Hệ thống pháp luật

Chương 3 Thông tư 05/2014/TT-BYT quy định việc sử dụng dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền trong cơ sở khám, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Chương 3.

HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG

Điều 6. Hướng dẫn sử dụng thuốc

1. Thuốc được sử dụng cho người bệnh cần bảo đảm các yêu cầu sau:

a) Được chế biến theo đúng quy định của Bộ Y tế;

b) Việc kết hợp các dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền trong từng bài thuốc phải phù hợp với lý luận của y học cổ truyền;

c) Có quy trình bào chế cho chế phẩm sản xuất trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; thông qua của Hội đồng khoa học (nếu có) và trình Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phê duyệt;

d) Phối hợp phù hợp với các dạng thuốc dùng kèm theo, không có tương tác bất lợi;

đ) Không lạm dụng thuốc.

2. Cách ghi chỉ định thuốc thực hiện theo quy định kê đơn thuốc y học cổ truyền.

3. Lựa chọn đường dùng căn cứ vào tình trạng người bệnh, mức độ bệnh lý, đặc điểm và tính chất của thuốc để ra y lệnh đường dùng thích hợp.

4. Tác dụng không mong muốn của thuốc (nếu có) được khuyến cáo cho điều dưỡng chăm sóc theo dõi và người bệnh (hoặc gia đình người bệnh).

5. Đối với dược liệu có độc tính dùng làm thuốc:

a) Phải kiểm soát chặt chẽ về liều dùng, đối tượng dùng, đường dùng và phải được chế biến theo đúng các quy định của Bộ Y tế;

b) Được chỉ định trong điều trị nhất thiết phải có sự thăm khám, tư vấn và theo dõi của thầy thuốc.

Điều 7. Tổ chức sắc thuốc và cấp phát thuốc

1. Tùy theo điều kiện của từng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Khoa Dược hoặc Khoa Y dược cổ truyền hoặc bộ phận chuyên trách chịu trách nhiệm sắc thuốc, cấp phát thuốc để sử dụng cho người bệnh.

2. Chống nhầm lẫn khi tiến hành sắc thuốc: đánh số vào thang thuốc, phiếu, ấm sắc thuốc, bình đựng thuốc trước và sau khi sắc thuốc; phải có tủ giá sắp xếp phân biệt thuốc chưa sắc, thuốc đang sắc dở, thuốc đã sắc xong.

3. Tổ chức phát thuốc hằng ngày và thuốc bổ sung theo y lệnh. Phát thuốc kịp thời để bảo đảm người bệnh được dùng thuốc.

4. Người chịu trách nhiệm về thuốc sắc phải có trình độ chuyên môn về y dược cổ truyền từ trung cấp trở lên, được cập nhật liên tục kiến thức về dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền.

5. Có sổ xuất nhập hằng ngày để ghi chép số thang thuốc đã nhận, đã giao và số còn lại trong ngày theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này.

6. Nơi sắc thuốc phải bảo đảm sạch sẽ, ngăn nắp.

7. Cách sắc thuốc thực hiện theo quy định tại Quyết định 26/2008/QĐ-BYT ngày 22 tháng 7 năm 2008 về việc ban hành quy trình kỹ thuật y học cổ truyền.

8. Thuốc sắc xong phải lọc để bỏ bã và cặn thô.

9. Đối với những bài thuốc có chứa dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền có độc tính: sau khi đã sắc xong, bã thuốc phải lưu riêng từng bệnh nhân ít nhất 24 giờ kể từ khi cấp phát thuốc cho bệnh nhân để hồi cứu khi cần thiết.

Điều 8. Kiểm soát quá trình cấp phát, sắc thuốc

1. Người phụ trách việc sắc thuốc phải ký nhận với người giao thuốc những thuốc cần sắc và chịu trách nhiệm về số lượng thang thuốc cũng như chất lượng thuốc đã nhận sắc.

2. Thủ trưởng đơn vị tổ chức kiểm tra đột xuất hoặc định kỳ việc cấp phát, sắc thuốc trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Điều 9. Chế độ báo cáo

1. Khi xảy ra tai biến, nhầm lẫn về sử dụng thuốc, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải xử lý ngay và báo cáo về cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp.

2. Báo cáo phản ứng có hại của thuốc về cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp và Trung tâm Quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc theo đúng quy định của pháp luật.

3. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế, thuộc các Bộ khác (trừ Bộ Quốc phòng) và bệnh viện tư nhân báo cáo công tác dược cổ truyền định kỳ hàng năm về Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) trước ngày 15/10 theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này và báo cáo đột xuất khi được yêu cầu.

4. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều này báo cáo công tác dược cổ truyền định kỳ hàng năm về Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước ngày 15/10 theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này và báo cáo đột xuất khi được yêu cầu. Sở Y tế có trách nhiệm tổng hợp và báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 30/11 hằng năm.

Thông tư 05/2014/TT-BYT quy định việc sử dụng dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền trong cơ sở khám, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 05/2014/TT-BYT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 14/02/2014
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Thị Xuyên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/04/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra