Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ-BỘ TƯ PHÁP
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 06-TT/LB

Hà Nội, ngày 09 tháng 03 năm 1959

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC BẦU CỬ HỘI THẨM NHÂN DÂN CÁC CẤP

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ - BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Kính gửi:

- Ủy ban Hành chính khu, tỉnh, thành phố
- Tòa án nhân dân khu, tỉnh, thành phố

Tiếp theo Thông tư số 05-TT ngày 10-02-1959 của Liên bộ Nội vụ - Tư pháp gửi các Ủy ban Hành chính và Tòa án nhân dân khu, tỉnh và thành phố về việc chuẩn bị bầu lại Hội thẩm nhân dân và Thông tư số 174-VTC ngày 13-02-1959 của Bộ Tư pháp gửi các Tòa án nhân dân khu, tỉnh, thành phố về việc các Toà án nhân dân tham gia công tác chuẩn bị bầu lại Hội thẩm nhân dân.

Trong khi chờ ban hành một chế độ hoàn chỉnh về tổ chức các tòa án, Liên bộ tạm thời quy định chi tiết về thể lệ bầu cử và tổ chức Hội thẩm nhân dân như sau:

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Ở những cấp tòa án có Hội đồng nhân dân (thị xã, châu, tỉnh, thành phố, khu Tự trị, khu Hồng Quảng, khu vực Vĩnh Linh), Hội thẩm nhân dân tòa án nhân dân cấp nào do Hội đồng nhân dân cấp ấy bầu ra.

2. Ở cấp huyện và quận ngoại thành (không có Hội đồng nhân dân) thì Hội thẩm nhân dân tòa án nhân dân huyện và Hội thẩm nhân dân Tòa án nhân dân quận ngoại thành do Hội đồng nhân dân xã và Hội đồng nhân dân thị trấn trong huyện quận bầu ra.

3. Không bầu Hội thẩm nhân dân tòa án nhân dân phúc thẩm.

Mỗi khi xét xử, Tòa án nhân dân Phúc thẩm lưu động đến tỉnh nào sẽ lấy Hội thẩm nhân dân trong danh sách Hội thẩm nhân dân của Tòa án nhân dân tỉnh ấy ngồi phiên tòa. Tòa án nhân dân Phúc thẩm thành phố sẽ lấy Hội thẩm nhân dân của Tòa án nhân dân thành phố ngồi phiên tòa.

4. Hội đồng nhân dân có thể bầu Hội thẩm nhân dân những người ở trong Hội đồng nhân dân và ở ngoài Hội đồng nhân dân.

Những người ở ngoài Hội đồng nhân dân có thể chọn trong và ngoài các Ban chấp hành các đoàn thể nhân dân trong Mặt trận Tổ quốc.

5. Những người ứng cử Hội thẩm nhân dân do Ủy ban hành chính giới thiệu theo sự đề cử của Mặt trận Tổ quốc.

6. Nhiệm kỳ của Hội thẩm nhân dân theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân đã bầu ra Hội thẩm nhân dân.

II. SỐ LƯỢNG HỘI THẨM NHÂN DÂN

1. Hội thẩm nhân dân Tòa án nhân dân huyện và quận ngoại thành:

a) Hội đồng nhân dân mỗi xã trong huyện, quận ngoại thành bầu cử từ 4 đến 6 Hội thẩm nhân dân cho Toà án nhân dân huyện, quận ngoại thành.

b) Hội đồng nhân dân mỗi thị trấn trong huyện, quận ngoại thành bầu cử từ 2 đến 4 hội thẩm nhân dân cho Tòa án nhân dân huyện , quận ngoại thành.

2. Hội thẩm nhân dân Toà án nhân dân thị xã:

Hội đồng nhân dân thị xã bầu từ 10 đến 15 hội thẩm nhân dân Toà án nhân dân thị xã.

3. Hội thẩm nhân dân Toà án nhân dân châu:

Hội đồng nhân dân châu bầu từ 6 đến 10 hội thẩm nhân dân cho Tòa án nhân dân châu.

4. Hội thẩm nhân dân Toà án nhân dân khu Tự trị.

Hội đồng nhân dân khu Tự trị bầu từ 15 đến 20 hội thẩm nhân dân Tòa án nhân dân khu Tự trị.

5. Hội thẩm nhân dân tỉnh:

Hội đồng nhân dân tỉnh bầu cho Tòa án nhân dân tỉnh:

- Từ 10 đến 12 Hội thẩm nhân dân ở tỉnh,

- Từ 2 đến 4 Hội thẩm nhân dân ở mỗi huyện và mỗi thị xã trong tỉnh.

6. Hội thẩm nhân dân Toà án nhân dân thành phố Hà Nội:

Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội bầu từ 70 đến 100 Hội thẩm nhân dân Toà án nhân dân Hà Nội.

7. Hội thẩm nhân dân thành phố Hải phòng:

Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng bầu từ 40 đến 60 Hội thẩm nhân dân Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng.

8. Hội thẩm nhân dân Toà án nhân dân khu Hồng Quảng.

Bầu như Hội thẩm nhân dân Toà án nhân dân tỉnh.

9. Hội thẩm nhân dân Toà án nhân dân khu vực Vĩnh Linh:

Hội đồng nhân dân khu vực Vĩnh Linh bầu:

- Từ 4 đến 6 Hội thẩm nhân dân ở khu vực,

- Từ 2 đến 4 Hội thẩm nhân dân ở mỗi xã

Số Hội thẩm nhân dân cần thiết bầu cho Tòa án nhân dân cấp nào sẽ do Ủy ban hành chính cùng với Toà án nhân dân cấp ấy ấn định cho sát, căn cứ vào những số tối thiểu và tối đa nói trên.

Đối với miền Núi (các khu vực Tự trị và các tỉnh miền Núi khác khu Tự trị như Lào Cai, Yên Bái, Hải Ninh, Hòa Bình…) và những địa phương có vùng dân tộc thiểu số, như Thanh Hóa, Phú Thọ, Bắc Giang v.v… cũng dựa trên những con số tối thiểu và tối đa nói trên, Ủy ban hành chính cùng với Toà án nhân dân địa phương (khu Tự trị, tỉnh, huyện, châu) có thể châm chước mà ấn định cho thích hợp với đặc điểm của miền Núi.

III. TIÊU CHUẨN VÀ THÀNH PHẦN NHỮNG NGƯỜI ỨNG CỬ HỘI THẨM NHÂN DÂN

1. Tiêu chuẩn:

a) Những người ứng cử Hội thẩm nhân dân phải đủ 23 tuổi trở lên.

b) Những ứng cử viên ở ngoài Hội đồng nhân dân phải là những người:

- Có quyền bầu cử và ứng cử vào Hội đồng nhân dân.

- Có quyền tiêu chuẩn như những người ứng cử vào Hội đồng nhân dân.

2. Thành phần:

Thành phần chủ yếu là công nhân và nông dân:

a) Ở nông thôn: nông dân tích cực lao động, tiền tiến trong các phong trào hợp tác hóa, những anh hùng, chiến sĩ thi đua v.v…

b) Ở thị trấn, thị xã, thành phố:

- Công nhân gương mẫu trong các xí nghiệp quốc doanh (đại biểu công đoàn xí nghiệp).

- Thợ thủ công tiêu biểu trong các hợp tác xã thủ công nghiệp.

- Anh hùng, chiến sĩ thi đua.

- Đại biểu các đoàn thể khu phố.

- Đại biểu công đoàn các cơ quan.

- Đại biểu trí thức, đại biểu công thương.

Đại biểu phụ nữ cần chiếm một tỷ lệ thích đáng (trên dưới 1/3).

Ở vùng tôn giáo, cần chú ý đến những người tiêu biểu trong tôn giáo.

Ở miền Núi cần chú ý đến thành phần các dân tộc (vùng thấp, vùng cao).

IV. LẬP DANH SÁCH ỨNG CỬ HỘI THẨM NHÂN DÂN

Danh sách những người được giới thiệu ứng cử Hội thẩm nhân dân do Ủy ban Hành chính cấp bầu Hội thẩm nhân dân lập.

V. TỔ CHỨC BẦU CỬ HỘI THẨM NHÂN DÂN

Theo như thể lệ bầu cử Ủy ban hành chính..

Việc bầu cử Hội thẩm nhân dân các cấp lần này tiến hành đi đôi với việc bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp trong một phạm vi rộng lớn trên toàn miền Bắc. Công việc phức tạp và khó khăn. Cần phải kết hợp chặt chẽ và linh hoạt. Kèm theo Thông tư này có bản kế hoạch đại cương hướng dẫn việc thực hiện bầu cử Hội thẩm nhân dân Toà án nhân dân huyện và Hội thẩm nhân dân Toà án nhân dân tỉnh.

Liên bộ mong rằng các Ủy ban Hành chính các cấp sẽ nghiên cứu kỹ Thông tư này và bản kế hoạch kèm theo rồi đặt kế hoạch cụ thể và chi tiết thực hiện việc bầu cử Hội thẩm nhân dân, kết hợp trong việc bầu cử Hội thẩm nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp cho sát, gọn, để bảo đảm thời gian và đạt được kết quả tốt.

Đối với hai thành phố Hà Nội và Hải Phòng và hai khu Tự trị đã bầu cử Hội đồng nhân dân rồi, sẽ có kế hoạch riêng.

Trong việc kiện toàn chế định Hội thẩm nhân dân, nhiệm vụ quan trọng trước tiên là tiến hành bầu cử Hội thẩm nhân dân. Còn một số vấn đề khác như chế độ công tác, chế độ trách nhiệm, cấp phí của Hội thẩm nhân dân …, liên Bộ sẽ nghiên cứu và quy định sau.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG





Tô Quang Đẩu

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
THỨ TRƯỞNG





Nguyễn Trác

KẾ HOẠCH

BẦU CỬ HỘI THẨM NHÂN DÂN CÁC CẤP
(Kết hợp trong cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính địa phương)

A. BẦU CỬ HỘI THẨM NHÂN DÂN HUYỆN

Thông tư Liên bộ Nội vụ - Tư pháp số 05-TT ngày 10-02-1959 và Thông tư số 174-VTC ngày 13-02-1959 đã hướng dẫn việc tuyên truyền cho cuộc bầu cử Hội thẩm nhân dân trong thời gian trước khi bầu cử Hội đồng nhân dân.

Bản kế hoạch này đề ra nhiệm vụ và công tác sẽ tiến hành sau khi bầu cử Hội đồng nhân dân.

Sau khi bầu cử Hội đồng nhân dân:

Nhiệm vụ:

1. Lựa chọn và lập danh sách Hội thẩm nhân dân.

2. Chuẩn bị và tổ chức bầu cử Hội thẩm nhân dân.

Yêu cầu:

1. Làm cho cán bộ và nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng việc bầu cử Hội thẩm nhân dân.

2. Làm cho các tổ chức chính quyền và đoàn thể thấy rõ trách nhiệm lựa chọn người xứng đáng vào danh sách Hội thẩm nhân dân.

3. Bảo đảm tốt việc bầu cử Hội thẩm nhân dân.

KẾ HOẠCH CỤ THỂ

1. Lãnh đạo việc lựa chọn người vào danh sách ứng cử Hội thẩm nhân dân.

Trong các cuộc hội nghị Đảng ở xã, thị trấn để lựa chọn và dự kiến danh sách Ủy ban Hành chính mới, chi ủy và Chi bộ xã, thị trấn sẽ dự kiến danh sách Hội thẩm nhân dân để lãnh đạo việc lựa chọn cho đúng.

2. Giới thiệu và lập danh sách ứng cử Hội thẩm nhân dân.

Ủy ban hành chính tổ chức hội nghị liên tịch chính quyền và các Ban chấp hành các đoàn thể (thanh niên, phụ nữ, nông hội) để nghiên cứu về:

- Sự quan trọng của chế định Hội thẩm nhân dân.

- Nhiệm vụ quyền hạn của Hội thẩm nhân dân.

- Ý nghĩa việc bầu cử Hội thẩm nhân dân.

- Tiêu chuẩn lựa chọn Hội thẩm nhân dân.

Căn cứ vào tiêu chuẩn đã đề ra, và số Hội thẩm nhân dân sẽ bầu, hội nghị sẽ trao đổi ý kiến về việc lựa chọn người vào danh sách ứng cử Hội thẩm nhân dân.

Sau khi đã thống nhất ý kiến về những người được giới thiệu, Ủy ban Hành chính lập danh sách chính thức.

Sau hội nghị, các đại biểu sẽ phân công đi thăm dò và tranh thủ ý kiến của các ngành các giới và của bản thân những người được giới thiệu. Nếu có ý kiến khác với dự kiến của hội nghị liên tịch mà xét ra đúng và hợp lý, hội nghị liên tịch cần họp để nhận xét và điều chỉnh danh sách cho kịp thời.

3. Chuẩn bị cuộc bầu cử:

Hội đồng nhân dân họp hội nghị trù bị để nghiên cứu về:

- Ý nghĩa và nội dung của chế định Hội thẩm nhân dân.

- Ý nghĩa việc bầu cử,

- Số lượng, nhiệm kỳ, tiêu chuẩn Hội thẩm nhân dân.

4. Tổ chức bầu cử:

Trong phiên họp Hội đồng nhân dân khóa thứ nhất, ngay sau khi bầu xong Ủy ban hành chính, Hội đồng nhân dân sẽ bầu luôn Hội thẩm nhân dân.

5. Liên hoan mừng thắng lợi:

Hội thẩm nhân dân sẽ ra mắt nhân dân cùng với Ủy ban hành chính mới.

B. KẾ HOẠCH BẦU CỬ HỘI THẨM NHÂN DÂN TÒA ÁN NHÂN DÂN THỊ XÃ

Theo như kế hoạch bầu cử Hội thẩm nhân dân huyện.

C. KẾ HOẠCH BẦU CỬ HỘI THẨM NHÂN DÂN TỈNH

Kết hợp trong việc bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính tỉnh.

I. TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC

1. Thời gian trước khi bầu Hội thẩm nhân dân:

Chuẩn bị lập danh sách ứng cử Hội thẩm nhân dân.

Đối tượng chủ yếu để tuyên truyền là: cán bộ các cơ quan và đoàn thể có trách nhiệm giới thiệu người ứng cử Hội thẩm nhân dân.

Mục đích yêu cầu: làm cho các cơ quan và đoàn thể nhận rõ:

- Tầm quan trọng của chế định Hội thẩm nhân dân.

- Nhiệm vụ, quyền hạn, vai trò và tác dụng của Hội thẩm nhân dân.

- Thành phần và tiêu chuẩn lựa chọn Hội thẩm nhân dân.

Trên cơ sở đó, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ quan, đoàn thể trong việc lựa chọn và giới thiệu người có đủ điều kiện vào danh sách ứng cử Hội thẩm nhân dân.

2. Sau khi đã bầu xong Hội thẩm nhân dân:

Chuẩn bị bầu cử Hội thẩm nhân dân kết hợp trong việc bầu cử Ủy ban Hành chính:

Nhiệm vụ chính là tuyên truyền trong nội bộ Hội đồng nhân dân, làm cho các hội viên Hội đồng nhân dân nhận rõ:

- Ý nghĩa và nội dung của chế định Hội thẩm nhân dân.

- Ý nghĩa việc bầu cử Hội thẩm nhân dân.

- Số lượng, thành phần, tiêu chuẩn lựa chọn Hội thẩm nhân dân.

Nội dung tuyên truyền: cũng như nội dung trong các tài liệu tuyên truyền bầu cử Hội thẩm nhân dân huyện. Nhưng cần sửa đổi cho thích hợp với trình độ từng đối tượng.

Phương pháp tuyên truyền: kết hợp trong các cuộc hội nghị Đảng, Chính, Dân qua các bước chuẩn bị bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh và trong hội nghị trù bị của Hội đồng nhân dân để chuẩn bị bầu Ủy ban Hành chính tỉnh.

II. GIỚI THIỆU VÀ LẬP DANH SÁCH NHỮNG NGƯỜI ỨNG CỬ HỘI THẨM NHÂN DÂN

Danh sách những người ứng cử Hội thẩm nhân dân Toà án nhân dân tỉnh gồm:

- Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

- Đại biểu các ban chấp hành các đoàn thể trong Mặt trận Tổ quốc tỉnh,

- Những người ở ngoài các ban chấp hành các đoàn thể tỉnh,

- Những người ở trong và ở ngoài các Ban chấp hành các đoàn thể ở mỗi huyện và thị xã.

1. Lãnh đạo việc lựa chọn người vào danh sách ứng cử Hội thẩm nhân dân:

Để lãnh đạo việc lựa chọn người vào danh sách ứng cử Hội thẩm nhân dân Toà án nhân dân tỉnh:

a) Tỉnh ủy dự kiến danh sách những người ứng cử Hội thẩm nhân dân ở tỉnh,

b) Huyện ủy và thị ủy dự kiến danh sách những người ứng cử ở mỗi huyện và thị xã.

2. Giới thiệu người ứng cử và lập danh sách:

a) Các Ủy ban và Ban chấp hành các đoàn thể trong Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch (có đại biểu nhân dân tỉnh tham gia) để nghiên cứu về:

- Ý nghĩa và nội dung của chế định Hội thẩm nhân dân (sự quan trọng của chế định Hội thẩm nhân dân, nhiệm vụ, quyền hạn, tác dụng của Hội thẩm nhân dân)…

- Và tiêu chuẩn lựa chọn Hội thẩm nhân dân.

Căn cứ vào những tiêu chuẩn đã đề ra, các đại biểu trong hội nghị đề cử người vào danh sách ứng cử. Sau khi đã thống nhất ý kiến về những người được lựa chọn, Ủy ban Hành chính tỉnh lập danh sách chính thức những người đã được giới thiệu.

b) Ở mỗi huyện và thị xã, Ủy ban Hành chính, Tòa án nhân dân và các Ban Chấp hành các đoàn thể trong Mặt trận Tổ quốc huyện và thị xã cũng họp hội nghị liên tịch như ở tỉnh để lựa chọn và đề cử người vào danh sách ứng cử Hội thẩm nhân dân tỉnh, Ủy ban Hành chính huyện lập danh sách những người được giới thiệu gửi lên Ủy ban Hành chính tỉnh.

c) Ủy ban Hành chính tỉnh tập trung các danh sách giới thiệu của tỉnh và của các huyện và thị xã để lập một danh sách chung.

III. CHUẨN BỊ BẦU CỬ

(kết hợp trong cuộc họp trù bị của Hội đồng nhân dân tỉnh để học tập về việc bầu cử Ủy ban Hành chính tỉnh).

Hội đồng nhân dân sẽ nghiên cứu về:

- Ý nghĩa và nội dung của chế định Hội thẩm nhân dân,

- Ý nghĩa việc bầu cử Hội thẩm nhân dân.

- Số lượng, nhiệm kỳ, thành phần và tiêu chuẩn những người ứng cử Hội thẩm nhân dân.

IV. TỔ CHỨC BẦU CỬ HỘI THẨM NHÂN DÂN

Trong phiên họp Hội đồng nhân dân khóa thứ nhất, ngay sau khi bầu xong Ủy ban Hành chính tỉnh, Hội đồng nhân dân sẽ bầu Hội thẩm nhân dân Toà án nhân dân tỉnh.

D. BẦU CỬ HỘI THẨM NHÂN DÂN CÁC CẤP Ở MIỀN NÚI

Dựa theo kế hoạch hướng dẫn trên đây, Ủy ban Hành chính và Tòa án nhân dân các cấp ở miền núi sẽ tùy nghi đặt kế hoạch cụ thể bầu cử Hội thẩm nhân dân mỗi cấp cho sát với tình hình thực tế ở mỗi địa phương.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 06-TT/LB năm 1959 về việc bầu cử Hội thẩm nhân dân các cấp do Bộ Tư Pháp- Bộ Nội Vụ ban hành

  • Số hiệu: 06-TT/LB
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 09/03/1959
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp
  • Người ký: Nguyễn Trác, Tô Quang Đẩu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 11
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản