Hệ thống pháp luật

Chương 4 Thông tư 08/2017/TT-BXD quy định về quản lý chất thải rắn xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành

Chương IV

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BÊN LIÊN QUAN

Điều 11. Trách nhiệm của chủ nguồn thải

1. Đối với công trình xây dựng (không bao gồm nhà ở), chủ nguồn thải có trách nhiệm sau đây:

a) Lập kế hoạch quản lý CTRXD theo mẫu tại Phụ lục 1 trình chủ đầu tư chấp thuận (nếu là nhà thầu chính) trước khi triển khai thi công xây dựng; hướng dẫn các nhà thầu phụ (nếu có) thực hiện quản lý CTRXD theo kế hoạch quản lý CTRXD;

b) Thực hiện việc phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý CTRXD phát sinh trên công trường xây dựng theo kế hoạch quản lý CTRXD;

c) Bố trí cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm về an toàn và vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật về xây dựng để hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý CTRXD trong công trình xây dựng. Ghi chép nhật ký, lưu giữ chứng từ ghi khối lượng, thành phần CTRXD được thu gom, vận chuyển đến cơ sở xử lý;

d) Ký hợp đồng với chủ thu gom, vận chuyển và chủ xử lý CTRXD để vận chuyển, xử lý CTRXD hoặc tự xử lý CTRXD tại nơi phát sinh tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý chất thải;

đ) Báo cáo kết quả thực hiện quản lý CTRXD với chủ đầu tư (nếu là nhà thầu chính);

e) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

2. Đối với công trình nhà ở, chủ nguồn thải là chủ đầu tư và thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 Thông tư này.

Điều 12. Trách nhiệm của chủ thu gom, vận chuyển

1. Có đủ thiết bị, phương tiện thực hiện thu gom, vận chuyển theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 Thông tư này và các quy định khác có liên quan.

2. Thu gom, vận chuyển CTRXD đến trạm trung chuyển, cơ sở xử lý đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định hoặc công trình khác để tái sử dụng. Chịu trách nhiệm khi có sự cố xảy ra trong quá trình thu gom, vận chuyển.

3. Xác định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRXD để làm cơ sở ký hợp đồng thu gom, vận chuyển.

4. Có sổ theo dõi quản lý việc thu gom, vận chuyển CTRXD, nội dung gồm:

a) Thông tin chung về chủ nguồn thải;

b) Số chuyến xe thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển trong ngày/tháng của từng chủ nguồn thải;

c) Khối lượng, loại CTRXD được thu gom, vận chuyển;

d) Địa điểm tiếp nhận xử lý CTRXD (trạm trung chuyển, cơ sở xử lý; các cơ sở tái chế, tái sử dụng CTRXD;

đ) Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển;

e) Các thông tin khác nếu cần thiết.

5. Cung cấp thông tin về năng lực cho Sở Xây dựng tại địa phương để quản lý, công bố trên website. Mẫu cung cấp thông tin về năng lực thực hiện theo Phụ lục 3A, 3B ban hành kèm theo Thông tư này.

6. Lập các báo cáo sau:

a) Báo cáo công tác thu gom, vận chuyển CTRXD định kỳ hàng năm (kỳ báo cáo tính từ ngày 01 tháng 01 đến hết 31 tháng 12) theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này và gửi báo cáo về Sở Xây dựng địa phương trước ngày 15 tháng 01 của năm tiếp theo;

b) Báo cáo đột xuất về tình hình thu gom, vận chuyển CTRXD theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

7. Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Trách nhiệm của chủ xử lý

1. Đầu tư xây dựng, trang bị đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện và bố trí nhân lực đáp ứng năng lực tiếp nhận CTRXD, đảm bảo các yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định.

2. Tiếp nhận và xử lý CTRXD từ các chủ thu gom, vận chuyển trên cơ sở hợp đồng ký kết với chủ nguồn thải và có phiếu ghi khối lượng, thành phần CTRXD được vận chuyển đến hàng ngày có xác nhận của hai bên.

3. Có sổ theo dõi hoạt động xử lý CTRXD, nội dung gồm:

a) Thông tin chung của các chủ thu gom, vận chuyển CTRXD;

b) Khối lượng/dung tích/số chuyển xe chở CTRXD được tiếp nhận của từng chủ thu gom, vận chuyển CTRXD; loại CTRXD tiếp nhận;

c) Công nghệ, biện pháp xử lý CTRXD;

d) Nhật ký vận hành các hạng mục công trình, thiết bị trong dây chuyền công nghệ xử lý (nếu có);

đ) Các thông tin khác nếu cần thiết.

4. Xây dựng phương án giá dịch vụ xử lý CTRXD làm cơ sở ký kết hợp đồng dịch vụ xử lý:

a) Đối với cơ sở xử lý được đầu tư từ ngân sách nhà nước, trình Sở Tài chính để tổ chức thẩm định;

b) Đối với cơ sở xử lý được đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, chủ đầu tư phê duyệt phương án giá và gửi thông báo giá đến Sở Tài chính và Sở Xây dựng để theo dõi, quản lý.

5. Thực hiện đúng quy trình quản lý vận hành cơ sở xử lý; có các biện pháp an toàn lao động trong vận hành và bảo đảm sức khỏe cho người lao động.

6. Cung cấp thông tin về năng lực cho Sở Xây dựng tại địa phương để công bố trên website. Mẫu cung cấp thông tin về năng lực thực hiện theo Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này.

7. Thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Khi phát hiện sự cố môi trường, phải có trách nhiệm thực hiện các biện pháp khẩn cấp để bảo đảm an toàn cho người và tài sản; tổ chức cứu người, tài sản và kịp thời thông báo cho chủ đầu tư, chính quyền địa phương hoặc cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường nơi xảy ra ô nhiễm hoặc sự cố môi trường để phối hợp xử lý.

8. Lập các báo cáo sau:

a) Báo cáo công tác xử lý CTRXD định kỳ hàng năm (kỳ báo cáo tính từ ngày 01 tháng 01 đến hết 31 tháng 12) theo mẫu quy định tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư này và gửi báo cáo về Sở Xây dựng địa phương trước ngày 15 tháng 01 của năm tiếp theo;

b) Báo cáo đột xuất về tình hình xử lý CTRXD theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

9. Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Trách nhiệm của chủ đầu tư công trình xây dựng

1. Chủ đầu tư các công trình xây dựng (trừ các công trình quy định tại Khoản 2 Điều này) có trách nhiệm:

a) Phê duyệt và gửi thông báo kế hoạch quản lý CTRXD theo mẫu tại Phụ lục 1 Thông tư này đến Sở Xây dựng (hoặc cơ quan cấp phép xây dựng theo phân cấp về quản lý công trình) và Ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn tối thiểu 07 (bảy) ngày trước ngày khởi công thi công xây dựng công trình. Báo cáo kết quả thực hiện quản lý CTRXD sau khi công trình hoàn thành;

b) Tổ chức kiểm tra, giám sát kế hoạch thực hiện quản lý CTRXD đảm bảo môi trường xây dựng theo quy định;

c) Đảm bảo chi phí cho việc phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRXD theo quy định;

d) Các nghĩa vụ khác theo quy định.

2. Chủ đầu tư các công trình nhà ở có trách nhiệm:

a) Lập và gửi thông báo thực hiện quản lý CTRXD theo mẫu tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này đến cơ quan cấp phép xây dựng (nếu công trình thuộc đối tượng phải xin giấy phép xây dựng) và Ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn tối thiểu 07 (bảy) ngày trước khi khởi công xây dựng công trình;

b) Chịu trách nhiệm về việc quản lý CTRXD tại công trình theo các quy định tại Thông tư này và các quy định hiện hành khác có liên quan;

c) Trường hợp các hộ gia đình tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa có hệ thống thu gom, vận chuyển CTRXD, phải thực hiện quản lý CTRXD theo hướng dẫn của chính quyền địa phương.

Điều 15. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

a) Thống nhất quản lý CTRXD và phân công, phân cấp trách nhiệm cho các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp tại địa phương thực hiện quản lý CTRXD trên địa bàn;

b) Ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền có liên quan đến quản lý CTRXD trên địa bàn phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ môi trường, các văn bản quy phạm pháp luật khác và Thông tư này; phê duyệt phương án giá dịch vụ xử lý CTRXD theo quy định;

c) Chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý CTRXD trên địa bàn.

2. Ủy ban nhân dân theo phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

a) Giám sát quá trình thu gom, vận chuyển CTRXD trên địa bàn quản lý. Trong trường hợp phát hiện những vi phạm pháp luật về quản lý CTRXD, thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của địa phương để xử lý theo quy định của pháp luật hoặc xử lý theo thẩm quyền;

b) Phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra công tác tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường của các công trình xây dựng và cơ sở xử lý CTRXD trên địa bàn quản lý;

c) Lập danh sách các công trình xây dựng (bao gồm công trình nhà ở phải có giấy phép xây dựng) sẽ phá dỡ, xây dựng trên địa bàn và thông báo công khai để các tổ chức, cá nhân liên quan biết và phối hợp trong công tác thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý CTRXD. Định kỳ 03 tháng tổng hợp danh mục gửi Sở Xây dựng trước ngày 15 của tháng tiếp theo của kỳ báo cáo để công bố trên website;

d) Báo cáo công tác quản lý CTRXD trên địa bàn định kỳ hàng năm (kỳ báo cáo tính từ ngày 01 tháng 01 đến hết 31 tháng 12) theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này và gửi báo cáo về Sở Xây dựng địa phương trước ngày 15 tháng 01 của năm tiếp theo hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu.

Điều 16. Trách nhiệm của Sở Xây dựng

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện công tác quản lý CTRXD trên địa bàn.

2. Xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về quản lý CTRXD trên địa bàn tỉnh/thành phố theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này. Tổng hợp danh sách các công trình sẽ phá dỡ, khởi công xây dựng (bao gồm công trình nhà ở phải có giấy phép xây dựng) trên địa bàn và danh sách các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý CTRXD trên địa bàn tỉnh/thành phố công bố trên website của Sở Xây dựng để các tổ chức, cá nhân liên quan biết và phối hợp trong công tác thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý CTRXD.

3. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý CTRXD trên địa bàn.

4. Phối hợp với Sở Tài chính tổ chức thẩm định phương án giá dịch vụ xử lý CTRXD đối với các cơ sở xử lý CTRXD được đầu tư từ ngân sách nhà nước.

5. Báo cáo Bộ Xây dựng theo mẫu quy định tại Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư này định kỳ 01 lần/năm về công tác quản lý CTRXD tại địa phương trước ngày 31 tháng 01 của năm tiếp theo hoặc đột xuất theo yêu cầu.

Thông tư 08/2017/TT-BXD quy định về quản lý chất thải rắn xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành

  • Số hiệu: 08/2017/TT-BXD
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 16/05/2017
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Phan Thị Mỹ Linh
  • Ngày công báo: 09/06/2017
  • Số công báo: Từ số 425 đến số 426
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra