Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ TÀI CHÍNH - BỘ THUỶ LỢI | VIỆT |
Số: 04-TTLB-TLTC | Hà Nội, ngày 12 tháng 03 năm 1964 |
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ VỐN KIẾN THIẾT CƠ BẢN CÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI Ở CÁC ĐỊA PHƯƠNG
Hiện nay, công tác thủy lợi ngày càng phát triển, số vốn đầu tư vào các công trình thủy lợi ngày càng nhiều.
Ở mỗi tỉnh, thường có các nguồn vốn như sau:
- Vốn do Trung ương đầu tư (đại thủy nông);
- Vốn do Trung ương trợ cấp cho tỉnh (trung thủy nông);
- Vốn do địa phương đầu tư (trung và tiểu thủy nông).
Ngoài ra, có những loại công trình do nhân dân tự bỏ công ra làm.
Tất cả các nguồn vốn đó đều có liên quan với nhau và hỗ trợ lẫn nhau nhằm đảm bảo số kinh phí cần thiết cho việc xây dựng một màng lưới thủy lợi hoàn chỉnh phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp ở địa phương, do đó đều thuộc phạm vi trách nhiệm của địa phương.
Để công tác quản lý được sát thực và kịp thời, nhằm thúc đẩy hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước, liên Bộ quyết định những phương pháp như sau:
A. ĐỐI VỚI CÁC CÔNG TRÌNH THUỘC VỐN CỦA TRUNG ƯƠNG
Các công trình thuộc vốn của Trung ương dĩ nhiên đều do Bộ Thủy lợi chịu trách nhiệm quản lý công việc xây dựng, bao gồm cả việc quản lý vốn, nhưng có thể Công ty Xây lắp của Bộ Thủy lợi phụ trách thi công một số công trường đầu mối hoặc giao cho các tỉnh phụ trách thi công (toàn bộ hay bộ phận công trình). Trong trường hợp giao cho các tỉnh thì sau khi thiết kế và dự toán toàn bộ hay dự toán những hạng mục công trình thi công trong năm kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê chuẩn, và công trình đã được ghi vào kế hoạch xây dựng cơ bản và ngân sách Nhà nước, Bộ Thủy lợi sẽ căn cứ vào các tài liệu nói trên, vào thời gian thi công và thời gian phải hoàn thành ghi trong kế hoạch xây dựng cơ bản, để ký hợp đồng với từng tỉnh và mỗi tỉnh chịu trách nhiệm trước Bộ chẳng những về xây dựng mà về cả mặt sử dụng vốn.
Như vậy, trong quá trình thi công, Ủy ban hành chính tỉnh chịu trách nhiệm lãnh đạo và chỉ đạo đối với toàn bộ công trường; Bộ Thủy lợi cử cán bộ hướng dẫn, giúp đỡ về mặt kỹ thuật. Nếu địa phương tổ chức thi công hợp lý, phát huy sáng kiến, tăng năng suất lao động, hạ giá thành xây dựng do đó mà tiết kiệm được vốn của Nhà nước (tức là chi ít hơn số kinh phí đã dự toán) mà vẫn bảo đảm được khối lượng, chất lượng, kỹ thuật công trình, bảo đảm đưa vào sản xuất đúng thời gian quy định thì số vốn tiết kiệm được (tức là số chênh lệch giữa giá dự toán được duyệt và giá thành thực tế) coi như lãi của đội nhận thầu; nếu đội này là của tỉnh thì số lãi đó nộp vào ngân sách tỉnh và tỉnh được sử dụng vào việc phát triển thủy lợi ở địa phương theo quy họach đã được duyệt (tất nhiên trong trường hợp Công ty Xây lắp thuộc Bộ thủy lợi nhận thầu thì số lãi phải nộp vào ngân sách trung ương theo như quy định hiện hành của Nhà nước).
Cần quản lý chặt chẽ, không được vượt dự toán, nếu trong quá trình thi công có xẩy ra những trường hợp bất thường (như gặp mạch nước, gặp cát lún v .v… ) đòi hòi phải thay đổi thiết kế, tăng thêm khối lượng v .v… thì cần lập biên bản có đại diện của Bộ Thủy lợi, Ban chỉ huy công trường và Chi hàng Kiến thiết ký nhận, trình lên Bộ quyết định, hoặc trình Chính phủ quyết định (nếu sự thay đổi vượt quyền hạn của Bộ chủ quản).
Ngược lại, nếu do địa phương tổ chức công trường không hợp lý, do không chấp hành đúng trình tự kiến thiết cơ bản, hoặc do sai lầm chủ quan khác, gây lãng phí, làm vượt giá dự toán thì Ủy ban hành chính tỉnh chịu trách nhiệm, không thể đặt vấn đề bù lỗ.
Khi hoàn thành công trình, Ủy ban hành chính chịu trách nhiệm đôn đốc Ban chỉ huy công trường quyết toán toàn bộ với Bộ Thủy lợi đúng theo các thể lệ, chế độ hiện hành.
B. ĐỐI VỚI CÁC CÔNG TRÌNH DO VỐN TRUNG ƯƠNG TRỢ CẤP TOÀN BỘ HAY MỘT PHẦN
Đối với các loại công trình này thì Ủy ban hành chính tỉnh xét duyệt nhiệm vụ thiết kế, thiết kế sơ bộ; Bộ Thủy lợi tham gia ý kiến và giúp đỡ về thiết kế hoặc về kỹ thuật khi thi công có gặp khó khăn.
Loại vốn này cũng cần phải được quản lý đúng theo chế độ quản lý vốn xây dựng cơ bản: phải chấp hành đầy đủ các thủ tục về trình tự kiến thiết cơ bản, tổ chức A, B rõ ràng,cấp phát qua Chi hàng Kiến thiết địa phương, Bộ Thủy lợi theo dõi và quản lý, kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng loại vốn này.
Nếu vì lý do gì mà không được thực hiện được hoặc không hoàn thành được công trình đã định thì phải hoàn lại cho Trung ương toàn bộ số trợ cấp hay số trợ cấp còn lại, tuyệt đối địa phương không được đem dùng vào việc khác, nếu không có sự thỏa thuận của Trung ương.
Hàng năm, các Ban chỉ huy công trường phải quyết toán đầy đủ với Ủy ban hành chính tỉnh và tỉnh phải báo cáo cho liên Bộ biết tình hình sử dụng các khoản trợ cấp và hiệu quả kinh tế của nó. Nếu sau khi hoàn thành khối lượng đã định mà còn thừa kinh phí do tiết kiệm được vốn theo những điều kiện như đã nói ở mục A trên đây thì cũng giải quyết như đã ghi ở mục A.
C. ĐỐI VỚI CÁC CÔNG TRÌNH GHI VÀO KẾ HỌACH XÂY DỰNG CƠ BẢN CỦA ĐỊA PHƯƠNG VÀ DO ĐỊA PHƯƠNG ĐẦU TƯ
Các Ủy ban hành chính giao trách nhiệm rõ ràng cho các Ty Thủy lợi, Tài chính và Chi hàng Kiến thiết tỉnh, trong việc quản lý số vốn này, phải chấp hành đầy đủ các chế độ, thể lệ và quản lý vốn xây dựng cơ bản của Nhà nước đã ban hành.
Hàng năm, Ủy ban hành chính báo cáo cho liên Bộ biết tình hình thực hiện kế hoạch xây dựng cơ bản thủy lợi của tỉnh về các công trình do tỉnh đầu tư nằm trong quy họach thủy lợi toàn diện và có liên quan mật thiết đến việc đầu tư của Trung ương, cần có sự tập trung thống nhất lãnh đạo.
D. VẤN ĐỀ SỬ DỤNG KHOẢN THU THỦY LỢP PHÍ Ở CÁC HỆ THỐNG NÔNG GIANG
Nguyên tắc quản lý là các địa phương phải tập trung sử dụng khoản thu về thủy lợi phí về công tác quản lý và tu bổ các hệ thống nông giang, không được đem dùng làm việc khác.
Nhiệm vụ của các Sở, Ty Thủy lợi và Sở, Ty Tài chính
Từ trước đến nay, các Sở, Ty Thủy lợi chưa chú ý đúng mức đến việc quản lý số vốn đầu tư của Trung ương ở địa phương và thường khoán trắng các Ban chỉ huy công trường. Đối với vốn đầu tư vào các công trình đê, kè, cống thì thường khoán trắng cho các huyện, xã. Nhiều Sở, Ty Tài chính chưa thực sự giúp đỡ các Sở, Ty Thủy lợi trong việc chấp hành các chế độ tài chính cũng như chưa chú trọng việc hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ tài vụ kế toán. Đối với các Ban chỉ huy công trường thủy lợi, cơ quan tài chính địa phương cũng như chưa chú ý kiểm tra, giám đốc chặt chẽ việc sử dụng vốn.
Để bổ cứu tình trạng đó, liên Bộ đề nghị với Ủy ban hành chính:
1. Giao rõ trách nhiệm cho các Sở, Ty Thủy lợi phải theo dõi việc thực hiện kế hoạch xây dựng cơ bản của toàn ngành ở địa phương bao gồm: phần do Trung ương đầu tư, phần do địa phương đầu tư và phần do dân làm. Hàng quý, năm, các Sở, Ty Thủy lợi phải báo cáo tình hình xây dựng cũng như tình hình chi tiêu của tất cả các công trình thuộc của từng loại vốn cho Ủy ban hành chính và sao gửi cho liên Bộ. Trong mỗi báo cáo, không những chú ý về mặt kinh tế, về mặt quan hệ giữa các loại công trình đại, trung, tiểu thủy nông, thủy điện…mà còn phải có ý kiến nhận xét và đề nghị về mặt sử dụng vốn.
2. Tạo điều kiện cho các Sở, Ty Tài chính giúp đỡ các ngành ở địa phương trong việc chấp hành các chế độ tài chính, cũng như trong việc đào tạo và bồi dưỡng nghiệm vụ kế toán, tài vụ, đặc biệt là đối với các Ban chỉ huy công trường thủy lợi là những đơn vị trên thực tế được Ủy ban hành chính giao nhiệm vụ nhận thầu (B) đối với các công trình thuộc vốn trung ương.
Nhiệm vụ của các Chi hàng Kiến thiết là:
a) Cấp phát vốn xây dựng cơ bản kịp thời và đúng chế độ, giúp đỡ các đơn vị giải quyết các khó khăn mắc mứu để đảm bảo cấp phát được kịp thời gian và đúng chế độ.
b) Cung cấp vốn cho vay ngắn hạn khi cần thiết theo chế độ cho vay ngắn hạn về xây dựng cơ bản.
c) Giám đốc bằng đồng tiền mọi hoạt động kinh tế và tài chính của các đơn vị để:
- Đảm bảo trình tự xây dựng cơ bản;
- Thúc đẩy hạch toán kinh tế, quán triệt tiết kiệm;
- Thúc đẩy nâng cao hiệu suất của tiền vốn;
- Thúc đẩy hoàn thành kế họach xây dựng cơ bản về khối lượng và chất lượng;
- Góp ý kiến xây dựng và điều chỉnh kế hoạch đầu tư và kế hoạch tài vụ xây dựng cơ bản năm và quý.
d) Ngoài các báo cáo thường kỳ cho Ngân hàng Kiến thiết trung ương, hàng quý và mỗi khi cần thiết, phải báo cáo về Bộ Tài chính (Vụ Tài vụ nông lâm thủy lợi) về tình hình xây dựng cơ bản thủy lợi (trung ương và địa phương) như tốc độ xây dựng, giá trị khối lượng hoàn thành, tình hình sử dụng vốn, hiệu quả của tiền vốn, khối lượng đưa vào sản xuất diện tích tưới tiêu v .v… và những kiến nghị của Chi hàng.
Trên đây là những biện pháp cụ thể nhằm tăng cường từng bước công tác quản lý vốn kiến thiết cơ bản góp phần đẩy mạnh tốc độ thi công tác công trình thủy lợi.
Trong quá trình thực hiện, nếu có điểm nào cần bổ sung hoặc giải thích thêm, đề nghị các địa phương phản ánh kịp thời cho liên Bộ nghiên cứu giải quyết.
Thông tư này thi hành kể từ ngày ký.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ THỦY LỢI | KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH |
Thông tư 04-TTLB-TLTC-1964 về việc tăng cường quản lý vốn kiến thiết cơ bản các Công trình thủy lợi ở các địa phương do Bộ Thuỷ lợi- Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 04-TTLB-TLTC
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 12/03/1964
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính, Bộ Thuỷ lợi
- Người ký: Phan Mỹ, Trịnh Văn Bính
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 8
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra