Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG
********

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 05-BLĐ/TT

Hà Nội, ngày 13 tháng 2 năm 1961

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG SỐ 05-BLĐ/TT NGÀY 13 THÁNG 2 NĂM 1961 VỀ ĐẢM BẢO AN TOÀN LAO ĐỘNG TRONG VIỆC KHAI THÁC ĐÁ

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG

Kính gửi:

Các Bộ,
Các Tổng cục: Lâm nghiệp, Thủy sản và Địa chất,
Uỷ ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh,
Các Sở, Ty, Phòng Lao động.

Hiện nay do nhu cầu về đá trong sản xuất và xây dựng ngày càng tăng, nên các cơ sở sản xuất đã phát triển mạnh. Bên cạnh những công trường đá của các ngành đã có từ trước và đang được mở rộng, các công ty vật liệu xây dựng, Ty Công nghiệp địa phương, Cục Doanh trại, v.v... cũng đã thành lập thêm nhiều cơ sở sản xuất mới.

Một số cơ sở nói trên, nhất là những công trường mới mở thường áp dụng lối khoán trắng việc khai thác đá cho các tổ sản xuất mà không phụ trách việc bảo đảm an toàn lao động (công trường bán thẳng kíp và thuốc nổ cho công nhân rồi thu mua đá, không quản lý chặt chẽ việc sử dụng kíp và thuốc nổ, không hướng dẫn về kỹ thuật khai thác và phương pháp làm việc an toàn). Mặt khác, công nhân làm đá, trừ một số do công trường tuyển từ những vùng chuyên nghề làm đá, đã thành thạo trong việc khai thác đá, còn phần lớn là nông dân ở địa phương chỉ ra công trường làm đá trong thời gian rỗi việc, đến mùa trở về làm ruộng, nên ít người am hiểu kỹ thuật khai thác.

Các xí nghiệp đá cũ thì có nơi đã xây dựng được những quy tắc về phá đá, bắn mìn, đã có nội quy cho từng nghề, từng việc, đã sắm được một số trang bị bảo hộ lao động, nhưng việc tuyên truyền và giáo dục cho công nhân về ý thức bảo hộ lao động và về kỹ thuật sản xuất chưa làm được đến nơi đến chốn, việc kiểm tra đôn đốc để nhắc nhở mọi người thực hiện đúng những điều đã quy định, cũng chưa được chú ý đúng mức. Do đó hiện nay công nhân trên hầu hết các công trường khai thác đá có những việc làm vi phạm rất nghiêm trọng kỹ thuật khai thác và nguyên tắc đảm bảo an toàn lao động trong sản xuất, như dùng răng thay kìm để gắn kíp vào với ngòi mìn, lấy que sắt moi kíp và thuốc nổ ở những quả mìn câm, đặt ngòi mìn quá ngắn, đứng phía dưới dùng xà beng cậy đá ở phía trên, không mang dây an toàn khi leo lên núi cao bẩy đá, không cậy kỹ đá sau khi nổ mìn để tránh đá rơi xuống bất thình lình khi công nhân đang làm việc phía dưới, .v.v...

Vì vậy, tai nạn lao động làm chết người hoặc làm bị thương nặng trên các công trường đá từ đầu năm 1960 tới nay đã xảy ra nhiều lần.

Để khắc phục những thiếu sót trên nhằm hạn chế, tiến tới tiêu diệt tai nạn lao động, bảo vệ tính mạng cho nhân dân và công nhân trên các công trường đá, tạo điều kiện cho việc khai thác đá được đẩy mạnh hơn nữa, Bộ Lao động thấy cần phải thi hành ngay một số biện pháp cấp thiết dưới đây:

1. Tất cả các công trường khai thác đá kể cả các công trường tổ chức giao khoán cho nhân dân, đều phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục về ý thức bảo hộ lao động và huấn luyện về kỹ thuật an toàn cho công nhân và nhân dân làm đá.

Tuyên truyền giáo dục ý thức đề phòng tai nạn lao động là một công tác rất quan trọng, các công trường cần chú ý làm thật tốt công tác này để cho mọi người thực sự thấm nhuần, thấy rõ trách nhiệm của mình mà tự nguyện tự giác chấp hành những điều đã quy định. Trước khi đi vào sản suất mỗi công trường phải tổ chức để toàn thể cán bộ và công nhân (kể cả nhân dân địa phương đến làm khoán) học tập về trách nhiệm bảo hộ lao động và kỹ thuật an toàn đối với việc khai thác đá. Những anh chị em tới công trường sau, nhất thiết cũng phải học tập như trên, rồi mới được ra sản xuất. Đặc biệt đối với các công nhân bắn mìn thì sau khi học tập về kỹ thuật sử dụng thuốc nổ phải có sát hạch và chỉ sau khi đã được chứng nhận là có đủ khả năng làm việc trên mới được giao việc.

Ở những công trường đang khai thác, nếu chưa thực hiện những việc nói trên thì phải tổ chức thực hiện ngay.

2. Phải tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện những điều quy định về bảo hộ lao động và an toàn kỹ thuật.

Có tổ chức được việc tuyên truyền và giáo dục cho công nhân, nhưng nếu thiếu kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện thì chỉ sau một thời gian ngắn, việc chạy theo năng suất một cách đơn thuần sẽ lại đưa công nhân đế chỗ vi phạm những điều đã quy định, gây ra những tai nạn đáng tiếc. Vì vậy, mỗi công trường phải quy định rõ trách nhiệm cho tất cả cán bộ hướng dẫn sản xuất: tổ trưởng, trưởng kíp, trưởng ca,... phải thường xuyên kiểm tra về an toàn lao động trong bộ phận mình phụ trách và mỗi khi tổ chức cho công nhân hay cán bộ kiểm điểm về sản xuất phải kiểm điểm về thực hiện quy tắc an toàn. Những người đã được nhắc nhở nhiều lần mà còn vi phạm quy tắc an toàn, thì công trường phải có thái độ kiên quyết, thi hành kỷ luật để làm gương cho người khác.

Ngoài ra mỗi công trường phải bố trí cán bộ để chuyên lo về bảo hộ lao động và thường xuyên kiểm tra trong toàn công trường; không nên giao cho cán bộ làm việc kiêm nhiệm để tránh tình trạng vì nhiều việc mà không chú trọng tới việc bảo đảm an toàn lao động.

3. Công trường sản xuất đá phải chỉ đạo việc khai thác, phải tổ chức đảm bảo an toàn lao động cho công nhân, không được giao khoán trắng cho công nhân rồi thu mua đá mà không chăm lo tới bảo hộ lao động.

Khai thác đá là một công việc nặng nhọc, có phần nguy hiểm, đòi hỏi phải có sự chỉ đạo chặt chẽ về mặt tổ chức và về mặt kỹ thuật. Các công trường không thể giao khoán trắng việc khai thác đã cho công nhân, cho các tổ sản xuất, mà không quản lý việc bảo đảm an toàn lao động, vì như vậy chẳng những sẽ không bảo vệ được sức khoẻ và tính mạng cho công nhân mà còn làm trở ngại lớn cho việc sản xuất có kế hoạch.

Để chấp hành nghiêm chỉnh chính sách bảo hộ lao động của Đảng và Chính phủ, từ nay trở đi các công trường sản xuất đá nhất thiết phải trực tiếp tổ chức và lãnh đạo việc khai thác. Đối với công nhân làm đá, bất luận là ở trong hay ngoài biên chế, tạm tuyển, hợp đồng, hoặc nhân công làm khoán ở địa phương, công trường cũng đều có trách nhiệm phải bảo đảm về mặt an toàn lao động.

Ngoài việc tuyên truyền giáo dục cho anh chị em về ý thức bảo hộ lao động, hướng dẫn cho anh chị em thực hiện đúng an toàn kỹ thuật trong việc khai thác đá, công trường cần bố trí để nơi làm việc của anh chị em có đủ những điều kiện tối thiểu về vệ sinh và an toàn lao động như: Bố trí công việc để có khoảng cách đủ xa giữa bộ phận cậy đá và bộ phận đập đá, có chỗ để tạm trú khi mưa to hoặc để nghỉ giải lao những hôm trời nắng, có đủ nước chín để uống, có đủ số cầu tiêu hố tiểu cần thiết và nhất là phải có y tá thường trực và một số thuốc men dụng cụ y tế cần thiết để kịp thời cứu chữa cho công nhân khi xảy ra tai nạn.

Công trường phải cung cấp cho công nhân làm đá kể cả công nhân làm khoán tuỳ theo điều kiện làm việc của từng nghề, những trang bị bảo hộ lao động cần thiết, công trường không được tính gộp cả khoản này vào tiền công hay giá khoán.

Dụng cụ làm việc của công nhân cũng có liên quan nhiều tới công tác bảo hộ lao động. Tại một số công trường, công nhân phải dùng nêm, sà beng, búa tạ và choòng loại xấu để làm việc, nên phải bỏ ra nhiều sức lao động, nhưng vẫn không đưa được năng suất lên cao. Những dụng cụ đó thường hay bị toét, vỡ làm mảnh sắt bắn vào người, vào mặt, rất nguy hiểm. Để tạo điều kiện nâng cao năng suất và bảo đảm an toàn lao động, công trường cần nghiên cứu cách cung cấp dụng cụ đúng quy cách cho công nhân thích hợp với tình hình tổ chức sản xuất của đơn vị. Còn đối với những người đã sẵn có dụng cụ bảo đảm phẩm chất thì công trường có thể khuyến khích họ mang đúng những thứ đó bằng cách trả tiền hao mòn dụng cụ hợp lý như các công trường vẫn làm.

Đối với những anh chị em được tuyển từ xa tới cần phải ở tập trung tại nơi làm việc, công trường phải bố trí đủ chỗ ăn, ở hợp vệ sinh.

4. Phải bảo quản chu đáo thuốc nổ và kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng:

Các công trường làm đá thường phải sử dụng một khối lượng thuốc nổ, ngòi mìn và kíp tương đối lớn. Các thứ trên nếu không được bảo quản chu đáo thì có thể gây ra những tai nạn và thiệt hại lớn, vì vậy mỗi công trường cần phải có kho riêng biệt, đúng quy cách, để chứa kíp, thuốc nổ và ngòi mìn. Cán bộ có trách nhiệm hướng dẫn việc khai thác phải theo dõi và kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng các thứ trên. Để tránh tình trạng công nhân vì muốn đỡ tiền mua ngòi mìn, thuốc và kíp nổ, đã nạp mìn không đúng quy cách; đặt ngòi mìn quá ngắn, dùng kíp giả để thay kíp thật, v.v... hoặc đã mang dùng những thứ trên vào những việc không chính đáng. Các công trường tuyệt đối không được bán kíp, ngòi mìn và thuốc nổ cho công nhân. Hàng ngày cần dùng bao nhiêu mìn, công trường sẽ cấp phát bấy nhiêu; việc cấp phát phải có sổ sách để ghi chép rõ ràng. Sau mỗi ngày, nếu không dùng hết, phải trả lại những thứ còn thừa cho công trường, không được tự tiện mang thuốc nổ, kíp và ngòi mìn ra khỏi phạm vi công trường và mang về phòng hoặc nhà ngủ riêng.

5. Khai báo khi mở công trường khai thác đá:

Trước đây, khi mở công trường khai thác đá, các cơ quan quản lý công trường thường không báo cho cơ quan lao động địa phương biết, do đó đã không tranh thủ kịp thời được sự giúp đỡ của cơ quan này để nắm vững luật lệ lao động và vì vậy đã có nhiều thiếu sót trong việc chấp hành chính sách lao động.

Để tránh có những thiếu sót như trên, từ nay mỗi khi mở công trường, cơ quan quản lý công trường phải báo cáo ngay cho cơ quan lao động địa phương biết.

Cùng với thông tư này, Bộ Lao động gửi tới các ngành bản "Quy tắc an toàn kỹ thuật về làm đá" của Bộ Công nghiệp để các ngành dùng làm tài liệu hướng dẫn cho công nhân học tập. Sau khi rút được kinh nghiệm của việc áp dụng bản quy tắc trên, Bộ Lao động sẽ cùng với các ngành có trách nhiệm nghiên cứu và ban hành bản quy tắc chính thức về an toàn lao động trên các công trường khai thác đá.

Bộ Lao động đề nghị các Bộ, Uỷ ban hành chính các khu, thành phố và tỉnh phổ biến rộng rãi thông tư này và hướng dẫn cho các công trường thi hành đầy đủ để làm cho công tác bảo hộ lao động trên các công trường khai thác đá được thực hiện tốt.

Các cơ quan lao động địa phương có trách nhiệm thường xuyên phối hợp chặt chẽ với công đoàn kiểm tra theo dõi việc thì hành, giúp Uỷ ban hành chính địa phương hướng dẫn các cơ sở khai thác đá thực hiện nghiêm chỉnh thông tư này, nếu có khó khăn mắc mứu cần báo cáo ngay cho Bộ biết để kịp thời nghiên cứu giải quyết.

QUY TẮC

AN TOÀN KỸ THUẬT VỀ LÀM ĐÁ

Chương 1:

NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1: Nay tạm thời công bố bản Quy tắc an toàn kỹ thuật này để đề phòng tai nạn lao động có thể xảy ra trong khi làm việc, làm nguy hại đến tính mệnh của công nhân làm đá, nhằm mục đích nâng cao hiệu suất công tác.

Điều 2: Cán bộ lãnh đạo các cấp phải phối hợp mật thiết với công đoàn tổ chức việc giáo dục quy tắc an toàn kỹ thuật cho cán bộ và công nhân viên học tập, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc theo dõi việc thực hiện quy tắc này, nêu lên những hiện tượng có thể xảy ra tai nạn để giáo dục chung, đồng thời bản thân cán bộ phải gương mẫu thực hiện các quy tắc.

Điều 3: Cán bộ trực tiếp lãnh đạo thường xuyên ở hiện trường mỗi ngày phải lên núi kiểm tra các chỗ làm của từng người một, phải nhắc nhở anh chị em đề phòng mọi trường hợp tránh tai nạn, nếu có hiện tượng gì thì kịp thời giáo dục uốn nắn.

Điều 4: Phải lo sắm đầy đủ các dụng cụ, thiết bị an toàn cần thiết cho công nhân dùng để bảo đảm được an toàn.

Điều 5: Tổ trưởng đục choòng phải có trách nhiệm trong và sau khi làm việc, phải kiểm tra, nhắc nhở anh chị em trong tổ thực hiện quy tắc để bảo đảm an toàn; tổ trưởng đá hộc, đá dăm, phải chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn cho bộ phận làm dưới chân núi.

Điều 6: Anh chị em công nhân phải nghe theo sự hướng dẫn của cán bộ lãnh đạo, phải nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc an toàn tự bảo vệ cho mình và những người quanh mình, không được chủ quan làm ẩu.

Khi được phân công tác, nếu thấy trong công việc có phạm đến quy tắc an toàn kỹ thuật hoặc công việc có tính chất nguy hiểm, phải có kiến nghị yêu cầu cán bộ phổ biến biện pháp đề phòng tai nạn cho bảo đảm mới tiến hành làm.

Điều 7: Không được bố trí người mắt kém, tai điếc, ốm yếu đau bệnh thần kinh, đau tim lên làm công tác trên núi hoặc làm công tác đốt mìn.

Những công việc có tính chất đặc biệt nguy hiểm, phải bố trí người chuyên môn phụ trách để bảo đảm an toàn.

Điều 8: Các ý kiến đề nghị của công nhân về sửa đổi thiết bị an toàn, dụng cụ phòng hộ, v.v... cần phải nghiên cứu kỹ càng, phải kịp thời giải quyết, nếu không giải quyết phải nói rõ lý do.

Điều 9: Khi xảy ra tai nạn lao động phải tổ chức nghiên cứu tìm nguyên nhân rút kinh nghiệm phổ biến chung trong đơn vị đề ra biện pháp đề phòng về sau.

Điều 10: Nếu công trường cần thiết phải sử dụng điện thì phải áp dụng theo bản quy tắc an toàn về điện. Tổng cục công bố kèm theo bản quy tắc này.

Điều 11: Trong lúc làm việc ở trên núi cũng như ở dưới đất, tuyệt đối cấm không được đùa nghịch chạy nhảy lung tung hoặc lấy đá ném nhau, rất nguy hiểm.

Chương 2:

AN TOÀN LÀM CÔNG TÁC Ở TRÊN NÚI

Điều 12: Khi leo lên, xuống núi cần chú ý:

1. Phải xem xét lại dây leo kỹ, giật mạnh dây, lắc qua lắc lại để có hòn đá con nào còn vương vãi thì rơi xuống hết, mắt luôn trông lên núi để thấy đá rơi mà tránh.

2. Dây leo phải to đúng loại, không được dùng loại dây nhỏ. Những lúc trời mưa dây leo thường hay sổ mối nối, mưa to thường hay xói đất, những đá cheo leo gập ghềnh dễ rơi xuống, nên khi mưa xong cán bộ phải đi kiểm tra lại các dây leo, các tảng đá dọc xung quanh dây leo, xong mới cho công nhân leo lên.

3. Lúc leo lên dây leo phải rút thẳng dây cấm không được để chùng dây. Lúc leo tuyệt đối không được leo hai ba người cùng một lúc, người leo lên người đứng dưới không được giục, không nên đứng gần dưới dây để tránh đá rơi.

4. Khi leo núi, tuyệt đối không được leo những chỗ không có dây leo, không được leo ngay sau khi mìn vừa nổ xong, không được bám tay hoặc đạp chân vào những chỗ đá om, nứt nẻ nhiều hoặc đá pha đất. Những chỗ nguy hiểm khó khăn, tuyệt đối cấm không được leo lên đục choòng hoặc bẩy đá.

5. Lúc lên xuống núi, mỗi người không được mang theo nhiều dụng cụ cùng một lúc như: choòng, búa, xà beng, ống nước, v.v... tuyệt đối không được mang giày, dép lên núi.

6. Khi anh em leo núi vịn vào hòn đá sắp sửa rơi phải kịp thời báo ngay cho anh em dưới tránh xa để tránh tai nạn.

Điều 13: Khi đục choòng cần chú ý:

1. Dụng cụ đục choòng phải để nơi bảo đảm không rơi, để có thứ tự, không vất ngổn ngang bừa bãi hay chặn lên dây, lúc kéo dây dụng cụ sẽ rơi.

2. Đục choòng trên núi cách mặt đất từ ba thước trở lên nhất thiết phải buộc dây bố an toàn vào người, mặc dầu khó hay dễ, không buộc chiếu lệ vào chân, khoác giả dối vào người rất dễ xẩy ra tai nạn chết người.

3. Trước lúc đục choòng, phải xem xét tại chỗ ngồi, cầm búa, thử lại dây an toàn cho thật bảo đảm rồi mới làm. Lúc mới khai lỗ choòng, người đánh búa phải dựa lưng vào núi đề phòng choòng bị dội dễ mất thăng bằng ngã. Không nên đánh búa mạnh dễ trật choòng hoặc văng búa lên mất đà.

4. Người cầm choòng không được ngồi đối diện và hai bên búa phải ngồi xéo góc để khỏi bị búa đánh vào đầu hoặc văng vào người.

5. Đục choòng ở chỗ cao không nên quai búa thẳng tay để tránh mất thăng bằng, tụt búa văng ra khỏi tay. Cán búa có mồ hôi phải lau khô rồi mới đánh, cầm búa đục choòng không nên cầm sát đầu búa, người đánh búa và người cầm choòng không được ngó qua ngó lại linh tinh đề phòng đánh trật búa.

6. Người đánh búa lúc mệt phải thay đổi ngay cho người cầm choòng không nên đánh gượng hay bị mất đà xảy ra tai nạn. Đầu choòng bị toét ra phải sửa chữa ngay để tránh mảnh sắt bắn ra bị thương.

7. Những lỗ choòng hôm trước đục chưa xong, hôm sau trước khi bổ choòng xuống đục tiếp phải xem kỹ trong lỗ đề phòng địch bỏ chất nổ vào không biết xảy ra tai nạn. Khi kéo choòng dưới các lỗ sâu lên phải đứng dậy không được ngồi kéo dễ ngã xuống núi, hoặc bị kẹp tay vào lỗ choòng.

8. Lỗ choòng đục dở bị hốc, bỏ đi tìm lỗ khác phải đi thật cẩn thận theo dây leo an toàn, tránh làm đá văng xuống người làm ở dưới, nếu cần thiết phải báo cho ở dưới tránh.

Điều 14: Khi bẩy đá trên núi xuống cần chú ý:

1. Phải có sự phân công rõ ràng, dưới chân núi có người canh gác, anh em bẩy đá phải xem lại các dây an toàn đeo vào người, chỗ đứng cho bảo đảm. Tuyệt đối không được đứng lớp trên lớp dưới, phải đứng ngang nhau, bẩy từng trên cùng xong xuống tầng dưới, mỗi từng bẩy xong phải cào cho thật sạch đá vụn.

2. Tuyệt đối không được một tay cầm xà beng, một tay cầm dây chồm người ra đẩy những hòn đá cheo leo. Tuyệt đối không đứng phía dưới đưa xà beng chọc ngược lên bẩy đá. Tuyệt đối không được đu người lên xà beng mà bẩy, không được để xà beng trước ngực mà bẩy, không được ghé vào vai mà bẩy.

3. Lúc có người làm việc dưới chân núi không được bẩy đá...

Những hòn đá to không được xúm nhau lại đẩy mà phải dùng xà beng bẩy dần nó xuống. Những hòn đá cheo leo nguy hiểm, bẩy không được phải báo cáo cho cán bộ biết để có biện pháp cho nó xuống kịp thời. Những hòn đá bẩy xuống nửa chừng bị mắc kẹt lại phải tiếp tục bẩy xuống hết.

4. Lúc hết giờ mà đá bẩy chưa hết thì tranh thủ bẩy những tảng đá cheo leo nguy hiểm xuống trước. Bảy giờ tối là phải xuống khỏi núi. Tuyệt đối cấm phóng dụng cụ từ trên núi xuống.

5. Nên phân phối thì giờ bắn đá hợp lý để buổi chiều đủ thì giờ bẩy hết đá xuống, không nên để còn lại ngày sau khi bẩy tiếp.

Chương 3:

AN TOÀN CÔNG TÁC BẮN ĐÁ

Điều 15: Công tác bắn bộc phá hay bắn mìn phải có cán bộ kỹ thuật lãnh đạo, trình độ phải là kỹ thuật viên hay công trình sư, các công tác thực tế như chuyển khí cụ vật liệu, đất thuốc, lượng thuốc v.v... phải phân công cho thợ bộc phá đã được huấn luyện về kỹ thuật thuốc nổ, cán bộ kỹ thuật phải theo sát hướng dẫn kiểm tra kỹ trước cho đúng.

Điều 16: Khi nạp thuốc vào lỗ mìn phải có cán bộ lãnh đạo trực tiếp hướng dẫn kiểm tra, công nhân bắn mìn phải tuyệt đối tuân theo sự chỉ huy của cán bộ lãnh đạo để bảo đảm được an toàn.

Điều 17: Cắt dây không được kê lên sắt, lên đá, phải kê lên gỗ mềm, không được giơ dao lên chặt, phải dùng dao sắc, cắt nhẹ tay. Cấm không được cho kíp vào đầu dây rồi mới cắt dây. Cấm dùng răng cắn bóp kíp chặt vào dây, phải dùng kìm mà cặp.

Điều 18: Nhồi thuốc vào lỗ cấm dùng que sắt, phải dùng que gỗ, tre, để tránh được phát ra lửa nguy hiểm. Xung quanh chỗ nạp mìn không được để các dụng cụ bằng kim khí linh tinh bừa bãi.

Điều 19: Thuốc cho vào phía trên kíp lúc nào cũng ít bằng 1/3 phía dưới kíp để tránh được đá khỏi văng xa vào lán trại hoặc vào nhà dân. Khi nạp mìn xong không được dùng đá vụn nêm vào lỗ, chỉ cần đổ một lớp đất độ một tấc là tốt, bắn hết quả.

Điều 20: Kíp nổ không được để chung vào gói thuốc hút, không bỏ trong người, không bỏ vào túi áo rồi vứt bừa bãi dưới chân núi hoặc đem phơi nắng. Phải may túi riêng có từng ngăn phân biệt đựng kíp riêng, dây riêng, thuốc cháy riêng, có bao gói cẩn thận. Thuốc nhiều thì có hòm đựng có khóa, để xa chỗ ngủ. Cuối ngày dùng xong nếu còn thừa nhiều trả lại kho, nếu còn thừa ít giao lại cho cán bộ lãnh đạo trực tiếp, không được tự ý đem treo trong phòng ngủ.

Điều 21: Trong suốt thời gian sử dụng chất nổ tuyệt đối cấm hút thuốc, cấm đưa lửa tới gần.

Điều 22: Cán bộ lãnh đạo trực tiếp phải bố trí người lanh lẹ tháo vát làm công việc đốt mìn, phải nắm vững vị trí và số lượng mìn, phải biết phát mìn vào lúc nào thì sức phá xa hay gần.

Điều 23: Phải hướng dẫn cho anh chị em chỗ núp, đường chạy thật bảo đảm, phân công chu đáo người đốt trước, người đốt sau, liên lạc giữa các bộ phận chặt chẽ. Người không có phận sự đi núp trước.

Điều 24: Hiệu lệnh bắn mìn phải được phổ biến rộng rãi cho mọi người đều biết để tránh. Khi bắn phải có hiệu lệnh, có người canh gác báo cho anh chị em và nhân dân qua đường, loài vật chú ý tránh. Tuy có hiệu lệnh, có người gác, nhưng trước khi cho bắn mìn, cán bộ lãnh đạo trực tiếp cần phải phân công anh em đi kiểm tra lại các khu vực nguy hiểm một lần nữa để bảo đảm được an toàn.

Điều 25: Những lán trại gần tuyến đá, cán bộ lãnh đạo trực tiếp cần phải chú trọng hướng dẫn anh chị em ở nhà trong lán phải tránh xa khi đốt mìn để tránh đá văng vào lán, nguy hiểm. Nghiêm khắc kỷ luật với anh chị em nào không chịu đi núp.

Điều 26: Khi đốt mìn cần chú ý:

1. Tuyệt đối không được dùng diêm hay bật lửa. Không được ghé mồm vào thổi mồi lửa.

2. Mỗi người không được đốt quá hai quả, những quả mìn cách nhau xa là nhất thiết phải đốt mỗi người một quả. Tùy theo từng lỗ mìn sâu cạn mà hội ý với cán bộ lãnh đạo trực tiếp để cắt dây mìn dài ngắn khác nhau hoặc cắt bằng nhau để bảo đảm lúc đốt có đủ thì giờ chạy núp. Gặp lỗ mìn ở chỗ cheo leo nguy hiểm, cần phải chuẩn bị đường chạy núp cho bảo đảm, dây mìn phải cắt cho dài để đủ thì giờ chạy núp.

3. Khi đốt một loạt mìn, phải liên lạc mật thiết báo cho nhau biết cùng châm mồi lửa một lúc, phải coi ngó lẫn nhau nếu thấy anh em chạy núp cả rồi mà quả mìn mình phụ trách chưa cháy, nhất thiết phải bỏ dở mà chạy núp, chờ loạt mìn nổ đó xong tiếp tục đốt sau.

4. Lúc đốt mìn xong phải chạy xa ít nhất là 200 thước, không được chạy một quãng rồi đứng quay mặt nhìn trở lại. Khi phân công chạy đường nào thì phải chạy đường ấy không được chạy băng ngang qua các quả mìn khác.

Điều 27: Tuyệt đối không được bắn mìn vào giờ giải lao và lúc trời tối. Đốt mìn xong phải đợi hiệu lệnh chung mới được ra làm việc. Ngày chủ nhật hay trường hợp thiếu đá muốn bắn thêm phải được sự đồng ý và sự phân công của cán bộ lãnh đạo trực tiếp. Lúc bắn mìn, cán bộ lãnh đạo trực tiếp phải ra chỉ huy.

Điều 28: Các Ban chỉ huy phải có kế hoạch liên lạc chặt chẽ với nhau lúc nhồi thuốc bắn mìn, giờ giấc phải nhất định, có trường hợp gì bất trắc phải hội ý kịp thời giải quyết để bảo đảm được an toàn.

Điều 29: Giải quyết những quả mìn không nổ cần chú ý:

1. Những quả mìn không nổ phải đợi ít nhất 30 phút mới được lại gần, xung quanh phạm vi quả mìn không nổ phải cắm biển nguy hiểm, phân công người gác không cho ai lại đó để làm việc, đề phòng mìn nổ bất ngờ, cẩn thận trong khi mìn nhỡ ra lại nổ đá lăn xuống nguy hiểm.

2. Tùy theo từng quả mìn câm mà cán bộ lãnh đạo trực tiếp và người nhồi thuốc quả mìn đó tới kiểm tra lại và hướng dẫn theo quy tắc về kỹ thuật phá mìn không nổ mà áp dụng.

3. Tuyệt đối cấm dùng bất cứ một thứ gì để móc thuốc lên.

Không được khoan, không được đút nêm vào nêm. Tuyệt đối không được bắn kíp giả.

4. Gặp quả mìn câm mà cán bộ lãnh đạo trực tiếp không đủ điều kiện giải quyết phải báo cáo với Ban chỉ huy để cử cán bộ kỹ thuật chất nổ nghiên cứu giải quyết.

5. Những quả mìn khi đốt phụt khói lên cao thường thì 15 phút sau sẽ nổ nên tuyệt đối phải chờ lệnh mới được vào xem, không được chạy bừa vào nguy hiểm.

6. Bắn mìn gần lán trại, gần nhà dân nên áp dụng bắn mìn nước, đá ít văng xa.

Điều 30: Tất cả những đồ dùng, quần áo, tay chân của số anh em làm chất nổ có thể dính nhiều loại thuốc nổ, nên sau khi làm xong phải tắm rửa thật kỹ, quần áo đồ dùng phải giặt, rửa, đem cất một chỗ, khi nào cần làm đến thuốc nổ lại dùng; không nên đưa về để ở nhà ngủ, không nên mặc để làm việc khác, hoặc mặc ngủ để tránh sinh bệnh về sau.

Chương 4:

AN TOÀN CÔNG TÁC DƯỚI CHÂN NÚI

Điều 31: Trước khi vào khu vực, cấm khuân đá hộc ra để đập. Cán bộ lãnh đạo trực tiếp phải quan sát kỹ xung quanh cẩn thận, nhắc nhở anh chị em chú ý đề phòng đá rơi. Phải chú ý gác để báo cho anh chị em biết đá rơi mà tránh.

Điều 32: Đá hộc phải chuyển ra khỏi phạm vi khu vực cấm, xếp thành hình chữ A, xếp đá tránh xa người đập đá dăm 5 thước, phải tránh đường vận chuyển đá để phòng tai nạn đá văng vào người qua lại.

Điều 33: Khi quăng đá hộc phải nhìn trước nhìn sau, báo cho anh chị em ngồi đập đá dăm gần đó tránh xa, không được lăn xuống ẩu trong lúc anh chị em ngồi làm ở dưới, đá phải quăng tập trung có chỗ, không quẳng bừa bãi mỗi nơi một vài hòn để tránh đi lại vấp ngã. Những hòn đá nặng hoặc khó lăn phải dùng xà beng nậy, không được dùng tay mà lăn.

Điều 34: Khi đập đá hộc cần chú ý:

1. Nên mặc quần dài, mang ghệt tránh đá văng.

2. Trước khi đập phải đưa hết đá vụn trên tảng đá, để đỡ văng lung tung, phải đập thẳng búa, và lựa theo thớ đá để đập, nhớ hạ tay búa sát xuống, đá ít văng.

3. Hòn đá to không được đứng lên trên mà đập, nếu đá bị gập ghềnh phải kê cho chắc chắn rồi mới đập.

4. Đập đá hộc chú ý xoay trở luôn cho tròn, tìm thớ đá mà đập thì ít bị văng.

Điều 35: Đập đá dăm không được ngồi trong khu vực cấm, ngồi quay lưng lại với nhau, không được quay lưng vào chân núi đề phòng đá rơi không thấy mà tránh. Nếu đá hộc còn vương vãi trong khu vực cấm không được vào đó mà ngồi đập.

Điều 36: Khi đập đá dăm chú ý ngó vào công việc đề phòng đánh búa vào tay, hoặc đá văng vào mặt. Cán búa phải chắc chắn không lỏng, không tụt, không nứt nẻ, vừa tầm không dài quá. Chú ý che miệng để tránh hít phải bụi đá dễ sinh bệnh.

Điều 37: Quang sọt lấy đá phải xếp có thứ tự để tránh được vương bừa, hoặc đi lại dễ bị thương.

Chương 5:

AN TOÀN LÚC VẬN CHUYỂN ĐÁ

Điều 38: Gánh đá dăm phải chú ý:

1. Quang gánh phải vừa tầm, xem các mối dây, đòn gánh, nếu dây bở, đòn gánh chớm gẫy, mất mấu phải sửa lại hoặc thay ngay để bảo đảm an toàn.

2. Quần áo phải gọn gàng, vén cao lên, đá phải san sẻ cho đều hai đầu quang, đặt đòn gánh vào quang, chú ý đừng chặt mấu, khi gánh không thi nhau chạy, hay đùa nghịch xô đẩy nhau, kéo quang gánh của nhau, phải chú ý dưới chân tránh vấp, đều dễ xẩy ra tai nạn.

3. Qua cầu tạm không được đi một lúc nhiều người trên cầu đề phòng gãy ván. Ván cầu phải chắc bền, thỉnh thoảng phải xem lại cho cẩn thận, đầu ván đừng để xê dịch lỏng lẻo, nếu bị hỏng phải sửa lại ngay.

4. Tuyệt đối cấm không được đi băng qua chỗ có tín hiệu cấm.

Điều 39: Vận chuyển bằng xe thồ cần chú ý:

1. Không nên đẩy một lần 2, 3 chiếc đi nối đuôi nhau, đề phòng bị vấp đá là đụng vào nhau.

2. Lúc xe bị đá cán hay đi trên khoảng đường hẹp, chú ý đừng để bánh xe cán vào bàn chân, lúc trút đá phải có nhiều người phụ vào càng xe cho xe đổ từ từ không nên một người đu lên càng xe có khi mất đà sẽ bị hất ngã nguy hiểm.

Điều 40: Bốc đá phải bốc trên xuống không được moi sâu ở dưới trước, đề phòng đá trụt. Lúc cắt toa để đẩy, phải báo tin cho anh chị em biết tránh ra khỏi đường ray một thước rồi mới đẩy, lúc xe xuống dốc phải đẩy từ từ, phân công người cầm chèn để chèn lại, khi toa dừng, phải chèn kỹ rồi mới lên toa làm. Tuyệt đối không được ngồi nghỉ ở dưới gầm toa xe.

Điều 41: Xả đá cần chú ý:

1. Khi tàu chạy, tuyệt đối không được đi lại trên các toa chở đá mặc dầu tàu đi rất chậm. Không ngồi trên thành toa hoặc hai bên cửa toa, tàu lắc mạnh dễ bị ngã xuống đường.

2. Khi mở cửa xả đá phải mở từ từ cẩn thận đề phòng cánh cửa bật tung ra, đá trút ào xuống làm mình cũng rơi xuống theo nguy hiểm. Khi định xả đá một chỗ nào phải do cán bộ lãnh đạo trực tiếp báo cho biết, tuyệt đối không được tự tiện muốn xả chỗ nào cũng được.

3. Chờ cho tàu ngừng hẳn rồi mới bước lên, xuống tàu để tránh được tai nạn ngã. Tuyệt đối cấm nhảy tàu bất cứ trường hợp nào.

Nguyễn Đăng

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 05-BLĐ/TT năm 1961 về đảm bảo an toàn lao động trong việc khai thác đá do Bộ Lao động ban hành

  • Số hiệu: 05-BLĐ/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 13/02/1961
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động
  • Người ký: Nguyễn Đăng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản