Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ Y TẾ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06-BYT/TT | Hà Nội, ngày 06 tháng 3 năm 1981 |
Ngày 22-12-1980 của Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 323-TTg về cải tiến chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, nhân viên y tế làm công tác phẫu thuật. Nay Bộ Y tế hướng dẫn để thực hiện như sau.
I. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC HƯỞNG CHẾ ĐỘ BỒI DƯỠNG PHẪU THUẬT GỒM:
1. Những bác sĩ được công nhận là phẫu thuật viên, giáo sư, phó giáo sư, người được mời đến chỉ đạo ca mổ, người giúp việc trong khi mổ như gây mê, phụ mổ, chuyển dụng cụ, kể cả mổ người chết, làm phẫu tích xác chết để giảng dạy và nghiên cứu.
2. Những cán bộ, nhân viên y tế thuộc tất cả các khoa lâm sàng và X quang phải tiến hành các thủ thuật phức tạp (kể cả nội khoa, ngoại khoa) để chẩn đoán hay điều trị.
II. NGUYÊN TẮC VÀ MỨC TIỀN BỒI DƯỠNG:
1. Nguyên tắc được hưởng bồi dưỡng:
Nói chung mổ ca nào được hưởng bồi dưỡng ca đó kể cả trong và ngoài giờ chính quyền, không hạn chế số lần bồi dưỡng. Người làm nhiệm vụ trong ca mổ nào được bồi dưỡng theo mức bồi dưỡng quy định cho ca đó, nếu có trình độ chuyên môn kỹ thuật đảm bảo phục vụ tốt cho ca mổ ấy. Tuy nhiên trong thực tế này có một số phẫu thuật loại III và một số thủ thuật của một số chuyên khoa kỹ thuật đơn giản, làm dễ dàng, không căng thẳng thì có thể làm 2 - 3 ca mới được hưởng một đơn vị bồi dưỡng loại III.
Một số trường hợp cụ thể:
Đối với bác sĩ gây mê đã có thâm niên nghề từ 6 năm trở lên, có trình độ kỹ thuật gây mê phục vụ tốt cho ca mổ, được hưởng như phẫu thuật viên chính theo ca mổ. Những bác sĩ gây mê có thâm niên nghề dưới 6 năm và y sĩ, kỹ thuật viên gây mê có thâm niên trên 10 năm được hưởng bồi dưỡng như người phụ mổ. Những y sĩ, kỹ thuật viên gây mê có thâm niên nghề dưới 10 năm được hưởng bồi dưỡng như những người giúp việc, với mức 1 đồng. Trường hợp có một trung tâm gây mê cùng một lúc phục vụ cho hai, ba ca mổ thì người điều khiển trung tâm gây mê ấy được hưởng như người mổ chính của ca cao nhất.
Những ca mổ rất khó khăn phức tạp, phải kéo dài từ 4 giờ liền trở lên, nếu có ý kiến của giáo sư và được sự đồng ý của bệnh viện trưởng thì có thể được tính ca mổ này như hai ca loại I, ngược lại có ca mổ loại III nhưng đơn giản dễ làm thì không nhất thiết mổ ca nào hưởng ca ấy, mà hai, ba ca loại này mới được tính là một ca loại III.
Những ca mổ loại II nói chung hưởng theo quy định của ca mổ.
2. Số lượng người phục vụ cho mỗ ca mổ:
Mỗi ca mổ thường có 1 phẫu thuật viên chính, 1 phụ mổ, 1 gây mê và từ 1 đến 3 người giúp việc, những ca mổ khó phức tạp có thể có giáo sư, phó giáo sư hay bác sĩ có trình độ chuyên môn cao (chuyên khoa cấp II trở lên hoặc tương đương) đến chỉ đạo. Số lượng người mổ phục vụ cho mỗi loại ca mổ quy định như sau:
- Ca loại I từ 5 đến 6 người,
- Ca loại II từ 4 đến 5 người,
- Ca loại III từ 2 đến 3 người,
- Ca mổ xác chết 2 người: Người mổ chính và người giúp việc.
- Các thủ thuật phức tạp để chẩn đoán, điều trị từ 2 đến 3 người.
Các ca mổ khó phức tạp có mời giáo sư, phó giáo sư, v.v... đến chỉ đạo ca mổ, thì số lượng người mổ, phục vụ cho mỗi ca mổ được thêm lên từ 1 đến 2 người là tối đa, những người này phải chỉ đạo suốt cả ca mổ hoặc trực tiếp tham gia. Trong khi mổ, việc phân công phải cố gắng xếp cho phù hợp với quy định trên. Trường hợp mổ chỉ cần ít người hơn so vói quy định thì cũng không nhất thiết phải bố trí người cho đủ. Những người giúp việc bên ngoài như lấy thêm dụng cụ, thuốc, băng gạc, bóp bông, đo áp huyết... không nằm trong đối tượng để hưởng bồi dưỡng.
3. Mức tiền bồi dưỡng của mỗi loại ca mổ:
- Ca mổ loại I, giáo sư, phó giáo sư, người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao được mời đến chỉ đạo ca mổ, thì người mổ chính được hưởng bồi dưỡng 3 đồng.
Người phụ mổ: 2 đồng,
Người giúp việc: 1 đồng,
- Ca mổ loại II:
Người mổ chính được hưởng bồi dưỡng : 2 đồng,
Người phụ mổ: 1,5 đồng,
Người giúp việc: 1 đồng,
- Ca mổ loại III:
Người mổ chính được hưởng bồi dưỡng : 1,5 đồng,
Người phụ mổ: 1 đồng,
Người giúp việc: 0,80 đồng,
Người gây mê hưởng theo quy định chung của các ca mổ như điểm 1, mục II nói trên.
- Các thủ thuật phức tạp để chẩn đoán, điều trị (kể cả nội khoa, ngoại khoa) được hưởng như ca mổ loại I. Nếu có những thủ thuật rất phức tạp khó khăn phải thực hiện mất nhiều thời gian và đã được xác định trong bảng phân loại ca mổ thì được hưởng theo như ca mổ.
- Các ca mổ xác chết hưởng theo bảng phân loại ca mổ.
- Cán bộ, nhân viên y tế làm công tác phẫu tích xác chết để giảng dạy hay phục vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học được hưởng như người mổ chính thức ca mổ loại III = 1,50 đồng một lần.
Bảng phân loại các ca mổ (kể cả mổ xác), các thủ thuật khó và phức tạp phẫu tích xác chết để làm căn cứ trả tiền bồi dưỡng có quy định riêng gửi kèm theo với thông tư này. Khi chưa có bảng phân loại mới, áp dụng theo bảng phân loại cũ.
4. Số tiền bồi dưỡng cần giải quyết kịp thời và thực hiện bồi dưỡng bằng hiện vật ngay trong khi mổ, số tiền còn lại trả cho người mổ, phục vụ mổ trong tuần hoặc trong tháng đó, không được để sang tháng sau.
III. CHẾ ĐỘ CUNG CẤP SỮA, ĐƯỜNG, LƯƠNG THỰC VÀ THỰC PHẨM:
1. Chế độ cung cấp bằng sữa, hoặc đường.
Cán bộ, nhân viên y tế theo quy định dưới đây hàng tháng được cấp phiếu sữa là 2 hộp, nếu không có sữa thì thay bằng 1 kg đường bán theo giá cung cấp, nếu không có sữa, đường bán theo giá cung cấp thì ngành tài chính cấp bù chênh lệch cho ngành nội thương để ngành nội thương cung cấp cho ngành y tế (sau này Bộ Nội thương sẽ có hướng dẫn cụ thể):
- Những phẫu thuật viên chính, người gây mê thuộc biên chế phòng mổ thường xuyên chuyên trách trực tiếp mổ, phục vụ mổ. Những giáo sư, phó giáo sư cũng thường xuyên trực tiếp mổ, hoặc chỉ đạo ca mổ.
- Những giáo sư, bác sĩ, y sĩ thuộc biên chế khoa giải phẫu bệnh thường xuyên mổ người chết, phẫu tích các xác chết để giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
- Những bác sĩ, giáo sư, phó giáo sư, cán bộ giảng dạy thuộc biên chế bộ môn ngoại của trường đại học, cao đẳng hay trung học y tế nhưng cũng thường xuyên chuyên trách mổ người và mổ xác như cán bộ của bệnh viên, viên nghiên cứu y tế thì cũng được hưởng bồi dưỡng sữa hoặc đường.
Những người không thuộc các đối tượng trên thì không được hưởng chế độ cung cấp sữa hoặc đường hàng tháng, mà chỉ được hưởng bồi dưỡng bằng tiền theo các loại ca mổ như quy định trong mục II nói trên.
2. Chế độ cung cấp tem phiếu thực phẩm.
Cán bộ, nhân viên y tế chuyên trách thường xuyên mổ, phục vụ mổ, kể cả mổ xác và phẫu tích xác chết thuộc biên chế của bệnh viện, viện nghiên cứu y tế, trường đại học, cao đẳng hay trung học y tế (bộ môn ngoại), giải phẫu bệnh, được hưởng chế độ tem phiếu thực phẩm ổn định hàng tháng hoặc năm theo bảng phân loại lao động theo nghề quy định tại Quyết định số 278-LĐ/QĐ ngày 13-11-1978 của Bộ Lao động, cụ thể như sau:
- Người phụ mổ, phục vụ mổ hưởng theo phiếu công nhân loại III.
- Người mổ chính và gây mê hưởng theo phiếu công nhân loại IV.
- Người mổ xác và phục vụ mổ xác hưởng theo phiếu công nhân loại V.
- Những cán bộ, nhân viên y tế trong thời gian tập sự thuộc biên chế của phòng mổ, của khoa ngoại, bộ môn ngoại khoa, giải phẫu bệnh cũng làm nhiệm vụ mổ, phục vụ mổ như cán bộ thuộc biên chế chính thức của phòng mổ, hoặc khoa ngoại của bệnh viện, viện nghiên cứu y tế thì cũng được hưởng chế độ tem phiếu ổn định như cán bộ thuộc biên chế chính thức.
- Những cán bộ, nhân viên y tế thuộc biên chế chính thức của phòng mổ, hoặc khoa ngoại của bệnh viện, viện nghiên cứu y tế thì cũng được hưởng chế độ tem phiếu ổn định như cán bộ thuộc biên chế chính thức.
- Những cán bộ, nhân viên y tế thuộc biên chế bộ môn ngoại của Trường đại học cao đẳng hay trung học y tế, nhưng không thường xuyên mổ, thì hưởng chế độ tem phiếu thực phẩm như cán bộ nhân viên nhà trường (theo lương).
3. Chế độ cung cấp lương thực:
Cán bộ, nhân viên y tế thuộc biên chế phòng mổ khoa ngoại thường xuyên chuyên trách mổ và phục vụ mổ (kể cả cán bộ nhân viên thuộc biên chế nhà trường) hàng tháng được cung cấp theo tiêu chuẩn 15 kg tháng.
Nói chuyên trách thường xuyên là nói những người đã chính thức thuộc biên chế phòng mổ khoa ngoại được giao nhiệm vụ mổ, phục vụ mổ mà hàng tháng làm nhiệm vụ này ít nhất phải bằng một nửa thời gian trở lên, những người không chuyên trách thường xuyên, hoặc thỉnh thoảng mới mổ thì hưởng chế độ tem phiếu thực phẩm và lương thực như cán bộ, công nhân, viên chức nói chung theo chế độ hiện hành.
1. Việc công nhận các phẫu thuật viên chính, người gây mê và nhân viên phục vụ mổ do thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm và ra quyết định dựa vào căn cứ sau đây.
- Quy mô tổ chức, biên chế phòng mổ và khoa giải phẫu bệnh của từng loại bệnh viện mà xác định số lượng phẫu thuật viên chính, người gây mê chính và nhân viên phục vụ mổ.
- Người mổ chính và gây mê chính phải là những người đã hết thời gian tập sự, được công nhận chính thức, có đạo đức tốt và trình độ chuyên khoa thành thạo, được hội đồng khoa học của đơn vị tuyển chọn đề cử và thủ trưởng đơn vị ra quyết định.
2. Hàng năm cần phải tổ chức kiểm tra xác nhận trình độ của các phẫu thuật viên và nhân viên phục vụ mổ, những người mà trình độ chuyên môn yếu lại không thường xuyên phấn đấu học tập nâng cao trình độ thì nên chuyển làm công tác khác.
3. Bộ giao cho bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cộng hòa dân chủ Đức và Trường đại học y Hà Nội chủ trì, kết hợp với Trường đại học y dược thành phố Hồ Chí Minh, học viện y Huế, các bệnh viện, viện chuyên khoa đầu ngành của Trung ương hàng năm tổ chức kiểm tra sát hạch, bồi dưỡng nâng cao trình độ của các phẫu thuật viên, nhằm xây dựng một đội ngũ phẫu thuật viên vững mạnh có chất lượng, có tay nghề giỏi.
4. Bộ yêu cầu khi thực hiện chế độ bồi dưỡng này, trình độ tay nghề của các phẫu thuật viên và nhân viên phục vụ mổ phải ngày càng được thành thạo và nâng cao hơn, chất lượng mổ, phục vụ mổ và tinh thần phục vụ người mổ phải tốt hơn nhiều, phải hết sức đề cao trách nhiệm coi trọng tính mạng của bệnh nhân.
Các Sở, Ty y tế, các bệnh viện, viện trực thuộc Bộ cần lập dự trù về kinh phí, sữa, đường, thực phẩm gửi cho các Sở, Ty tài chính, thương nghiệp của địa phương để yêu cầu cung cấp tiền và hiện vật nhằm đảm bảo thực hiện bồi dưỡng tại chỗ cho cán bộ , nhân viên làm công tác này.
Thông tư này có giá trị thi hành kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1981 và thay cho các văn bản trước đây về vấn đề bồi dưỡng cho cán bộ, nhân viên y tế làm công tác phẫu thuật.
Đặng Hồi Xuân (Đã ký) |
- 1Thông tư 24-TTg năm 1962 quy định chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, nhân viên y tế làm công tác phẫu thuật do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Thông tư liên tịch 433/1997/TTLT--BTCCBCP hướng dẫn chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ viên chức trực tiếp tham gia cưỡng chế thi hành án do Ban Tổ Chức Cán Bộ Chính Phủ-Bộ Tài Chinh, Bộ Tư Pháp ban hành
- 3Quyết định 2398/QĐ-BYT năm 1999 bãi bỏ 120 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 1Thông tư 24-TTg năm 1962 quy định chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, nhân viên y tế làm công tác phẫu thuật do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Thông tư liên tịch 433/1997/TTLT--BTCCBCP hướng dẫn chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ viên chức trực tiếp tham gia cưỡng chế thi hành án do Ban Tổ Chức Cán Bộ Chính Phủ-Bộ Tài Chinh, Bộ Tư Pháp ban hành
Thông tư 06-BYT/TT 1981 hướng dẫn thi hành Quyết định 323-TTg 1980 về cải tiến chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, nhân viên y tế làm công tác phẫu thuật do Bộ Y tế ban hành
- Số hiệu: 06-BYT/TT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 06/03/1981
- Nơi ban hành: Bộ Y tế
- Người ký: Đặng Hồi Xuân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 4
- Ngày hiệu lực: 01/01/1981
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra