhiệm vụ

a) Duy trì, bảo hành, bảo dưỡng các hệ thống đảm bảo an toàn cho các hệ thống thông tin của đơn vị, ngành theo nhiệm vụ được giao; phối hợp giải quyết các sự cố về an toàn thông tin hệ thống phần mềm, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khi có yêu cầu;

b) Thực hiện quy trình thao tác chuẩn phản ứng, xử lý sự cố máy tính;

c) Tham gia thực hiện các chương trình, đề án, dự án về an toàn thông tin của cơ quan, đơn vị;

d) Tham gia hỗ trợ biên soạn các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, quy trình, quy phạm về an toàn thông tin;

đ) Tham gia đề tài nghiên cứu khoa học chuyên ngành an toàn thông tin;

e) Tham gia thực hiện các nhiệm vụ phối hợp về an ninh mạng theo quy định hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

2. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

a) Nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật và định hướng phát triển, chiến lược, chính sách của ngành an toàn thông tin;

b) Nắm được tình hình và xu thế phát triển của ngành an toàn thông tin trong nước và thế giới; có khả năng tổ chức nghiên cứu, cập nhật, ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động nghề nghiệp;

c) Thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về an toàn thông tin và các quy định của pháp luật khác có liên quan;

d) Có khả năng làm việc độc lập hoặc làm việc nhóm, có kỹ năng soạn thảo văn bản nghiệp vụ và thuyết trình các vấn đề được giao tham mưu, đề xuất.

3. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

a) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên các ngành đào tạo về công nghệ thông tin hoặc các ngành gần đào tạo về công nghệ thông tin;

b) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp an toàn thông tin.

Mục 2. CHỨC DANH CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

Điều 9. Công nghệ thông tin hạng I - Mã số V.11.06.12

1. Nhiệm vụ

a) Chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, dự án về công nghệ thông tin quy mô cấp bộ, ngành hoặc tương đương trở lên;

b) Chủ trì tổ chức thiết kế, phát triển, quản lý và đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu tích hợp quy mô quốc gia, toàn ngành, liên ngành, cấp bộ hoặc cho vùng kinh tế hoặc liên tỉnh, tỉnh;

c) Chủ trì xây dựng quy chế, quy trình, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin;

d) Chủ trì xây dựng chiến lược dữ liệu; hướng dẫn, giám sát việc thực hiện các hoạt động quản trị dữ liệu, quản trị chia sẻ, khai thác dữ liệu quy mô cấp bộ, ngành trở lên;

đ) Chủ trì kiểm tra, kiểm định, kiểm thử, đánh giá tính tuân thủ các yêu cầu, quy định, chính sách về công nghệ thông tin, an toàn thông tin của các cơ quan, tổ chức và các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin; thẩm định về kỹ thuật, công nghệ, phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ đối với các đề án, dự án, nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin; đánh giá hiệu quả hoạt động, kiểm tra và xác định mức độ chấp hành thiết kế cơ sở, thiết kế chi tiết đã được phê duyệt của các hệ thống thông tin;

e) Giải quyết các vấn đề phức tạp về phát triển, kết nối và tích hợp các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin; giải quyết các sự cố về an toàn thông tin, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khi có yêu cầu;

g) Chủ trì hoặc tham gia đề tài nghiên cứu khoa học về công nghệ thông tin; tổng kết, rút kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý kỹ thuật và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong thực tiễn;

h) Chủ trì hoặc tham gia xây dựng chương trình, tài liệu và tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho viên chức công nghệ thông tin hạng thấp hơn;

i) Tham gia xây dựng định mức kinh tế-kỹ thuật trong phân tích, thiết kế và ứng dụng công nghệ thông tin, an toàn thông tin;

k) Tham gia thực hiện các nhiệm vụ phối hợp về an ninh mạng theo quy định hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

2. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

a) Am hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật và định hướng phát triển, chiến lược, chính sách của ngành công nghệ thông tin, an toàn thông tin;

b) Thành thạo nghiệp vụ chuyên ngành; am hiểu tình hình và xu thế phát triển của ngành công nghệ thông tin trong nước và thế giới; có khả năng tổ chức nghiên cứu, cập nhật, ứng dụng công nghệ, nền tảng và tiêu chuẩn mới trong hoạt động nghề nghiệp;

c) Thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về công nghệ thông tin, an toàn thông tin và các quy định của pháp luật khác có liên quan;

d) Có năng lực tổ chức chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, có kỹ năng soạn thảo văn bản nghiệp vụ và thuyết trình các vấn đề được giao tham mưu, đề xuất;

đ) Sử dụng được ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số (đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số) theo yêu cầu của vị trí việc làm.

3. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

a) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên các ngành đào tạo về công nghệ thông tin hoặc các ngành gần đào tạo về công nghệ thông tin;

b) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin.

4. Yêu cầu đối với viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp công nghệ thông tin hạng I

a) Có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp công nghệ thông tin hạng II hoặc tương đương tối thiểu là 06 năm (đủ 72 tháng). Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) giữ chức danh nghề nghiệp công nghệ thông tin hạng II tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng;

b) Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp công nghệ thông tin hạng II hoặc tương đương đã chủ trì nghiên cứu, xây dựng ít nhất 02 (hai) đề tài, đề án, dự án, chương trình về lĩnh vực công nghệ thông tin cấp nhà nước, cấp bộ, ban, ngành hoặc cấp tỉnh mà đơn vị sử dụng viên chức được giao chủ trì nghiên cứu đã được cấp có thẩm quyền nghiệm thu, ban hành; hoặc chủ trì thẩm định ít nhất 02 (hai) dự án công nghệ thông tin nhóm A, B được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hoặc chủ trì nghiên cứu, phát triển ít nhất 01 (một) sản phẩm, giải pháp công nghệ thông tin đạt giải thưởng cấp bộ hoặc tương đương trở lên.

Điều 10. Công nghệ thông tin hạng II - Mã số V.11.06.13

1. Nhiệm vụ

a) Chủ trì hoặc tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, dự án về công nghệ thông tin của cơ quan, đơn vị.

b) Chủ trì hoặc tham gia phân tích, thiết kế, phát triển phần mềm, ứng dụng chuyên ngành; thiết lập, cài đặt, vận hành và bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành;

c) Chủ trì hoặc tham gia xây dựng quy chế, quy trình, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật; tham gia xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật trong phân tích, thiết kế và ứng dụng công nghệ thông tin, an toàn thông tin;

d) Kiểm tra, kiểm định, kiểm thử, đánh giá tính tuân thủ các yêu cầu, quy định, chính sách về công nghệ thông tin, an toàn thông tin của các cơ quan, tổ chức và các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin;

đ) Giải quyết các vấn đề phức tạp về phát triển, kết nối và tích hợp các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin; giải quyết các sự cố về an toàn thông tin, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khi có yêu cầu;

e) Chủ trì hoặc tham gia quản lý, vận hành hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, trung tâm tích hợp dữ liệu, các hệ thống thông tin, chương trình ứng dụng, phần mềm dùng chung của cơ quan, đơn vị;

g) Chủ trì hoặc tham gia đề tài nghiên cứu khoa học về công nghệ thông tin; tổng kết, rút kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý kỹ thuật và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong thực tiễn;

h) Tham gia xây dựng chương trình, tài liệu và tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho viên chức công nghệ thông tin hạng thấp hơn;

i) Tham gia thực hiện các nhiệm vụ phối hợp về an ninh mạng theo quy định hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

2. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:

a) Nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật và định hướng phát triển, chiến lược, chính sách của ngành công nghệ thông tin, an toàn thông tin;

b) Thành thạo nghiệp vụ chuyên ngành; nắm vững tình hình và xu thế phát triển của ngành công nghệ thông tin trong nước và thế giới; có khả năng cập nhật, ứng dụng công nghệ, nền tảng và tiêu chuẩn mới trong hoạt động nghề nghiệp;

c) Thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về công nghệ thông tin, an toàn thông tin và các quy định của pháp luật khác có liên quan;

d) Có khả năng làm việc độc lập hoặc làm việc nhóm, có kỹ năng soạn thảo văn bản nghiệp vụ và thuyết trình các vấn đề được giao tham mưu, đề xuất;

đ) Sử dụng được ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số (đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số) theo yêu cầu của vị trí việc làm.

3. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

a) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên các ngành đào tạo về công nghệ thông tin hoặc các ngành gần đào tạo về công nghệ thông tin;

b) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin.

4. Yêu cầu đối với viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp công nghệ thông tin hạng II

a) Có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp công nghệ thông tin hạng III hoặc tương đương tối thiểu là 09 năm (đủ 108 tháng, không kể thời gian tập sự, thử việc). Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) giữ chức danh nghề nghiệp công nghệ thông tin hạng III tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng;

b) Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp công nghệ thông tin hạng III hoặc tương đương đã chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu, xây dựng ít nhất 02 (hai) đề tài, đề án, dự án, chương trình về lĩnh vực công nghệ thông tin từ cấp cơ sở trở lên mà đơn vị sử dụng viên chức được giao chủ trì nghiên cứu đã được cấp có thẩm quyền nghiệm thu, ban hành; hoặc chủ trì hoặc tham gia thẩm định ít nhất 02 (hai) dự án công nghệ thông tin được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hoặc chủ trì hoặc tham gia xây dựng ít nhất 02 (hai) quy chế, quy định, quy trình kỹ thuật về công nghệ thông tin được cấp có thẩm quyền ban hành; hoặc tham gia nghiên cứu, phát triển ít nhất 01 (một) giải pháp công nghệ đạt giải thưởng cấp bộ, cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên.

Điều 11. Công nghệ thông tin hạng III - Mã số V.11.06.14

1. Nhiệm vụ

a) Quản lý, vận hành hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, trung tâm tích hợp dữ liệu, các hệ thống thông tin, chương trình ứng dụng, phần mềm dùng chung của cơ quan, đơn vị;

b) Kiểm tra, kiểm định, kiểm thử, đánh giá tính tuân thủ các yêu cầu, quy định, chính sách về công nghệ thông tin, an toàn thông tin của các cơ quan, tổ chức và các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin;

c) Tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, dự án về công nghệ thông tin của cơ quan, đơn vị;

d) Tham gia phân tích, thiết kế, lập trình, đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành;

đ) Tham gia xây dựng quy chế, quy trình, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật; tham gia xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật trong phân tích, thiết kế và ứng dụng công nghệ thông tin, an toàn thông tin; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho viên chức công nghệ thông tin hạng thấp hơn;

e) Nghiên cứu khoa học về công nghệ thông tin; tổng kết, rút kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý kỹ thuật và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong thực tiễn;

g) Tham gia thực hiện các nhiệm vụ phối hợp về an ninh mạng theo quy định hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

2. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

a) Nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật và định hướng phát triển, chiến lược, chính sách, quy định của ngành công nghệ thông tin, an toàn thông tin;

b) Nắm được tình hình và xu thế phát triển của ngành công nghệ thông tin trong nước và thế giới; có khả năng cập nhật, ứng dụng công nghệ, nền tảng và tiêu chuẩn mới trong hoạt động nghề nghiệp;

c) Có khả năng làm việc độc lập hoặc làm việc nhóm, có kỹ năng soạn thảo văn bản nghiệp vụ được giao tham mưu, đề xuất;

d) Thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về công nghệ thông tin, an toàn thông tin và các quy định của pháp luật khác có liên quan;

đ) Sử dụng được ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số (đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số) theo yêu cầu của vị trí việc làm.

3. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

a) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên các ngành đào tạo về công nghệ thông tin hoặc các ngành gần đào tạo về công nghệ thông tin;

b) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin.

4. Yêu cầu đối với viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp công nghệ thông tin hạng III

Có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp công nghệ thông tin hạng IV hoặc tương đương tối thiểu là 02 năm (đủ 24 tháng, không kể thời gian tập sự, thử việc) đối với trường hợp khi tuyển dụng có trình độ cao đẳng, 03 năm (đủ 36 tháng) (không kể thời gian tập sự, thử việc) đối với trường hợp khi tuyển dụng có trình độ trung cấp. Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) giữ chức danh nghề nghiệp công nghệ thông tin hạng IV tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Điều 12. Công nghệ thông tin hạng IV- Mã số V.11.06.15

1. Nhiệm vụ

a) Tham gia phân tích, thiết kế, phát triển, đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành;

b) Tham gia kiểm tra, kiểm định, đánh giá tính tuân thủ các yêu cầu, quy định, chính sách về công nghệ thông tin, an toàn thông tin và các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin của các cơ quan, tổ chức;

c) Tham gia quản lý, vận hành hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, các hệ thống thông tin, chương trình ứng dụng, phần mềm dùng chung của cơ quan, đơn vị; sửa chữa, khắc phục các sự cố đơn giản của các hệ thống thông tin, mạng máy tính, phần mềm, cơ sở dữ liệu của cơ quan, tổ chức;

d) Tham gia thực hiện các nhiệm vụ phối hợp về an ninh mạng theo quy định hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

2. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

a) Nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật và định hướng phát triển, chiến lược, chính sách, quy định của ngành công nghệ thông tin, an toàn thông tin;

b) Có khả năng nghiên cứu, cập nhật, ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động nghề nghiệp;

c) Thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về công nghệ thông tin, an toàn thông tin và các quy định của pháp luật khác có liên quan;

d) Có khả năng làm việc độc lập hoặc làm việc nhóm.

3. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

a) Có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên các ngành đào tạo về công nghệ thông tin hoặc các ngành gần đào tạo về công nghệ thông tin;

b) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin.

Chương III

XẾP LƯƠNG CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP AN TOÀN THÔNG TIN VÀ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

Điều 13. Nguyên tắc xếp lương

1. Việc bổ nhiệm và xếp lương vào chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin, an toàn thông tin quy định tại Thông tư này phải căn cứ vào vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ đảm nhận của viên chức.

2. Khi bổ nhiệm từ chức danh nghề nghiệp viên chức hiện giữ sang chức danh nghề nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin, an toàn thông tin tương ứng không được kết hợp nâng bậc lương hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

Điều 14. Bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp công nghệ thông tin, an toàn thông tin

1. Viên chức đã được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin theo quy định tại Thông tư số 45/2017/TT-BTTTT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin (sau đây viết tắt là Thông tư số 45/2017/TT-BTTTT) và Thông tư số 29/2020/TT-BTTTT ngày 28 tháng 10 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn bổ nhiệm và xếp lương đối với chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin (sau đây viết tắt là Thông tư số 29/2020/TT-BTTTT) và đơn vị không bố trí vị trí chuyên trách an toàn thông tin thì được bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp công nghệ thông tin tương ứng, cụ thể như sau:

a) Quản trị viên hệ thống hạng I (mã số V11.06.12), kiểm định viên công nghệ thông tin hạng I (mã số V11.07.16), phát triển phần mềm hạng I (mã số V11.08.19), an toàn thông tin hạng I (mã số V11.05.09) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp công nghệ thông tin hạng I (mã số V11.06.12);

b) Quản trị viên hệ thống hạng II (mã số V11.06.13), kiểm định viên công nghệ thông tin hạng II (mã số V11.07.17), phát triển phần mềm hạng II (mã số V11.08.20), an toàn thông tin hạng II (mã số V11.05.10) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp công nghệ thông tin hạng II (mã số V11.06.13);

c) Quản trị viên hệ thống hạng III (mã số V11.06.14), kiểm định viên công nghệ thông tin hạng III (mã số V11.07.18), phát triển phần mềm hạng III (mã số V11.08.21), an toàn thông tin hạng III (mã số V11.05.11) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp công nghệ thông tin hạng III (mã số V11.06.14);

d) Quản trị viên hệ thống hạng IV (mã số V11.06.15), phát triển phần mềm hạng IV (mã số V11.08.22) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp công nghệ thông tin hạng IV (mã số V11.06.14).

2. Viên chức chuyên trách an toàn thông tin (trong trường hợp đơn vị có bố trí vị trí chuyên trách an toàn thông tin) đã được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp viên chức an toàn thông tin theo quy định tại Thông tư số 45/2017/TT-BTTTT và Thông tư số 29/2020/TT-BTTTT thì tiếp tục giữ chức danh nghề nghiệp an toàn thông tin tương ứng theo Thông tư này.

3. Thời gian giữ chức danh nghề nghiệp an toàn thông tin, quản trị viên hệ thống, kiểm định viên công nghệ thông tin, phát triển phần mềm theo quy định tại Thông tư số 45/2017/TT-BTTTT được tính là thời gian giữ chức danh nghề nghiệp công nghệ thông tin để xác định điều kiện thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp công nghệ thông tin theo quy định tại Thông tư này.

Điều 15. Cách xếp lương

1. Các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin, an toàn thông tin quy định tại Thông tư này được áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (sau đây viết tắt là Nghị định số 204/2004/NĐ-CP), cụ thể như sau:

a) Chức danh công nghệ thông tin hạng I, an toàn thông tin hạng I được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) có 6 bậc, từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00;

b) Chức danh công nghệ thông tin hạng II, an toàn thông tin hạng II được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) có 8 bậc, từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78;

c) Chức danh công nghệ thông tin hạng III, an toàn thông tin hạng III được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 có 9 bậc, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;

d) Chức danh công nghệ thông tin hạng IV, an toàn thông tin hạng IV được áp dụng hệ số lương của viên chức loại B có 12 bậc, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06. Trường hợp viên chức có trình độ cao đẳng trở lên được tuyển dụng vào vị trí việc làm có yêu cầu chức danh nghề nghiệp hạng IV thì được xếp vào bậc 2; nếu có thời gian tập sự thì trong thời gian tập sự được hưởng 85% mức lương bậc 2 của chức danh nghề nghiệp hạng IV.

2. Việc xếp lương đối với viên chức từ chức danh nghề nghiệp hiện giữ sang chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin, an toàn thông tin được thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức (sau đây gọi tắt là Thông tư số 02/2007/TT-BNV).

3. Trường hợp viên chức có trình độ cao đẳng khi tuyển dụng đã được xếp lương ở viên chức loại A0 theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, nay được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp công nghệ thông tin, an toàn thông tin hạng IV thì việc xếp bậc lương căn cứ vào thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo thang, bảng lương do Nhà nước quy định (trừ thời gian tập sự) như sau:

Tính từ bậc 2, bảng lương viên chức loại B, cứ sau thời gian 02 năm (đủ 24 tháng) được xếp lên 01 bậc lương (nếu có thời gian công tác không liên tục mà chưa hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì được cộng dồn). Trường hợp trong thời gian công tác bị kéo dài thời gian nâng lương thường xuyên do không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc bị kỷ luật theo quy định của pháp luật thì bị kéo dài thêm chế độ nâng bậc lương thường xuyên theo quy định. Trường hợp trong thời gian công tác được nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ thì thời gian được nâng bậc lương trước thời hạn được tính để xếp lên bậc lương cao hơn trước thời hạn tương ứng. Sau khi quy đổi thời gian để xếp vào bậc lương của chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm, nếu có số tháng chưa đủ 24 tháng, thì số tháng này được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương lần sau hoặc xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Sau khi chuyển xếp lương vào chức danh nghề nghiệp công nghệ thông tin hạng IV, an toàn thông tin hạng IV nếu hệ số lương được xếp ở các chức danh nghề nghiệp này cộng với phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) thấp hơn hệ số lương đã hưởng ở chức danh nghề nghiệp cũ thì được hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu cho bằng hệ số lương (kể cả phụ cấp thâm niên vượt khung, nếu có) đang hưởng ở chức danh nghề nghiệp cũ. Hệ số chênh lệch bảo lưu này được hưởng trong suốt thời gian viên chức xếp lương ở chức danh nghề nghiệp công nghệ thông tin hạng IV, an toàn thông tin hạng IV. Sau đó, nếu viên chức được thăng hạng chức danh nghề nghiệp thì được cộng hệ số chênh lệch bảo lưu này vào hệ số lương (kể cả phụ cấp thâm niên vượt khung, nếu có) đang hưởng để xếp lương vào chức danh được bổ nhiệm khi thăng hạng chức danh nghề nghiệp và thôi hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu kể từ ngày hưởng lương ở chức danh nghề nghiệp mới.

4. Việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin, an toàn thông tin được thực hiện sau khi đã được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm và xếp lương các chức danh chuyên ngành công nghệ thông tin, an toàn thông tin quy định tại Thông tư này và thực hiện xếp lương theo hướng dẫn tại khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2022.

2. Bãi bỏ Thông tư số 45/2017/TT-BTTTT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin.

3. Bãi bỏ Thông tư số 29/2020/TT-BTTTT ngày 28 tháng 10 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn bổ nhiệm và xếp lương đối với chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin.

4. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản quy phạm pháp luật đã sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.

Điều 17. Điều khoản chuyển tiếp

1. Viên chức đã được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức an toàn thông tin, quản trị viên hệ thống, kiểm định viên công nghệ thông tin, phát triển phần mềm theo quy định tại Thông tư số 45/2017/TT-BTTTT hoặc chức danh nghề nghiệp khác, nay được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức công nghệ thông tin, an toàn thông tin theo quy định tại Thông tư này thì cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý, sử dụng viên chức có trách nhiệm tạo điều kiện để viên chức bổ sung những tiêu chuẩn còn thiếu của chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin, an toàn thông tin được bổ nhiệm.

2. Đối với các cơ quan, đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án, kế hoạch tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục thực hiện theo đề án, kế hoạch đã được phê duyệt cho đến khi kết thúc.

Điều 18. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Thông tin và Truyền thông để xem xét, giải quyết./.


Nơi nhận:
- Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Các cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- UBND các tỉnh, tp trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo, Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Bộ TTTT: Bộ trưởng và các Thứ trưởng, Cổng TTĐT của Bộ;
- Lưu: VT, TCCB, VTL.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Mạnh Hùng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 08/2022/TT-BTTTT quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin, an toàn thông tin do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

  • Số hiệu: 08/2022/TT-BTTTT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/06/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Thông tin và Truyền thông
  • Người ký: Nguyễn Mạnh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản