Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2014/TT-BNV

Hà Nội, ngày 19 tháng 09 năm 2014

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ BAN CÔNG TÁC NGƯỜI CAO TUỔI TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG VÀ BAN CÔNG TÁC NGƯỜI CAO TUỔI HUYỆN, QUẬN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ THUỘC TỈNH

Căn cứ Nghị định số 58/2014/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;

Căn cứ Quyết định số 34/2007/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2007 của Thủ tưởng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành;

Thực hiện Quyết định số 197/QĐ-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về kiện toàn Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ;

Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư quy định về Ban Công tác người cao tuổi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ban Công tác người cao tuổi huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Điều 1. Quy định chung

1. Ban Công tác người cao tuổi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh)

a) Ban Công tác người cao tuổi cấp tỉnh là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo, phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, tổ chức có liên quan trong việc giải quyết những vấn đề về cơ chế, chính sách để thực hiện công tác về người cao tuổi.

b) Ban Công tác người cao tuổi cấp tỉnh Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập và làm việc theo chế độ tập thể, biểu quyết theo đa số.

c) Trưởng ban Ban Công tác người cao tuổi cấp tỉnh trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy chế làm việc của Ban Công tác người cao tuổi cấp tỉnh; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên tham gia Ban Công tác.

d) Các thành viên của Ban Công tác người cao tuổi cấp tỉnh hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.

đ) Ban Công tác người cao tuổi cấp tỉnh không có tài khoản và con dấu riêng. Trưởng ban, Phó Trưởng ban Thường trực ghi chức vụ (chức danh) và ký văn bản của Ban Công tác người cao tuổi cấp tỉnh thực hiện theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 12 Thông tư số 01/2011/TT-BNV ngày 19 tháng 01 năm 2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính.

e) Kinh phí hoạt động của Ban Công tác người cao tuổi cấp tỉnh thực hiện theo quy định tại Điều 19 Quyết định số 34/2007/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành.

2. Ban Công tác người cao tuổi huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện)

a) Ban Công tác người cao tuổi cấp huyện là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo, phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, tổ chức có liên quan trong việc giải quyết những vấn đề về cơ chế, chính sách để thực hiện công tác người cao tuổi.

b) Ban Công tác người cao tuổi cấp huyện do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập và làm việc theo chế độ tập thể, biểu quyết theo đa số.

c) Trưởng ban Ban Công tác người cao tuổi cấp huyện trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quy chế làm việc của Ban. Công tác người cao tuổi cấp huyện; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên tham gia Ban Công tác.

d) Các thành viên của Ban Công tác người cao tuổi cấp huyện hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.

đ) Ban Công tác người cao tuổi cấp huyện không có tài khoản và con dấu riêng. Trưởng ban, Phó Trưởng ban Thường trực ghi chức vụ (chức danh) khi ký văn bản Ban Công tác người cao tuổi cấp huyện thực hiện theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 12 Thông tư số 01/2011/TT-BNV ngày 19 tháng 01 năm 2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính.

e) Kinh phí hoạt động của Ban Công tác người cao tuổi cấp huyện thực hiện theo quy định tại Điều 19 Quyết định số 34/2007/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành.

Điều 2. Nhiệm vụ của Ban Công tác người cao tuổi cấp tỉnh và Ban Công tác người cao tuổi cấp huyện

1. Ban Công tác người cao tuổi cấp tỉnh giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

a) Nghiên cứu, đề xuất phương hướng, kế hoạch 5 (năm) năm và hàng năm, nhiệm vụ, các giải pháp thực hiện công tác chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi;

b) Chỉ đạo, phối hợp hoạt động giữa các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, tổ chức có liên quan trong việc xây dựng kế hoạch, thực hiện công tác người cao tuổi và Chương trình hành động Quốc gia về người cao tuổi từng giai đoạn;

c) Chỉ đạo thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về công tác chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi trong phạm vi địa phương;

d) Đôn đốc, kiểm tra, đánh giá hoạt động của các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, tổ chức có liên quan việc thực hiện quy định của pháp luật và các chính sách hỗ trợ người cao tuổi. Sơ kết, tổng kết và định kỳ báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban Quốc gia người cao tuổi Việt Nam tình hình thực hiện công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.

2. Ban Công tác người cao tuổi cấp huyện giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện:

a) Triển khai thực hiện kế hoạch 5 (năm) năm và hàng năm, nhiệm vụ, các giải pháp thực hiện công tác chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi;

b) Chỉ đạo, phối hợp hoạt động giữa các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã, tổ chức có liên quan trong việc xây dựng kế hoạch, thực hiện công tác người cao tuổi và Chương trình hành động Quốc gia về người cao tuổi từng giai đoạn;

c) Phối hợp cơ quan có liên quan thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về công tác chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi trong phạm vi địa phương;

d) Đôn đốc, kiểm tra, đánh giá hoạt động của các cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã, tổ chức liên quan trong việc thực hiện quy định của pháp luật và các chính sách hỗ trợ người cao tuổi. Sơ kết, tổng kết và định kỳ báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ban Công tác người cao tuổi cấp tỉnh tình hình thực hiện công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.

Điều 3. Thành viên Ban Công tác người cao tuổi cấp tỉnh và Ban Công tác người cao tuổi cấp huyện

1. Thành viên Ban Công tác người cao tuổi cấp tỉnh:

a) Trưởng ban: Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Phó Trưởng ban Thường trực: Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;

c) Phó Trưởng ban: Trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi cấp tỉnh;

d) Các ủy viên là đại diện lãnh đạo cơ quan:

- Sở Nội vụ;

- Văn phòng Ủy ban nhân dân;

- Sở Tài chính;

- Sở Y tế;

- Sở Kế hoạch và Đầu tư;

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

- Sở Thông tin và Truyền thông;

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Sở Giao thông vận tải;

- Sở Giáo dục và Đào tạo;

- Sở Tư pháp;

- Sở Xây dựng;

- Ban Dân tộc (đối với cấp tỉnh có thành lập Ban Dân tộc);

- Bảo hiểm Xã hội cấp tỉnh;

- Tổ chức có liên quan ở cấp tỉnh, gồm: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; Hội Nông dân tỉnh; Hội Cựu chiến binh tỉnh; Liên đoàn Lao động tỉnh; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh.

2. Thành viên Ban Công tác người cao tuổi cấp huyện:

a) Trưởng ban: Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;

b) Phó Trưởng ban Thường trực: Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội;

c) Phó Trưởng ban: Trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi cấp huyện;

d) Các ủy viên là đại diện lãnh đạo cơ quan:

- Phòng Nội vụ;

- Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân hoặc Văn phòng Ủy ban nhân dân nơi thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân;

- Phòng Tài chính - Kế hoạch;

- Phòng Y tế;

- Phòng Văn hóa và Thông tin;

- Phòng Giáo dục và Đào tạo;

- Phòng Tư pháp;

- Phòng Kinh tế và Hạ tầng và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với các huyện hoặc Phòng Kinh tế và Phòng Quản lý đô thị đối với các quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

- Phòng Dân tộc (đối với cấp huyện có thành lập Phòng Dân tộc);

- Bảo hiểm Xã hội cấp huyện;

- Tổ chức có liên quan ở cấp huyện, gồm: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện; Hội Nông dân huyện; Hội Cựu chiến binh huyện; Liên đoàn Lao động huyện; Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh huyện.

Điều 4. Cơ quan thường trực, Tổ Giúp việc của Ban Công tác người cao tuổi cấp tỉnh và Ban Công tác người cao tuổi cấp huyện

1. Cơ quan thường trực, Tổ Giúp việc Ban Công tác người cao tuổi cấp tỉnh

a) Cơ quan thường trực của Ban Công tác người cao tuổi cấp tỉnh là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

b) Tổ Giúp việc Ban Công tác người cao tuổi cấp tỉnh (gọi tắt là Tổ Giúp việc) đặt tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội do 01 công chức Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm Tổ trưởng, 01 công chức Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và 01 thành viên Ban Đại diện Hội Người cao tuổi cấp tỉnh làm thành viên. Các thành viên Tổ Giúp việc làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

c) Tổ Giúp việc làm việc theo quy chế do Trưởng ban Ban Công tác người cao tuổi cấp tỉnh ban hành.

2. Cơ quan thường trực, Tổ Giúp việc Ban Công tác người cao tuổi cấp huyện

a) Cơ quan thường trực của Ban Công tác người cao tuổi cấp huyện là Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.

b) Tổ Giúp việc Ban Công tác người cao tuổi cấp huyện (gọi tắt là Tổ Giúp việc) đặt tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội do 01 (một) công chức Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội làm Tổ trưởng, 01 (một) công chức Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân và 01 (một) thành viên Ban Đại diện Hội Người cao tuổi cấp huyện làm thành viên. Các thành viên Tổ Giúp việc làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

c) Tổ Giúp việc làm việc theo quy chế do Trưởng ban Ban Công tác người cao tuổi cấp huyện ban hành.

Điều 5. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14 tháng 11 năm 2014.

2. Thông tư này thay thế Thông tư số 08/2009/TT-BNV ngày 08 tháng 9 năm 2009 của Bộ Nội vụ hướng dẫn việc thành lập Ban Công tác người cao tuổi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều 6. Trách nhiệm thi hành

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, các cơ quan, tổ chức có liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tuyên truyền, vận động, phối hợp, tổ chức, thực hiện công tác về người cao tuổi.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiện toàn Ban Công tác người cao tuổi cấp tỉnh đã được thành lập theo Thông tư số 08/2009/TT-BNV ngày 08 tháng 9 năm 2009 của Bộ Nội vụ theo quy định tại Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Nội vụ để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung kịp thời./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch Nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Ủy ban Quốc gia người cao tuổi Việt Nam;
- Hội Người cao tuổi Việt Nam;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Công báo, Cổng TTĐT Chính phủ;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp;
- Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Bộ Nội vụ: Bộ trưởng, các Thứ trưởng, các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ;
- Lưu: VT, TCPCP(15).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Tiến Dĩnh

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 08/2014/TT-BNV về Ban Công tác người cao tuổi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ban Công tác người cao tuổi huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành

  • Số hiệu: 08/2014/TT-BNV
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 19/09/2014
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
  • Người ký: Nguyễn Tiến Dĩnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 921 đến số 922
  • Ngày hiệu lực: 14/11/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản