Hệ thống pháp luật

BỘ XÂY DỰNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 06/1999/TT-BXD

Hà Nội, ngày 16 tháng 7 năm 1999

THÔNG TƯ

CỦA BỘ XÂY DỰNG SỐ 06/1999/TT-BXD NGÀY 16 THÁNG 7 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN XỬ LÝ CÁC VẤN ĐỀ CHUYỂN TIẾP TỪ ĐIỀU LỆ QLĐT&XD 42/CP-92CP SANG THỰC HIỆN QUY CHẾ QLĐT&XD 52/CP

Căn cứ Nghị định 15/CP ngày 04/03/1994 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Nghị định 52/CP ngày 08/07/1999 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng;
Theo sự uỷ nhiệm của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 748/CP-CN ngày 21/7/1999 và ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 3626/VPCP- CN ngày 11/08/1999 về việc hoàn chỉnh và ban hành Thông tư;
Sau khi thống nhất với Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính;
Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện việc chuyển tiếp từ Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng ban hành theo Nghị định 42/CP và Nghị định 92/CP sang thực hiện Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành theo Nghị định 52/CP ngày 08/07/1999 của Chính phủ như sau:

1. Về thủ tục lập, trình duyệt dự án đầu tư:

a) Các dự án đầu tư đã được người có thẩm quyền quyết định đầu tư trước ngày Quy chế QLĐT & XD 52/CP có hiệu lực thì không phải trình duyệt lại và được tiếp tục thực hiện theo quy định tại Điều lệ QLĐT&XD ban hành theo Nghị định 42/CP và Nghị định 92/CP của Chính phủ.

b) Các dự án đầu tư đã được trình duyệt trước ngày Quy chế QLĐT & XD 52/CP có hiệu lực nhưng chưa có Quyết định đầu tư thì chủ đầu tư phải lập lại theo thủ tục quy định của Quy chế QLĐT & XD52/CP để trình duyệt lại.

c) Đối với các dự án đầu tư đã được người có thẩm quyền quyết định đầu tư quá 12 tháng tính đến ngày Quy chế QLĐT & XD 52/CP có hiệu lực mà chưa triển khai các bước tiếp theo ( do mọi nguyên nhân) đều coi như không còn hiệu lực. Nếu tiếp tục thực hiện đầu tư thì dự án phải được lập, thẩm định và trình duyệt lại theo đúng quy định của Quy chế QLĐT & XD52/CP.

2. Về thẩm quyền quyết định đầu tư các dự án nhóm B, C:

a) Đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh và vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, Cơ quan quyết định đầu tư phải căn cứ vào quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương và kế hoạch vốn ngân sách đã được duyệt để quyết định đầu tư các dự án nhóm B, C. Đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nhà nước phải căn cứ vào quy hoạch phát triển ngành đã được xác định để quyết định đầu tư các dự án nhóm B, C.

b) Trong điều kiện chưa có quy hoạch phát triển ngành thì người có thẩm quyền quyết định đầu tư các dự án nhóm B, C sử dụng các nguồn vốn nêu trên cần xin thêm ý kiến của cơ quan quản lý ngành và các cơ quan có liên quan trước khi quyết định đầu tư.

3. Về thẩm định các dự án sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước:

a) Đối với các dự án đầu tư của tư nhân, tổ chức kinh tế không thuộc doanh nghiệp nhà nước khi sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để đầu tư phải thực hiện việc thẩm định dự án theo quy định tại Quyết định 13/1999/QĐ- TTg ngày 04/02/1999 của Thủ tướng Chính phủ về " Công tác tín dụng đầu tư nhà nước"; sau ngày 31/12/1999 thực hiện theo Nghị định số 43/1999/NĐ- CP ngày 29/06/1999 của Chính phủ.

b) Đối với các dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước sau ngày Nghị định 52/1999/NĐ- CP có hiệu lực thì tổ chức cho vay vốn sẽ thẩm định phương án tài chính và phương án trả nợ trước khi trình người có thẩm quyền quyết định đầu tư. Riêng các dự án nhóm B, C sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, tổ chức cho vay vốn sẽ thẩm định phương án tài chính, phương án trả nợ và chấp thuận việc cho vay trước khi trình người có thẩm quyền quyết định đầu tư.

4. Về thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán:

a) Các hồ sơ thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán, dự toán đã được người có thẩm quyền phê duyệt trước ngày Quy chế QLĐT & XD 52/CP có hiệu lực thì không phải trình duyệt lại ( trừ những trường hợp được phép điều chỉnh phù hợp với quy định của pháp luật ).

b) Các hồ sơ thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán, dự toán đã trình duyệt trước ngày Quy chế QLĐT & XD 52/CP có hiệu lực nhưng chưa được người có thẩm quyền phê duyệt thì chủ đầu tư có trách nhiệm lập lại thủ tục để trình duyệt lại theo quy định của Quy chế QLĐT & XD.52/CP.

c) Việc lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán, dự toán các công trình xây dựng sau ngày Quy chế QLĐT & XD 52/CP có hiệu lực phải được thực hiện theo đúng Quy chế QLĐT & XD 52/CP.

5. Về thủ tục cấp phép xây dựng: Các nội dung về thủ tục cấp phép xây dựng quy định tại Quy chế QLĐT&XD 52/CP được thực hiện khi có hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

6. Thẩm tra và phê duyệt quyết toán vốn đầu tư:

a) Các hồ sơ báo cáo quyết toán vốn đầu tư đã được trình duyệt trước ngày Quy chế QLĐT&XD 52/CP có hiệu lực thì không phải lập và trình duyệt lại.

b) Các hồ sơ báo cáo quyết toán vốn đầu tư được lập và trình duyệt sau ngày Quy chế QLĐT&XD 52/CP có hiệu lực phải thực hiện theo Quy chế QLĐT & XD 52/CP và hướng dẫn quyết toán vốn đầu tư của Bộ Tài chính.

Nguyễn Mạnh Kiểm

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 06/1999/TT-BXD hướng dẫn xử lý các vấn đề chuyển tiếp từ Điều lệ QLĐT&XD 42/CP-92/CP sang thực hiện Quy chế QLĐT&XD 52/CP do Bộ Xây dựng ban hành

  • Số hiệu: 06/1999/TT-BXD
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 16/07/1999
  • Nơi ban hành: Bộ Xây dựng
  • Người ký: Nguyễn Mạnh Kiểm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản