BỘ TƯ PHÁP | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 06-TT | Hà Nội, ngày 28 tháng 11 năm 1945 |
VỀ SẮC LỆNH ĐẠI XÁ NGÀY 20 THÁNG 10 NĂM 1945 CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ LÂM THỜI.
Gửi các ông: | - Cố vấn và Thẩm phán các tòa Thượng và Sơ thẩm, |
Xin báo để các ngài để ý và thi hành ngay sắc lệnh số 52 ngày 20 tháng 10 năm 1945 đăng trong Việt Nam Công báo số 7, trang 78.
Sắc lệnh này chia làm 3 hạng tội phạm rất rõ rệt,sẩy ra trước ngày 19 tháng 8 năm 1945,
HẠNG THỨ NHẤT: Tám thứ khinh tội và những tội vi cảnh nói trong điều thứ nhất.
Những khinh tội về báo chí, hội họp, đình công (đã nói trong Dụ ngày 17 tháng 5 năm 1945 và thông tư của bản chức số 4 tháng 9 năm 1945) đều phải hiểu nghĩa rộng. Bởi vậy hội họp sẽ gồm có: hội họp trong nhà trái phép, hội họp công khai (điều 136 Hoàng Việt Hình luật, điều 78 Hình luật Bắc kỳ, điều thứ nhất luật ngày 30 tháng 6 năm 1881 và những luật sửa đổi sau), hội họp kín (điều 137, 55 H.V.H.L.) hội xã không khai với nhà nước (điều 171-179 H.L.B.K.) tụ họp rước sách, biểu tình, hội họp có tính cách thương mại, nghiệp đoàn, ái hữu, tương tề, vân vân …
Tội báo chương sẽ bao quát cả những tội có tính cách báo chí và những tội nói trong luật ngày 29 tháng 7 năm 1881 như lăng mạ, nói xấu miệng, trừ tội bại hoại phong hoá (ourrage aux bonnes moeurs) (xem Dutruc: Explication de la loi sur la presse, trang 240). Những tội phạm về sự kiểm sát chung về báo chương có mục đích tuyên truyền cho Pháp và Đông dương thuộc Pháp bắt đầu thi hành từ đại chiến thế giới 1939 như kiểm duyệt báo chí, cấm phản tuyên truyền Pétain đều được xoá bỏ.
Tội phạm trong khi đình công đã nói rõ trong điều 147 H.V.H.L., 309 H.L.B.K., sắc lệnh ngày 2 tháng 4 năm 1932 và sắc lệnh ngày 11 tháng 10 năm 1937 về những sự tổng đình công, tương tranh giữa chủ và thợ có tính cách toàn thể hoặc cá nhân.
Sắc lệnh mới còn xoá hẳn mấy tôị nữa mà theo Dụ ngày 17 tháng 5 năm 1945 thì lại thuộc vào trường hợp có thể được đại xá (bỏ việc, kiểm lâm, kinh tế, vô ý giết người) hoặc không thể được đại xá (quan thuế hay thương chính).
Tội bỏ việc không trả tiền vay đã định nghĩa rõ trong sắc lệnh ngày 2 tháng 6 năm 1932 và nghị định ngày 11 tháng 11 năm 1918 về những phu làm ở đồn điền cao su trong Nam kỳ. Phải xoá cả những tội bội tín nói trong điều 408, chương 4 Hình luật sửa đổi bởi sắc lệnh ngày 31 tháng 12 năm 1912 và sắc lệnh ngày 2 tháng 6 năm 1932, vì hai phạm pháp này đều cùng một loại.
Tội kiểm lâm và tội kinh tế chỉ huy (trừ trọng tội đem ra toà đại hình theo sắc lệnh ngày 23 tháng 6 năm 1941) đều có tính cách đặc biệt, không thể lẫn với tội khác nên không cần giải thích, chỉ căn cứ vào tội danh định trong hồ sơ mà thi hành sắc lệnh là đủ.
Vô ý đánh chết người (homicide involontaire điều 319 H.L. có sắc lệnh sửa đổi và điều 195 H.L.B.K.) không được lẫn với ngộ sát (coups er blessures mortels điều 309, chương 4 H.L sửa đổi và 179 H.L.B.K.) vì một đằng là khinh và một đằng là trọng tội. Đánh người có thương tích chỉ kể thương tích thường (khinh tội: 309 chương 1, 311 H.L. sửa đổi và 189 H.L.B.K.) chứ không được bỏ những tội đại hình như: có thương tích vĩnh viễn như mang tật, mù mắt, cụt chân tay...
Luật quan thuế (D.R) cũng như luật kiểm lâm, không thể ngộ nhận với luật khác, vì có tố tụng riêng. Nhưng theo lý thuyết và án lệ thì kiểm lâm không có tính cách tô thuế (caractère fiscal) như quan thuế hay thương chính (D.R) mà có tính cách trừng phạt (caractère répressif). Cứ tờ trình trong bản sắc lệnh này thì không phải xoá hết thảy tội về luật tô thuế (lois fiscales: enregistrement, octroi, contributions indirectes) mà chỉ xoá tội về luật quan thuế hay thương chính (D & R). Vậy thì xoá bỏ những tội về rượu, muối, thuốc phiện lậu, chống cự nhà đoan và cả mang hàng lậu ra ngoại quốc hay ở ngoài đem vào, ... nói trong sắc lệnh ngày 15 tháng 10 năm 1941.
Nói tóm lại trong khi giải thích, ta cần phải xem những sự phạm pháp có cùng một bản thể (même nature de Pinfraction) với sự phạm pháp nói trong luật đại xá không (xem Dalloz R.P. Chữ Amnistie số 13). Không trái với nguyên tắc ấy những tội a tòng hay tương hành vị toại đều coi như chính tội.
HẠNG THỨ NHÌ: Ngoài 9 thứ tội nói trên, tội khác đều có thể được xoá bỏ, miễn là có án phạt tiền hoặc tù treo hoặc cả hai thứ (điều 3).
Điều kiện cần thiết là có án rồi mà phải là án đã hết phương pháp kháng tố (Cr, 7 déc, r86o D.P. 61.5.21).
Thí dụ một án sơ thẩm cho tù treo, nhưng nếu nguyên cáo hoặc chưởng lý (tố tụng Bắc kỳ) hoặc công tố viện (tố tụng Pháp) có chống án thì tòa nhượng thẩm còn phải xét lại về tình lý (au fond) mà có thể tăng lên được và nhận đầy tội nhân sẽ không được ân xá. Vậy những hồ sơ ấy cần phải đem vào sổ thụ lý ở toà, không như những tội thuộc vào hạng thứ nhất vì nếu ở vào trường hợp điều 1 sắc lệnh thì
phải đình chỉ ngay cuộc truy tố, dù là còn ở toà Dự thẩm, toà Vậng án hay toà Phá án.
(Xem Dalloz R.P. đã dẫn ở trên, số 37 và những án lệ đã nói ở sách ấy nhất là tờ thuyết trình của ông cố vấn Vételay D.P. 12.1.441).
HẠNG THỨ BA: Nếu đem phân tách ra, thì đại ân của những người được hưởng sắc lệnh thuộc về hạng này là ân thích đại xá (grâce amnistiante) chứ không phải đại xá (aministie). Bởi vậy nên tội phạm ấy (những người vì chiến đấu cho nền độc lập của nước Việt Nam, nói trong điều 2) phải có đơn xin.
Bộ Tư pháp đã đánh điện tín đi các Ủy ban nhân dân các tỉnh bảo làm danh sách những tội nhân thuộc vào trường hợp này, và những bản danh sách ấy sẽ coi như là những đơn xin đại xá và được xét một cách rất mau chóng theo thủ tục luật định. Chỉ có cơ quan hành chính mới có đủ tư cách và tài liệu để điều tra và phân biệt được những chính trị phạm nhân chân chính (dù là kết vào tội chính trị hay trường tội) với những tay sai cho ngoại quốc hoạt động có hại cho nền độc lập nước nhà mà cũng bị kết án chính trị.
1) Về những tội danh nói trong điều 1, đại xá sẽ đình chỉ hết sự truy tố, huỷ bỏ hết tố tụng ở các Công tố viện, các toà Dự thẩm và Vậng án. Nếu có án rồi thì sẽ soá bỏ hết vết tích, trừ trên nguyên bản những công văn lưu trữ tại phòng lục sự.
Các toà án nếu đương thẩm cứu hoặc xét xử thì phải huỷ ngay thủ tục hay tuyên ngay công tố miễn nghị, không cần xét đến nội dung hay tình lý.
2) Về những tội nói trong điều 3 và điều 2 thì sau khi cơ quan tư pháp hoặc hành chính đã xá miễn, hiệu lực cũng như trên, nghĩa là phạm pháp sẽ bị xoá, tội nhân sẽ được khôi phục công quyền và dân quyền, được bầu hoặc ứng cử, nếu phạm lỗi nữa tội ấy sẽ không kể để áp dụng luật tái phạm, nói tóm lại sẽ hết vết tích xưa.
Nếu án sơ thẩm thuộc vào điều 3 mà được toà Phúc thẩm đương xét lại thì toà này vẫn phải tiếp tục xử và nếu muốn cho hưởng luật đại xá này thì phải y án sơ thẩm rồi mới tuyên cho hưởng sắc lệnh.
Sau hết đứng về phương diện dân sự, nếu toà hình đã thụ lý rồi thì cùng một lúc tuyên cho đại xá có thể cho nguyên đơn tiền bồi thường được:
a/ theo hình sự tố tụng Bắc kỳ, thì cách giải quyết này rất dĩ nhiên, vì ở các toà Nam án, thẩm phán quan có quyền bắt tội nhân bồi thường cho nguyên đơn không cần đơn xin.
b/ theo tố tụng Pháp (C. Inst. Crim.) công tố (action publique) và tư tố (action civile) khác hẳn nhau, nhưng vẫn có án lệ rằng khi toà hình đã thụ lý rồi, thì lúc tuyên án cho hưởng đại xá, toà vẫn có quyền xét về phương diện dân sự, nguyên đơn không phải trở về toà bộ xin tiền thiệt hại.
Nói tóm lại chỉ phải xin tiền thiệt hại ở toà hộ khi toà hình chưa thụ lý lúc sắc lệnh này thi hành.
Nên để ý rằng: «Dụ Đại xá ngày 17 tháng 5 năm 1945 vẫn có giá trị đối với chính trị phạm và thường phạm nói trong ấy và đã được đại xá rồi.
Bản chức xin các ngài phóng thích ngay những tội nhân đương tại ngục, mà theo sắc lệnh này được đại xá.
Quý toà gửi ngay cho bản chức:
1) Một bản thống kê những tội nhân đã phóng thích (détenus élarigis);
2) Một bản thống kê những phạm nhân (prévenus) hiện bị giam hay không mà theo luật mới được tha ngay; kẻ bị giam phải phóng thích ngay;
3) Một biên bản huỷ bỏ những tờ tư pháp lý lịch số 1
Tự nhiên là những án từ có những phạm pháp được đại xá sẽ không thi hành nữa.
Các ngài làm tờ trình thi hành tờ thông tư này cho bản chức hay và nếu có điều gì chưa rõ nghĩa bản chức sẽ sẵn sàng trả lời.
CHÁNH NHẤT | CHƯỞNG LÝ |
Thông tư 06-TT năm 1945 về sắc lệnh đại xá của Chủ tịch Chính phủ lâm thời do Bộ Tư pháp ban hành
- Số hiệu: 06-TT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 28/11/1945
- Nơi ban hành: Bộ Tư pháp
- Người ký: Nguyễn Huy Mẫn, Trần Đình Trúc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 14
- Ngày hiệu lực: 13/12/1945
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định