Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN-BỘ NỘI VỤ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 04-TTLB | Hà Nội, ngày 04 tháng 02 năm 1958 |
VỀ VIỆC TỔ CHỨC ĐƯỜNG THƯ TRONG HUYỆN VÀ TRẠM BƯU CHÍNH XÃ Ở ĐỒNG BẰNG VÀ TRUNG DU
Kính gửi: | - Ủy ban Hành chính các liên khu, |
Hiện nay tình hình giao thông liên lạc trong huyện nói chung chưa được củng cố chặt chẽ. Việc chuyển và phát công văn, thư từ, báo chí còn chậm, nhầm lẫn, thất lạc; quyền tự do thư tín của nhân dân nhiều nơi không được tôn trọng.
Sở dĩ có tình trạng đó vì:
- Tổ chức bưu điện ở nông thôn hiện nay có nhiều chỗ chưa hợp lý, chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu thông tin của nhân dân ngày càng tăng. Thông tư 1885-TT/LB ngày 04-12-1953 của Liên bộ Giao thông Công chính và Nội vụ quy định tổ chức trạm bưu điện nông thôn, có một số điểm không được thích hợp với hoàn cảnh thực tế hiện nay.
- Việc phân cấp quản lý cho chính quyền các cấp đối với công tác giao thông liên lạc trong huyện chưa được quy định cụ thể, do đó nhiều địa phương lúng túng chưa rõ trách nhiệm.
- Quyền lợi kinh tế, chính trị của trưởng trạm và giao thông viên xã có chỗ chưa được thỏa đáng. Tư tưởng coi nhẹ công tác giao thông liên lạc vẫn còn phổ biến. Nhiều xã chọn trẻ em, người già yếu, tàn tật vào phụ trách công tác giao thông liên lạc nên không đảm bảo được công tác. Nhiều địa phương giao nhiệm vụ quá nhiều cho trưởng trạm và giao thông viên, khiến anh em phải mất nhiều thì giờ thoát ly sản xuất.
Tình trạng trên cần được chấn chỉnh để kịp thời đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc hiện nay của nhân dân và sự chỉ đạo của Đảng và Chính phủ. Do đó Liên bộ Giao thông và Bưu điện và Nội vụ quy định nguyên tắc về tổ chức và quản lý đường thư trong huyện nhằm làm cho việc giao thông liên lạc từ huyện về xã, xóm được điều hòa đảm bảo thư từ, báo chí, công văn, tài liệu, v.v… đến nay người nhận được nhanh chóng, an toàn.
I. TỔ CHỨC VÀ NHIỆM VỤ TRẠM BƯU CHÍNH XÃ
a) Tổ chức trạm bưu chính xã:
- Thành lập ở mỗi xã một trạm bưu chính xã.
- Trạm bưu chính xã là tổ chức chuyên môn của chính quyền xã, đồng thời cũng là đơn vị khai thác cuối cùng của bưu điện nằm trong hệ thống tổ chức của ngành bưu điện, chịu sự lãnh đạo hai chiều: của Ủy ban Hành chính xã và của phòng Bưu điện huyện.
- Trạm bưu chính xã có một trưởng trạm phụ trách và một số giao thông viên giúp việc, (căn cứ vào nhu cầu của xã để quy định số giao thông viên, có thể một hay hai, ba xóm có một giao thông viên).
- Trạm bưu chính xã nên đặt trụ sở ở gần hoặc đặt chung tại trụ sở Ủy ban Hành chính xã để tiện sự lãnh đạo, kiểm soát và giúp đỡ của ủy ban. Nơi nào thấy việc đặt trụ sở như trên có trở ngại cho việc trao đổi gói thư hàng ngày với phòng bưu điện huyện thì có thể đặt trụ sở ở nơi tiện đường liên lạc với huyện; điều cốt yếu là không trở ngại cho việc liên lạc với huyện và không trở ngại đến công tác ở xã.
b) Nhiệm vụ của trạm bưu chính xã:
Trạm bưu chính xã có những nhiệm vụ cụ thể sau đây:
- Liên lạc trao đổi gói thư với phòng bưu điện huyện hoặc các trạm trung tâm do phòng bưu điện huyện tổ chức, hoặc do giao thông viên của phòng huyện tới trạm để giao nhận gói thư.
- Phát công văn, thư từ, báo chí của phòng bưu điện chuyển về cho các cơ quan đoàn thể trong xã và nhận công văn, thư từ của các cơ quan, đoàn thể trong xã gửi lên huyện; phát thư từ báo chí co nhân dân trong xã và nhận thư từ của nhân dân chuyển lên phòng bưu điện huyện.
- Điều khiển liên lạc giữa xã và xóm.
- Bán tem, bán bưu thiếp.
- Cổ động nhân dân mua báo, thu nhận tiền của nhân dân mua báo, hướng dẫn nhân dân cách mua báo.
II. - CHẾ ĐỘ CÔNG TÁC CỦA TRƯỞNG TRẠM VÀ GIAO THÔNG VIÊN
a) Trưởng trạm xã.
- Trưởng trạm bưu chính xã làm việc theo chế độ bán thoát ly (mỗi ngày làm việc một buổi) như các cán bộ bán thoát ly khác ở xã, trực tiếp làm các công việc đã quy định ở phần nhiệm vụ trạm bưu chính xã.
- Ở những xã trưởng trạm không phải đi trao đổi gói thư thì phải trực tiếp phụ trách phát thư từ, báo chí, công văn cho một số xóm, nhiều ít tùy theo từng nơi.
- Trưởng trạm phải thường trực tại trạm trong một số thì giờ nhất định hàng ngày, do Ủy ban Hành chính xã cũng phòng bưu điện huyện quy định. Ở những nơi trưởng trạm phải đi trao đổi gói thư, thì giờ thường trực có thể ít hơn những nơi trưởng trạm không phải đi trao đổi thư.
b) Giao thông viên xã:
- Giao thông viên xã là giao thông viên làm nhiệm vụ từ xã về xóm, Ủy ban Hành chính xã và trưởng trạm bưu chính xã sẽ quy định số thì giờ làm việc cho giao thông viên xã và nên thu xếp giờ làm việc vào buổi trưa hay buổi chiều để đỡ ảnh hưởng đến sản xuất. Mỗi ngày giao thông viên xã làm việc không quá 2 giờ.
- Giao thông viên xã chịu trách nhiệm liên lạc thường xuyên giữa xã và xóm, phát công văn của các đoàn thể xã gửi về các xóm và phát thư từ, báo chí cho nhân dân.
III. BỔ NHIỆM TRƯỞNG TRẠM, GIAO THÔNG VIÊN
a) Trưởng trạm bưu chính xã:
- Việc bổ nhiệm, và cho trưởng trạm bưu chính xã thôi việc do Ủy ban Hành chính huyện ra quyết định theo đề nghị của Ủy ban Hành chính xã sau khi hỏi ý kiến của phòng bưu điện huyện.
- Khi cần thay đổi trưởng trạm, Ủy ban Hành chính xã đề nghị Ủy ban Hành chính huyện quyết định và có ý kiến của phòng bưu điện huyện, chưa có ý kiến của Ủy ban Hành chính huyện thì các xã không được tự động thay người.
- Trường hợp trưởng trạm ốm đau thì Ủy ban Hành chính xã có thể cử người thay thế trong thời gian trưởng trạm không công tác được để việc liên lạc với phòng bưu điện huyện khỏi gián đoạn. Nếu ốm đau lâu ngày xét không thể đảm đương công tác được thì Ủy ban Hướng dẫn xã phải cử người khác và đề nghị Ủy ban Hướng dẫn huyện quyết định mới thi hành.
b) Giao thông viên xã:
- Do Ủy ban Hành chính xã chịu trách nhiệm tổ chức vận động người ở trong các tổ chức: nông hội, thanh niên, phụ nữ v.v… ra đảm nhiệm.
- Thời gian làm việc của giao thông viên xã do Ủy ban Hành chính xã cùng trưởng trạm bưu chính xã quy định cho sát với hoàn cảnh của từng nơi, nhưng nói chung không nên kéo dài quá 6 tháng.
IV. - QUYỀN LỢI CỦA TRƯỞNG TRẠM VÀ GIAO THÔNG VIÊN
a) Trưởng trạm bưu chính xã:
- Được hưởng hàng tháng một khoản trợ cấp là 18 cân gạo (bằng tiền hoặc 1 phần bằng tiền, 1 phần bằng gạo).
b) Giao thông viên xã. Nói chung không có trợ cấp.
c) Trưởng trạm xã cũng như giao thông viên xã được miễn mọi tạp dịch và được miễn đi dân công trong thời gian công tác.
- Được tính nhân khẩu thuế nông nghiệp, được dự các cuộc họp bàn bạc các công việc chung của xã, xóm, hoặc có quan hệ đến công tác do trạm phụ trách, được dựa các lớp huấn luyện và hội nghị chuyên môn do bưu điện tổ chức. Trưởng trạm được hưởng những quyền lợi về chính trị như các cán bộ phụ trách các ngành các giới ở xã.
- Trong công tác, trưởng trạm và giao thông viên nếu có thành tích sẽ được khen thưởng (giấy khen, bằng khen v.v…) do Ủy ban Hành chính xã khen thưởng hoặc đề nghị lên cấp trên khen thưởng hoặc đề nghị lên cấp trên khen thưởng; nếu vì thiếu tinh thần trách nhiệm, gây chậm trễ, thất lạc công văn, thư từ, báo chí, mất tiền báo… sẽ bị thi hành kỷ luật.
- Ngoài ra tại các xã, để khuyến khích trưởng trạm và giao thông viên xã, người nào trực tiếp bán được tem, bưu thiếp hay cổ động được độc giả mua bán sẽ được hưởng hoa hồng như sau:
Tem, bưu thiếp: 10% số tiền tem, bưu thiếp bán được.
Báo chí: 10% số tiền báo chí bán được.
V. – VẤN ĐỀ KINH PHÍ VÀ CHI TIÊU
Trong thời gian chờ đợi Bộ Tài chính nghiên cứu quy định mức kinh phí và chi itêu, các địa phương cần giữ nguyên hiện trạng hiện nay. Hàng tháng căn cứ vào bản kê của bưu điện, Ty hay Sở Tài chính sẽ thanh toán trực tiếp với Ty hay Sở Bưu điện theo tiêu chuẩn 30 cân gạo cho mỗi xã trong mỗi tháng, để bưu điện có điều kiện chấn chỉnh đường thư từ huyện xuống xã được tốt.
Công văn từ huyện xuống xã và ngược lại của các cơ quan Dân, Chính, Đảng huyện, xã đều không phải dán tem.
Những cơ quan khác như tỉnh đội, huyện đội, quốc doanh có cơ sở tổ chức ở xã hay không, nếu có công văn tài liệu gửi từ huyện xuống xã, không thuộc ngân sách xã hay ngân sách quốc gia đài thọ thì vẫn phải dán tem như thể lệ hiện hành.
VI. TRÁCH NHIỆM CỦA BƯU ĐIỆN VÀ ỦY BAN HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI TRẠM BƯU CHÍNH XÃ
a) Trách nhiệm của bưu điện.
Để đảm bảo liên lạc giữa huyện với xã được thông suốt đúng kỳ hạn và để trạm bưu chính xã có thể thực hiện được đầy đủ nhiệm vụ của mình.
Ngành Bưu điện có trách nhiệm:
1. – Quản lý chặt chẽ đường thư từ huyện xuống xã.
2. – Tổ chức, huấn luyện, hướng dẫn, kiểm soát công việc của trạm về việc thi hành thể lệ chuyên môn.
3. – Cung cấp tài liệu chuyên môn, phương tiện, sổ sách, giấy tờ về khai thác cho trạm.
4. – Trực tiếp thanh toán trợ cấp cho trưởng trạm và giao thông viên huyện (do mình phụ trách tổ chức chạy từ huyện xuống xã) thanh toán tiền đò ngang trên các chặng đường cần thiết v.v…
b) Trách nhiệm của Ủy ban Hành chính xã.
- Cử người có tinh thần phục vụ, có khả năng và uy tín giữ nhiệm vụ trưởng trạm bưu chính xã, đảm bảo đúng mức quyền lợi của trưởng trạm và giao thông viên xã, sử dụng bưu điện hợp lý trong phạm vi công tác đã quy định cho trạm bưu chính xã.
2. – Lãnh đạo chặt chẽ về phương diện chính trị và hành chính, giáo dục tư tưởng, đôn đốc và kiểm soát trạm thực hiện kế hoạch công tác chuyên môn; chú ý đặc biệt tổ chức liên lạc giữa xã về xóm.
3. – Giúp đỡ phương tiện làm việc cho các trạm, cung cấp văn phòng phẩm cho trạm dùng vào việc tổ chức, phân phát công văn từ xã về xóm.
Việc chấn chỉnh trạm bưu chính xã và đường thư trong huyện hết sức cần thiết. Liên bộ mong Ủy ban Hành chính các cấp khi nhận được thông tư này cần có kế hoạch chấn chỉnh và chỉ thị cho các cấp chính quyền huyện, xã thi hành.
Tổng cục Bưu điện chịu trách nhiệm nghiên cứu tình hình cụ thể đối chiếu với thông tư, có kế hoạch cụ thể về phương diện nghiệp vụ, tài vụ hướng dẫn các Khu, Ty, Sở Bưu điện thi hành.
Những thông tư, chỉ thị trước trái với tinh thần thông tư này đều bãi bỏ.
Thông tư này chỉ áp dụng đối với đồng bằng và trung du; miền núi và các khu vực tự trị sẽ có hướng dẫn sau.
K.T. BỘ TRƯỞNG | K.T. BỘ TRƯỞNG |
Thông tư 04-TTLB năm 1958 về việc tổ chức đường thư trong huyện và trạm bưu chính xã ở đồng bằng và trung du do Bộ Giao Thông và Bưu Điện- Bộ Nội Vụ ban hành
- Số hiệu: 04-TTLB
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 04/02/1958
- Nơi ban hành: Bộ Giao thông và Bưu điện, Bộ Nội vụ
- Người ký: Nguyễn Hữu Mai, Tô Quang Đẩu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 6
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra