Hệ thống pháp luật

BỘ THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******

Số: 06-TBXH

Hà Nội, ngày 18 tháng 03 năm 1978

THÔNG TƯ

VỀ MỘT SỐ CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI NGƯỜI BỆNH TÂM THẦN MÃN TÍNH NẶNG ĐƯỢC NHẬN VÀO KHU NUÔI DƯỠNG NGƯỜI TÂM THẦN MÃN TÍNH

Ở các bệnh viện điều trị bệnh nhân tâm thần phân liệt có một số người bệnh đã đi vào thời kỳ mãn tính, sa sút, không còn khả năng hồi phục nhưng vì không có thân nhân đón nhận nên không đưa ra khỏi viện được, làm cho bệnh viện không quay vòng được giường bệnh để tiếp nhận bệnh nhân mới.

Tại các địa phương, người bệnh tâm thần phân liệt mãn tính thường gây mất trật tự, an toàn xã hội, có những hành động phương hại đến kinh tế của gia đình và xóm làng. Một số trường hợp người bệnh tâm thần phân liệt đã gây ra những vụ thương vong đáng tiếc.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Thương binh và Xã hội) đã thành lập trại điều dưỡng T.202 để thu nhận những người bệnh mãn tính nói trên nhưng mới chỉ đáp ứng được rất ít so với đề nghị xin gửi người vào trại của các đơn vị và địa phương.

Để hỗ trợ cho ngành y tế và để giảm bớt khó khăn trong đời sống xã hội, tạo điều kiện cho nhân dân tập trung vào lao động sản xuất, sau khi đã trao đổi, được các Bộ Tài chính, Lương thực và thực phẩm, Nội thương, Y tế nhất trí, Bộ Thương binh và Xã hội quy định chế độ đối với người bệnh tâm thần mãn tính không còn khả năng hồi phục như sau:

1. Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, căn cứ vào số người bệnh tâm thần mãn tính tại địa phương, thành lập khu nuôi người bệnh tâm thần mãn tính đã ở giai đoạn sa sút, đã qua điều trị của y tế nhưng không còn khả năng hồi phục lấy tên là Khu nuôi dưỡng người tâm thần mãn tính. Quy mô lớn nhỏ tùy tình hình từng địa phương mà tổ chức. Các tỉnh, thành phố có dân đông, có nhiều người mắc bệnh tâm thần không còn khả năng hồi phục, có thể lập khu nuôi dưỡng từ 150 tới 300 người. Nơi dân số ít, số người mắc bệnh tâm thần mãn tính có trong địa phương không nhiều thì tổ chức tại các trại xã hội sẵn có của tỉnh một khu nuôi dưỡng riêng người bệnh tâm thần mãn tính.

Việc xây dựng khu nuôi dưỡng người bệnh tâm thần mãn tính đòi hỏi những điều kiện khác các trại xã hội thông thường, các địa phương cần phối hợp với cơ quan y tế nghiên cứu xây dựng cho hợp lý (sẽ có hướng dẫn thêm).

Đối với các tỉnh miền núi, Bộ Thương binh và Xã hội sẽ nghiên cứu để phối hợp tổ chức một khu nuôi người tâm thần mãn tính chung cho các tỉnh gần nhau.

2. Tiêu chuẩn xét, nhận đối tượng vào khu nuôi dưỡng người tâm thần mãn tính:

Người được xét nhận vào khu để nuôi dưỡng là người bệnh tâm thần không còn khả năng hồi phục, đã ở giai đoạn sa sút, mãn tính, thường gây mất trật tự xã hội, ảnh hưởng đến sinh hoạt, lao động của gia đình và xóm làng.

Khi xét, nhận cần theo thứ tự ưu tiên:

a. Người bệnh đi lang thang làm mất trật tự xã hội, không có thân nhân nhận về.

b. Người bệnh điều trị quá lâu tại các bệnh viện tâm thần, không có thân thích chăm nom, không nơi nương tựa, không còn khả năng hồi phục nhưng cũng không chuyển được đi nơi khác.

c. Người bệnh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, lao động của gia đình và xóm làng. Gia đình người bệnh đã vì vậy mà khó khăn không đủ khả năng tiếp tục chăm sóc nuôi dưỡng; thân nhân người bệnh tha thiết và tự nguyện xin gửi vào khu nuôi dưỡng người tâm thần mãn tính.

Trong đối tượng ở điểm C nói trên cần xét giải quyết trước đối với những gia đình liệt sĩ, thương binh, bộ đội, cán bộ và những gia đình có công khác.

3. Chế độ đối với những người được thu nhận:

a. Những người được quyết định nhận vào khu nuôi dưỡng người tâm thần mãn tính:

- Phải chuyển hộ khẩu, giấy được cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, sổ lĩnh trợ cấp (nếu có) ở nơi cư trú đến khu nuôi dưỡng để đăng ký hưởng các chế độ ở nơi đó.

- Người được nhận vào là thương binh, bệnh binh, công nhân viên chức về hưu hoặc mất sức được tổ chức ở riêng và có chế độ riêng. Người nào đã được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước thì góp tiền ăn bằng 60% trợ cấp hàng tháng của mình nhưng không nhiều hơn mức tiền ăn của khu chi cho người đó (không kể tiền bồi dưỡng theo bệnh lý).

- Những người trong thành phần nhân dân, gia đình phải góp tiền ăn cho người bệnh. Trường hợp gia đình có khó khăn được xét giảm một phần hoặc miễn đóng góp.

- Các chi phí khác do ngân sách Nhà nước đài thọ.

b. Chế độ nuôi dưỡng:

Chi về ăn, mặc, thuốc phòng, vệ sinh, giải trí cho một người, bình quân một tháng là 28 đồng cho người thuộc thành phần nhân dân, 31 đồng cho những người là thương binh, bệnh binh, công nhân, cán bộ (không kể thuốc chuyên khoa do cơ quan y tế cấp). Số tiền trên phân phối như sau:

- Ăn: 21 đồng (hoặc 24 đồng cho thương bệnh binh, cán bộ, công nhân).

- Mặc: 4 đồng (trích ra để may sắm quần áo, chăn màn, khăn mũ, áo chống rét, dép guốc, khăn mặt, v.v…)

- Thuốc phòng: 1 đồng

- Giải trí: 0,50 đồng

- Vệ sinh, cắt tóc: 1,50 đồng

c. Khu nuôi dưỡng được dự trù mua cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm của Nhà nước hàng tháng cho mỗi người như sau:

Lương thực: 16 kilôgam (như T.202 hiện nay; sau này sẽ căn cứ chế độ cung cấp cho cán bộ, công nhân để quy định cho hợp lý hơn);

Thực phẩm:

- Thịt và mỡ: 0,5 kg

- Đậu phụ: 1 kg

- Nước mắm: 0,75 lít

- Đường: 0,350 kg

- Mì chính: 10 gam

- Trứng: 5 quả

Các loại thực phẩm khác được cấp tùy theo khả năng của thương nghiệp địa phương.

Một năm:

- 2 bộ quần áo (loại vải thường)

- 2 quần lót, 2 áo lót

- 2 khăn mặt

- 1 đôi dép lốp (hoặc nhựa)

- 1 chiếu cá nhân.

Ba năm:

- 1 chăn bông hoặc chăn chiên loại tốt

- 1 màn cá nhân

- 1 áo chống rét (bằng bông hoặc dệt kim)

- 1 khăn quàng cổ.

Ngoài chế độ trên đây, vì bệnh nhân tâm thần hay đập phá, xé quần áo, chăn màn khi lên cơn kích động, khu được dự trù mua thêm bằng 5% số hàng thuộc tiêu chuẩn một năm, 3 năm nói trên để bổ sung khi cần thiết.

4. Chế độ thuốc chuyên khoa tâm thần và điều trị:

Căn cứ vào số lượng đang nuôi dưỡng, hàng quý, hàng năm, khu nuôi dưỡng người tâm thần mãn tính có kế hoạch dự trù thuốc với Sở, Ty y tế (trạm tâm thần hoặc bệnh viện tâm thần địa phương) để được cấp thuốc chuyên khoa tâm thần theo công thức điều trị ngoại trú của Bộ Y tế.

Mỗi khu được thành lập một bệnh xá nhỏ (trạm y tế cơ sở) có số giường bằng 30% tổng số người bệnh của khu để điều trị các bệnh khác và những bệnh nhân lên cơn kích động nặng hoặc quá sa sút. Các tiêu chuẩn, chế độ của những giường bệnh này là những tiêu chuẩn chế độ hiện hành đối với các giường của các trạm y tế cơ sở.

5. Các khu nuôi dưỡng người tâm thần mãn tính phải tổ chức các hình thức lao động trị liệu, đưa người bệnh vào các hoạt động nhẹ nhàng, hợp lý, ngăn ngừa diễn biến xấu của bệnh, tạo điều kiện cải thiện sinh hoạt hàng ngày cho người được nuôi dưỡng.

6. Chế độ đối với cán bộ, công nhân, nhân viên làm việc ở các khu nuôi dưỡng người bệnh tâm thần mãn tính:

Được hưởng phụ cấp làm việc trong điều kiện có hại sức khỏe theo quyết định số 94-TTg/CN ngày 27/9/1968 của Thủ tướng Chính phủ.

7. Kinh phí xây dựng khu ban đầu do vốn xây dựng cơ bản của trung ương đài thọ, kinh phí hoạt động của khu, kinh phí nuôi dưỡng bệnh nhân và kinh phí cho bộ máy quản lý khu lấy vào ngân sách xã hội của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

8. Tổ chức thực hiện:

Ty, Sở thương binh và xã hội có trách nhiệm:

- Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh lập kế hoạch xây dựng và quản lý khu nuôi dưỡng người tâm thần mãn tính của tỉnh.

- Căn cứ vào quy định của thông tư này, phối hợp với cơ quan y tế, xét nhận người vào khu nuôi dưỡng người tâm thần mãn tính thuộc địa phương mình.

- Phải phổ biến cho mọi cán bộ, nhân dân nắm vững tiêu chuẩn, chế độ, quy định ở thông tư này để thi hành cho đúng.

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Định

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 06-TBXH-1978 về chế độ đối với người bệnh tâm thần mãn tính nặng được nhận vào khu nuôi dưỡng người tâm thần mãn tính do Bộ Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 06-TBXH
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 18/03/1978
  • Nơi ban hành: Bộ Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Nguyễn Thị Định
  • Ngày công báo: 15/03/1978
  • Số công báo: Số 5
  • Ngày hiệu lực: 02/04/1978
  • Ngày hết hiệu lực: 01/05/1999
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản