Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 05-LĐ/PC

Hà Nội, ngày 16 tháng 02 năm 1959

THÔNG TƯ

VỀ CHẾ ĐỘ THUÊ MƯỚN NGƯỜI LÀM CÔNG ĐỐI VỚI CÁC CƠ QUAN VÀ TƯ NHÂN NGOẠI QUỐC

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG

Kính gửi:
Đồng kính gửi:

- Các ông Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố, khu, tỉnh
- Các ông Giám đốc các Sở Lao động và Trưởng ty Lao động các tỉnh
- Ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Theo báo cáo của các cơ quan Lao động địa phương và theo phản ánh của Vụ Lãnh sự Bộ Ngoại giao, Bộ tôi được biết thời gian vừa qua, ở một vài cơ quan và tư nhân ngoại quốc có thuê mướn công nhân làm việc, đã xảy ra những vụ giãn, thải công nhân, gây nên những quan hệ không tốt giữa hai bên. Các Ủy ban Hành chính và cơ quan Lao động địa phương đã phải can thiệp, nhưng có cơ quan ngoại quốc đã viện lý do là chưa có văn bản nào quy định các chế độ thuê mướn nhân công áp dụng đối với các cơ quan đó mà không chịu giải quyết để kéo dài những vấn đề va chạm nói trên.

Để giúp chính quyền địa phương giải quyết thỏa đáng những việc trên đây, cũng như để các cơ quan ngoại quốc biết rõ thể lệ mà thi hành cho đúng. Bộ tôi xin nhắc lại dưới đây những điều đã quy định trong luật lệ lao động hiện hành về chế độ thuê mướn người làm công.

1. Mỗi khi cần thuê mướn người làm công, các cơ quan ngoại quốc cần báo cho Ủy ban Hành chính địa phương (hay cơ quan được Ủy ban Hành chính địa phương phân công chuyên trách) biết để được giới thiệu người có bảo đảm và không làm ảnh hưởng đến kế hoạch quản lý nhân công của địa phương.

2. Trước khi được chính thức tuyển dụng, tùy theo sự cần thiết, người làm công có thể phải qua một thời gian thử việc. Thời gian này dài hay ngắn là tùy theo tính chất công việc, nhưng tối đa không quá 1 tháng kể từ ngày nhận việc. Trong thời gian thử việc, tiền lương của người làm công sẽ do hai bên thỏa thuận, nhưng không được dưới mức lương thấp nhất của từng loại việc (sẽ nói rõ ở điểm 6 dưới đây).

3. Sau thời gian thử việc, nếu hai bên đồng ý thì sẽ cùng nhau ký hợp đồng. Những điều khoản hai bên thỏa thuận và ký kết trong hợp đồng, phải căn cứ vào luật lệ lao động hiện hành của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa. Hợp đồng phải được cơ quan Lao động địa phương (hay Ủy ban Hành chính địa phương ở những nơi không có cơ quan Lao động) xét duyệt. Trường hợp hai bên thỏa thuận sửa đổi hay gia hạn hợp đồng cũng phải báo cho cơ quan Lao động biết. Thời hạn hợp đồng do hai bên thỏa thuận.

4. Ngoài những nhiệm vụ đã quy định trong hợp đồng, cơ quan sử dụng không có quyền bắt người làm công làm những nhiệm vụ khác; nếu muốn chuyển người làm công sang làm những công việc khác thì hai bên phải có sự thỏa thuận với nhau trước và sửa lại hợp đồng đã ký.

5. Về chế độ làm việc: thì giờ làm việc không quá 8 tiếng một ngày, nếu làm thêm giờ thì trả phụ cấp làm thêm, đi công tác ra ngoài tỉnh, phải ăn ở ngoài cơ quan, thì được hưởng phụ cấp đi đường, lệ nghỉ hàng tuần, nghỉ các ngày lễ chính thức, lệ nghỉ hàng năm áp dụng theo các chế độ hiện hành của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tùy tình hình cụ thể và tính chất công việc làm, giữa cơ quan sử dụng và người làm công sẽ cùng nhau thỏa thuận nhưng không được trái với tinh thần các luật lệ lao động hiện hành như đã nói trên.

6. Về lương bổng: Vì điều kiện làm việc của các anh chị em làm công ở các cơ quan ngoại quốc không giống như ở các cơ quan, doanh, xí nghiệp của Nhà nước, và để chiếu cố đến mức lương hiện lĩnh của các anh chị em đó, nên về lương bổng phải trả khác hơn mức lương ở các cơ quan, doanh, xí nghiệp của Nhà nước.

Bộ Ngoại giao sẽ căn cứ vào chế độ lương bổng hiện nay các Đại sứ quán các nước bạn đang trả cho công nhân viên phục vụ mà đề nghị Bộ Lao động quy định những mức lương khởi điểm cho từng loại công việc để các cơ quan ngoại quốc và người làm công sẽ dựa vào đó mà thương lượng với nhau.

Giữa cơ quan thuê mướn và người làm công sẽ căn cứ vào tính chất công việc vào điều kiện lao động và khả năng của người làm công mà thỏa thuận với nhau một mức lương, nhưng không được thấp hơn mức lương khởi điểm quy định cho loại công việc đó. Đối với những người đương làm việc, mức lương hiện lĩnh đã cao hơn mức lương quy định thì vẫn được giữ nguyên mức lương hiện lĩnh để đảm bảo mức thu nhập của các anh chị em đó.

7. Chế độ xã hội: Ngoài tiền lương, người làm công còn có thể được hưởng các quyền lợi về xã hội như mọi chế độ khi bị ốm đau, tai nạn lao động chết, chế độ thai sản, trợ cấp con v.v… Hai bên sẽ cùng nhau thương lượng nhưng không được thấp hơn các chế độ hiện hành của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

8. Quyền lợi về tinh thần: Ngoài các quyền lợi vật chất đã nói trên, người làm công còn được đảm bảo về mọi quyền lợi tinh thần: được tự do gia nhập Công đoàn và tham gia các hoạt động về chính trị, văn hóa, xã hội. Cơ quan sử dụng phải tôn trọng quyền công dân của người làm công, và không được làm cản trở người làm công làm nghĩa vụ công dân của mình.

9. Khi hết hạn hợp đồng: hai bên có thể thương lượng gia thêm hạn, hoặc ký hợp đồng khác. Nếu không muốn ký hạn khác nữa thì báo cho nhau biết trước.

Nếu hợp đồng chưa hết hạn hoặc hợp đồng không định thời ạhn cơ quan sử dụng cần cho người làm công thôi việc thì phải có lý do chính đáng, phải được Ủy ban Hành chính địa phương (hay cơ quan Lao động địa phương) đồng ý và phải báo cho người làm công biết trước. Về phía người làm công nếu muốn thôi việc trước khi hết hạn hợp đồng cũng phải như vậy.

Thể lệ và thời hạn báo trước áp dụng theo điều 8 nghị định số 34 ngày 28-08-1948 về thời hạn báo trước của Bộ Lao động ấn định chi tiết thi hành sắc lệnh số 29/SL ngày 12-03-1947 nhắc lại dưới đây:

A. Đối với công nhân lĩnh lương tháng hay lương kỳ: mỗi kỳ cách nhau 6, 7, 10, 15 ngày (kể cả công nhân làm khoán từng kiện) thường ngày làm việc dưới sự trông nom của chủ hay người thay mặt chủ:

1) 2 ngày cho những người làm dưới 1 tháng.

2) 15 ngày cho những người đã làm từ 1 tháng đến dưới 3 tháng.

3) 1 tháng cho những người đã làm từ 3 tháng trở lên.

B. Đối với công nhân mướn tạm thời (để thay một vài người xin nghỉ việc ít lâu hoặc để làm những công việc khẩn cấp v.v…) và những công nhân lĩnh lương hàng ngày (kể cả công nhân làm khoán) 24 giờ.

10. Thôi việc: Trước khi để người làm công nghỉ việc, cơ quan sử dụng phải thanh toán mọi quyền lợi theo các điều khoản đã ký trong hợp đồng và theo các chế độ hiện hành. Tiền trợ cấp thôi việc do hai bên thỏa thuận, nhưng ít nhất mỗi năm làm việc, người làm công cũng được trợ cấp bằng 1 tháng lương kể cả các khoản phụ cấp.

11. Ngoài những chế độ chung nói trên đây, nếu từ trước đến nay giữa cơ quan sử dụng và người làm công đã thỏa thuận với nhau có những quyền lợi khác, hoặc những điều đã ký kết với nhau cao hơn các chế độ hiện hành của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thì cũng vẫn giữ nguyên, để tránh làm đảo lộn tình hình sinh hoạt của người làm công, và tránh mọi sự thay đổi không cần thiết trong quan hệ giữa hai bên.

12. Nhiệm vụ của người làm công: về phía người làm công cũng phải thi hành đầy đủ mọi điều khoản đã ký kết trong hợp đồng.

13. Khi có việc tranh chấp: nếu xảy ra việc tranh chấp giữa cơ quan sử dụng và người làm công về các vấn đề về luật lệ lao động thì cơ quan Lao động địa phương (hay cơ quan chuyên trách do Ủy ban Hành chính địa phương chỉ định ở những nơi không có cơ quan Lao động) sẽ làm trọng tài điều giải giữa hai bên.

14. Đối tượng thi hành: Những thể lệ trên đây áp dụng chung cho cả các cơ quan ngoại quốc cũng như cá nhân các nhân viên ngoại quốc công tác ở các cơ quan đó có thuê mướn người làm công (không phân biệt người làm công là người Việt Nam hay ngoại kiều); riêng đối với các cá nhân nhân viên ngoại quốc thì tùy tình hình cụ thể, không nhất thiết phải thi hành đầy đủ như một cơ quan mà có thể thi hành theo mức độ thỏa thuận giữa hai bên, nhất là về chế độ xã hội như ốm đau, thai sản, cho hợp với khả năng của họ.

Trên đây, Bộ tôi nhắc lại tinh thần các thể lệ đã quy định chung về chế độ thuê mướn người làm công, Bộ tôi đề nghị các địa phương sẽ căn cứ vào những điểm chung đó mà hướng dẫn các cơ quan (hay cá nhân) sử dụng thuộc đối tượng trên và người làm công cùng nhau ký kết hợp đồng cho sát với tình hình và công tác cụ thể của hai bên.

Đối với các anh chị em công nhân viên đương phục vụ ở các Đại sứ quán các nước bạn đóng trên đất nước ta từ trước đến nay vẫn có một quy chế riêng do Sở Cung cấp Ngoại giao đoàn đã nghiên cứu sau khi trao đổi với Bộ Lao động. Bộ tôi đề nghị với Bộ Ngoại giao nếu thấy cần thiết, sẽ căn cứ vào những điểm chung trên đây sửa lại bản quy chế cũ cho thích hợp hơn.

Bộ tôi đề nghị với Bộ Ngoại giao cũng như các Ủy ban Hành chính địa phương sẽ phổ biến những thể lệ trên đây cho các cơ quan và cá nhân ngoại quốc có sử dụng người làm công biết và làm cho các cơ quan và cá nhân đó hiểu rõ mục đích của những quy định trên cũng chỉ nhằm giúp cho họ được mọi sự dễ dàng trong việc sử dụng người làm công và tăng cường được mối quan hệ tốt giữa các cơ quan và cá nhân đó với anh chị em để đảm bảo công tác được kết quả tốt.

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG




Nguyễn Văn Tạo

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 05-LĐ/PC năm 1959 về chế độ thuê mướn người làm công đối với các cơ quan và tư nhân ngoại quốc do Bộ Lao Động ban hành.

  • Số hiệu: 05-LĐ/PC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 16/02/1959
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động
  • Người ký: Nguyễn Văn Tạo
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 12
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản