Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 05/1999/TT-NHNN1

Hà Nội, ngày 05 tháng 11 năm 1999

THÔNG TƯ

CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM SỐ 05/1999/TT-NHNN1 NGÀY 05 THÁNG 11 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN KHOẢN 2, ĐIỀU 5, QUYẾT ĐỊNH SỐ 215/1998/QĐ-TTG NGÀY 4/11/1998 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TỔ CHỨC HUY ĐỘNG, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN VỐN TIẾT KIỆM BƯU ĐIỆN

Thi hành Khoản 2, Điều 5, Quyết định số 215/1998/QĐ-TTg ngày 4/11/1998 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn tiết kiệm bưu điện, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện như sau:

1. Về giám sát, kiểm tra lãi suất huy động, chuyển tiền và công tác an toàn kho quỹ của hệ thống dịch vụ tiết kiệm bưu điện:

1.1. Thanh tra Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm giám sát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của hệ thống dịch vụ tiết kiệm bưu điện về lãi suát huy động tiết kiệm bưu điện, đảm bảo lãi suất huy động tiết kiệm bưu điện do Tổng Công ty Bưu chính - Viễn thông quy định phù hợp với lãi suất thị trường, phù hợp với mặt bằng lãi suất của từng thời điểm, bảo đảm huy động được vốn theo kế hoạch.

1.2. Thanh tra Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm giám sát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của toàn bộ hệ thống dịch vụ tiết kiệm bưu điện về chuyển tiền và công tác an toàn kho quỹ, đảm bảo hệ thống dịch vụ tiết kiệm bưu điện phải thực hiện các quy định của Ngân hàng Nhà nước như sau:

a. Về kho tiền và các trang thiết bị, phương tiện chuyên dùng đảm bảo an toàn kho quỹ:

- Các đơn vị trực tiếp làm dịch vụ tiết kiệm bưu điện bố trí nơi giao dịch tiền mặt, xây dựng kho tiền, trang bị xe ô tô chuyên dùng để vận chuyển tiền và các phương tiệ chuyên dùng khác, trang thiết bị an toàn kho quỹ theo tiêu chuẩn kỹ thuật do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định.

- Tại nơi giao dịch trang bị két sắt đảm bảo an toàn để bảo quản tài sản trong ngày. Trước mắt, tiền mặt tồn quỹ cuối ngày (nếu chưa có kho tiền đủ điều kiện an toàn) phải gửi theo hòm có niêm phong vào kho tiền Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

b. Về tổ chức thực hiện thu, chi, bảo quản, vận chuyển tiền mặt, ngân phiếu thanh toán:

- Tổng giám đốc Tổng Công ty Bưu chính - Viễn thông có trách nhiệm hướng dẫn bằng văn bản trong toàn hệ thống dịch vụ tiết kiệm bưu điện việc thu chi tiền mặt, ngân phiếu thanh toán giữa Bưu điện với khách hàng, giao nhận tiền mặt, ngân phiếu thanh toán giữa bưu điện với ngân hàng; việc bảo quản tiền mặt, ngân phiếu thanh toán tại nơi giao dịch và trong kho tiền; quản lý kho tiền; vận chuyển tiền hàng đặc biệt, kiểm tra, kiểm kê tiền mặt, ngân phiếu thanh toán cuối ngày; xử lý thừa thiếu tài sản theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước

- Thu, chi tiền mặt giữa Bưu điện và khách hàng, giữa Bưu điện với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện kiểm đếm theo tờ hoặc thu theo túi niêm phong theo quy định tại Điều 12 Quyết định số 247/1999/QĐ-NHNN6 ngày 14/07/1999 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành chế độ giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá.

- Thu, chi ngân phiếu thanh toán giữa Bưu điện với khách hàng, giữa Bưu điện với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện kiểm đếm theo tờ theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 22 Quyết định số 247/1999/QĐ-NHNN6 ngày 14/07/1999 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành Chế độ giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá.

c. Về quản lý tiền mẫu: Thực hiện theo Quyết định số 179/1999/QĐ-NHNN6 ngày 22/05/1999 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành Quy chế quản lý tiền mẫu, tiền lưu niệm.

Ngân hàng Nhà nước cung cấp tiềm mẫu (loại mới phát hành) đến Bưu điện tỉnh, thành phố.

d. Về xử lý tiền, ngân phiếu thanh toán giả, nghi giả, bị phá hoại: Thực hiện theo điểm 2.2 Mục 2 Văn bản số 10/NH-NV ngày 11/03/1996 của Ban chỉ đạo thực hiện Thông tư liên bộ hướng dẫn trách nhiệm Thông tư liên bộ số 14/TTLB ngày 4/11/1992 của Liên bộ Ngân hàng Nhà nước và Bộ Nội vụ về công tác bảo vệ an ninh và tài sản Nhà nước do ngành Ngân hàng quản lý và bảo quản.

c. Về thu hồi và đổi tiền giấy, ngân phiếu thanh toán không đủ tiêu chuẩn lưu thông: Thực hiện theo Quyết định số 249/1999/QĐ-NHNN6 ngày 15/07/1999 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành Quy định về việc thu hồi và đổi tiền giấy, ngân phiếu thanh toán không đủ tiêu chuẩn lưu thông.

1.3. Thanh tra Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về kết quả giám sát, kiểm tra và kiến nghị các biện pháp bảo đảm thi hành pháp luật về lãi suất huy động, chuyển tiền và công tác an toàn kho quỹ của hệ thống dịch vụ tiết kiệm bưu điện.

1.4. Khi kiểm tra, giam sát hệ thống dịch vụ tiết kiệm bưu điện Thanh tra Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện đúng quyền hạn và trách nhiệm thanh tra theo quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm trước Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và trước pháp luật về kết luận kiểm tra và mọi hành vi, quyết định của mình.

2. Về đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nhân viên bưu điện làm dịch vụ tiết kiệm bưu điện:

2.1. Hàng năm, Tổng Công ty Bưu chính - Viễn thông xã định nhu cầu, xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhân viên làm dịch vụ tiết kiệm bưu điện (chia ra từng quý) gửi Ngân hàng Nhà nước (Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo), trong đó ghi rõ: số lượng, thời gian đào tạo, dự kiến địa điểm, nội dung đào tạo, đặc biệt là nội dung về tập huấn nghiệp vụ chống giả tiền mặt, ngân phiấu thanh toán và ngoại tệ cho cán bộ kiểm ngân, thủ quỹ.

2.2. Ngân hàng Nhà nước căn cứ nhu cầu, kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhân viên làm dịch vụ tiết kiệm bưu điện của Tổng Công ty Bưu chính - Viễn thông để xây dựng nội dung đào tạo, bồi dưỡng.

2.3. Việc tổ chức thực hiện: Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị và cung cấp tài liệu, cử cán bộ giảng dạy thực hiện chương trình, tổ chức đánh giá kết quả đào tạo bồi dưỡng nhân viên bưu điện làm dịch vụ tiết kiệm. Tổng Công ty Bưu chính - Viễn thông thực hiện việc triệu tập, bố trí nơi ăn ở, học tập cho học viên, quản lý lớp học và thanh toán các khoản chi phí về đào tạo bồi dưỡng, tham gia đánh giá kết quả đào tạo bồi dưỡng.

3. Về cung ứng dịch vụ thanh toán cho dịch vụ tiết kiệm bưu điện:

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phối hợp với Tổng Công ty Bưu chính - Viễn thông thống nhất việc mở, sử dụng tài khoản phân tích "Tiền gửi dịch vụ tiết kiệm bưu điện" trong tài khoản tiền gửi vốn chuyên dùng, cung ứng dịch vụ thanh toán tiện lợi cho dịch vụ tiết kiệm bưu điện theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước.

4. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

5. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tổng Công ty Bưu chính - Viễn thông chịu trách nhiệm thực hiện các quy định trong Thông tư này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời để Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, bổ sung, sửa đổi.

Dương Thu Hương

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 05/1999/TT-NHNN1 hướng dẫn Khoản 2, Điều 5, Quyết định 215/1998/QĐ-TTg về việc tổ chức huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn tiết kiệm bưu điện do Ngân hàng Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 05/1999/TT-NHNN1
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 05/11/1999
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Dương Thu Hương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/11/1999
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản