Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 06-TT

Hà Nội, ngày 09 tháng 02 năm 1962

THÔNG TƯ

TUYỂN SINH VÀO CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VÀ CHUYÊN NGHIỆP TRUNG CẤP NIÊN KHÓA 1962-1963

Để việc tuyển sinh vào các Trường Đại học và Chuyên nghiệp trung cấp đảm bảo được yêu cầu kế hoạch Nhà nước, đồng thời đảm bảo tuyển lựa được những người có đủ những điều kiện cần thiết để đào tạo thành những cán bộ có giác ngộ xã hội chủ nghĩa cao, có văn hóa và kỹ thuật, có sức khỏe bảo đảm cho chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao một cách toàn diện, trước tiên là có những phẩm chất của người lao động kiểu mới, phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà. Căn cứ vào quyết định số 90-QĐ ngày 17-02-1961 Bộ giáo dục quy định những điều dưới đây áp dụng cho việc tuyển sinh vào năm thứ nhất các Trường Đại học và chuyên nghiệp trung cấp niên khóa 1962-1963.

I. ĐIỀU KIỆN DỰ THI

Tất cả những người muốn xin thi và muốn được xét tuyển vào học ở các Trường Đại học và Chuyên nghiệp trung cấp đều phải có đầy đủ tất cả các điều kiện dưới đây:

1. Tư cách và đạo đức:

- Lịch sử rõ ràng, trung thành với Cách mạng, sẵn sàng và quyết tâm phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh hòa bình thống nhất Tổ quốc.

- Lập trường tư tưởng, tư cách và đạo đức tốt, có thái độ học tập và lao động tốt, được nhân dân yêu mến.

- Không bị can án, phạm pháp, bị pháp luật tước công quyền, hoặc bị cơ quan, nhà trường thải hồi vì những khuyết điểm nặng nề lập trường, tư tưởng, tư cách và đạo đức, mà đến nay chưa có thời gian rèn luyện trong thực tế xã hội, và trong lao động sản xuất để tiến bộ rõ rệt.

2. Văn hóa:

Thi vào các Trường Đại học phải có văn bằng tốt nghiệp cấp III phổ thông, hay một văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp tương đương (kể cả chứng chỉ tốt nghiệp bổ túc văn hóa ngoài giờ làm việc).

Thi vào các trường Chuyên nghiệp trung cấp phải tốt nghiệp lớp 7 hoặc đã được công nhận bổ túc văn hóa hết cấp 2.

Riêng đối với những công nhân, nông dân lao động, bộ đội, cán bộ, nếu vì cơ quan, đơn vị, địa phương không có điều kiện mở những lớp bổ túc văn hóa mà chỉ tự học, và những học sinh là người dân tộc ít người, thì tuy chưa có văn bằng, chứng chỉ tốt nghhiệp, nhưng có học bạ hoặc chứng nhận đã học hết chương trình cấp II, hay cấp III như nói ở trên thì cũng được dự thi với điều kiện được cơ quan, đơn vị, địa phương xét chọn giới thiệu đi học.

3. Tuổi và sức khỏe:

- Thi vào Đại học 30 tuổi trở xuống. Thi vào Chuyên nghiệp trung cấp từ 17 (tính đến hết 31-12-1962) đến 30 tuổi. Riêng đối với công nhân, nông dân lao động, bộ đội, cán bộ, tối đa đến 35 tuổi. Trường hợp là người có thành tích đặc biệt, dân tộc, ít người, miền Nam có thể châm chước đến 37 tuổi, tuổi được tính đến 31-12-1962.

- Có đủ sức khỏe để học tập về sau ra phục vụ được, không mắc bệnh truyền nhiễm, kinh niên hoặc các cố tật ảnh hưởng nhiều đến học tập và công tác.

II. THỦ TỤC LẬP HỒ SƠ XIN THI

1. Hồ sơ phải nộp:

Mỗi một thí sinh phải nộp cho các trường Đại học và Chuyên nghiệp trung cấp hồ sơ xin thi gồm những giấy tờ hợp lệ dưới đây và phải bảo đảm chuyển tới trường thời gian từ 15-03 đến 20-04-1962.

a) một đơn xin thi: ghi rõ những ngành xin học và địa chỉ để báo tin.

b) 2 bản khai lý lịch: có chứng thực của Ủy ban hành chính xã hay khu phố nơi cha mẹ mình và mình ở lâu nhất (thi vào Chuyên nghiệp trung cấp chỉ cần nộp 1 bản).

c) một văn bằng (bản sao), chứng chỉ tốt nghiệp hay học bạ, chứng chỉ học lực.

d) một giấy chứng nhận sức khỏe do Bác sĩ hay Y sĩ của cơ quan y tế có trách nhiệm khám cấp (Ty, Sở, Phòng Y tế). Đối với học sinh đang học ở các trường phổ thông có thể nộp y bạ học sinh.

e) 2 tấm ảnh cỡ 3 x 4 chụp nửa người đầu trần (đối với thí sinh thi vào Đại học).

g) 1 tem giá 0đ12 và một phong bì thư để nhà trường báo trúng tuyển.

h) Những thí sinh là cán bộ, công nhân, nhân dân lao động, bộ đội và học sinh là người dân tộc ít người được chọn giới thiệu đi học phải nộp 1 giấy quyết định chọn giới thiệu đi học của cơ quan, đơn vị, địa phương có thẩm quyền cấp theo thông tư (quy định riêng). Nếu được trúng tuyển thì trong bạn 10 ngày sau khi vào học phải nộp cho các trường giấy thôi trả lương, các giấy tờ thanh toán khác có liên quan đến cơ quan cũ, kèm theo quyết định chọn đi học của cơ quan có thẩm quyền cấp.

i) Ngoài ra, những thí sinh là đảng viên của các Đảng và đoàn viên của các đoàn thể, cần nộp thêm giấy chứng nhận đảng viên, đoàn viên của cấp cơ sở nơi mình đang sinh hoạt cấp.

Đối với những thí sinh tự do, cần phải nộp thêm 1 giấy nhận xét của cơ quan, đơn vị hay địa phương mà mình đang làm việv và cư trú.

k) Khi được giấy báo trúng tuyển, nếu muốn xin học bổng phải làm đơn theo các thể lệ hướng dẫn ở phần cuối thông tư này.

2. Địa điểm nộp hồ sơ:

Đối với học sinh đang học ở các trường phổ thông hay bổ túc văn hóa công nông, nộp tại trường mình học.

- Tất cả các loại thí sinh khác, ở địa phương nào thì nộp hồ sơ xin thi ở các Ty, Sở giáo dục thuộc địa phương đó.

- Riêng các thí sinh ở nội ngoại thành Hà Nội thi vào các trường Đại học và Chuyên nghiệp trung cấp ở Hà Nội thì trực tiếp nộp ở các trường đó. Nếu thi vào các Trường Đại học và Chuyên nghiệp trung cấp ở các địa phương khác thì theo quy định chung là nộp đơn ở Sở Giáo dục Hà Nội.

III. TỔ CHỨC THI KIỂM TRA VĂN HÓA

Tất cả các thí sinh đều phải qua một kỳ thi kiểm tra văn hóa tổ chức như sau:

1. Chương trình và môn thi:

a) Thi vào các trường Đại học.

- Thi vào các ngành, các khoa: cơ khí, luyện kim, điện, vô tuyến điện, địa chất, mỏ, xây dựng, hóa chất của trường Đại học Bách khoa, Thủy công, Thủy nông của Học viện thủy lợi, Cơ khí hóa nông lâm nghiệp, lâm học, đánh cá của Học viện Nông lâm. Toán học, Vật lý của trường Đại học tổng hợp; Toán lý, Lý toán, Hóa lý của trường Đại học Sư phạm phải thi 3 bài: Chính trị, Toán, Lý hóa.

- Thi vào các ngành, các khoa: Y, Dược của trường Đại học Y dược; nuôi cá, chăn nuôi, thú y, trồng trọt của Học viện Nông lâm; Hóa lý, sinh hóa của trường Đại học Sư phạm; Hóa học, Sinh vật của trường Đại học Tổng hợp, phải thi 3 bài: Chính trị, Lý hóa, Sinh vật.

- Thi vào các ngành: Kế hoạch kinh tế quốc dân, Thống kê, kinh tế vận tải của trường Đại học Kinh tế tài chính thi 3 bài: Chính trị, Toán, Địa lý.

- Thi vào các ngành: Địa sinh của trường Đại học Sư phạm phải thi 3 bài: Chính trị, Địa lý, Sinh vật.

- Thi vào các ngành: Văn học, Sử học của trường Đại học Tổng hợp, các ngành Ngoại ngữ, Nga văn, Trung Văn, Anh Văn, Pháp Văn, Văn Học, của trường Đại học Sư phạm, phải thi 3 bài: Chính trị, Quốc văn, Sử.

- Thi vào ngành Sử, Sử địa của trường Đại học Sư phạm phải thi 3 bài: Chính trị, Sử, Địa.

Tất cả các môn thi đều thuộc chương trình cấp III niên khóa 1961 – 1962 của Bộ Giáo dục đã quy định.

b) Thi vào các trường Chuyên nghiệp trung cấp:

Tất cả các trường, các ngành đều thi 3 bài: Quốc văn, Toán, Lý hóa. Thi theo chương trình cấp II niên khóa 1961 – 1962 của Bộ Giáo dục đã quy định.

c) Đối với những lớp bổ túc văn hóa của các ngành mở tập trung cho cán bộ, công nhân viên để chuẩn bị đưa vào học ở các trường Đại học và Chuyên nghiệp trung cấp trực thuộc của các Bộ, các ngành đó thì tùy theo yêu cầu riêng của từng ngành mà các Bộ, các ngành có thể tổ chức thi kiểm tra riêng cho thích hợp.

2. Địa điểm thi kiểm tra văn hóa:

Tổ chức thi ở một số địa phương và một số các trường Đại học ở Hà Nội theo quy định cụ thể sau đây:

a) Thi ở Thị xã Hà Tĩnh: gồm các tỉnh Hà Tĩnh, Vĩnh Linh, Quảng Bình

b) Thi ở Thị xã Nghệ An: gồm tỉnh Nghệ An

c) Thi ở Thị xã Thanh Hóa: gồm tỉnh Thanh Hóa

d) Thi ở Thị xã Nam Định: gồm các tỉnh Nam Định, Ninh Bình

e) Thi ở Thị xã Thái Bình: gồm các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên

g) Thi ở thành phố Hải Phòng: gồm các tỉnh Hải Phòng, Kiến An, Hải Ninh, Hồng Quảng, Hải Dương

h) Thi ở Thị xã Phú Thọ: gồm các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang

i) Thi ở Thị xã Thái Nguyên: gồm các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn

k) Thi ở thành phố Hà Nội (tại các trường Đại học): gồm các tỉnh Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Sơn Tây, Vĩnh Phúc, Hà Đông, Hòa Bình, Tây Bắc.

Thi vào các trường Chuyên nghiệp trung cấp.

Tổ chức thi ở tất cả các tỉnh và trường Chuyên nghiệp trung cấp ở Hà Nội. Mỗi tỉnh có thể tổ chức nhiều địa điểm do Hội đồng thi các tỉnh quy định để thích hợp với hoàn cảnh của địa phương. Thí sinh ở tỉnh nào thi tại tỉnh đó, riêng đối với thí sinh thuộc nội ngoại thành Hà Nội, nếu thi vào các trường Chuyên nghiệp trung cấp ở Hà Nội thì thi tại các trường đó. Nếu thi vào các trường Chuyên nghiệp trung cấp ở các địa phương khác thì thi tại Hội đồng thi chung ở Hả Nội.

3. Thời gian thi:

- Thống nhất cho các trường Chuyên nghiệp trung cấp vào ngày 28-06-1962.

- Thống nhất cho các trường Đại học vào ngày 05-07-1962. Thi trong 1 ngày rưỡi.

4. Báo thi:

Các trường Đại học và Chuyên nghiệp trung cấp không báo thi riêng cho từng cá nhân thí sinh mà sẽ báo bằng danh sách tập thể tại các Ty, Sở Giáo dục (các phòng giáo dục đối với Chuyên nghiệp trung cấp); Trừ những trường hợp thí sinh không phải là học sinh đang học ở các trường phổ thông, hiện đang công tác ở những nơi xa, đi lại khó khăn thì có thể yêu cầu các trường gửi giấy báo thi riêng nhưng không đặt thành một vấn đề phổ biến (thư gửi kèm theo tem và phong bì).

Khi đến thi, thí sinh phải xuất trình cho Hội đồng thi các văn bằng, chứng chỉ học lực, hoặc học bạ chính thức để đối chiếu và các giấy tờ như thẻ học sinh, giấy chứng minh hay giấy thông hành.(Ngoài ra phải mang đủ giấy thi in sẵn, hỏi tại các Ty, Sở Giáo dục).

IV. XÉT TRÚNG TUYỂN

Sau khi xét hồ sơ và kết quả thi kiểm tra văn hóa, các trường Đại học và Chuyên nghiệp trung cấp sẽ căn cứ vào các tiêu chuẩn, tư cách đạo đức, văn hóa và sức khỏe, chính sách ưu tiên đối với những công nhân, nông dân lao động, bộ đội, cán bộ, những người đã có tham gia kháng chiến và đấu tranh cách mạng hoặc đã có một quá trình trực tiếp tham gia lao động sản xuất, chính sách dân tộc, phụ nữ, miền Nam và các chính sách khác kết hợp với trình độ văn hóa mà xét tuyển lựa những người có đủ các tiêu chuẩn vào học để đào tạo thành cán bộ tốt.

Việc xét tuyển học sinh, sinh viên vào các trường sẽ do các ông Hiệu trưởng các trường Đại học và Chuyên nghiệp trung cấp quyết định và được ông Bộ trưởng hay ông Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh, khu, thành phố trực tiếp quản lý duyệt y với sự tham gia ý kiến của Bộ Giáo dục.

Sau khi có kết quả trúng tuyển chính thức, các trường Đại học và Chuyên nghiệp trung cấp sẽ thông báo danh sách tập thể những thí sinh trúng tuyển tại các Ty, Sở Giáo dục, đồng thời cũng sẽ báo riêng cho từng cá nhân học sinh biết ngày nhập học.

Đối với những thí sinh thi hỏng thì liên hệ với nơi mình đã nộp hồ sơ để nhận các giấy tờ (học lực và giấy khám sức khỏe), hạn trong 3 tháng kể từ ngày công bố kết quả.

- Ngoài trường hợp phải điều chỉnh thí sinh theo yêu cầu đào tạo của kế hoạch Nhà nước, các trường Đại học và Chuyên nghiệp trung cấp cũng như Bộ Giáo dục không giải quyết cho bất cứ một học sinh nào đã trúng tuyển ở trường này đề nghị sang học ở trường khác.

Tất cả những vấn đề có liên quan đến tuyển sinh ở các trường Đại học và Chuyên nghiệp trung cấp đều do ông Hiệu trưởng và Hội đồng tuyển sinh các trường chịu trách nhiệm giải quyết theo như các chính sách, quy chế và thể lệ tuyển sinh đã quy định.

Trên đây là những vấn đề thí sinh cần biết để lập hồ sơ xin thi, còn các vấn đề khác đều theo như quy chế tuyển sinh vào các trường Đại học và Chuyên nghiệp trung cấp niên khóa năm 1960 – 1961 của Bộ Giáo dục.

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC




Nguyễn Văn Huyên

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 06-TT năm 1962 về việc tuyển sinh vào các Trường Đại học và Chuyên nghiệp trung cấp niên khóa 1962-1963 do Bộ Giáo dục ban hành

  • Số hiệu: 06-TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 09/02/1962
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục
  • Người ký: Nguyễn Văn Huyên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 8
  • Ngày hiệu lực: 24/02/1962
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản