BỘ TÀI CHÍNH | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 07-TC/CNKT | Hà Nội, ngày 26 tháng 04 năm 1972 |
HUỚNG DẪN CHẾ ĐỘ CHI TIÊU VÀ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH TẠI CÁC XÍ NGHIỆP, CÔNG TRƯỜNG TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Hiện nay đế quốc Mỹ đã đánh phá lại miền Bắc, hòng cứu vãn những thất bại hết sức nặng nề của chúng trong âm mưu xâm lược miền Nam nước ta.
Đáp ứng lời kêu gọi của Ban chấp hành trung ương Đảng và của Chính phủ, hơn lúc nào hết, chúng ta phải đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ vừa sản xuất, vừa chiến đấu, hết lòng, hết sức chi viện tiền tuyến, ra sức đề phòng và hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do địch gây ra.
Trong tình hình mới, vừa phải giải quyết khẩn trương nhiều công việc, vừa phải đảm bảo thi hành đúng chế độ, chính sách đã ban hành, để bảo vệ sản xuất, bảo vệ tài sản, bảo vệ nhân dân, không được vì lý do chiến tranh mà buông lỏng quản lý. Các thể lệ chế độ về quản lý vật tư, quản lý lao động, quản lý tài chính vẫn phải giữ vững và tăng cường; các xí nghiệp đang làm cải tiến quản lý vẫn phải tiến hành một cách có hiệu quả.
Căn cứ vào các văn kiện của Thủ tướng Chính phủ: các chỉ thị và thông tư số 75-TTg/CN ngày 30-6-1965 giải quyết một số vấn đề truớc mắt về tiền lương, phúc lợi đối với công nhân viên chức, số 76-TTg/TN ngày 30-6-1965 quy định tạm thời một số biện pháp quản lý xây dựng cơ bản trong tình hình mới, số 77-TTg/TN ngày 12-7-1965 về việc sơ tán phòng không, số 108-TTg/TN ngày 31-8-1965 về việc tăng cường quản lý ngân sách, tín dụng và tiền mặt, số 127-TTg/TN ngày 23-10-1965 giải quyết các nhu cầu chi tiêu tài chính trong tình hình có chiến tranh phá hoại, căn cứ vào các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ về công tác quản lý trong tình hình mới.
Bộ Tài chính hướng dẫn và nói rõ thêm những quy định hiện hành về việc xác định nguồn vốn chế độ cấp phát và quản lý tài chính cho từng loại công việc đối với các xí nghiệp, công truờng, cửa hàng, nông trường, lâm truờng, v.v… dưới đây gọi chung là xí nghiệp.
I. MỘT SỐ CÔNG VIỆC CHUNG PHẢI TIẾN HÀNH Ở MỖI NƠI ĐỂ ĐẢM BẢO VỪA SẢN XUẤT VỪA CHIẾN ĐẤU.
1. Tu sửa, gia cố làm thêm, làm mới về ngụy trang, công trình che chắn, bảo vệ máy móc, kho tàng và nhà cửa, hầm trú ẩn, đường hào bảo vệ công nhân, viên chức ở nơi làm việc; tùy theo mức độ chi phí và quy mô công trình, các đơn vị cơ sở chi bằng vốn sửa chữa thường xuyên, vốn sửa chữa lớn (công trình đơn giản) hay nguồn vốn xây dựng đặc biệt thời chiến (công trình lớn, tương đối phức tạp). Đơn vị cơ sở có nhiệm vụ phân loại từng việc, theo nguồn vốn để xin cấp trên xét duyệt phần việc phải dùng vốn xây dựng đặc biệt thời chiến.
2. Di chuyển, phân tán bớt một bộ phận xí nghiệp.Việc di chuyển hoặc phân tán bớt một bộ phận xí nghiệp phải được lệnh của cấp trên và của Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố. Phải tận dụng các cơ sở sẵn có… để làm nơi sản xuất, phải dựa vào nhà dân để làm nơi ăn, chốn ở . Việc xây dựng thêm, dù dưới hình thức lán trại, chỉ đặt ra trong trường hợp thật cần thiết.
Toàn bộ chi phí về di chuyển và phân tán này (bao gồm việc tổ chức tháo dỡ máy móc, việc lắp đặt máy móc ở nơi mới, việc xây dựng hoặc sửa chữa nhà cửa nơi mới, nếu có) đều do nguồn vốn xây dựng đặc biệt thời chiến đài thọ.
3. Di chuyển, phân tán kho tàng hoặc hàng hóa vật tư quý hiếm.
Trường hợp vừa kết hợp phân tán kho, vừa được phép xây dựng kho mới theo tiêu chuẩn kiên cố hay bán kiên cố, thì vẫn chi bằng vốn xây dựng cơ bản thường xuyên theo kế hoạch.
Đối với xí nghiệp công nghiệp, xây lắp, vận tải, các chi phí để làm lán trại hoặc sửa chữa nhà cửa và công trình công cộng để làm kho tạm (nếu có), chi phí vận chuyển vật tư, hàng hóa từ nơi cũ đến nơi mới, đều hạch toán vào giá thành (ghi một mục riêng trong quản lý phí xí nghiệp).
Đối với các công trường xây dựng, có một số thiết bị hoặc một số vật liệu quý cần phân tán, thì được chi vào giá dự toán công trình (ghi vào vốn xây dựng cơ bản khác).
Đối với xí nghiệp cung tiêu, thương nghiệp, tất cả các chi phí này đều hạch toán vào một mục riêng trong phí lưu thông.
Đơn vị cơ sở phải có kế hoạch bảo vệ tài sản di chuyển và phân tán một cách chu đáo. Việc giao, nhận tài sản trước, trong và sau khi phân tán phải có sổ sách theo dõi, phải làm đúng thủ tục giấy tờ ký nhận chặt chẽ, phải có người chịu trách nhiệm rõ ràng. Mọi trường hợp mất mát, hao hụt hư hỏng tài sản xảy ra trong quá trình phân tán phải được xác định trách nhiệm và xử lý nghiêm khắc theo chế độ trách nhiệm vật chất.
4. Tăng thêm dự trữ vật tư hàng hóa. Nếu do yêu cầu phân tán vật tư hàng hóa... mà xí nghiệp được phân phối thêm thì được nhận theo mức quy định cho cả kế hoạch năm. Định mức vốn lưu động cho xí nghiệp không có gì thay đổi, nhưng xí nghiệp sẽ được vay trên định mức trong phạm vi kế hoạch năm để tăng thêm dự trữ bằng nguồn vốn tín dụng của ngân hàng Nhà nước hoặc của ngân hàng kiến thiết (đối với các xí nghiệp xây lắp, cung tiêu, kiến thiết cơ bản). Các tổ chức cung ứng vật tư cấp 1 và thương nghiệp bán buôn chỉ được phép giao vật tư hàng hóa cho các xí nghiệp dự trữ trong phạm vi mức quy định nói trên. Nếu cần phải giao quá mức trên đây, cơ quan cung ứng cấp 1 hoặc cơ quan thương nghiệp bán buôn vẫn coi là nguồn vốn của mình, và cần có quan hệ xác định rõ trách nhiệm của đơn vị nhận hàng.
Giao nhận vật tư hàng hóa (kể cả hàng viện trợ) phải theo hình thức mua bán dứt khoát, phải thực hiện đầy đủ các nguyên tắc và thủ tục thanh toán, cấm mua, bán chịu.
5. Huy động và trưng dụng vật tư, hàng hóa, tài sản cố định. Trường hợp khẩn trương, chính quyền địa phương hoặc tổ chức có thẩm quyền (Hội đồng phòng không địa phương, quốc phòng) ra lệnh huy động hay trưng dụng vật tư, hàng hóa, tài sản cố định để làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu, phòng không sơ tán, v.v… thì khi xuất vật tư, hàng hóa và tài sản phải lập đủ chứng từ giao nhận. Trong chứng từ giao nhận cần ghi rõ tên và địa chỉ người nhận, số lượng, chất lượng, tình trạng và trị giá tài sản.
Trị giá vật tư hàng hóa và tài sản được huy động lấy đi hẳn, đều do tổ chức ra lệnh huy động thanh toán.
Đối với vật tư, hàng hóa và tài sản được lệnh huy động tạm thời và sau đó được trả lại, những thiệt hại, mất mát, hao hụt, hư hỏng, kém phẩm chất của tài sản được trả lại đều do tổ chức ra lệnh huy động bồi hoàn.
Trường hợp không được thanh toán và bồi hoàn thì xí nghiệp yêu cầu tổ chức đã ra lệnh huy động cùng lập biên bản xác nhận để gửi lên ngành chủ quản và cơ quan tài chính giải quyết cụ thể.
6. Tu sửa, gia cố, làm thêm, làm mới hầm trú ẩn bên ngoài, nơi làm việc, nơi nhà ăn, nhà ở, nhà trẻ, nhà mẫu giáo (kể cả ở địa điểm cũ và địa điểm sơ tán). Cần phải huy động lực lượng công nhân, viên chức và gia đình ra làm. Trước hết phải sử dụng quỹ xí nghiệp (phần dành cho phúc lợi) để chi về nguyên vật liệu và nhân công cần thiết, hoặc sử dụng quỹ phúc lợi (đối với xí nghiệp đã thực hiện chế độ 3 quỹ) để chi theo đúng tiêu chuẩn quy định của Bộ Tài chính; ngân sách Nhà nước cấp phát thêm phần còn thiếu, hoặc cấp phát cho những xí nghiệp không có quỹ phúc lợi. Hầm trú ẩn xây dựng cho chuyên gia nước ngoài được chi bằng vốn xây dựng đặc biệt thời chiến.
7. Chi về sơ tán gia đình công nhân, viên chức, nhà trẻ, lớp mẫu giáo: Động viên, giáo dục công nhân, viên chức khắc phục khó khăn để tổ chức cho gia đình ở những vùng trọng điểm tạm thời đi sơ tán. Nhà nước giúp đỡ một phần theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Tài chính. Xí nghiệp cũng phải sử dụng quỹ xí nghiệp (phần dành cho phúc lợi) hoặc quỹ phúc lợi (đối với xí nghiệp đã thực hiện chế độ 3 quỹ) để chi thêm các việc cần thiết.
II. MỘT SỐ CÔNG VIỆC PHẢI GIẢI QUYẾT CHO NHỮNG NƠI BỊ ĐỊCH ĐÁNH PHÁ.
1. Thiệt hại vật tư, hàng hóa, tài sản cố định bị địch đánh phá. Ngay sau khi xảy ra địch đánh phá, xí nghiệp phải xác định mức độ thiệt hại và lập biên bản cụ thể về sự thiệt hại đó để báo cáo lên ngành chủ quản và cơ quan tài chính giải quyết. Nếu là công trường xây dựng cơ bản thì cần có cả hai bên A và B cùng xác nhận trong biên bản.
2. Thu dọn, sửa chữa và khôi phục lại các cơ sở bị địch đánh phá. Đồng thời với việc xác nhận thiệt hại nói trên, phải tiến hành thu dọn, cứu vớt ngay những tài sản còn lại, huy động lực lượng công nhân, viên chức ra làm. Tùy theo mức độ chi phí, quy mô và điều kiện kỹ thuật của việc sửa chữa khôi phục, các đơn vị cơ sở chi bằng vốn sửa chữa lớn hoặc vốn xây dựng đặc biệt thời chiến. Các công việc sửa chữa bằng vốn xây dựng đặc biệt thời chiến được châm chước về trình tự xây dựng và được cấp phát theo dự toán căn cứ theo khối lượng cần thiết và đơn giá được duyệt.
3. Chi phí thiệt hại ngừng sản xuất do báo động, do bị địch đánh phá. Tất cả những chi phí này đều hạch toán vào một khoản lỗ riêng. Đối với xí nghiệp đã có lỗ kế hoạch sẽ được ngân sách Nhà nước cấp thêm khoản lỗ này.
4. Trả lương cho công nhân, viên chức trong các trường hợp ngừng sản xuất vì báo động hoặc vì địch đánh phá.
- Trong thời gian làm việc, nếu có báo động phải ngừng sản xuất thì công nhân, viên chức vẫn hưởng đủ lương, nhưng cố gắng tổ chức làm bù. Chi phí tiền lương vẫn hạch toán vào giá thành.
- Trong thời gian xí nghiệp tạm thời ngừng sản xuất vì bị địch đánh phá, xí nghiệp có trách nhiệm huy động công nhân, viên chức tham gia khắc phục hậu quả và khôi phục lại sản xuất. Cần động viên mọi người làm việc khẩn trương không kể giờ giấc, trong thời gian làm các công việc đó; đảm bảo cho công nhân, viên chức vẫn được trả đủ lương. Làm đêm, làm thêm giờ được hưởng các khoản phụ cấp và bồi dưỡng theo quy định. Chi phí tiền lương và các khoản phụ cấp làm công việc gì do nguồn vốn của công việc đó đài thọ. Phần chênh lệch giữa lương cấp bậc và lương được trả theo công việc mới, được hạch toán vào lỗ. Đối với xí nghiệp có lỗ kế hoạch, hoặc ngừng hẳn họat động thì do ngân sách Nhà nước cấp phần chênh lệch này.
- Trường hợp đến kỳ trả lương mà chưa có tiền trả thì có thể đề nghị ngân hàng tạm thời cho vay trả lương, sau đó xí nghiệp phải sử dụng các nguồn vốn thích hợp để hoàn lại.
5. Giá cả hàng hóa mua ngoài, chi về nhân lực và giá cước thuê ngoài. Các đơn vị cơ sở phải nêu cao ý thức chấp hành chính sách giá cả của Nhà nước, phải huy động lực lượng công nhân viên chức để làm các việc đột xuất và cấp bách, phải tận dụng khả năng cung cấp hàng hóa và lao vụ của các tổ chức quốc doanh. Trường hợp có thuê mướn nhân lực bên ngoài, cũng chỉ được thanh toán theo giá cả của chính quyền địa phương quy định, Ủy ban hành chính địa phương đã nhận được chỉ thị tăng cường quản lý thị trường, trừng trị nghiêm khắc bọn đầu cơ tích trữ, huy động lao động nghĩa vụ của mọi người trong thời chiến, v.v…
6. Chi cứu tế đột xuất cho bản thân và gia đình công nhân viên chức bị tai nạn. Ngoài phần cứu tế theo chế độ chung và quy định của từng địa phương, xí nghiệp có thể xét cứu tế đột xuất cho công nhân, viên chức bằng quỹ xí nghiệp (phần dành cho phúc lợi và cứu tế) hoặc bằng quỹ phúc lợi (đối với các xí nghiệp đã thực hiện chế độ 3 quỹ).
Trên đây, Bộ Tài chính đã căn cứ vào một số chế độ, chính sách đã ban hành để hướng dẫn các ngành, các đơn vị cơ sở áp dụng cho thống nhất, và phù hợp với tình hình mới. Điểm nào cần quy định thêm hoặc cần phải sửa đổi, đề nghị bàn bạc với Bộ Tài chính hoặc các cơ quan tài chính địa phương để nghiên cứu cụ thể. Trong khi chờ đợi cần tránh làm tùy tiện, không chấp hành các chế độ, tiêu chuẩn và định mức chi tiêu đã ban hành.
Các cơ quan tài chính vừa phải đảm bảo kịp thời cho những nhu cầu chi tiêu trong tình thế có chiến tranh, vừa phải tăng cường kiểm tra tài chính đảm bảo quản lý tài chính đúng nguyên tắc, chế độ và kỷ luật. Kế toán trưởng các đơn vị cơ sở, các ngành, cũng như toàn thể cán bộ thuộc hệ thống tài chính, ngân hàng phải thi hành và kiểm tra việc thi hành các chế độ kế toán tài sản, kế toán kho hàng, chế độ hạch toán giá thành và phí lưu thông, chế độ thống kê và báo cáo. Cần nắm vững tình hình tài sản biến động, di chuyển hay bị tổn thất, cần đề cao tinh thần trách nhiệm, có thái độ phụ trách đến nơi đến chốn, hết sức chăm lo bảo vệ tài sản, bảo vệ sản xuất, bảo vệ đời sống quần chúng, tránh quan liêu, máy móc, đơn giản, có việc khẩn trương phải xem xét tại chỗ để giải quyết hoặc thỉnh thị ý kiến cấp trên kịp thời.
Mỗi ngành, mỗi đơn vị phải có kế hoạch và dự toán chi tiêu về mỗi loại công việc cần phải tiến hành trong tình hình mới, đảm bảo tính toán hiện vật tài chính cùng một lúc và gắn vào kế hoạch năm 1972. Cần đề cao tinh thần phấn đấu cách mạng, dựa vào lực lượng công nhân, viên chức, lực lượng quần chúng, cố gắng giải quyết các công việc với những khả năng sẵn có của cơ quan, xí nghiệp, địa phương và chỉ đề ra với Nhà nước những yêu cầu thật cần thiết và sau khi đã cân nhắc kỹ về mọi mặt hiệu quả của việc chi tiêu, điều kiện cung cấp vật tư, lao động, v.v… Nhà nước cấm mọi việc tuyển dụng thêm lao động vô nguyên tắc, tự ý phình thêm tổ chức, tăng thêm biên chế. Các định mức về sử dụng vật tư, lao động, tiền vốn vẫn phải được chấp hành chặt chẽ.
Trong tình hình mới, các ngành, các đơn vị phải hoàn thành kế hoạch Nhà nước năm 1972 với mức cao nhất về mặt sản lượng, mặt hàng, chất lượng, giá thành và mức doanh lợi. Có khó khăn về mặt nào phải phấn đấu để khắc phục đồng thời phát huy tiềm lực của cơ sở để giải quyết những yêu cầu mới của tình hình (mặt hàng mới và các lao vụ trong điều kện sơ tán phòng không…) Cần ra sức tiết kiệm chi tiêu, cân nhắc thận trọng các khoản chi tiêu mới, sắp xếp thứ tự ưu tiên một cách chặt chẽ, giảm hoãn những việc có thể giảm hoãn được, cố gắng đảm bảo mức giá thành của kế hoạch năm 1972 và nghĩa vụ tích lũy cho Ngân sách Nhà nước.
Các xí nghiệp đang làm cải tiến quản lý vẫn phải tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ về cải tiến quản lý như đã nêu ra trong các nghị quyết của Đảng và Chính phủ, giữ vững và phát huy thành quả của công việc cải tiến quản lý đã làm, tăng cường hạch toán kinh tế trong bất kỳ tình huống nào, vượt qua thử thách, vươn lên hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH |
Thông tư 07-TC/CNKT-1972 hướng dẫn chế độ chi tiêu và quản lý tài chính tại các Xí nghiệp, Công trường trong tình hình mới do Bộ Tài Chính ban hành
- Số hiệu: 07-TC/CNKT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 26/04/1972
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Đặng Việt Châu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 7
- Ngày hiệu lực: 11/05/1972
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định