Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG AN-BỘ TÀI CHÍNH;HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO-VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 06/1998/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTC-BTP

Hà Nội, ngày 24 tháng 10 năm 1998

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO - VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO - BỘ CÔNG AN - BỘ TÀI CHÍNH - BỘ TƯ PHÁP SỐ 06/1998/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTC-BTP NGÀY 24 THÁNG 10 NĂM 1998 HƯỚNG DẪN MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ BẢO QUẢN VÀ XỬ LÝ TÀI SẢN LÀ VẬT CHỨNG, TÀI SẢN BỊ KÊ BIÊN TRONG QUÁ TRÌNH ĐIỀU TRA, TRUY TỐ, XÉT XỬ VỤ ÁN HÌNH SỰ

Để bảo đảm thực hiện tốt công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, đồng thời bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự và những người có liên quan, bảo đảm việc bảo quản khai thác và sử dụng một cách thích hợp có hiệu quả tài sản là vật chứng, tài sản bị kê biên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thất thoát, hư hỏng tài sản, cũng như các ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, gây lãng phí, thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân;
Căn cứ vào các Điều 56, 57, 58, 120 và 121 của Bộ luật tố tụng hình sự, các điều từ Điều 329 đến Điều 362 và các điều từ Điều 453 đến Điều 455 của Bộ luật Dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp thống nhất hướng dẫn một số vấn đề bảo quản, xử lý tài sản là vật chứng, tài sản bị kê biên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự như sau:

I. BẢO QUẢN VÀ XỬ LÝ TÀI SẢN LÀ VẬT CHỨNG

Trong quá trình tiến hành tố tụng, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án phải kịp thời xem xét, phân loại tài sản là vật chứng và tài sản không phải là vật chứng để có biện pháp bảo quản và xử lý phù hợp như sau:

1. Đối với tài sản không phải là vật chứng, thì cơ quan tiến hành tố tụng không được thu giữ, tạm giữ; nếu đã thu giữ, tạm giữ thì cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án phải trả lại ngay cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp các tài sản đó. Trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm thi hành án đối với các hình phạt tiền, tịch thu tài sản, bồi thường thiệt hại, thì cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền huỷ bỏ quyết định thu giữ, tạm giữ và ra quyết định kê biên đối với tài sản đó.

2. Đối với tài sản là vật chứng thì tuỳ từng giai đoạn tố tụng, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án đang thụ lý, giải quyết vụ án có trách nhiệm xem xét, phân loại để quyết định kịp thời những biện pháp bảo quản, xử lý thích hợp đối với từng loại vật chứng theo quy định của Điều 58 Bộ luật tố tụng hình sự nhằm bảo đảm giá trị chứng minh của vật chứng đối với tội phạm và người phạm tội, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, tránh gây những lãng phí, thiệt hại không đáng có.

3. Đối với vật chứng là tài sản (kể cả các giấy tờ về quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản) cần được thu thập kịp thời, đầy đủ, được mô tả đúng thực trạng về tên, mác, mã số, ký hiện, số lượng, trọng lượng, chất lượng, màu sắc, hình dáng và biên bản thu giữ, tạm giữ và đưa vào hồ sơ vụ án. Trong trường hợp vật chứng không thể đưa vào hồ sơ vụ án, thì phải được chụp ảnh để đưa vào hồ sơ vụ án. Phải có sổ sách ghi chép rõ ràng theo mẫu quy định về các tài sản này.

Vật chứng bảo quản trong kho phải được sắp xếp gọn gàng, phải có thẻ kho ghi rõ tên của chủ sở hữu tài sản, tên của vụ án và khi xuất, nhập phải có lệnh của người có thẩm quyền.

4. Đối với vật chứng là kho tàng, nhà xưởng, khách sạn, nhà, đất, cũng như các phương tiện sản xuất, kinh doanh khác, thì tuỳ từng giai đoạn tố tụng, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án đang thụ lý, giải quyết vụ án (sau đây gọi là cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án) có thể giao tài sản đó cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tiếp tục khai thác, sử dụng, nếu xét thấy những tài sản đó có khả năng sinh lời; nếu họ không có điều kiện khai thác, sử dụng, nhưng họ tìm được đối tác để khai thác, sử dụng, thì cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án có thể giao cho đối tác đó khai thác sử dụng tài sản sau khi đã có thoả thuận bằng văn bản giữa chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp với đối tác nhận khai thác, sử dụng tài sản; nếu họ không tìm được đối tác hoặc trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp, thì cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án có thể giao tài sản đó cho tổ chức, cá nhân có điều kiện khai thác, sử dụng trên cơ sở thoả thuận bằng văn bản giữa cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án và tổ chức, cá nhân nhận khai thác, sử dụng tài sản. Việc giao, nhận tài sản là vật chứng để khai thác, sử dụng được thực hiện như sau:

a) Trước khi giao tài sản là vật chứng cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp, tổ chức, cá nhân tiếp tục khai thác, sử dụng (sau đây gọi tắt là người khai thác, sử dụng), cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án phải thành lập Hội đồng định giá tài sản gồm đại diện của cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý, giải quyết vụ án, cơ quan tài chính cùng cấp và các chuyên gia, nếu xét thấy cần thiết.

Việc giao nhận tài sản là vật chứng cho người khai thác, sử dụng phải được lập biên bản, mô tả thực trạng tài sản. Biên bản giao nhận phải có chữ ký và dấu của bên giao, chữ ký và dấu (nếu có) của bên nhận. Biên bản giao nhận phải được lập thành ba bản, mỗi bên giữ một bản, một bản lưu vào hồ sơ vụ án.

b) Người khai thác, sử dụng tài sản là vật chứng phải áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo quản và khai thác một cách có hiệu quả tài sản được giao, chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền về xử lý tài sản và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để tài sản đó bị mất mát, hư hỏng do lỗi của mình. Việc khai thác, sử dụng tài sản phải được hạch toán riêng và phải có sổ sách kế toán theo dõi riêng. Khi có yêu cầu của cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án thì người khai thác, sử dụng tài sản có trách nhiệm báo cáo với cơ quan đó về tình trạng của tài sản là vật chứng, cũng như về hoa lợi, lợi tức thu được từ việc khai thác, sử dụng tài sản đó.

c) Hoa lợi, lợi tức thu được từ việc khai thác, sử dụng tài sản là vật chứng nói trên được giải quyết theo quyết định của cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án, sau khi đã trừ các chi phí thực tế hợp lý cho việc bảo quản, khai thác, sử dụng tài sản theo sự thoả thuận, cam kết giữa bên giao và bên nhận tài sản và thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước.

5. Đối với vật chứng là kho tàng, nhà xưởng, khách sạn, nhà, đất, cũng như các phương tiện sản xuất, kinh doanh khác mà trước đó bị can, bị cáo đã thế chấp, cầm cố để bảo đảm nghĩa vụ thanh toán, thì cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án xử lý như sau:

a) Vật chứng là tài sản được cầm cố, thế chấp hợp pháp cho một hoặc nhiều bên mà hợp đồng cầm cố, thế chấp tài sản vẫn còn thời hạn, thì tuỳ trường hợp cụ thể, cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án có thể giao cho một hoặc nhiều bên đang giữ tài sản cầm cố, thế chấp (người có tài sản cầm cố, thế chấp, người nhận cầm cố, thế chấp hoặc người thứ ba giữ tài sản cầm cố, thế chấp) tiếp tục khai thác, sử dụng tài sản đó. Trong trường hợp bên đang giữ tài sản cầm cố, thế chấp là người có tài sản cầm cố, thế chấp hoặc người nhận cầm cố, thế chấp không có điều kiện khai thác, sử dụng, thì họ được tìm đối tác để khai thác, sử dụng. Cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án có thể giao cho đối tác đó khai thác, sử dụng tài sản sau khi có thoả thuận bằng văn bản giữa người có tài sản cầm cố, thế chấp hoặc người nhận cầm cố, thế chấp và đối tác nhận khai thác, sử dụng tài sản. Nếu người đang giữ tài sản cầm cố, thế chấp là người thứ ba theo quy định tại các Điều 336, 337, 355, 356 Bộ luật dân sự và họ không có điều kiện khai thác, sử dụng, thì tuỳ từng trường hợp cụ thể theo thoả thuận trong hợp đồng cầm cố, thế chấp tài sản, người đó phải trả lại tài sản cho bên có tài sản cầm cố, thế chấp hoặc bên nhận cầm cố, thế chấp để những người này tìm đối tác khai thác, sử dụng. Trong trường hợp họ không tìm được đối tác thì cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án có thể giao tài sản cho tổ chức hoặc cá nhân có điều kiện khai thác, sử dụng trên cơ sở thoả thuận bằng văn bản giữa cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án và tổ chức, cá nhân nhận khai thác, sử dụng tài sản.

Trong trường hợp hợp đồng thế chấp, cầm cố hợp pháp đã hết thời hạn mà bên thế chấp, cầm cố tài sản không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình, thì tuỳ từng trường hợp cụ thể, tài sản thế chấp, cầm cố được giao cho bên nhận thế chấp, nhận cầm cố khai thác, sử dụng hoặc xử lý để thu hồi vốn và lãi sau khi đã lập đầy đủ hồ sơ bảo đảm giá trị chứng minh của tài sản là vật chứng. Phương thức xử lý do các bên trong hợp đồng thế chấp, cầm cố thoả thuận; nếu không thoả thuận được, thì bên nhận thế chấp, cầm cố có quyền yêu cầu bán đấu giá tài sản thế chấp, cầm cố để thanh toán nợ theo quy định tại các điều từ Điều 452 đến Điều 455 của Bộ luật Dân sự và Quy chế bán đấu giá tài sản được ban hành kèm theo Nghị định số 86/CP ngày 19-12-1996 của Chính phủ.

Hoa lợi, lợi tức thu được từ việc khai thác, sử dụng tài sản thế chấp, cầm cố và số tiền thu được từ việc xử lý tài sản thế chấp, cầm cố được dùng để thanh toán nợ cho bên nhận thế chấp, nhận cầm cố, sau khi đã trừ các chi phí thực tế hợp lý cho việc bảo quản, khai thác, sử dụng tài sản thế chấp, cầm cố và thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước. Người khai thác, sử dụng phải lập sổ hạch toán, theo dõi riêng để phục vụ cho việc thi hành bản án, quyết định của Toà án sau này. Nếu Toà án quyết định bên nhận thế chấp, nhận cầm cố không được quyền thanh toán như trên, thì hoa lợi, lợi tức hoặc số tiền thu được từ việc xử lý tài sản phải trả lại cho người có quyền nhận hoa lợi, lợi tức hoặc số tiền đó, sau khi trừ các chi phí hợp lý cho việc bảo quản, khai thác, sử dụng và chi phí việc xử lý tài sản và thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước.

b) Trong trường hợp hợp đồng thế chấp, cầm cố không hợp pháp, thì trong thời gian chưa có tuyên bố hợp đồng đó bị vô hiệu của Toà án, cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án tạm giao tài sản thế chấp, cầm cố cho bên đang giữ tài sản thế chấp tiếp tục khai thác, sử dụng. Trong trường hợp người đang giữ tài sản là bên có tài sản cầm cố, thế chấp hoặc bên nhận cầm cố, nhận thế chấp không có điều kiện khai thác, sử dụng, nhưng họ tìm được đối tác để khai thác, sử dụng, thì cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án có thể giao cho đối tác đó khai thác, sử dụng tài sản sau khi có thoả thuận bằng văn bản giữa người có tài sản cầm cố, thế chấp hoặc người nhận cầm cố, nhận thế chấp và đối tác nhận khai thác, sử dụng tài sản. Nếu người đang giữ tài sản cầm cố, thế chấp là người thứ ba theo quy định tại các Điều 336, 337, 355, 356 Bộ luật dân sự và họ không có điều kiện khai thác, sử dụng, thì tuỳ từng trường hợp cụ thể theo thoả thuận trong hợp đồng cầm cố, thế chấp tài sản, người đó phải trả lại tài sản cho bên có tài sản cầm cố, thế chấp hoặc bên nhận cầm cố, thế chấp để những người này tìm đối tác khai thác, sử dụng. Trong trường hợp họ không tìm được đối tác khai thác, sử dụng, thì cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án có thể giao tài sản cho tổ chức, cá nhân có điều kiện khai thác, sử dụng trên cơ sở thoả thuận bằng văn bản giữa cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án và tổ chức, cá nhân nhận khai thác, sử dụng tài sản.

Người khai thác, sử dụng tài sản có trách nhiệm bảo quản, khai thác, sử dụng và không được làm mất mát, hư hỏng, không được phát mại, chuyển quyền sở hữu cho đến khi có bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.

Hoa lợi, lợi tức thu được tạm thời giao cho người đang giữ tài sản hoặc người khai thác, sử dụng quản lý cho đến khi có bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, sau khi đã trừ các chi phí thực tế hợp lý cho việc bảo quản, khai thác, sử dụng tài sản thế chấp, cầm cố và thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước.

c) Trong trường hợp tài sản là vật chứng được dùng để cầm cố, thế chấp cho nhiều bên, trong đó có bên hợp pháp và có bên không hợp pháp, thì tuỳ từng trường hợp cụ thể, cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án chỉ cho phép bên có tài sản cầm cố, thế chấp, bên nhận cầm cố, thế chấp hợp pháp hoặc người thứ ba đang giữ tài sản của họ nhận khai thác, sử dụng theo quy định tại điểm 5 (a) Thông tư này. Trong trường hợp này, tài sản được giao để bảo quản, sử dụng, khai thác không được xử lý để thu hồi vốn trước khi kết thúc vụ án.

Hoa lợi, lợi tức thu được được tạm thời dùng để thanh toán nợ cho bên nhận thế chấp, nhận cầm cố hợp pháp cho đến khi có quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của Toà án, sau khi đã trừ các chi phí thực tế hợp lý cho việc bảo quản, khai thác, sử dụng tài sản thế chấp, cầm cố và thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước.

d) Việc giao tài sản là vật chứng cho tổ chức, cá nhân bảo quản, khai thác, sử dụng được thực hiện theo quy định tại các điểm 4(a) và 4(b) Thông tư này.

6. Vật chứng là tài sản thuộc loại mau hỏng (như rau, quả, thực phẩm tươi sống, hoá chất...), thì cơ quan thu giữ tiến hành lập biên bản ghi rõ tình trạng vật chứng đó, tổ chức bán đấu giáo theo quy định của pháp luật và gửi tiền vào tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước, đồng thời thông báo cho Viện kiểm sát, Toà án, cơ quan tài chính cùng cấp và chủ sở hữu tài sản (nếu biết).

7. Đối với vật chứng là tài sản thuộc loại có quy định thời hạn sử dụng ngắn, tài sản đã gần hết hạn sử dụng hoặc việc bảo quản gặp khó khăn, thì tuỳ từng trường hợp cụ thể và căn cứ vào hiện trạng vật chứng, sau khi trao đổi thống nhất ý kiến với Toà án, Viện kiểm sát, Cơ quan tài chính cấp, cơ quan đang bảo quản tài sản lập Hội đồng tổ chức bán đấu giá vật chứng đó và gửi số tiền thu được vào tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước, đồng thời thông báo cho chủ sở hữu tài sản (nếu biết).

8. Đối với vật chứng là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, văn hoá phẩm. .., thì cơ quan tiến hành tố tụng phải chuyển giao cho cơ quan chức năng để bảo quan. Việc giao nhận và bảo quản vàng, bạc, kim khí quý, đá quý và các tài sản có giá trị khác trong hệ thống Kho bạc được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 63/TCKBNN ngày 09-11-1991 của Bộ Tài chính.

II. BẢO QUẢN VÀ XỬ LÝ TÀI SẢN BỊ KÊ BIÊN

1. Việc kê biên tài sản chỉ được áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định có thể bị tịch thu tài sản hoặc bị phạt tiền, cũng như đối với người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị tịch thu, phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại. Có thể kê biên tài sản đang được cầm cố, thế chấp, nếu người phải thi hành án không còn tài sản nào khác và tài sản đó có giá trị lớn hơn khoản vay.

Không được kê biên những tài sản không thuộc diện kê biên theo quy định của pháp luật; nếu đã kê biên tài sản không thuộc diện kê biên hoặc khi xét thấy việc kê biên là trái pháp luật hoặc không còn cần thiết, thì người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 121 của Bộ luật tố tụng hình sự phải kịp thời ra quyết định huỷ bỏ lệnh kê biên.

Thủ tục kê biên phải theo đúng quy định tại Điều 121 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

2. Sau khi kê biên xong, cơ quan tiến hành kê biên giao lại tài sản bị kê biên cho chủ sở hữu, thân nhân của họ hoặc giao cho tổ chức, cá nhân có điều kiện bảo quản khai thác, sử dụng để tránh những lãng phí không cần thiết về kinh tế. Trong trường hợp tài sản kê biên được giao cho thân nhân của chủ sở hữu hoặc tổ chức, cá nhân có điều kiện bảo quản khai thác, sử dụng, thì hoa lợi, lợi tức thu được từ việc khai thác, sử dụng tài sản đó được trả lại cho chủ sở hữu, sau khi đã trừ chi phí thực tế hợp lý cho việc bảo quản, khai thác, sử dụng và thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước.

Người được giao quản lý, khai thác, sử dụng tài sản bị kê biên không được mua bán, trao đổi, cầm cố, thế chấp hoặc có các hành vi định đoạt khác đối với tài sản được giao.

3. Căn cứ quyết định, bản án của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, cơ quan thi hành án tiến hành xử lý tài sản bị kê biên như sau:

a) Tổ chức bán đấu giá theo quy định tại Điều 34 và Điều 36 của Pháp lệnh thi hành án dân sự và các quy định tại Quy chế bán đấu giá tài sản được ban hành kèm theo Nghị định số 86/CP ngày 19-12-1996 của Chính phủ để thi hành án về phạt tiền và bồi thường thiệt hại.

Số tiền bán đấu giá tài sản được chi trả cho các khoản tiền phạt và bồi thường thiệt hại, sau khi trừ các chi phí thực tế hợp lý cho việc bảo quản, khai thác, sử dụng và chi phí cho việc tổ chức bán đấu giá; phần còn lại được trả lại cho chủ sở hữu tài sản.

Số tiền bán đấu giá tài sản cầm cố, thế chấp được ưu tiên thanh toán cho bên nhận cầm cố, nhận thế chấp hợp pháp sau khi trừ các chi phí cho việc bảo quản, khai thác, sử dụng và chi phí cho việc tổ chức bán đấu giá; phần còn lại để thi hành án.

b) Sung quỹ Nhà nước một phần hoặc toàn bộ tài sản để thi hành quyết định tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

III. HIỆU LỰC THI HÀNH

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 11 năm 1998.

2. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vấn đề khó khăn, vướng mắc, thì các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án cần báo cáo với lãnh đạo của ngành mình ở Trung ương để hướng dẫn thêm.

Hà Mạnh Trí

(Đã ký)

Trịnh Hồng Dư

(Đã ký)

 

Nguyễn Sinh Hùng

(Đã ký)

Lê Thế Tiệm

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 06/1998/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTC-BTP hướng dẫn bảo quản và xử lý tài sản là vật chứng, tài sản bị kê biên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự do Toà án nhân dân tối cao-viện kiểm sát nhân dân tối cao- Bộ tài chính -Bộ tư pháp ban hành

  • Số hiệu: 06/1998/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTC-BTP
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 24/10/1998
  • Nơi ban hành: Bộ Công An, Bộ Tài chính, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao
  • Người ký: Hà Mạnh Trí, Lê Thế Tiệm, Nguyễn Sinh Hùng, Trịnh Hồng Dương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/11/1998
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản