Hệ thống pháp luật

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2023/TT-BTTTT

Hà Nội, ngày 30 tháng 6 năm 2023

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN NGUYÊN TẮC BIÊN TẬP, PHÂN LOẠI VÀ CẢNH BÁO NỘI DUNG PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH THỂ THAO, GIẢI TRÍ THEO YÊU CẦU TRÊN DỊCH VỤ PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH

Căn cứ Luật Báo chí ngày 05 tháng 4 năm 2016;

Căn cứ Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình;

Căn cứ Nghị định số 71/2022/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình;

Căn cứ Nghị định số 48/2022/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử,

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư hướng dẫn nguyên tắc biên tập, phân loại và cảnh báo nội dung phát thanh, truyền hình thể thao, giải trí theo yêu cầu trên dịch vụ phát thanh, truyền hình.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

Thông tư này hướng dẫn nguyên tắc biên tập, phân loại và cảnh báo nội dung phát thanh, truyền hình theo yêu cầu đối với chương trình thể thao, giải trí theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 20a Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, được quy định bổ sung tại khoản 11 Điều 1 Nghị định số 71/2022/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.

2. Đối tượng áp dụng:

Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (gọi tắt là đơn vị) tham gia hoạt động biên tập, cung cấp nội dung phát thanh, truyền hình theo yêu cầu trên dịch vụ phát thanh, truyền hình; cơ quan quản lý nhà nước về phát thanh, truyền hình và các cơ quan, tổ chức liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình.

Điều 2. Nguyên tắc biên tập nội dung phát thanh, truyền hình thể thao, giải trí theo yêu cầu

1. Nguyên tắc chung

a) Đúng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước;

b) Loại bỏ trong chương trình tất cả các nội dung vi phạm các điều cấm của pháp luật về báo chí và quy định pháp luật khác; những vấn đề còn gây tranh cãi, những vấn đề chưa được pháp luật Việt Nam công nhận;

c) Bảo vệ trẻ em và đối tượng dễ bị tổn thương khác đối với các nội dung không phù hợp hoặc có thể có tác động tiêu cực;

d) Loại bỏ trong chương trình những nội dung, đoạn hội thoại có ý chê bai, dèm pha về nguồn gốc, xuất thân của người đối thoại hoặc nhân vật được đề cập; những nội dung lấy nhược điểm thân thể của cá nhân để chọc cười; những từ ngữ, ký hiệu miệt thị, trái văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục Việt Nam; hạn chế sử dụng tiếng lóng, từ ngữ chửi thề nếu không phù hợp với hoàn cảnh, bối cảnh, nội dung được chương trình đề cập;

đ) Loại bỏ chương trình trong trường hợp khi thực hiện biên tập chương trình, phát hiện trong chương trình, tại địa điểm diễn ra sự kiện, địa điểm tổ chức sự kiện thể thao, giải trí có xuất hiện hình ảnh, hoạt động vi phạm các điều cấm của pháp luật, trái thuần phong mỹ tục Việt Nam hoặc có các yếu tố chính trị nhạy cảm.

2. Đối với các chương trình ghi âm, ghi hình để phát sau

Thực hiện biên tập chương trình như quy định tại khoản 1 Điều này, bao gồm cả bản chữ (text) và tệp (file) hình ảnh, âm thanh.

3. Đối với các chương trình trực tiếp theo thời điểm diễn ra sự kiện

a) Đối với chương trình do đơn vị biên tập là đơn vị tổ chức sản xuất: Thực hiện biên tập chương trình như quy định tại khoản 1 Điều này; biên tập từ khâu kịch bản đến khâu tổ chức sản xuất trước khi diễn ra chương trình trực tiếp và giám sát, biên tập trực tiếp nội dung tại thời điểm truyền phát từ khi bắt đầu đến khi kết thúc.

b) Đối với chương trình khai thác, mua bản quyền trong nước và nước ngoài: Thực hiện biên tập chương trình như quy định tại khoản 1 Điều này; rà soát trước nội dung căn cứ lịch truyền phát chương trình đã có trước, theo kịch bản hoặc nội dung chương trình được đối tác cung cấp trước khi diễn ra chương trình trực tiếp và giám sát, biên tập trực tiếp nội dung tại thời điểm truyền phát từ khi bắt đầu đến khi kết thúc.

4. Đối với các chương trình thể thao và giải trí có nội dung liên quan đến y tế, giáo dục và trò chơi điện tử trực tuyến: Thực hiện biên tập như quy định tại khoản 1 Điều này và phải bảo đảm đáp ứng quy định của pháp luật chuyên ngành.

Điều 3. Nguyên tắc phân loại nội dung phát thanh, truyền hình thể thao, giải trí theo yêu cầu

1. Đối với nội dung phát thanh, truyền hình theo yêu cầu là các chương trình giải trí, các chương trình thể thao về các bộ môn thể thao mạo hiểm, thể thao đối kháng, võ thuật, có tính bạo lực, nguy hiểm, các đơn vị thực hiện biên tập phải dán nhãn, ghi rõ mức phân loại đối với chương trình đã biên tập theo các mức phân loại chương trình quy định tại khoản 4 Điều này;

2. Nguyên tắc phân loại chương trình

a) Căn cứ cách thể hiện, các tình huống và bối cảnh cụ thể, tính tương tác, tần suất, thời lượng, mức độ chi tiết của hình ảnh, âm thanh, ánh sáng, lời thoại và mức độ tác động của chương trình đối với người nghe, xem, trong đó tầm quan trọng của bối cảnh và mức độ tác động đến người nghe, xem là những yếu tố ưu tiên trong việc phân loại chương trình;

b) Tùy vào nội dung, chương trình được cân nhắc phân loại ở mức thấp hơn khi có các tình tiết:

- Khi được miêu tả bằng lời nói thay vì hình ảnh trong các chương trình truyền hình, chương trình hình ảnh và âm thanh;

- Hình ảnh, lời nói có mức độ tác động thấp;

c) Tùy vào nội dung, chương trình được phân loại ở mức cao hơn khi có tình tiết:

- Chứa nhiều chi tiết hơn, bao gồm cả việc quay cận cảnh và quay chậm;

- Sử dụng các kỹ thuật tạo điểm nhấn như kỹ thuật ánh sáng, phối cảnh và độ phân giải;

- Sử dụng các hiệu ứng đặc biệt như ánh sáng, âm thanh, tiếng động, độ phân giải, màu sắc, kích thước của hình ảnh, đặc điểm và tông màu;

- Được tả thực thay vì cách điệu;

- Khuyến khích tương tác.

d) Trường hợp chương trình ở giữa các mức phân loại, thì chương trình có cách xử lý tình huống và kết quả thể hiện thông điệp giáo dục, nhân văn, ca ngợi các giá trị đạo đức, xã hội, tác động tích cực tới người nghe, xem sẽ được xem xét phân loại ở mức thấp hơn.

3. Các tiêu chí để phân loại chương trình bao gồm:

a) Về chủ đề, nội dung;

b) Về bạo lực;

c) Về khỏa thân, tình dục;

d) Về ma túy, các chất kích thích, gây nghiện;

đ) Về kinh dị;

e) Về hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thô tục;

g) Về hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước.

4. Các mức phân loại chương trình

Mức phân loại chương trình theo các tiêu chí để phân loại quy định tại khoản 3 Điều này được xếp từ thấp đến cao như sau:

a) Loại P: Chương trình được phép phổ biến đến người nghe, xem ở mọi độ tuổi;

b) Loại K: Chương trình được phép phổ biến đến người nghe, xem dưới 13 tuổi với điều kiện nghe, xem cùng cha, mẹ, người giám hộ;

c) Loại T13: Chương trình được phép phổ biến đến người nghe, xem từ đủ 13 tuổi trở lên;

d) Loại T16: Chương trình được phép phổ biến đến người nghe, xem từ đủ 16 tuổi trở lên;

đ) Loại T18: Chương trình được phép phổ biến đến người nghe, xem từ đủ 18 tuổi trở lên;

e) Loại C: Chương trình không được phép phổ biến.

5. Đối với chương trình được phân loại C: Không được phép cung cấp trên dịch vụ.

6. Danh mục các mức phân loại chương trình quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 4. Nguyên tắc cảnh báo nội dung phát thanh, truyền hình thể thao, giải trí theo yêu cầu

1. Đối với các chương trình có mức phân loại từ loại K đến loại T18: phải thực hiện cảnh báo;

2. Đối với các chương trình giải trí là các chương trình truyền hình thực tế, biểu diễn nghệ thuật; các chương trình truyền hình có nội dung thi tài, biểu diễn về những hành động mạo hiểm, nguy hiểm, có nguy cơ gây thương tích; các chương trình truyền hình giả tưởng, chương trình dàn dựng lại từ sự việc có thật; các chương trình thể thao về các bộ môn thể thao mạo hiểm, thể thao đối kháng, võ thuật, có tính bạo lực, nguy hiểm: phải có dòng chữ cảnh báo chậm nhất trước 03 giây so với thời điểm diễn ra tình huống, nội dung cần cảnh báo và được duy trì trong suốt quá trình diễn ra tình huống, nội dung này để người xem không bắt chước, học theo.

Điều 5. Nguyên tắc thực hiện hiển thị mức phân loại và cảnh báo nội dung phát thanh, truyền hình thể thao, giải trí theo yêu cầu

1. Nguyên tắc hiển thị mức phân loại chương trình

a) Mức phân loại phải được hiển thị rõ ràng và nổi bật ngay ở thư mục giới thiệu/hiển thị chương trình trên giao diện màn hình của thiết bị để người nghe, xem đưa ra quyết định nghe, xem chương trình cung cấp trên dịch vụ;

b) Đối với chương trình truyền hình, chương trình hình ảnh và âm thanh: Mức phân loại liên tục xuất hiện ở góc trái hoặc góc phải phía trên màn hình của thiết bị trong suốt quá trình truyền phát chương trình, bảo đảm không chồng lấn với biểu tượng của dịch vụ hoặc các biểu tượng khác;

c) Đối với chương trình phát thanh, chương trình âm thanh: Không phải hiển thị mức phân loại trong quá trình truyền phát chương trình.

2. Nguyên tắc hiển thị cảnh báo

a) Việc hiển thị cảnh báo phải được thực hiện ngay khi truyền phát chương trình và trong quá trình truyền phát chương trình; thực hiện bằng một trong các phương thức hoặc kết hợp nhiều phương thức phù hợp, bao gồm nhưng không giới hạn: lời nói, chữ viết;

b) Đối với chương trình truyền hình, chương trình hình ảnh và âm thanh:

Hiển thị nội dung cảnh báo bằng chữ viết hoặc lời nói chậm nhất trong 03 giây ngay sau khi chương trình được truyền phát và hiển thị thêm ít nhất 01 lần dòng chữ cảnh báo trong quá trình truyền phát chương trình đối với chương trình có thời lượng dưới 30 phút, hiển thị thêm ít nhất 02 lần dòng chữ cảnh báo đối với chương trình có thời lượng từ 30 phút trở lên.

Vị trí hiển thị dòng chữ cảnh báo ngay sát phía dưới biểu tượng mức phân loại của chương trình theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này; ở dưới chân màn hình của thiết bị trong quá trình truyền phát chương trình đối với các chương trình quy định tại khoản 2 Điều 4 của Thông tư này, bảo đảm không chồng lấn với biểu tượng của dịch vụ hoặc các biểu tượng khác;

c) Đối với chương trình phát thanh, chương trình âm thanh: hiển thị nội dung cảnh báo bằng lời nói ngay khi chương trình được truyền phát.

Điều 6. Nguyên tắc quản lý nội dung phát thanh, truyền hình thể thao, giải trí theo yêu cầu đã được biên tập, phân loại và cảnh báo

1. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình phải thực hiện hiển thị mức phân loại và hiển thị cảnh báo trên các chương trình theo quy định tại khoản 1 Điều 3khoản 1 Điều 4 của Thông tư này.

2. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình phải lập hồ sơ biên tập, phân loại, cảnh báo theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 21 Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, được quy định bổ sung tại điểm b khoản 12 Điều 1 Nghị định số 71/2022/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP.

3. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình thực hiện quản lý nội dung bằng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ để đảm bảo yêu cầu:

a) Kiểm soát trên hệ thống máy chủ truyền phát (playout server) các chương trình đã được biên tập, phân loại, cảnh báo và quản lý người nghe, xem theo cơ chế buộc đăng nhập thông tin cá nhân trước khi nghe, xem chương trình; cho phép người nghe, xem kiểm soát quyền truy cập bằng việc thiết lập quyền hạn chế nghe, xem theo nhu cầu cá nhân;

b) Lưu trữ đầy đủ các chương trình đã cung cấp trên hệ thống thiết bị lưu trữ trong thời gian 30 ngày phục vụ công tác kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền;

c) Thực hiện biên tập thông qua thiết bị làm chậm (delayed server) đối với các chương trình giải trí được truyền phát cùng giờ với chương trình gốc.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn, kiểm tra thực hiện Thông tư này trên phạm vi cả nước.

2. Các đơn vị căn cứ các nguyên tắc quy định trong Thông tư này và Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này, xây dựng và ban hành Bản hướng dẫn biên tập, phân loại hoặc Bộ quy tắc biên tập, phân loại để áp dụng tại đơn vị.

Điều 8. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2023.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Thông tin và Truyền thông (qua Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan TW của các đoàn thể;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo; Cổng TTĐT Chính phủ;
- Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật;
- Sở TTTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Hiệp hội THTT;
- Các Đài PTTH, đơn vị hoạt động truyền hình;
- Các đơn vị cung cấp dịch vụ PTTH;
- Bộ TTTT: Bộ trưởng và các Thứ trưởng; các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; Cổng TTĐT Bộ;
- Lưu: VT; PTTH&TTĐT.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Mạnh Hùng

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC MỨC PHÂN LOẠI CHƯƠNG TRÌNH
(Ban hành kèm theo Thông tư số 06/2023/TT-BTTTT ngày 30 tháng 6 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông)

I. Giải thích từ ngữ:

Trong danh mục các mức phân loại, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Miêu tả là dùng ngôn ngữ, hình ảnh, âm thanh, ánh sáng hoặc cách thức nào đó để làm cho người nghe, xem hình dung được ý nghĩa của nội dung cần diễn đạt.

2. Miêu tả ở mức độ nhẹ là miêu tả thoáng qua, không rõ ràng, thiếu chi tiết và tác động đến người nghe, xem dưới mức bình thường.

3. Miêu tả ở mức độ trung bình là miêu tả có thêm các chi tiết và tác động đến người nghe, xem ở mức bình thường.

4. Miêu tả ở mức độ mạnh là miêu tả chi tiết, rõ ràng và tác động đến người nghe, xem trên mức bình thường.

5. Miêu tả ở mức độ quá mức là miêu tả ở mức độ mạnh đặc biệt là về tính chất, tần suất, thời lượng và tác động đến người nghe, xem vượt quá giới hạn cho phép, ở mức khó chấp nhận.

6. Khai thác sâu là miêu tả cụ thể ở mức độ trên mức trung bình nhằm nhấn mạnh vào nội dung cần diễn đạt.

7. Diễn ra thường xuyên là sự xuất hiện nhiều lần, liên tục những hình ảnh, âm thanh, ánh sáng, ngôn ngữ tương tự nhau trong một khoảng thời gian nhất định hoặc không nhất định.

8. Miêu tả chi tiết là miêu tả rõ nét, trực diện, ở khoảng cách gần về nhân vật, bối cảnh, hành động trong chương trình bao gồm các cảnh đặc tả, cận cảnh, hình ảnh chuyển động chậm, kéo dài hoặc lặp lại.

9. Thời lượng kéo dài là thời gian mà hình ảnh, ngôn ngữ, âm thanh, ánh sáng được miêu tả dài hơn mức bình thường.

10. Mức độ tác động đến người nghe, xem là mức độ làm thay đổi suy nghĩ, nhận thức và hành động của người nghe, xem một cách tích cực hoặc tiêu cực, vô thức hoặc có ý thức.

11. Bắt chước các hành động trong chương trình là làm theo, mô phỏng hoặc sao chép hành vi, lời nói, cử chỉ của nhân vật trong chương trình vô thức hoặc có ý thức.

II. Các mức phân loại chương trình:

Stt

Mức phân loại và biểu tượng mức phân loại

Tiêu chí phân loại

1.

Chương trình được phép phổ biến đến người nghe, xem ở mọi độ tuổi

Biểu tượng: P

a) Chủ đề, nội dung

Nội dung mang tính giáo dục, giải trí lành mạnh, khuyến khích những giá trị đạo đức và quan hệ xã hội tích cực.

b) Bạo lực

- Không xuất hiện bất cứ hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện cảnh uy hiếp, đe dọa, đánh đập người khác;

- Không được miêu tả bạo lực tình dục.

c) Khỏa thân, tình dục

Không có hình ảnh khỏa thân; không có hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ miêu tả hình ảnh khỏa thân, hoạt động tình dục.

d) Ma túy, các chất kích thích, gây nghiện

Không có các hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện việc sử dụng ma túy và các chất kích thích, gây nghiện.

đ) Kinh dị

Không có hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ kinh dị.

e) Hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thô tục (gồm cả phụ đề)

Không sử dụng hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thô tục.

g) Hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước

Không có những hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ khuyến khích hoặc kích thích hành vi bắt chước như sử dụng ma túy, chất kích thích, gây nghiện, tự sát, bạo lực, sử dụng vũ khí, công cụ nguy hiểm gây sát thương, hành động vi phạm pháp luật.

2.

Chương trình được phổ biến đến người nghe, xem dưới 13 tuổi với điều kiện nghe, xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ

Biểu tượng: K

a) Chủ đề, nội dung

- Như mức phân loại P;

- Những nội dung cần có cha, mẹ và người giám hộ hướng dẫn được miêu tả ở mức độ nhẹ, ít có tác động đến người nghe, xem và phải phù hợp với bối cảnh.

b) Bạo lực

- Hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện hành vi bạo lực được miêu tả ở mức độ nhẹ, không chi tiết, không xuất hiện thường xuyên, tác động đến người nghe, xem ở mức độ nhẹ và phải phù hợp với chủ đề, nội dung chương trình;

- Không được miêu tả bạo lực tình dục.

c) Khỏa thân, tình dục

- Như mức phân loại P;

d) Ma túy, các chất kích thích, gây nghiện

Có thể có các hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện việc sử dụng ma túy và các chất kích thích, gây nghiện nhưng nhằm mục đích lên án, phản đối những hành vi đó hoặc có mục đích, thông điệp giáo dục rõ ràng; được miêu tả ngụ ý kín đáo và phải phù hợp với nội dung chương trình.

đ) Kinh dị

Hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ kinh dị được miêu tả ở mức độ nhẹ, không chi tiết, không có thời lượng kéo dài và không xuất hiện thường xuyên, ít có tác động và không tạo cảm giác đe dọa đến người nghe, xem. Kết quả phải mang tính trấn an và giải toả.

e) Hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thô tục (gồm cả phụ đề)

Có thể có hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thô tục nhưng được miêu tả ở mức độ nhẹ, không xuất hiện thường xuyên và phải phù hợp với chủ đề, nội dung chương trình, như sử dụng tiếng lóng, cách xử lý mang tính hài hước.

g) Hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước

Không có những hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ khuyến khích và kích thích hành vi bắt chước như sử dụng ma túy, tự sát, bạo lực, sử dụng vũ khí, công cụ nguy hiểm gây sát thương, hành động vi phạm pháp luật khác, trừ trường hợp hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ đó phù hợp với nội dung chương trình và có thông điệp giáo dục rõ ràng; được miêu tả ngụ ý kín đáo và không khai thác sâu.

3.

Chương trình được phổ biến đến người nghe, xem từ đủ 13 tuổi trở lên

Biểu tượng: T13

a) Chủ đề, nội dung

- Nội dung chương trình không phản ánh những vấn đề khiến nhận thức, cảm xúc của người nghe, xem ở lứa tuổi từ đủ 13 bị lệch lạc, tâm lý bị xáo trộn hoặc rơi vào tình trạng lo sợ, bi quan, buồn chán, tác động tiêu cực đến việc hình thành và phát triển tính cách của người nghe, xem trong độ tuổi đang lớn;

- Đối với chương trình có nội dung hành động, kinh dị, hoặc có chủ đề lạm dụng trẻ em, phải có thông điệp giáo dục rõ ràng, có thể miêu tả ở mức độ nhẹ, không chi tiết, không diễn ra thường xuyên và không khai thác sâu.

b) Bạo lực

- Hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện hành vi bạo lực được miêu tả ở mức độ nhẹ, không chi tiết, không diễn ra thường xuyên, tác động đến người nghe, xem ở mức độ nhẹ và phải phù hợp với chủ đề, nội dung chương trình;

- Không có hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ miêu tả chi tiết về hành vi gây đau đớn, thương tích hoặc cảnh giết người, động vật, vật nuôi;

- Không được miêu tả bạo lực tình dục.

c) Khỏa thân, tình dục

- Như mức phân loại P;

d) Ma túy, các chất kích thích, gây nghiện

Có thể có các hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện việc sử dụng ma túy và các chất kích thích, gây nghiện nhưng nhằm mục đích lên án, phản đối những hành vi đó hoặc có mục đích, thông điệp giáo dục rõ ràng; được miêu tả ở mức độ nhẹ, không miêu tả chi tiết, không diễn ra thường xuyên và phải phù hợp với chủ đề, nội dung chương trình.

đ) Kinh dị

Hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ kinh dị được miêu tả ở mức độ trung bình, không chi tiết và không diễn ra thường xuyên, tạo cảm giác đe dọa đến người nghe, xem ở mức độ nhẹ. Kết quả nên mang tính trấn an và giải toả.

e) Hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thô tục (gồm cả phụ đề)

Như mức phân loại K.

g) Hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước

- Như mức phân loại K;

- Không miêu tả chi tiết về những hành vi nguy hiểm tiềm ẩn mà người nghe, xem từ đủ 13 tuổi có thể bắt chước, trừ trường hợp hành vi đó được thể hiện một cách an toàn hay có tính hài hước;

- Không miêu tả chi tiết các hung khí dễ dàng tiếp cận như dao kéo, vật sắc nhọn, vật thể dễ gây tổn thương. Không có các hình ảnh thể hiện hành vi chống đối xã hội mà người nghe, xem từ đủ 13 tuổi có khả năng sao chép, bắt chước.

4.

Chương trình được phổ biến đến người nghe, xem từ đủ 16 tuổi trở lên

Biểu tượng: T16

a) Chủ đề, nội dung

- Nội dung chương trình đề cập đến một số vấn đề của người trưởng thành, vấn đề liên quan đến chính trị, xã hội, tâm lý, tội phạm nhưng phù hợp với nhận thức, tâm lý, sinh lý của người xem từ đủ 16 tuổi;

- Đối với chương trình có nội dung hành động, kinh dị hoặc có chủ đề lạm dụng trẻ em, phải có thông điệp giáo dục rõ ràng, có thể miêu tả ở mức độ trung bình nhưng không chi tiết, không diễn ra thường xuyên và không khai thác sâu;

- Các chủ đề như tự làm hại bản thân, tính mạng bị đe dọa vì lý do khách quan hoặc tự tử cần được thể hiện gián tiếp, miêu tả ở mức độ nhẹ, không có thời lượng kéo dài và phải phù hợp với nội dung chương trình.

b) Bạo lực

- Hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện hành vi bạo lực được miêu tả ở mức độ nhẹ, không diễn ra thường xuyên và không có thời lượng kéo dài và gây căng thẳng, tác động đến người nghe, xem ở mức độ trung bình trừ trường hợp hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ đó phù hợp với nội dung chương trình;

- Được phép miêu tả ngụ ý bạo lực tình dục nhưng miêu tả ở mức độ nhẹ và phải phù hợp với nội dung chương trình.

c) Khỏa thân, tình dục

- Như mức phân loại P;

- Có thể sử dụng bối cảnh vui, tình huống hài hước, hoặc ngôn ngữ ám chỉ để miêu tả chi tiết cảnh khỏa thân, nhưng không xuất hiện thường xuyên, không có thời lượng kéo dài và phải phù hợp với nội dung chương trình.

d) Ma túy, các chất kích thích, gây nghiện

- Hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ liên quan đến ma túy, các chất kích thích, chất gây nghiện (nếu có) không được miêu tả chi tiết, không diễn ra thường xuyên, không có thời lượng kéo dài và phải phù hợp với nội dung chương trình, về tổng thể, chương trình không được quảng bá, hướng dẫn chi tiết hoặc khuyến khích việc sử dụng ma túy, các chất kích thích, gây nghiện;

- Không có hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện việc lạm dụng các chất có độ nguy hiểm cao và dễ tiếp cận như dung môi, chất axit.

đ) Kinh dị

- Hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ kinh dị được miêu tả ở mức độ mạnh, không có thời lượng kéo dài và không khai thác sâu vào các mối đe dọa bạo lực;

- Gây tác động căng thẳng hoặc tạo cảm giác đe dọa đến người nghe, xem ở mức độ trung bình.

e) Hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thô tục (gồm cả phụ đề)

- Hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thô tục được thể hiện ở mức độ trung bình nhưng không xuất hiện thường xuyên và phải phù hợp với nội dung chương trình;

- Trường hợp các nhân vật phản diện sử dụng một số từ chửi thề, tiếng lóng thì không được làm tổn thương đến cá nhân và cộng đồng, không sử dụng ngôn ngữ để quấy rối, lạm dụng tình dục.

g) Hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước

Có thể có hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ khuyến khích và kích thích bắt chước các hành động trong chương trình như sử dụng ma túy, tự sát, bạo lực, sử dụng vũ khí, hành động vi phạm pháp luật khác được miêu tả ở mức độ nhẹ, không miêu tả chi tiết, không diễn ra thường xuyên, tác động đến người nghe, xem ở mức độ nhẹ. Kết quả phải có thông điệp lên án, phản đối các hành vi sai trái đó.

5.

Chương trình được phổ biến đến người nghe, xem từ đủ 18 tuổi trở lên

Biểu tượng: T18

a) Chủ đề, nội dung

- Nội dung chương trình đề cập đến các vấn đề của người trưởng thành, có thể miêu tả ở mức độ mạnh, chi tiết nhưng không có thời lượng kéo dài, không diễn ra thường xuyên và phải phù hợp với nội dung chương trình;

- Đối với chương trình có nội dung hành động, kinh dị hoặc có chủ đề lạm dụng trẻ em, phải có thông điệp giáo dục rõ ràng, có thể miêu tả ở mức độ mạnh, miêu tả chi tiết, tác động đến người nghe, xem ở mức độ mạnh nhưng không diễn ra thường xuyên và không có thời lượng kéo dài;

- Đối với các chủ đề, nội dung nhạy cảm, đề tài liên quan đến vấn đề chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế, có thể miêu tả ở mức độ trung bình, có thể khai thác sâu nhưng không có thời lượng kéo dài, không diễn ra thường xuyên, tác động đến người nghe, xem ở mức độ trung bình.

b) Bạo lực

- Có thể có hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ miêu tả hành vi bạo lực tác động đến người nghe, xem từ trên miêu tả ở mức độ mạnh đến dưới miêu tả ở mức độ quá mức; có thể miêu tả ở mức độ mạnh nhưng không có thời lượng kéo dài, tần suất ở mức độ trung bình và phù hợp với thể loại chương trình;

- Được phép miêu tả ngụ ý bạo lực tình dục nhưng miêu tả ở mức độ trung bình và phải phù hợp với nội dung chương trình. Kết quả phải có thông điệp lên án, phản đối các hành vi sai trái đó.

c) Khỏa thân, tình dục

- Có thể có hình ảnh khỏa thân phần thân trên phía sau cơ thể người và không có thời lượng kéo dài; không cận cảnh, không đặc tả bộ phận sinh dục, phù hợp với nội dung chương trình nhưng không lạm dụng hình ảnh khỏa thân này, không kích động tình dục;

- Không có những hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện lộ liễu, miêu tả chi tiết hoạt động tình dục.

d) Ma túy, các chất kích thích, gây nghiện

- Như mức phân loại T16;

- Không có hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện việc buôn bán, sản xuất, tàng trữ ma túy và các chất gây nghiện, trừ trường hợp lên án, phê phán hành vi sai trái đó và kết quả, những nhân vật thực hiện hành động này phải bị trừng phạt, loại trừ.

đ) Kinh dị

Hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ kinh dị, rùng rợn, gây sợ hãi, căng thẳng được miêu tả ở mức độ mạnh với cảm giác đe dọa liên tục nhưng không có thời lượng kéo dài, không tác động quá mức tới tâm lý và cảm xúc của người nghe, xem.

e) Hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thô tục (gồm cả phụ đề)

- Hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thô tục được miêu tả ở mức độ mạnh hơn so với chương trình được phân loại ở mức T16 nhưng không được làm tổn thương đến cá nhân và cộng đồng, không sử dụng ngôn ngữ để quấy rối, lạm dụng tình dục;

- Đối với chương trình có đề tài phản ánh hiện thực xã hội, có thể có hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thô tục được diễn ra thường xuyên nhưng không có thời lượng kéo dài và phải phù hợp với nội dung chương trình.

g) Hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước

- Khi nội dung chương trình chứa các hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ nguy hiểm, dễ bắt chước hoặc cách xử lý có nguy cơ gây tổn hại cho các cá nhân hoặc thông qua hành vi của họ có thể gây hại cho xã hội, thì kết quả phải được xử lý triệt để, có thông điệp giáo dục và ngăn chặn;

- Hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện hành vi dễ bắt chước không được miêu tả chi tiết và không diễn ra thường xuyên, tác động đến người nghe, xem ở mức độ trung bình.

6.

Chương trình không được phép phổ biến

Biểu tượng: C

- Những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật về báo chí và quy định của pháp luật khác có liên quan;

- Miêu tả các tiêu chí phân loại phim ở mức độ quá mức.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 06/2023/TT-BTTTT hướng dẫn nguyên tắc biên tập, phân loại và cảnh báo nội dung phát thanh, truyền hình thể thao, giải trí theo yêu cầu trên dịch vụ phát thanh, truyền hình do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

  • Số hiệu: 06/2023/TT-BTTTT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/06/2023
  • Nơi ban hành: Bộ Thông tin và Truyền thông
  • Người ký: Nguyễn Mạnh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 835 đến số 836
  • Ngày hiệu lực: 15/08/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản