Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 06-NV

Hà Nội, ngày 04 tháng 06 năm 1970

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC TỔ CHỨC CHÔN CẤT CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, QUÂN NHÂN VỀ HƯU VÀ NGHỈ VIỆC VÌ MẤT SỨC LAO ĐỘNG CHẾT

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

Việc tổ chức chôn cất cán bộ, công nhân, viên chức, quân nhân về hưu và nghỉ việc vì mất sức lao động chết, lâu nay chưa được quy định rõ ràng, do đó nhiều nơi còn lúng túng, hoặc chưa thật quan tâm đến vấn đề này. Có nơi, có cán bộ về hưu sống một mình, khi chết, tổ hưu trí phải đứng ra lo liệu, có trường hợp cán bộ về hưu cư trú tại địa phương khi chết, cơ quan cũ về tổ chức chôn cất xong, ban thương binh-xã hội tỉnh mới biết; ngược lại có trường hợp có người về hưu nghỉ mất sức cư trú tại địa phương, khi chết, cơ quan, xí nghiệp cũ không được biết, nên không cử người về đưa đám, hoặc thăm hỏi gia đình.

Để bổ khuyết tình trạng trên, Bộ Nội vụ hướng dẫn một số điểm cần thiết sau đây:

1. Cán bộ, công nhân, viên chức, quân nhân về hưu, nghỉ mất sức chết, cư trú hoặc sơ tán ở địa phương nào, thì Ủy ban hành chính địa phương đó có trách nhiệm tổ chức chôn cất hoặc giúp đỡ gia đình ngườiđóchôn cất. Trường hợp người chết có gia đình thì chủ yếu do gia đình lo liệu, Ủy ban hành chính cần thăm hỏi, giúp đỡ gia đình giải quyết khó khăn trong việc tổ chức tang lễ; trường hợp người chết không có gia đình, hoặc gia đình neo đơn con cái đi công tác, chiến đấu ở xa không về kịp, thì Ủy ban hành chính phải tổ chức chôn cất chu đáo.

2. Cán bộ, công nhân, viên chức, quân nhân về hưu, nghỉ mất sức chết, nếu vẫn còn cư trú ở nhà tập thể của cơ quan, xí nghiệp nơi người đó công tác trước khi về nghỉ, hoặc tuy không ở nhà tập thể cơ quan, xí nghiệp nhưng cùng ở trong một xã, thị trấn, thị xã, thành phố, thì cơ quan, xí nghiệp vẫn có trách nhiệm tổ chức chôn cất nếu người chết không có gia đình hoặc giúp đỡ gia đình người đó chôn cất.

3. Cán bộ, công nhân, viên chức, quân nhân về hưu, nghỉ mất sức chết khi chữa bệnh tại các bệnh viện thuộc địa phương khác, thì bệnh viện cần báo ngay cho Ủy ban hành chính sở tại (ban, phòng thương binh – xã hội, hoặc ban, phòng tổ chức dân chính) biết để Ủy ban giúp đỡ bệnh viện tiến hành việc chôn cất.

Đối với những trường hợp trên đây, tiền trợ cấp chôn cất sẽ do Ủy ban hành chính sở tại chi và thanh toán vào quỹ hưu trí (1%) của tỉnh, thành nơi đó, sau đó Ủy ban báo cáo cho ban thương binh-xã hội nơi người chết cư trú biết là đã chi trợ cấp chôn cất, và gửi kèm theo tờ sao giấy khai tử để ban thương binh-xã hội xét cấp tiền tuất cho thân nhân của người đó nếu có đủ điều kiện.

4. Về trách nhiệm tổ chức chôn cất đối với những đối tượng nói trên, Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố cần căn cứ vào tinh thần phân cấp quản lý cán bộ hiện nay mà giao nhiệm vụ cho từng cấp, cụ thể như sau:

- Đối với các cán bộ thuộc diện trung ương, khu, tỉnh, thành phố quản lý thì do Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố phụ trách;

- Đối với các cán bộ khác thì do Ủy ban hành chính huyện, khu phố phụ trách.

Tuy về nguyên tắc cần có sự quy định như trên, nhưng trong thực tế để bảo đảm cho việc chôn cất đối với mọi đối tượng tiến hành được kịp thời, chu đáo thì Ủy ban hành chính cấp cơ sở vẫn có trách nhiệm giúp đỡ gia đình người chết chôn cất hoặc giúp Ủy ban hành chính cấp trên tổ chức chôn cất trong những trường hợp cần thiết. Về khoản tiền trợ cấp chôn cất (150đ) sẽ được giải quyết như sau:

- Nếu quỹ hưu trí ở huyện, thị xã còn tiền thì Ủy ban hành chính huyện, thị căn cứ vào giấy khai tử trả ngay cho gia đình có người chết;

- Nếu quỹ hưu trí ở huyện, thị không còn tiền thỉ Ủy ban hành chính huyện quyết định tạm ứng rồi thanh toán với tỉnh.

Mặt khác khi Ủy ban hành chính các cấp nhận được tin có người chết thuộc diện quản lý của cấp mình thì cần báo gấp cho cơ quan, xí nghiệp, đơn vị có người về hưu, nghỉ mất sức chết để các nơi đó cử người về đưa đám (nếu kịp), hoặc chi buồn cùng gia đình.

Ngoài việc tổ chức chôn cất chu đáo, Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố cần quan tâm giải quyết nhanh chóng chế độ tiền tuất cho thân nhân người chết, nếu xét họ có đủ điều kiện.

5. Để làm tốt việc chôn cất đối với người về hưu và nghỉ mất sức, các ban, phòng thương binh-xã hội (hoặc ban, phòng tổ chức dân chính) có trách nhiệm giúp Ủy ban hành chính cấp mình thường xuyên đi sát, nắm tình hình đời sống, sức khỏe của những đối tượng thuộc cấp mình quản lý, kịp thời báo cáo cho Ủy ban biết khi có người chết; đồng thời cần chủ động phối hợp với các ban tổ chức của Đảng, của chính quyền để tổ chức việc chôn cất hoặc giúp đỡ gia đình người chết chôn cất cho chu đáo.

Trên đây Bộ chỉ hướng dẫn một số điểm có tính chất nguyên tắc để Ủy ban nghiên cứu, áp dụng cho phù hợp với tình hình địa phương mình.

Trong khi thi hành nếu có vấn đề gì khó khăn, mắc mứu, yêu cầu Ủy ban phản ánh kịp thời cho Bộ biết để góp ý kiến giải quyết.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG




Lê Tất Đắc

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 06-NV-1970 hướng dẫn việc tổ chức chôn cất cán bộ, công nhân viên chức, quân nhân về hưu và nghỉ việc vì mất sức lao động chết Bộ Nội vụ ban hành

  • Số hiệu: 06-NV
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 04/06/1970
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
  • Người ký: Lê Tất Đắc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 11
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản