Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
*******

Số: 07-TTg

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

*******

Hà Nội, ngày 07 tháng 01 năm 1961

THÔNG TƯ

BAN HÀNH THỂ LỆ TẠM THỜI VỀ HỢP ĐỒNG ĐẶT HÀNG THIẾT BỊ TOÀN BỘ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Kính gửi:

Ông Bộ trưởng các Bộ
Ông Chủ tịch Ủy ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh.
Ông thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Phủ Thủ tướng

Căn cứ quyết nghị của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp của Thường vụ Hội đồng Chính phủ ngày 16-12-1960, Thủ tướng Chính phủ ban hành thể lệ tạm thời về đặt thiết bị toàn bộ giữa Bộ Ngoại thương với các Bộ trong nước.

Bản thể lệ tạm thời này nhằm mục đích bảo đảm công tác đặt hàng thiết bị toàn bộ tiến hành có nề nếp, thực hiện đúng theo trình tự kiến thiết cơ bản, giảm bớt và tiến tới xóa bỏ tình trạng không ăn khớp giữa việc đặt và nhập thiết bị toàn bộ với yêu cầu xây dựng cơ bản, trên các mặt về chủ trưởng, về thời gian về vốn cấp phát.

Bản thể lệ tạm thời này là mục tiêu phấn đấu tiến tới bảo đảm những nguyên tắc cơ bản về việc đặt và nhập thiết bị toàn bộ, đồng thời quy định trách nhiệm và quan hệ giữa Bộ đặt hàng với Bộ Ngoại thương và trách nhiệm giữa hai Bộ hữu quan trong nước với nước ngoài trong vấn đề nhập thiết bị toàn bộ.

Thủ tướng Chính phủ mong các Bộ, các Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh, các cơ quan trực thuộc Phủ Thủ tướng, một mặt tích cực chấp hành thể lệ này, mặt khác kịp thời báo cáo những khó khăn và kinh nghiệm lên Thủ tướng Chính phủ để kịp thời hướng dẫn việc thực hiện được tốt.

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

THỂ LỆ TẠM THỜI

VỀ VIỆC ĐẶT HÀNG THIẾT BỊ TOÀN BỘ GIỮA BỘ NGOẠI THƯƠNG VỚI CÁC BỘ TRONG NƯỚC

Chương 1;

NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1. – Căn cứ những điều khoản quy định trong điều lệ tạm thời về chế độ hợp đồng kinh tế ban hành theo Nghị định số 004-TTg ngày 04-01-1960 của Thủ tướng Chính phủ, bản thể lệ tạm thời này đề ra những nguyên tắc chung về đặt hàng thiết bị toàn bộ giữa Bộ Ngoại thương và các Bộ đặt hàng nhằm mục đích;

- Quy định trách nhiệm của các Bộ đặt thiết bị toàn bộ và Bộ nhập thiết bị toàn bộ của nước ngoài;

- Quy định quan hệ giữa hai bên trong việc đặt và nhập thiết bị toàn bộ của nước ngoài.

Trách nhiệm này phải được bảo đảm suốt thời gian từ lúc có nhiệm vụ thiết kế được Chính phủ phê chuẩn đến lúc tổng nghiệp thu, bàn giao công trình, theo các điều khoản đã ký kết trong hợp đồng giữa nước ngoài và trong nước, trong hợp đồng ký kết giữa Bộ Ngoại thưong và Bộ đặt hàng.

Điều 2. – Thiết bị toàn bộ là nhà máy, cơ sở sản xuất nông lâm, ngư nghiệp, cơ sở khoa học hay thí nghiệm, bệnh viện, trường học, công trình kiến trúc, công trình thủy lợi, công trình giao thông, bưu điện v.v... nhờ nước ngoài thiết kế hoặc giúp ta thiết kế, do nước ngoài cung cấp thiết bị, nguyên liệu sản xuất thử, hướng dẫn xây lắp máy và sản xuất thử. Ngoài ra, căn cứ vào tình hình đặc biệt, có thể có một số thiết bị tuy không đủ các điều kiện trên nhưng được Ủy ban Kế hoạch Nhà nước duyệt là thiết bị toàn bộ, thì cũng được quy định là thiết bị toàn bộ.

Những công trình ngoài định nghĩa trên đây, dù kim ngạch to hay nhỏ, đều không thuộc phạm vi của thể lệ tạm thời này.

Điều 3. – Sau khi nhiệm vụ thiết kế đã được phê chuẩn, Bộ đặt thiết bị toàn bộ và Bộ Ngoại thương tiến hành hội nghị để thống nhất về nguyên tắc và phân công trách nhiệm đối với thiết kế, thiết bị, chuyên gia, thực tập sinh cho nhà máy hoặc công trình đã được phê chuẩn.

Sau khi thiết kế sơ bộ mở rộng đã được duyệt, căn cứ trên bản thiết kế kỹ thuật, Bộ Ngoại thương và Bộ đặt hàng cùng nhau phân định loại hàng, thứ nào có thể sản xuất trong nước, thứ nào cần đặt mua nước ngoài và thời gian giao thiết bị. Việc đặt thiết bị nước ngoài phải dựa trên nguyên tắc triệt để sử dụng những thiết bị có thể sản xuất trong nước và chỉ được phép nhập những thiết bị mà trong nước không thể sản xuất được. Bản phân loại thiết bị sản xuất trong nước và nhập của nước ngoài phải được Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Chủ nhiệm Văn phòng công nghiệp Phủ Thủ tướng xét duyệt.

Sau khi được xét duyệt, bộ đặt thiết bị toàn bộ lập bản kê thiết bị, nguyên liệu vật liệu đặt mua nước ngoài và lịch thi công giao cho Bộ Ngoại thương và cùng với Bộ Ngoại thương tiến hành đàm phán, ký kết hợp đồng đặt thiết bị toàn bộ với nước ngoài.

Đối với thiết bị, nguyên liệu, vật liệu sản xuất trong nước đã được duyệt và ghi vào chỉ tiêu của các Bộ sản xuất thì Bộ đặt thiết bị toàn bộ tiến hành ký kết hợp đồng cung cấp với các Bộ ấy.

Bộ đặt thiết bị toàn bộ và Bộ Ngoại thương cùng ký kết vào bản hợp đồng với nước ngoài và trách nhiệm của mỗi bên như sau:

- Bộ đặt thiết bị toàn bộ chịu trách nhiệm về lịch thi công, vốn đầu tư và vốn cấp phát kiến thiết cơ bản hàng năm đã được duyệt, và về kỹ thuật, quy cách, số lượng những mặt hàng đặt, kể cả số lượng đề phòng hao hụt, đổ vỡ, nhằm bảo đảm đầy đủ cho nhà máy hoặc công trình được xây dựng và sản xuất tốt.

- Bộ Ngoại thương chịu trách nhiệm về mặt giá cả, thời gian giao thiết bị, nguyên liệu, vật liệu, trình tự và khối lượng thiết bị nhập đúng theo lịch thi công do Bộ đặt thiết bị toàn bộ đề ra, kể các các điều khoản nghiệm thu, điều kiện bảo đảm cho nhà máy sau này sản xuất bình thường suốt thời gian bảo đảm đã được ký kết trong hợp đồng.

Mọi việc giao dịch với đại diện nước ngoài đều do Bộ Ngoại thương chủ động bố trí.

Điều 4. – Sau khi hợp đồng đặt thiết bị toàn bộ đã ký với nước ngoài xong, Bộ đặt thiết bị toàn bộ và Bộ Ngoại thương tiến hành ký kết hợp đồng trong nước và hai Bộ đều có trách nhiệm thi hành những điều khoản trong hợp đồng đã ký với nước ngoài.

Chương 2:

THỜI HẠN VÀ NƠI GIAO HÀNG

Điều 5. – Trong phạm vi quy định ngày khởi công và ngày hoàn thành ghi trong kế hoạch Nhà nước, Bộ Ngoại thương và Bộ đặt hàng cùng với nước ngoài cung cấp thiết bị, vạch chung một lịch giao nhận hàng tại một địa điểm nhất định.

- Bộ Ngoại thương có thể giao sớm hay muộn không quá thời gian đã định là một tháng, nếu giao hàng chậm hoặc sớm quá một tháng, Bộ Ngoại thương phải có lý do chính đáng và phải báo cho Bộ đặt thiết bị toàn bộ biết trước ít nhất 3 tháng. Nếu Bộ Ngoại thương không báo trước cho Bộ đặt thiết bị toàn bị, thì phải bồi thường cho Bộ đặt thiết bị toàn bộ mọi phí tổn trực tiếp về chuẩn bị giao nhận, còn nếu vì giao thiết bị chậm trễ mà có ảnh hưởng đến việc thi công của công trường thì sẽ tùy từng trường hợp cụ thể do Chính phủ xét xử.

Nếu Bộ đặt thiết bị toàn bộ muốn nhận hàng sớm hoặc chậm hơn thời gian đã quy định trong hợp đồng, hoặc thay đổi lịch gửi hàng, lịch xây dựng, thì phải báo cho Bộ Ngoại thương biết 6 tháng trước ngày hàng về Bộ Ngoại thương có trách nhiệm tích cực đàm phán với nước ngoài để thay đổi thời gian giao nhận. Nhưng nếu nước ngoài không đồng ý, thì Bộ đặt thiết bị toàn bộ phải nhận hàng theo hợp đồng đã ký kết. Nếu nước ngoài thỏa thuận, nhưng đòi phải bồi thường những phí tổn do việc thay đổi thời gian giao nhận gây ra, thì Bô đặt thiết bị toàn bộ phải chịu những khoản bồi thường này.

Điều 6. – Nếu vì lý do Chính phủ thay đổi lịch xây dựng, hoặc quyết định không xây dựng nữa, do đó phải thay đổi lịch giao nhận hàng thì Bộ Ngoại thương có trách nhiệm đàm phán với nước ngoài để thực hiện chủ trương trên. Trường hợp nước ngoài không đồng ý, thì Bộ Ngoại thương phải báo cáo Chính phủ biết và sao gửi cho Bộ đặt thiết bị toàn bộ để cơ quan này chuẩn bị tiếp nhận hàng theo quy định của hợp đồng. Những phí tổn do việc này gây ra sẽ do Chính phủ giải quyết.

Điều 7. – Địa điểm giao hàng với nước ngoài phải quy định rõ: giao hàng tại ga liên vận nếu là vận tải bằng đường sắt; giao tại cảng Hải Phòng, nếu là vận tải bằng đường biển. Trường hợp phải thay đổi địa điểm giao nhận thì Bộ đặt thiết bị toàn bộ phải có công văn chính thức báo cáo Bộ Ngoại thương 3 tháng trước khi hàng đến và cũng chỉ áp dụng trong phạm vi các ga liên vận.

Trường hợp do nước ngoài đề nhầm địa chỉ mà hàng về không đúng địa điểm quy định trong hợp đồng thì Bộ đặt thiết bị toàn bộ vẫn nhận và bố trí vận chuyển về nhà máy hoặc công trường của Bộ và cùng Bộ Ngoại thương lập biên bản để làm cơ sở thanh toán với nước ngoài. Trong lúc đó Bộ Ngoại thương chịu trách nhiệm trả mọi phí tổn thêm về vận tải và bốc dỡ do việc nhầm lẫn đó gây ra cho Bộ đặt thiết bị toàn bộ.

Chương 3:

THỦ TỤC THÊM BỚT, THAY THẾ HÀNG VÀ GIAO NHẬN HÀNG

Điều 8. – Sau khi hợp đồng với nước ngoài đã được ký kết rồi mà Bộ đặt hàng hoặc Bộ Ngoại thương muốn thêm, bớt hoặc thay thế hàng khác ngoài bản kê thiết bị của thiết kế sơ bộ mở rộng hoặc thiết kế kỹ thuật thì phải nói rõ lý do và phải được Ủy ban Kế hoạch Nhà nước duyệt. Nếu việc thêm, bớt, thay thế hàng ảnh hưởng đến nhiệm vụ thiết kế thì phải được Thủ tướng Chính phủ phê chuyển đơn đặt hàng và bản sửa đổi nhiệm vụ thiết kế. Bộ đặt thiết bị toàn bộ phải báo cho Bộ Ngoại thương biết để đàm phán với nước ngoài.

Điều 9. – Trong trường hợp thay đổi nói ở điều 8, nếu là hàng thường (như nguyên liệu vật liệu...) thì Bộ đặt thiết bị toàn bộ phải có văn bản chính thức gửi đến Bộ Ngoại thương trước 6 tháng khi hàng đến và nếu là máy móc thì phải gửi trước một năm. Sau khi Bộ Ngoại thương đàm phán với nước ngoài được nước ngoài thỏa thuận mới thay đổi, nếu nước ngoài không đồng ý thì phải thi hành đúng theo hợp đồng đã ký kết và Bộ Ngoại thương phải báo ngay cho Bộ đặt thiết bị toàn bộ biết kết quả... Mọi phí tổn do việc thêm, bớt, hoặc thay đổi hàng do Bộ đặt thiết bị toàn bộ chịu.

Điều 10. – Căn cứ vào hợp đồng nội địa đã ký kết, hàng về đường biển thì Bộ Ngoại thương phải báo cho Bộ đặt thiết bị toàn bộ biết trước 20 ngày trước khi hàng đến cảng Hải Phòng. Khi hàng về đến cảng Hải Phòng hay đến ga liên vận như đã quy định trong hợp đồng, Bộ Ngoại thương phải có giấy báo cho Bộ đặt thiết bị toàn bộ hoặc cho công trường có trách nhiệm nhận thiết bị toàn bộ trong vòng 48 tiếng đồng hồ tính từ giờ Bộ đặt hàng ký nhận giấy báo trong sổ bưu điện. Nếu Bộ Ngoại thương báo chậm quá thời gian quy định trên thì phải chịu tiền lưu kho, lưu bãi trong số ngày báo chậm.

Giấy tờ giao nhận hàng Bộ Ngoại thương phải làm xong trong vòng 6 tiếng đồng hồ kể từ lúc Bộ nhận thiết bị toàn bộ đến trực tiếp với cơ quan giao nhận của Bộ Ngoại thương. Nếu Bộ Ngoại thương làm giấy tờ giao nhận chậm hơn thời gian quy định trên, thì phải chịu trả tiền lưu kho, lưu bãi trong thời gian làm chậm.

Ngược lại nếu Bộ Ngoại thương đã làm đúng ngày giờ quy định mà Bộ đặt thiết bị toàn bộ không đến nhận hàng của mình thì phải chịu trả tiền lưu kho, lưu bãi trong thời gian đó.

Điều 11. – Trong mọi trường hợp, Bộ Ngoại thương phải đảm bảo giao hàng cho Bộ đặt thiết bị toàn bộ đúng số lượng, đúng quy cách, phẩm chất như đã ký kết trong hợp đồng.

Chương 4:

KIỂM NGHIỆM

Điều 12. – Lúc nhận hàng tại ga hoặc tại cảng mà Bộ đặt thiết bị toàn bộ thấy hàng không còn nguyên đai, nguyên kiện, phải báo ngay cho Bộ Ngoại thương để đến làm biên bản kiểm nghiệm tại chỗ. Bộ Ngoại thương phải chịu đền bù các thứ hàng hư hỏng hoặc thiếu đã được cơ quan kiểm nghiệm xác nhận và chịu mọi phí tổn kiểm nghiệm. Nếu Bộ đặt thiết bị toàn bộ không báo cho Bộ Ngoại thương mà nhận hàng về thì Bộ Ngoại thương không chịu trách nhiệm về sự hư hỏng, thiếu, mất nói trên. Trường hợp có một số hàng tuy còn nguyên đai, nguyên kiện, hoặc một số hàng thuộc loại dễ vỡ, dễ hỏng, dễ mất mát, mà Bộ đặt thiết bị toàn bộ có ý nghi ngờ, thì có thể yêu cầu Bộ Ngoại thương cho kiểm nghiệm tại chỗ. Nhưng nếu sau khi kiểm nghiệm xong mà hàng hóa không thấy hư hỏng, thiếu, mất, thì Bộ đặt thiết bị toàn bộ phải chịu mọi phí tổn về kiểm nghiệm.

Điều 13. – Đối với hàng hóa còn nguyên đai, nguyên kiện, Bộ đặt thiết bị toàn bộmang về có trách nhiệm bảo quản tốt. Lúc đem ra công trường để sử dụng thì phải lập một tổ chức có đủ thẩm quyền để tiến hành kiểm nghiệm và lập biên bản. Tổ chức này cần có đại diện của cơ quan kiến thiết, cơ quan thi công, của Bộ Ngoại thương và chuyên gia của nước có thiết bị. Trong hoàn cảnh mà Bộ Ngoại thương đã được báo mà không có đại diện trong lúc kiểm nghiệm thì cuộc kiểm nghiệm cử tiến hành và biên bản kiểm nghiệm vẫn có hiệu lực.

Nếu phát hiện ra những thiếu sót như: hư hỏng, sai quy cách, thừa, thiếu thì Bộ Ngoại thương phải chịu trách nhiệm bồi thường. Nếu việc hư hỏng đó do bảo quản kém, hoặc do vận chuyển, sắp xếp kho tàng gây ra thì Bộ đặt thiết bị toàn bộ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và chịu mọi phí tổn cần thiết.

Chương 5:

THỦ TỤC THANH TOÁN

Điều 14. – a) Giá thiết bị trong thiết bị toàn bộ để thanh toán giữa Bộ Ngoại thương với Bộ đặt thiết bị toàn bộ bao gồm:

- Giá bán của nước ngoài tính ra tiền Việt Nam theo tỷ lệ hối đoái nội bộ.

- Phí tổn vận tải từ nước ngoài về bao gồm tiền vận tải, bốc dỡ, chuyển tải, và bảo hiểm (nếu có).

- Chi phí kinh doanh của Bộ Ngoại thương (do Chính phủ quy định).

- Thuế xuất nhập khẩu (nếu có).

b) Giá nguyên liệu, vật liệu xây dựng trong thiết bị toàn bộ thì tính theo giá điều động nội bộ.

Điều 15. – Sau khi Bộ Ngoại thương đã giao hàng xong cho Bộ đặt thiết bị toàn bộ và cơ quan này đã ký nhận vào giấy giao hàng, thì Bộ Ngoại thương làm hóa đơn thanh toán gửi đến Ngân hàng kiến thiết để thanh toán qua Ngân hàng. Giấy tờ gửi đến Ngân hàng gồm có:

- Hóa đơn mà Bộ Ngoại thương đã thanh toán với nước ngoài.

- Bản kê chi tiết về số lượng và giá cả hàng hóa của nước ngoài.

- Phiếu giao hàng có chữ ký của Bộ đặt thiết bị toàn bộ.

- Các chứng từ vận tải, bốc dỡ, bảo hiểm và thuế xuất nhập khẩu (nếu có).

- Hóa đơn tính tổng giá trị của số hàng của Bộ Ngoại thương (nếu tiền vận tải, bốc dỡ, chưa tính được thì sẽ làm sau).

Điều 16. – Đối với những số hàng phát hiện hư hỏng, sai quy cách, kém phẩm chất đã được xác minh trong biên bản kiểm nghiệm, thì Bộ đặt thiết bị toàn bộ cứ thanh toán đủ theo hóa đơn của Bộ Ngoại thương và Bộ Ngoại thương phải chịu trách nhiệm đền bù sau.

Chương 6:

THỦ TỤC BẢO ĐẢM THIẾT BỊ TOÀN BỘ

Điều 17. – Khi một nhà máy, một công trình hoàn thành việc lắp máy thì Bộ đặt thiết bị toàn bộ cùng Bộ Ngoại thương cử một ban tiến hành nghiệm thu. Ban này có trách nhiệm kiểm kê lại thiết bị, so với hợp đồng xác định phẩm chất của toàn bộ nhà máy. Nếu máy móc còn thiếu, tiêu chuẩn kỹ thuật chưa đảm bảo hoặc có bộ phận hư hỏng thì Bộ Ngoại thương chịu trách nhiệm bàn với nước ngoài để tìm cách giải quyết. Hai Bộ cùng ký vào bản nghiệm thu với nước ngoài.

Trong quá trình sản xuất nằm trong thời gian bảo đảm đã quy định trong hợp đồng ký với nước ngoài, nếu nhà máy bị ngừng trệ, không được bình thường thì điện báo ngay cho Bộ Ngoại thương biết. Nếu ngừng trệ vì do nhà máy gây ra thì Bộ đặt thiết bị toàn bộ chịu trách nhiệm để chữa và chịu mọi phí tổn. Nếu do máy móc xấu hoặc thiết kế không đúng như điều kiện đã ký kết trong hợp đồng thì Bộ Ngoại thương chịu trách nhiệm bàn với nước ngoài để chữa, mọi phí tổn do Bộ Ngoại thương chịu.

Chương 7:

SỬA ĐỔI HỢP ĐỒNG

Điều 18. – Việc xóa bỏ hợp đồng hoặc sửa đổi lớn trong hợp đồng phải có chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Hai bên (Bộ Ngoại thương và Bộ đặt thiết bị toàn bộ) có thể thỏa thuận sửa đổi một số điều khoản trong hợp đồng, sau khi có ý kiến của Hội đồng trọng tài trung ương. Bên nào yêu cầu sửa đổi hợp đồng thì bên ấy phải chịu phí tổn do việc sửa đổi hợp đồng gây ra.

Nếu một trong hai bên tự ý sửa chữa hay hủy bỏ hợp đồng thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về các vấn đề xảy ra và bên bị thiệt hại có quyền khiếu nại lên Hội đồng trọng tài trung ương.

Chương 8:

XỬ LÝ

Điều 19. – Nếu xảy ra trường hợp tranh chấp đòi bồi dưỡng thì Bộ Ngoại thương và Bộ đặt thiết bị toàn bộ cùng nhau thương lượng giải quyết trên cơ sở hợp đồng đã ký kết. Nếu hai bên thương lượng không kết quả thì báo cáo lên Hội đồng trọng tài trung ương để giải quyết.

Điều 20. – Đối với việc đền bù hàng thiếu, sai quy cách, hư hỏng đã được xác định trong biên bản kiểm nghiệm mà Bộ Ngoại thương phải chịu thì sẽ giải quyết như sau:

- Nếu là hàng thiếu, sai quy cách, hư hỏng nặng mà khả năng trong nước không thể sửa chữa hoặc thay thế được thì Bộ Ngoại thương phải đền bù bằng hiện vật và phải bảo đảm thời gian kế hoạch xây lắp cho Bộ đặt thiết bị toàn bộ.

- Nếu trường hợp hư hỏng, sau quy cách mà trong nước có điều kiện giải quyết được, vẫn bảo đảm chất lượng của thiết bị, được Bộ Ngoại thương đồng ý và được Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ủy ban Khoa học Nhà nước (kỹ thuật) chấp thuận thì Bộ đặt thiết bị toàn bộ tiến hành việc thuê sửa chữa mọi phí tổn đó do Bộ Ngoại thương chịu.

Chương 9:

ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 21. – Ngoài những nhiệm vụ đã quy định trong bản thể lệ tạm thời này, Bộ Ngoại thương còn có trách nhiệm giải quyết những vấn đề cụ thể có liên quan đến thiết bị toàn bộ do yêu cầu của kế hoạch Nhà nước và đã được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn.

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 07-TTg năm 1961 ban hành thể lệ tạm thời về hợp đồng đặt hàng thiết bị toàn bộ do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 07-TTg
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 07/01/1961
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 1
  • Ngày hiệu lực: 22/01/1961
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản