Hệ thống pháp luật

Chương 3 Thông tư 05/2019/TT-BNNPTNT quy định về chế độ, quy trình bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Chương III

THỰC HIỆN BẢO TRÌ

Điều 10. Kiểm tra tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi

1. Tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi thực hiện nội dung sau:

a) Lập kế hoạch kiểm tra thường xuyên, định kỳ và đột xuất;

b) Lập và phê duyệt dự toán kinh phí phục vụ công tác kiểm tra;

c) Thực hiện công tác kiểm tra phần công trình thủy công; phần cơ khí; máy móc, thiết bị;

d) Báo cáo kết quả kiểm tra.

2. Yêu cầu báo cáo kết quả công tác kiểm tra:

a) Đánh giá hiện trạng công trình, máy móc, thiết bị;

b) Đề xuất, kiến nghị.

Điều 11. Quan trắc tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi

1. Tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi thực hiện nội dung sau:

a) Lập, trình phê duyệt kế hoạch quan trắc;

b) Lập, phê duyệt theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề cương, dự toán kinh phí phục vụ công tác quan trắc;

c) Tổ chức thực hiện quan trắc theo quy định của tiêu chuẩn, quy trình và quy định của pháp luật có liên quan;

d) Thực hiện kiểm tra, giám sát, nghiệm thu, thanh quyết toán, lưu trữ hồ sơ đối với quan trắc không thường xuyên;

đ) Tổng hợp, lưu trữ, báo cáo kết quả quan trắc và đề xuất, kiến nghị.

2. Quan trắc thường xuyên là công việc thực hiện hằng ngày của công nhân trực tiếp quản lý, vận hành công trình và thiết bị, máy móc.

a) Phương pháp quan trắc gồm:

Quan sát bằng mắt thường theo các tiêu chuẩn, quy trình đã được ban hành.

Quan trắc bằng thiết bị đã được lắp đặt ở công trình và máy móc, thiết bị.

b) Nội dung quan trắc bao gồm: Quan trắc mực nước; lưu lượng nước, lượng mưa, yếu tố khí tượng (nhiệt độ, độ ẩm...) tại khu vực công trình.

3. Quan trắc không thường xuyên là việc thực hiện quan trắc hình học, biến dạng, chuyển dịch theo thời gian bằng các loại máy móc, thiết bị chuyên dụng.

a) Phương pháp quan trắc: Quan trắc bằng các thiết bị được lắp đặt ở công trình, máy móc, thiết bị. Tần suất, thời điểm, vị trí quan trắc thực hiện theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành và pháp luật có liên quan;

b) Các trường hợp phải quan trắc bao gồm:

Đập, hồ chứa nước; tường chắn từ cấp III trở lên; các công trình thủy lợi chịu áp khác;

Công trình có dấu hiệu lún, nghiêng, nứt và các dấu hiệu bất thường khác có khả năng xảy ra sự cố, nguy cơ mất an toàn công trình;

Khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.

4. Thẩm quyền phê duyệt đề cương, dự toán nhiệm vụ quan trắc thực hiện theo quy định tại Điều 16 Thông tư này.

Điều 12. Kiểm định chất lượng tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi

1. Tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi thực hiện nội dung sau:

a) Lập, trình phê duyệt kế hoạch kiểm định;

b) Lập, phê duyệt theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề cương, dự toán kinh phí phục vụ công tác kiểm định;

c) Tổ chức thực hiện kiểm định theo quy định của tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định của pháp luật có liên quan;

d) Thực hiện kiểm tra, giám sát, nghiệm thu, thanh quyết toán, lưu trữ hồ sơ theo quy định;

đ) Tổng hợp báo cáo kết quả kiểm định và đề xuất, kiến nghị.

2. Kiểm định được thực hiện trong các trường hợp sau:

a) Kiểm định định kỳ theo quy định hoặc quy trình bảo trì được phê duyệt;

b) Khi phát hiện công trình có những hư hỏng của một số bộ phận, công trình có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng;

c) Khi có yêu cầu đánh giá chất lượng hiện trạng công trình phục vụ cho việc lập quy trình bảo trì đối với những công trình đã đưa vào sử dụng nhưng chưa có quy trình bảo trì;

d) Khi cần có cơ sở để quyết định kéo dài thời hạn sử dụng đối với các công trình đã hết tuổi thọ thiết kế hoặc làm cơ sở cho việc cải tạo, nâng cấp công trình;

đ) Khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Thẩm quyền phê duyệt đề cương, dự toán nhiệm vụ kiểm định chất lượng thực hiện theo quy định tại Điều 16 Thông tư này.

4. Đối với công trình thủy lợi là hồ chứa nước, đập dâng, thực hiện kiểm định an toàn theo quy định của Nghị định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.

Điều 13. Bảo dưỡng tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi

1. Tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi thực hiện nội dung sau:

a) Lập kế hoạch bảo dưỡng và phê duyệt dự toán kinh phí nguyên, nhiên, vật liệu, công cụ, dụng cụ;

b) Thực hiện bảo dưỡng;

c) Báo cáo, kiểm tra, giám sát, nghiệm thu;

d) Lập hồ sơ thanh quyết toán, lưu trữ hồ sơ.

2. Tiêu chí giám sát, nghiệm thu kết quả bảo dưỡng tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi theo chất lượng thực hiện:

a) Thông số của công trình, máy móc, thiết bị sau khi bảo dưỡng phải đảm bảo theo thông số thiết kế ban đầu;

b) Đảm bảo sự hoạt động bình thường của công trình và máy móc, thiết bị theo tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành.

Điều 14. Sửa chữa thường xuyên tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi

1. Tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi tổ chức thực hiện các nội dung sau:

a) Lập, trình phê duyệt kế hoạch sửa chữa thường xuyên;

b) Lập, phê duyệt theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật các hạng mục sửa chữa thường xuyên;

c) Thực hiện sửa chữa thường xuyên;

d) Kiểm tra, giám sát, nghiệm thu, bàn giao;

đ) Lập hồ sơ thanh quyết toán, lưu trữ hồ sơ;

e) Báo cáo kết quả thực hiện sửa chữa thường xuyên về chủ quản lý công trình thủy lợi.

2. Thẩm quyền phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật các hạng mục sửa chữa thường xuyên thực hiện theo quy định tại Điều 16 Thông tư này.

Điều 15. Sửa chữa đột xuất, sửa chữa định kỳ tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi

1. Sửa chữa đột xuất:

Tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi thực hiện các nhiệm vụ sau đây khi có yêu cầu sửa chữa đột xuất:

a) Báo cáo chủ sở hữu và các cơ quan liên quan về sự cố; chủ động tổ chức thực hiện các giải pháp cấp bách để khắc phục sự cố;

b) Hoàn thiện thủ tục, tổ chức lập, phê duyệt theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặc dự án đầu tư các hạng mục sửa chữa đột xuất theo quy định tại Điều 16 Thông tư này;

c) Tổ chức thực hiện, hoàn thiện hạng mục sửa chữa đột xuất;

d) Kiểm tra, giám sát, nghiệm thu, bàn giao; lập hồ sơ thanh quyết toán, lưu trữ hồ sơ;

đ) Báo cáo kết quả thực hiện về chủ sở hữu và cơ quan có liên quan.

2. Sửa chữa định kỳ được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và pháp luật về đấu thầu.

Điều 16. Thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ bảo trì

1. Chủ quản lý công trình tổ chức thẩm định, phê duyệt đề cương, dự toán hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật các nhiệm vụ bảo trì có giá trị dự toán từ 500 triệu đồng trở lên, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

2. Tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi tổ chức thẩm định, phê duyệt đề cương, dự toán hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật các nhiệm vụ bảo trì có giá trị dự toán dưới 500 triệu đồng.

3. Đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, chủ sở hữu công trình quyết định nâng hạn mức quy định tại khoản 2 Điều này, giao doanh nghiệp phê duyệt sau khi có ý kiến thẩm định của chủ quản lý công trình.

4. Chủ quản lý công trình tổ chức thẩm định và trình chủ sở hữu công trình phê duyệt đối với các nhiệm vụ bảo trì phải lập dự án đầu tư.

Điều 17. Định mức chi phí bảo trì định kỳ hàng năm tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi

1. Quy định theo nguyên giá giá trị tài sản cố định:

a) Định mức chi phí bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi được quy định theo tỷ lệ % nguyên giá giá trị tài sản cố định như sau:

Đơn vị tính: Tỷ lệ %

TT

Vùng

Biện pháp công trình

Công trình trọng lực

Công trình động lực

Kết hợp động lực và trọng lực

1

Miền núi phía Bắc

0,55÷2,00

0,70÷2,10

0,65÷ 2,05

2

Đồng bằng sông Hồng

0,40÷ 1,80

0,50÷1,85

0,45÷1,90

3

Trung bộ

0,45÷1,85

0,60÷2,10

0,55÷1,80

4

Tây Nguyên

0,80÷2,10

1,00÷2,20

0,85÷2,15

5

Đông Nam bộ

0,40÷1,80

0,50÷1,85

0,45÷1,90

6

Đồng bằng sông Cửu Long

0,60÷1,80

0,75÷1,85

0,65÷1,90

b) Mức trích chi phí bảo trì theo tỷ lệ % nguyên giá giá trị tài sản cố định:

Công trình đưa vào khai thác sử dụng dưới 05 năm, công trình được đánh giá lại giá trị tài sản dưới 05 năm được trích chi phí theo mức tối thiểu theo quy định tại điểm a khoản này;

Công trình đã khai thác sử dụng từ 05 năm đến 15 năm được trích mức chi phí trong khoảng quy định tại điểm a khoản này;

Công trình đã khai thác sử dụng từ 15 năm trở lên được trích chi phí theo mức tối đa theo quy định tại điểm a khoản này.

Đối với công trình vùng ven biển, công trình thường xuyên chịu ảnh hưởng của nước biển, tỷ lệ % nguyên giá giá trị tài sản cố định được trích tăng thêm không quá 0,3% so với mức tối đa quy định tại điểm a khoản này.

2. Trường hợp không áp dụng được theo quy định tại khoản 1 Điều này thì định mức chi phí bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi được quy định theo tỷ lệ % tổng chi phí sản xuất kinh doanh từ sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi trong 01 năm của tổ chức, cá nhân khai thác công trình như sau:

Đơn vị tính: Tỷ lệ %

TT

Vùng

Biện pháp công trình

Công trình trọng lực

Công trình động lực

Kết hợp động lực và trọng lực

1

Miền núi phía Bắc

≥ 26

≥ 15

≥ 19

2

Đồng bằng sông Hồng

≥ 23

≥ 18

≥ 21

3

Trung bộ

≥ 28

≥ 16

≥ 20

4

Tây Nguyên

≥ 26

≥ 15

≥ 19

5

Đông Nam bộ

≥ 33

≥ 21

≥ 26

6

Đồng bằng sông Cửu Long

≥ 45

≥ 25

≥ 35

3. Chủ sở hữu công trình căn cứ định mức chi phí bảo trì quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này quyết định mức trích cụ thể cho các tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi.

Điều 18. Kinh phí thực hiện bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi

1. Kinh phí bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi được lấy từ nguồn tài chính trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi. Trường hợp nguồn tài chính trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi không đảm bảo, chủ sở hữu công trình thủy lợi quyết định sử dụng nguồn hợp pháp khác. Chủ sở hữu công trình thủy lợi bảo đảm kinh phí bảo trì công trình thủy lợi.

2. Dự toán bảo trì được xác định căn cứ vào quy trình bảo trì, kế hoạch bảo trì, tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức, đơn giá do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành. Đối với nội dung, hạng mục chưa có định mức được áp dụng định mức tương tự được cơ quan có thẩm quyền ban hành.

3. Tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi sử dụng lao động của đơn vị để thực hiện kiểm tra, bảo dưỡng hoặc thuê khoán nhân công thời vụ trong trường hợp lao động của đơn vị không đảm bảo. Tổ chức, cá nhân chỉ được chi tiền nhiên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ.

Thông tư 05/2019/TT-BNNPTNT quy định về chế độ, quy trình bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 05/2019/TT-BNNPTNT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 02/05/2019
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Hoàng Hiệp
  • Ngày công báo: 16/05/2019
  • Số công báo: Từ số 439 đến số 440
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH